Quan Thế Âm Bồ-tát trong tín ngưỡng Thần tài của người Trung Quốc

Quan Thế Âm Bồ-tát trong tín ngưỡng Thần tài của người Trung Quốc
NSGN - Nói đến Thần tài, trong Phật giáo thường chỉ thấy nói đến các vị Thần tài trong Phật giáo Mật tông, như: Bảo Sanh Phật, Bảo Tàng Thần, Đa Văn Thiên Vương, Ngũ Tính Tài Thần... Vì thế mà không ít sách vở khi giới thiệu về Thần tài của Phật giáo, thường không đề cập đến Quan Âm cũng là một vị Thần Tài. Nhưng trong tâm thức của dân gian, Ngài là một vị cứu khổ cứu nạn, là vị Bồ-tát toàn năng, cho nên bao hàm cả việc ban phát tài lộc, và sự thật là ở nhiều địa phương tại Trung Quốc, đã có không ít các hoạt động kính ngưỡng, cầu tài... liên quan đến Thần tài Quan Âm.

Quan Âm, cũng gọi là “Quan Thế Âm”, “Quán Tự Tại”, “Quán Thế Tự Tại”. Quan Thế Âm, Phạn văn là: Avalokitesvara, nghĩa là quan sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ. Thời nhà Đường, vì kiêng kị tên của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, cho nên bỏ đi chữ “Thế” mà gọi là Quan Âm. Pháp lực của Quan Âm là vô biên, nhất là ở phương diện cứu nạn, giải tai ách... Theo kinh Phật, thì Ngài nghe tiếng kêu cứu mà đến giải thoát, Diệu pháp liên hoa kinh, Quan Thế Âm Bồ-tát Phổ môn phẩm viết:

“Bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo, bày vai bên hữu, chắp tay hướng Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ-tát Quan Thế Âm, do nhân duyên gì gọi là Quan Thế Âm?

Phật bảo Bồ-tát Vô Tận Ý: “Này Thiện nam tử! Nếu có vô lượng muôn ức chúng sanh đương chịu các khổ não, nghe danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, thiết tha xưng niệm, tức thời Bồ-tát Quan Thế Âm nghe được âm thanh kia, đều được giải thoát. Nếu có người trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, giá như lâm vào lửa lớn, lửa chẳng đốt đặng, vì nhờ oai lực Bồ-tát che chở vậy; hoặc bị dòng nước cuốn trôi, xưng danh hiệu Ngài liền gặp chỗ cạn. Nếu có trăm ngàn muôn ức chúng sanh ra khơi tìm các vật báu: trân châu, vàng bạc, lưu ly, xà cừ, san hô, hổ phách, chơi vơi ngoài biển cả; giả sử gió dữ thổi bạt ghe thuyền, lênh đênh trôi giạt, tấp vào nước quỷ La-sát; trong đoàn lâm nạn, nếu được một người biết xưng niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, trọn đoàn thảy đều giải thoát nạn quỷ La-sát. Vì nhân duyên kia nên gọi là Quan Thế Âm. Nếu lại có người sắp phải bị hại vì nạn gậy đao, xưng danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, dao gậy người cầm liền gãy từng đoạn mà đặng giải thoát. Nếu trong tam thiên đại thiên quốc thổ, quỷ Dạ-xoa cùng quỷ La-sát, đoàn lũ kéo về, muốn gây não hại, nghe xưng danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm, các quỷ kia không còn dùng được mắt dữ ngó người huống chi là gieo hại. Lại giả sử có người, hoặc có tội hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc vào thân, niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm gông xiềng thảy đều hư rã, liền đặng giải thoát...”(1)

quan tha am bo tat, Vien thong tu, tp con minh, tinh van nam.JPG

Quan Thế Âm Bồ tát, chùa Viên Thông, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Thái Hòa

Với pháp lực vô biên như vậy, nên ở Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Quan Âm đã có từ rất sớm và phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương, như ở tỉnh Phúc Kiến, chùa Quan Âm được xây dựng sớm nhất dưới thời nhà Tùy (581-618). Trong Tuyền Châu phủ chí thời Càn Long có viết: “Long Sơn tự, có từ thời nhà Tùy, trong đó thờ Phật ngàn tay ngàn mắt. Đến nay đã hơn ngàn năm”(2). Bước sang thời kỳ Đường, Tống, các địa phương ở tỉnh Phúc Kiến đều có chùa Quan Âm. Đến thời Minh, Thanh thì việc sùng bái Quan Âm đều có ở mọi nhà. Vì thế mà Tạ Triệu Chiết, người Minh, trong sách Ngũ tạp thư, quyển 15, đã đề cập đến một cách khá gay gắt khi thiên hạ sùng bái Quan Âm, Quan Đế... mà bốn vị thần phổ biến nhất “Ở nơi thâm sơn cùng cốc, có những bài vị mà không có ai dựng lên để thờ cúng và cầu phúc. Chẳng qua cũng chỉ là đàn bà con gái, kể cho họ nghe những chuyện về Chu Công, Khổng Tử chưa chắc họ đã biết. Nhưng 4 vị thần trong truyền thuyết sơn lâm tinh thông, lỗi lạc, người người đều kính phục, tên tuổi của họ trường tồn vĩnh cửu với thời gian”(3). Lương Chương Củ, người nhà Thanh cũng cho biết: “Nơi thờ tự trong các gia đình, không nhà nào là không thờ Quan Âm. Đàn bà con gái giữ việc chay tịnh, tụng kinh, nhất là sự tôn kính.” (Lương Chương Củ, Thoái am tùy bút, quyển 10 (Gia lễ)(4).

Qua đó cho thấy, tín ngưỡng Quan Âm trong dân gian ngày càng phát triển cực thịnh. Và lý do của sự phát triển này đã được viên quan Tri huyện Liên Giang, tỉnh Phúc Kiến là Vương Chương Tằng, đầu thời nhà Thanh, ghi lại đại ý rằng: Người người lúc bấy giờ sùng bái Tây thiên chư Phật, Nam Hải Quan Âm và Quan Đế, không tiếc tiền cho việc kiến tạo, xây dựng chùa miếu, là bởi họ thấy rằng, Tây thiên chư Phật và Nam Hải Quan Âm là “Hảo phúc lợi nhân”, còn Quan Đế thì nắm giữ then chốt của Họa - Phúc, cho nên thành kính sùng bái những vị thần linh này, mong được bảo hộ, cầu tài phúc, diệt trừ tai ương, địch họa. (Dân quốc Liên Giang tri huyện chí, quyển 2)(5). Theo cuộc điều tra năm 1930, tại Đài Loan (Trung Quốc), chùa Quan Âm có 392 chùa, năm 1985 tăng lên hơn 600 chùa(6).

Bên cạnh việc sùng bái Quan Âm là vị Bồ-tát cứu khổ cứu nạn, thì cũng có nhiều địa phương lấy việc thờ phượng Quan Âm là Thần Tài, như ở Hồng Kông, Đài Loan, Quảng Đông... từ thời xa xưa, mỗi năm đều có tổ chức tập tục “Quan Âm khai khố”. Liên quan đến tập tục này, có nhiều truyền thuyết khác nhau, nhưng phổ biến nhất là 3 câu chuyện sau:

1. Thời Quan Âm còn tu đạo, có 500 vị Hộ pháp La-hán vì muốn thử thách pháp lực của Quan Âm đại sĩ nên đã hóa thành Hòa thượng, đến miếu Quan Âm hóa duyên, xin cơm. Quan Âm từ trước đã được biết đến là người có lòng từ bi, hướng thiện, nên khi thấy các vị Hòa thượng liền mở rộng kho, cung cấp cho họ đầy đủ thức ăn, vật phẩm. Sau khi các vị Hòa thượng ăn xong, thì phân phát cho người nghèo. Từ đó về sau, hàng năm cứ đến ngày này là ngày “Quan Âm khai khố”.

2. Có một chàng thanh niên lên núi cúng bái Quan Âm, nhưng vì người hành lễ quá đông nên không chen vào được. Anh ta bèn nằm nghỉ tại sườn núi, trong lúc ngủ thì mơ thấy Bồ-tát cho anh ta mượn tiền kinh doanh và rất phát tài, khi tỉnh dậy đã là nửa đêm. Trở về, anh ta kinh doanh quả thật rất phát đạt, thịnh vượng, tiền vào như nước, tiếng lành đồn xa. Về sau, mọi người lấy ngày anh ta nằm mơ (26 tháng Giêng) làm ngày “Quan Âm khai khố”. 

3. Tương truyền vào thời xa xưa, có một vùng đất bị hạn hán, người dân không thu hoạch được lúa gạo, nhà nhà đang chịu cảnh đói khát khổ sở, đột nhiên vào ngày 26 tháng Giêng xuất hiện một thiếu nữ vác hai túi gạo và tiền đến từng nhà một để phát cho mọi người, kỳ lạ thay, tuy phát gần hết cả một làng nhưng túi gạo và tiền vẫn không thấy vơi bớt. Sau khi phát xong, thiếu nữ mỉm cười vẫy tay chào mọi người và biến mất vào cõi hư không, sau đó trên bầu trời xuất hiện một vị Bồ-tát chắp tay mỉm cười nhìn mọi người. Đến lúc này, mọi người mới vỡ lẽ rằng cô thiếu nữ vừa phát gạo và tiền chính là Quan Âm Bồ-tát xuất hiện cứu giúp mọi người. Chính vì vậy, từ đó về sau, vào đúng ngày 26 tháng Giêng hàng năm, dân chúng lại nô nức tụ tập về các miếu thờ Quan Âm để cùng tổ chức lễ hội Bà Quan Âm mở kho tiền.

Trong nửa đêm 25 và kéo dài cho đến đêm ngày 26 tháng Giêng, ở các miếu Quan Âm, thường có hàng trăm, hàng vạn người đến đây “mượn tiền” hoặc “báo đáp ơn thần”(7). Ở Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông cũng có tục này và được Lưu Cư Thượng ghi chép trong Trung Sơn văn sử ở mục 52 như sau: “Ngày tổ chức “Quan Âm khai khố”. Các thiện nam tín nữ muốn cầu tài thì nửa đêm canh ba đến trong miếu, yên lặng xếp hàng, tóc bối cao, đốt hương. Sau đó thò tay vào trong gian thờ thần của Quan Âm tìm kiếm một tập giấy, trên đó viết hoặc nhiều hoặc ít kim ngạch (mức tiền), lúc đó là Quan Âm cho họ mượn “vốn ban đầu”, dựa vào tiền vốn mà Bồ-tát cho mượn đó, năm đó chắc có thể đại cát đại lợi, phát đại tài. Mượn thì đương nhiên phải có trách nhiệm trả, ngày này năm thứ hai thì phải đến miếu, ở đó cung thỉnh một tờ “chi phiếu” như vậy rồi hoàn trả lại vào gian thờ thần. Lúc này tất phải báo đáp ơn thần và lên hương dầu”(8).

Lễ vật có: Nhang, nến, áo Quan Âm, tiền giấy, trà, nước, ngũ quả: chuối (chiêu tài), nho (phú quý), cam (tất cả mong muốn đều thành sự thật), dứa (thơm) (tài vượng), quýt (cát tường, lợi lạc) hoặc các loại khác, tùy tâm. Sau khi bái lạy thì dâng hương, nến và niệm chú Quan Âm, có thể 18 lần hoặc 108 lần. Cầu mong được sự bảo hộ, sức khỏe, tài vận hanh thông, mua may bán đắt...

Ngoài tập tục “Quan Âm khai khố” kể trên, trong dân gian Trung Quốc còn diễn ra một tập tục khác, gọi là “Sinh Thái hội” hay “Sinh Tài hội”. Nhưng so với “Quan Âm khai khố”, thì tập tục này ít phổ biến hơn và chủ yếu diễn ra ở các địa phương: Quảng Châu, Nam Hải Phật Sơn, Thuận Đức, Đông Hoàn thuộc tỉnh Quảng Đông. Và nếu như ngày “Quan Âm khai khố”, giữa các địa phương này có sự tương đồng về mặt thời gian (26 tháng Giêng), thì “Sinh Thái hội” lại có sự khác biệt. Bởi “Sinh Thái hội” được tổ chức đúng vào ngày Quan Âm đản sanh, mà ngày này giữa các địa phương là không giống nhau. Có nơi cho rằng đó là ngày 26 tháng Giêng, nhưng có nơi cho là ngày 24 tháng Giêng. Chính vì vậy mà thời gian, địa điểm, nghi thức tổ chức giữa các địa phương này là hoàn toàn khác nhau. Nhưng ý nghĩa của lễ hội thì cơ bản giống nhau, đó là: cầu tài, cầu con, tích phúc, cầu mong sự bình an, sức khỏe, cầu cho gia tộc phồn vinh, thịnh vượng... Những nội dung này so với “Quan Âm khai khố” thì phong phú hơn, bởi nội dung chủ yếu của “Quan Âm khai khố” chỉ là cầu tài.

quan the am bo tat, quan am tu, tp con minh, tinh van nam.JPG

Quan Thế Âm Bồ tát, chùa Quan Âm, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Thái Hòa

Các hoạt động trong “Sinh Thái hội” bao gồm: Mượn tiền Quan Âm, Quan Âm xuất du, diễn kịch, múa lân,... và đặc biệt là tập tục ăn món “bánh (cải) xà lách”. Xà lách trong tiếng Hoa là “生菜”, phiên âm Hán Việt là “Sinh Thái”, có ý là sinh tài. Món bánh này với nguyên liệu chủ yếu là: Xà lách, thịt nghêu, hẹ, với hàm ý: Trong chữ Xà Lách, có chữ Sinh, là tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, có (đường) hướng Sinh tài; Thịt nghêu (“蚬肉”phiên âm Hán Việt là ‘hiển nhục’) có nhiều chất béo, tượng trưng cho việc phát tài, tục gọi là “Phát tài hiển nhục”, hoặc “Hiển nhục đại phát”; còn Hẹ, tiếng Hoa là “韭菜”, phiên âm Hán Việt là Cửu Thái. Chữ Cửu (trong Cửu Thái) đồng âm với Cửu(久)có nghĩa là lâu dài, vì thế mà Hẹ ở đây tượng trưng cho sự trường cửu. Do vậy, ý nghĩa của món bánh này là: “Sinh tài, Phát tài, Trường cửu”.

Theo quan niệm dân gian, việc ăn “bánh xà lách” thể hiện hy vọng của con người và tài vật đều hưng thịnh, phát đạt và lâu dài. Thế nên, ăn càng nhiều thì phát tài càng nhiều. Ngoài ra, ăn “bánh xà lách” còn liên quan đến tâm lý chia sẻ thức ăn cho mọi người và mọi vật cùng thụ hưởng, để cầu mong được Thần, Phật phò hộ, độ trì. Nhưng điểm đáng chú ý ở đây là ngày Quan Âm đản sanh thì phải ăn chay, song trong món bánh này lại có thịt (nghêu), điều này cho thấy “quan niệm về thần linh trong tập tục của dân gian đã tương đối nhạt nhòa(9).

Ngoài ra, ở Trung Quốc hiện nay còn có nhiều địa phương khác như tỉnh Hồ Nam, Vân Nam... thờ phụng Quan Âm và xem Quan Âm như một Văn Thần Tài trong việc bảo hộ, ban tài, phát lộc. Đặc biệt là trong các cửa hàng buôn bán, Quan Âm được thờ chung với các vị Thần tài khác của dân gian, có khi là tranh vẽ, ảnh chụp, nhưng đa số là tượng ngồi, có kích thước nhỏ với nhiều chất liệu khác nhau...

Như vậy, Quan Thế Âm Bồ-tát, vị Bồ-tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn được kính ngưỡng không chỉ trong Phật giới, mà còn cả trong tâm thức của dân gian nhiều địa phương ở Trung Quốc. Bởi với họ, Quan Âm còn là một vị Thần tài trong cuộc sống hàng ngày, trong kinh doanh buôn bán, trong tâm nguyện, ước mong về một cuộc sống sung túc, đủ đầy... Điều đó được thể hiện qua việc thờ phụng, qua các truyền thuyết và cả tập tục “Quan Âm khai khố” vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay. Và tập tục này, không chỉ diễn ra tại Trung Quốc, mà còn theo các lưu dân lan tỏa đến nhiều nơi trên thế giới có cộng đồng người Hoa sinh sống, trong đó có cộng đồng người Hoa ở Việt Nam. 

Chú thích

(1) http://www.phatviet.com/dichthuat/httrithu/tntttt/kinh/kinh_09.htm

(2) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(3) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(4) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(5) Dẫn theo: 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,116 页。

(6) 李跃忠(2009),“财神”,中国社会出版社,115 页。

(7) 陈支平,詹石窗 (2004),“透视中国东南:文化经济的整合研究”(下册),厦门大学出版社,888-889 页。

(8) 刘居上 (2003),“阜峰岐水”,澳门:国际港澳出版社,49 页。

(9) 冯沛祖 (2009),“慈爱人间--广东观音诞与观音开库”,广东教育出版社,134页。

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 刘居上 (2003), “阜峰岐水”,澳门:国际港澳出版社。

2. 陈支平,詹石窗 (2004), “透视中国东南:文化经济的整合研究”(下册),厦大学出版社。

3. 刘辉(2008),“观音信仰民俗探源”,成都,四川出版集团巴蜀书社。

4. 马书田,马书侠(2008),“全像福寿财神”,南昌:江西美术出版社。

5. 冯沛祖 (2009),“慈爱人间--广东观音诞与观音开库”,广东教育出版社。

6. 李跃忠(2009),“财神”, 北京:中国社会出版社。

7. 周秋良(2011),“观音故事与观音信仰研究”,广东高等教育出版社

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.