Theo báo cáo trên truyền thông địa phương, cùng với bảo tháp cổ được xem là lớn nhất và lâu đời nhất trong khu vực, các chuyên gia của Cục Khảo cổ học và Bảo tàng của Khyber Pakhtunkhwa còn công bố phát hiện hơn 400 cổ vật Phật giáo khác trong đợt tìm kiếm này.
“Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra các hiện vật Phật giáo với niên đại lịch sử khoảng 1.800 năm. Đây là một khám phá rất có giá trị trong nhiều khía cạnh, đặc biệt là sự hòa hợp tôn giáo và chủ nghĩa đa văn hóa trong thời kỳ Gandhara”, Tiến sĩ Abdul Samad Khan, Giám đốc Cục Khảo cổ và Bảo tàng, cho biết.
Cũng giống như bảo tháp cổ và nhiều tác phẩm điêu khắc, các hiện vật được phát hiện tại địa điểm này, chẳng hạn như đồng xu và con tem trong thời đại trị vì của một vị vua Ấn-Hy Lạp, cho thấy khu vực này từng là một thành phố đa văn hóa hàng nghìn năm về trước.
Tiến sĩ Khan cho biết thêm rằng kể từ khi bắt đầu công việc khai quật cách đây 6 tháng, bộ phận khảo cổ đã tiến hành các giai đoạn nhằm giữ gìn và bảo quản các hiện vật và mở cửa khu vực cho khách du lịch đến tham quan.
Cuộc khai quật diễn ra ở quận Swabi, nằm trong một khu vực mang tên Bazira thời cổ đại, cách thủ phủ của tỉnh Peshawar khoảng 83km. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, trong khi khám phá di tích này, các chuyên gia đã tìm thấy một ngôi chùa Phật giáo có niên đại vào khoảng nửa sau của thế kỷ thứ II trước Tây lịch. Điều này ngụ ý rằng ngôi chùa đã được xây dựng trong vòng vài trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng phát hiện tàn tích của một ngôi đền Hindu vào đầu năm 2021. Đại học Ca’Foscari và Phái đoàn Khảo cổ học Ý tại Pakistan (MAIP), phối hợp với các nhà khảo cổ học của tỉnh để cùng thực hiện công trình khảo cổ này. MAIP được thành lập bởi nhà Phật học nổi tiếng Giuseppe Tucci và đã tiến hành khai quật những tàn tích liên quan đến Bazira từ năm 1984. Việc phát hiện ra các ngôi đền Phật giáo và Ấn Độ giáo trong cùng một khu vực cho thấy sự hòa hợp và đa dạng tôn giáo thời cổ đại.
“Pakistan sở hữu số lượng di sản văn hóa vô cùng phong phú, đồng thời cũng được biết đến như cái nôi của nền văn minh nhân loại. Rải rác trên khắp quốc gia từ Khyber Pakhtunkhwa, Punjab, Sindh đến Baluchistan chứa đầy những kho báu khảo cổ giá trị mà hiện nay vẫn còn là một bí mật và chưa được khám phá. Chỉ mới 5% các địa điểm ở Khyber Pakhtunkhwa đã được khai quật và kiểm nghiệm một cách khoa học”, Tiến sĩ Khan nói.
Phật giáo đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình lịch sử và văn hóa ở khu vực Pakistan và Afghanistan ngày nay, đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong các vương quốc nằm dọc Con đường tơ lụa và Trung Á. Sau các cuộc chinh phạt của hoàng đế Ashoka (268-232 TCN), nền văn hóa Phật giáo Hy Lạp đã phát triển hưng thịnh dưới thời của vương quốc Gandhara, ngày nay là khu vực thuộc Tây bắc Pakistan và phía Đông của Afghanistan. Thời kỳ Phật giáo hưng thịnh này đã kéo dài hơn 12 thế kỷ, từ khoảng năm 800 trước Tây lịch cho đến năm 500 sau Tây lịch.