Rồi hoa vẫn nở

Ảnh: Minh họa
Ảnh: Minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tết đã hết, dẫu xuân còn đương độ. Cứ tới mùa lễ hội nào được nghỉ, người ta lại vất vả săn từng chuyến xe về quê đôi ngày, rồi tất cả lại ùn ùn bắt xe trở về thành phố lớn.

Đời mỗi người trưởng thành chắc cũng chỉ có vậy, nhọc nhằn với những lo lắng của cuộc mưu sinh. Trên mỗi chuyến xe đi đi về về như thế, dễ nhận thấy những khuôn mặt nửa lạ, nửa quen. Nhiều người lắm khi không cần mở lời cũng đã biết đến từ đâu, xứ sở hay miền quê nào. Trên mặt họ vui tươi, thành thật và thường thì ít mơ mộng. Nếu tinh ý, ta có thể thấy được điều đó chỉ bằng cái nhìn thoảng qua, nhất là những người phải rời quê đi làm ăn xa mà ông bà ta trước đây thường có câu nghiệt ngã hơn để gọi là “tha phương cầu thực”.

Phải tha phương vì không biết từ bao giờ những cánh đồng bắt đầu bạc dần, bạc dần như lòng người không muốn níu giữ những khoảnh ruộng ông bà ngày xưa đổ mồ hôi sôi nước mắt để khai khẩn. Bạc dần vì lòng người không còn tin vào đất trời, cớ sao hạn mặn kéo dài để nước không về được đồng, trơ trơ những thân lúa héo úa, héo úa như khuôn diện những con người thở dài nói bâng quơ một điều hệ trọng: “Qua Tết chắc lên Sài Gòn kiếm việc”.

Vậy là đi, là thiên di. “Qua Tết” trở thành một cái dấu mốc mà sau đó là niềm vui bị bỏ lại, là tương lai bấp bênh không tỏ chìa bàn tay xương xẩu ra, là lìa góc sân khoảnh vườn để bắt đầu quen với khói bụi thị thành cùng dòng xe cộ xa lạ cứ lạnh lùng lao tới.

Có ai biết để có một chuyến đi lên thành phố như thế, nhiều người đành phải vét những đồng tiền cuối cùng để mua tấm vé rồi đây sẽ mang họ đến một chốn không thân thích, tay xách nách mang đi tìm việc vì phải có việc thì mới có tiền ăn hôm nay, ngày mai, có tiền thuê một phòng trọ ngủ qua đêm.

Trên những chuyến xe lên Sài Gòn, tôi thường gặp những mảnh đời như vậy. Có nhiều khuôn mặt, nhưng gần như lại có chung hoàn cảnh.

Mà có ai từng ngẫm về mối quan hệ giữa người với người trên những chuyến xe? Những người có duyên bị “nhốt” cùng trên một tuyến đường suốt mấy giờ đồng hồ, chia sẻ với nhau một không gian chật hẹp và cũng đôi khi buộc phải lắng nghe câu chuyện đời nhau, từ một cuộc điện thoại vội vàng, đến những lời tâm sự nhỏ to. Mỗi lần đi đi về về như con thoi giữa quê và thành phố, lần nào tôi cũng nghe những câu chuyện không phải cười ra nước mắt thì cũng ngậm ngùi. Có lẽ vì dịch bệnh mà những câu chuyện của những đứa con xa quê càng thấm cái giọng buồn buồn.

Như anh thanh niên nằm ở băng cạnh tôi trên chuyến xe lên Sài Gòn lần này. Anh đen đặc như một khối đồng, khuôn mặt khắc khổ không giấu được tuổi trẻ vẫn còn đang đầy phía trước. Nhìn thì chẳng lớn hơn tôi bao nhiêu tuổi, ấy thế mà đã có vợ có con. Đứa nhỏ chắc mới vừa thôi nôi nằm cạnh mẹ ở băng ghế trước, chốc chốc lại khóc ré lên. Mới đầu người mẹ chỉ cần vỗ về chút là nó nín, sau thì khóc không ai dỗ được, làm người trên xe cũng thấy phiền lòng theo.

Thấy vậy, anh chồng càm ràm: “Dỗ con cũng không xong!”. Miệng nói tay làm, anh lẳng lặng bò ra khỏi ghế rồi nhẹ nhàng đón đứa con vào lòng. Lạ là anh mới chạm vào đứa trẻ thì nó nín bặt. Anh đong đưa nó trong tay một hồi thì bị nhắc phải ngồi vào chỗ, thế là anh lại để đứa bé nằm im vào băng, còn mình ngồi co ro ở lối đi. Miệng lại càm ràm: “Để nó nằm một mình cho thoải mái”. Nói đoạn anh lại cố dựa vào thành giường trong lúc chiếc xe đi qua chỗ xóc.

“Sao đi sớm vậy?” người vợ nói vu vơ nhưng hướng đến chồng. Cái dáng gầy gầy cứ đung đưa trên chỗ ngồi.

“Hết tiền!”

“Sao không xin anh Hai?”

“Không thấy ảnh có cho tiền xe lên đây hả”

Im lặng.

“Rồi tiền đâu mướn nhà trọ?”

“Hỏi rồi. Cọc trước hai trăm thôi. Cuối tháng trả”.

Lại im lặng.

“Rồi định làm gì sống? Tự nhiên dưới quê không ở…”

“Dưới đó cũng biết làm gì đâu. Anh Hai đâu có cho tiền mình hoài được”.

Và đôi vợ chồng im lặng đến cuối cuộc hành trình.

Không chỉ mình tôi, có lẽ mọi người trên xe đều nghe được cuộc hội thoại đó và nếu nghe được, không biết họ có giống như tôi, thở dài vì một năm mờ mịt kể từ khi dịch bùng phát tới giờ. Những người trên xe trở lại Sài Gòn chắc hẳn cũng đã lờ mờ đoán ra điều gì đang chờ đón mình, nó biến mùa xuân không còn là mùa bắt đầu mà trở thành điểm mốc đánh dấu sự bất biến, không có gì thay đổi ở đây, lại một năm khó khăn đang chờ và chúng ta phải sống. Đôi vợ chồng trẻ kia, giờ này trong mắt họ chắc cũng chẳng nhìn ra được điều gì sáng sủa hơn ở tương lai mang tên thành phố. Nhưng họ vẫn phải đi. Đi vì không thể lưu lại mãi một chốn, đặc biệt là khi chốn ấy từ lâu cũng đã mất đi sự trù mật. Đi vì ngày Tết không thể kéo dài mãi mãi khi mà con trăng cũng cuộn mình tròn vạnh trên trời báo hiệu tháng Giêng đã đi quá nửa.

Tôi lưỡng lự có nên giúp hai vợ chồng chút tiền nhưng rồi lại thôi. Có lẽ họ đang vào thế ngặt nghèo, nhưng họ vẫn can trường bước tới, chẳng cần đến những người dưng nước lạt có ai giúp, ai thương. Lòng vẩn vơ nghĩ ngợi, xe đã cập bến lâu rồi. Tôi bắt thêm chặng taxi về nhà, lòng không mong đợi.

Ngôi nhà khóa trái hơn tuần nay, bụi phủ lớp mỏng lên đồ vật. Chỉ thương những chậu hoa trồng ở ban công, cả tuần không ai tưới nước, chắc chúng đã héo rũ. Vậy mà khi mở cửa ra xem, vẫn thấy những bông hoa nho nhỏ trước Tết không có, chẳng rõ từ khi nào đã bắt đầu nở bung dẫu chẳng cần ai tưới tắm. Có lẽ sức sống của những bông hoa bền bỉ hơn tôi tưởng, dù có bị lãng quên, dù có rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt thì chúng vẫn kiên cường. Có khi cũng do sức trời từ sương đêm nắng sớm đã tiếp cho chúng một nguồn sinh lực mà tôi chẳng ngờ tới để mà sống tiếp, vươn mình tiếp mà đơm hoa kết nụ. Tôi nghĩ vẩn vơ, chắc con người chúng ta cũng như những bông hoa kia, dù nhỏ bé nhưng vẫn mạnh mẽ bung mình, mà đôi khi sức vươn lên, kiên cường vượt qua nghịch cảnh chẳng tới từ ai khác ngoài chính mình… Tôi bỗng nghe một tiếng la thất thanh và tiếng réo gọi tên tôi của bà vợ vọng lên từ dưới bếp. Tôi thở dài quay xuống. Nữa rồi…

Lạ! Sức khuynh thành bạt vía mãnh liệt như vợ tôi lại chẳng thể tự mình đương đầu được với một con chuột nhắt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.