Quan điểm của Phật giáo đối với vấn đề Sinh sản vô tính

Hỏi: Vấn đề sinh sản vô tính (SSVT) theo giáo lý nhà Phật thì lý giải như thế nào? Quan điểm đạo đức của Phật giáo có chấp nhận việc sinh sản vô tính hay không?

Đáp:

Nhìn một cách tổng quan thì sự sống của muôn loài nói chung, vốn được thể hiện rất phong phú, đa dạng. Tùy theo nghiệp cảm của từng loài mà có những cách sinh ra và thọ thân sai khác nhau. Trong kinh Thập Thiện đã nói rõ điều này. Vấn đề sinh sản – dù là sinh sản vô tính – cũng chỉ là một trong bốn dạng sinh (noãn, thai, thấp, hóa: sinh bằng trứng, sinh bằng bào thai, sinh từ nơi ẩm thấp, do biến hóa mà sanh ra) mà từ lâu kinh văn Phật giáo thường ghi nhận.

Wilmut.jpg
Nhà khoa học Ian Wilmut và cừu Dolly, con vật sinh sản vô tính
đầu tiên trên thế giới được tạo ra từ một tế bào trưởng thành

Về cơ bản, SSVT là một quá trình rất phức tạp, căn cứ vào một số công trình về y học hiện đại, chúng tôi có thể khái quát quá trình đó như sau: Kỹ thuật SSVT là một phát minh vạch thời đại vào những năm gần đây, bao gồm các bước sau:

1. Lấy tế bào bạch cầu của một người đàn ông (hoặc đàn bà), tách phần gien ra.

2. Lấy một noãn của người phụ nữ A, trục toàn bộ gien trong nhân noãn ra rồi cấy phần gien nói trên của người đàn ông (hoặc đàn bà) vào nhân noãn bằng cách kích điện.

3. Noãn sẽ nhân thành phôi phát triển tự nhiên trong môi trường nhân tạo.

4. Cấy phôi đó vào tử cung người phụ nữ B.

5. Thai nhi phát triển bình thường chờ ngày chào đời. Nó sẽ giống người đàn ông (hoặc đàn bà) nói trên như đúc về bộ gien.

Như vậy, xét về thực chất thì quá trình SSVT vừa mang tính Hóa sinh và đồng thời cũng cả tính chất Thai sinh theo lý thuyết nêu trên của Phật giáo. Ở đây, khái niệm hóa sinh cần được hiểu như là một sự tác động (tự thân hoặc do những yếu tố bên ngoài) tạo nên một chuyển biến mới trên một sinh thể nào đó. Và ngay đây, kỹ  thuật SSVT tuy là một phát hiện của thời đại nhưng thực chất không khác lắm so với những dạng thức sinh sản đã được đề cập từ lâu trong kinh văn Phật giáo. Thế nhưng, theo Phật giáo thì phải lý giải như thế nào nếu thiếu đi các yếu tố quan trọng khác nhưng vẫn hình thành một cơ thể sống là con người? Trả lời câu hỏi này, thiết tưởng cần phải khảo xét lại những điều kiện để hình thành một con người theo quan điểm Phật giáo.

Căn cứ vào Đại Kinh Đoạn Tận Ái, (Kinh Trung Bộ), một sinh thể sở dĩ được hình thành phải hội đủ nhiều yếu tố, mà trong đó có ba yếu tố chinh sau: thứ nhất là tinh cha, thứ hai là huyết mẹ và một yếu tố rất quan trọng đó chính là nghiệp thức (gandhabha). Chính yếu tố thứ ba này quyết định sự hình thành của sinh thể đó cũng như chi phối toàn bộ tiến trình sống, hình dạng, tâm tính của con người ấy khi trưởng thành. Trở lại vấn đề SSVT, mặc dù thiếu vắng các yếu tố cần để hình thành nên một sinh thể theo quan niệm thông thường. Thế nhưng cần phải thấy rằng, dù là SSVT, dù là sinh sản trong ống nghiệm thì yêu cầu trước tiên phải có một thụ thể ban đầu nào đó, hoặc là cha, hoặc là mẹ. Mặt khác, như đã trình bày, yếu tố quan trọng nhất, quyết định toàn bộ sự tồn tại, hình thành, khả năng sống, tâm lý, tính khí ... là do chính yếu tố nghiệp thức tác động và chi phối. Nếu như với phương tiện kỹ thuật hiện đại, người ta có thể gây tạo nên một sinh thể mặc dù thiếu vắng các yếu tố cần có theo quan niệm thông thường. Thế nhưng ai dám quyết chắc rằng, sinh thể mới được tạo đó sẽ hiện hữu, sẽ sống như một sinh thể bình thường khác nếu như thiếu vắng đi yếu tố nghiệp thức (Gandhabha)? Sự kiện trước đây làm xáo động thế giới là thành tựu SSVT từ con cừu Dolly. Thế nhưng, bạn có biết, để có được một công trình như thế mặc dù những người tham gia có trong tay những phương tiện kỹ thuật cao nhưng phải trải qua gần 300 lần thí nghiệm mới có được thành quả ban đầu này!  Quả là một con số không phải nhỏ. Ngay đây, chắc hẳn có người sẽ vội vàng bảo chúng tôi rằng, hiện giờ  – ngay lúc tờ báo ra đời  – đã có vài đứa trẻ ra đời bằng kỹ thuật SSVT. Thực lòng, qua những thông tin mới nhất từ các tập đoàn truyền thông nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi vẫn chưa thấy một cơ quan nào trình bày đầy đủ về dữ liệu, quá trình tiến hành, qui mô của các công trình nhằm nhân bản con người. Chưa ai dám quyết chắc có bao nhiêu lần thất bại trước đó để rồi có được thành quả mà họ đã công bố trước mọi người. Nói dông dài như vậy để thấy rằng, SSVT là một thành tựu kỹ  thuật hiện đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm và lẽ tất nhiên cũng còn nhiều điều cần bàn cãi về vấn đề này. Một trong những vấn đề nổi cộm là quan điểm về đạo đức khi con người ứng dụng rộng rãi kỹ thuật này thì hậu quả sẽ ra sao?

Thực ra, sự ưu tư về những thành quả từ kỹ thuật SSVT là một ưu tư nên có nhưng chưa phải là trọng tâm trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, sẽ không có gì quá đáng nếu như chúng ta chuẩn bị một tư duy đối với hiện trạng này. Theo quan điểm Phật giáo, thì về cơ bản Phật giáo bao giờ cũng hoan nghênh và chào đón những thành tựu của khoa học kỹ thuật (KHKT) vì mục tiêu phục vụ cho hạnh phúc của con người nói chung. Thành tựu của KHKT mà con người vươn tới trong hàng thế kỷ qua quả là vô tận. Trong số đó, vẫn có những thành tựu đi ngược lại hạnh phúc, đi ngược lại mong muốn của số đông loài người và điều đó đã gặp phải sự không đồng tình của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Phật giáo xuất phát từ tôn chỉ vì hạnh phúc, vì an lạc cho con người cho nên sẽ hoàn toàn không tán thành những thành tựu KHKT có nguy cơ dẫn đến một hiểm họa cho con người và tất nhiên quan điểm đạo đức của Phật giáo hoàn toàn không chấp nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật – công nghệ có nguy cơ dẫn con người đi đến một tương lai đau khổ.  Đối với vấn đề SSVT, theo quan điểm riêng của chúng tôi thì Phật giáo hoàn toàn không ủng hộ. Vì lẽ, như đã trình bày, với tiềm lực về trí thức, con người – giả như – có thể phát kiến ra những thành tựu kể trên. Thế thì ai dám quyết chắc rằng, mình sẽ kiểm soát được những thành tựu đó phục vụ cho nhu cầu nhân đạo, phục vụ vì mục tiêu hòa bình và phát triển cho tương lai loài người. Hơn nữa, nếu xét theo mối quan hệ biện chứng giữa trí tuệ và thần thông, thì quan điểm nền tảng của Phật giáo bao giờ cũng khuyên con người hãy đạt đến trí tuệ trước khi chiếm lĩnh phép mầu thần thông. Thành tựu khoa học công nghệ mà con người đạt đến trong những năm gần đầy phải chăng là một dạng khác của thần thông? Và với phép mầu thần thông đó, ai dám quả quyết rằng chỉ và sẽ phục vụ vì mục tiêu hòa bình phát triển cho chính con người? Nhìn vào hiện trạng thực tế cuộc sống, khi những giá trị đạo đức của con người hiện đang bị lung lay, nếu như với những thành tựu đại loại như kỹ thuật SSVT kể trên thì tương lai nhân loại sẽ về đâu?

Từ những điểm đã trình bày, chúng tôi xin được khái quát như sau: vấn đề SSVT đối với giáo lý đạo Phật công bằng mà nói vốn dĩ không xa lạ vì như đã phân tích, giáo lý Phật giáo ở một khía cạnh nào đó đã đề cập và lý giải vấn đề này rồi. Thứ  hai, xét về phương diện đạo đức, theo quan điểm của chúng tôi thì Phật giáo không đồng tình với việc áp dụng kỹ thuật SSVT nhằm mục tiêu nhân bản cả một con người. Có thể nói, đây là một vấn đề đã được nêu ra từ lâu và đã và đang được thảo luận. Chúng tôi chỉ xin nêu ra những chủ kiến của riêng mình hầu góp phần chia sẽ một vài quan kiến cùng bạn. Chúc bạn hằng khang an và rất mong được đón nhận các ý kiến khác cùng trao đổi về vấn đề khá nhạy cảm này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.