Quan điểm của Phật giáo đối với tập tục đốt giấy tiền vàng mã?

Hỏi: Kính hỏi, tục lệ đốt vàng mã có phải là một phần của nghi lễ Phật giáo? Nếu không phải, xin cho chúng tôi biết xuất xứ và quan điểm của Phật giáo về tục lệ này?

Đáp:

Trong nghi lễ Phật giáo chính thống thì không hề và không bao giờ có tục lệ đốt giấy tiền vàng mã. Tục lệ đốt giấy tiền vàng mã có nguồn gốc từ  thời cổ đại trong xã hội Trung Hoa. Nhà tư tưởng Vương Dư đời Đường cho rằng: “Từ thời nhà Hán, đã có tục chôn tiền và đời sau lấy giấy thay tiền”.

wwwVangma.JPG

Ảnh minh họa

Theo niềm tin thuần phác của người Trung Hoa thuở xưa thì người chết không mất hẳn mà biến thành quỉ (nhân tử viết quỉ – Nguyễn Tôn Nhan, Kinh Lễ, thiên Tế pháp, Nxb.Văn học, 1999, Tr 192). Quan niệm “nhân tử viết quỷ” được hình thành từ thời Ngũ đại (khoảng hơn 2000 năm trước Công nguyên). Từ quan niệm này, hình thành tín ngưỡng người chết cũng giống như người sống, tức cần phải có những nhu yếu phẩm cần dùng trong cuộc sống. Cho nên sau khi chết đi thì thân nhân người quá cố sẽ chôn theo nhưng vật dụng cần dùng mà trong đó có cả tiền bạc. Khám phá từ các cuộc khai quật của các ngành khảo cổ đã xác quyết điều này. Tuy nhiên, về sau, người ta thấy rằng chôn tiền và vật dụng thật thì quá lãng phí nên dần dần hình thành quan niệm đốt tiền và đồ dùng bằng giấy để cho người chết sử dụng.

Như vậy, chúng ta đã xác quyết tục lệ đốt vàng mã là tập tục của người Trung Hoa có nguồn gốc từ thời cổ đại. Tục lệ này đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa, trong đó có Việt Nam. Căn nguyên của tục lệ này là niềm tin có một đời sống khác sau khi chết, cộng với lòng hiếu thảo, bổn phận và trách nhiệm, ước mong được đầy đủ, sung túc của người sống đối với người chết. Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa và Việt Nam, với truyền thống hiếu đạo, uống nước nhớ nguồn, tri ân và báo ân của người con Phật cùng với sự tôn trọng tập tục của người dân bản địa cho nên trong nghi lễ hiếu sự của người  bình dân và thậm chí với một số Phật tử tại gia thiếu chánh tín còn có tục lệ đốt vàng mã.

Như đã trình bày, Phật giáo không có truyền thống và tập tục đốt giấy tiền vàng mã cho người chết. Vì, theo Phật giáo, người chết chậm nhất là sau bốn mươi chín ngày thì nhất định sẽ được thác sanh vào một cảnh giới tương ứng với nghiệp đã gây tạo. Ở mỗi cảnh giới khác nhau, sự thọ dụng của chúng sanh trong các cảnh giới ấy hoàn toàn sai biệt. Do đó, dùng những vật dụng, tiền bạc của cõi người để cung cấp cho các chúng sanh ở các cõi khác là điều không thể. Xác định động cơ của việc đốt vàng mã xuất phát từ tâm thành kính, lo lắng, thương tưởng của người sống đối với người đã quá vãng; mong muốn cho người chết được đầy đủ và an vui. Nhưng Phật giáo xem sự thể hiện “ hiếu đạo” bằng việc đốt vàng mã là một hũ tục, vì việc làm ấy hoàn toàn vô ích đối với người chết chỉ lãng phí tiền của, công sức và gây ô nhiễm, hoả hoạn mà thôi. Đối với các Phật tử chưa thông suốt giáo lý, quen với tập tục vẫn dùng vàng mã trong tang lễ và hiếu sự, Phật giáo không cấm đoán triệt để chỉ động viên, khuyến khích từ bỏ hoặc thay thế bằng các việc làm cụ thể và có lợi ích thiết thực hơn như phóng sanh, bố thí… rồi hồi hướng phước đức cho người chết. Đây mới là việc làm “ âm dương lưỡng lợi” theo quan điểm Từ bi và Trí tuệ của Đạo Phật.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.