Phật giáo với bản sắc văn hóa các quốc gia phương Nam

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1220 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1220 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Theo nghiên cứu và khảo sát quan trọng được công bố mới đây liên quan đến Phật giáo của Trung tâm nghiên cứu Pew, Phật tử ở các nước Thái Lan, Campuchia và Sri Lanka đã công nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và nền văn hóa, chính trị cũng như xã hội ở đất nước của họ.

Không giống như Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác, nơi các phương pháp thực hành và triết lý liên quan đến Phật giáo đã trở nên phổ biến nhờ vào lợi ích thiết thực đối với các vấn đề về sức khỏe tinh thần của hành giả; ở những quốc gia thuộc Nam và Đông Nam Á, như Thái Lan, Campuchia và Sri Lanka,… thì Phật giáo không chỉ là phương pháp thực hành cho thân và tâm, mà đó còn là một phần quan trọng trong bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tại Thái Lan, Campuchia và Sri Lanka - các quốc gia có ít nhất 70% người trưởng thành theo Phật giáo, hơn chín trong số mười Phật tử cho biết trở thành một người Phật tử là yếu tố vô cùng quan trọng để trở thành công dân của đất nước họ, theo kết quả khảo sát của Pew năm 2022 về sáu quốc gia ở Nam và Đông Nam Á.

Cũng như vậy, 95% Phật tử Sri Lanka xác nhận rằng Phật tử là điều quan trọng, trong số đó có 87% cho rằng Phật giáo rấtquan trọng để trở thành một người Sri Lanka thực sự.

Mặc dù hầu hết người dân ở các quốc gia này xác định Phật giáo là tôn giáo của họ, nhưng đại đa số lại cho rằng Phật giáo không chỉ là một tôn giáo. Những người Phật tử ở Campuchia, Sri Lanka và Thái Lan nhấn mạnh rằng Phật giáo không những là “một tôn giáo mà họ chọn theo”, mà còn là “một nền văn hóa mà họ thuộc về” và là “một truyền thống gia đình mà họ phải tuân theo”.

Hầu hết Phật tử ở các quốc gia này đều xem Phật giáo là “nền tảng văn hóa dân tộc đã cấu thành con người họ”, và hơn 76% Phật tử Campuchia đã giữ quan điểm này.

Phật giáo và pháp luật ở các quốc gia Phật giáo

Tầm quan trọng của Phật giáo trong bản sắc văn hóa của dân tộc được phản ánh rõ nét nhất trong bộ luật pháp của cả ba quốc gia Phật giáo này. Theo hiến pháp của Campuchia, Phật giáo là quốc giáo, vì vậy, nhà nước phải hỗ trợ và giúp đỡ các trường phái Phật giáo đang hoạt động trong nước.

Cũng như vậy, hiến pháp hiện tại của Sri Lanka đảm bảo rằng Phật giáo là “quan trọng nhất” và giao cho chính phủ trách nhiệm “bảo vệ và thúc đẩy” sự phát triển của Phật giáo. Ngoài ra, hàng loạt các hiến pháp của Thái Lan trong thế kỷ vừa qua đã được ban hành nhằm nhấn mạnh tính ưu việt và chính thống của Phật giáo, và hiến pháp gần đây nhất của đất nước này yêu cầu nhà nước phải “có các biện pháp và cơ chế để ngăn chặn những thành phần phá hoại Phật giáo dưới mọi hình thức”.

Theo kết quả của cuộc khảo sát, hầu hết các Phật tử của ba quốc gia đều ủng hộ việc dựa trên giáo pháp của Phật giáo, như triết thuyết và phương pháp hành trì, để biên soạn luật pháp của quốc gia. Quan điểm này hầu như cũng nhất quán đối với Phật tử Campuchia (96%), Phật tử Sri Lanka (80%) và Thái Lan (56%).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vai trò của các nhà lãnh đạo Phật giáo đối với chính trị

Khi được hỏi về vai trò của các nhà lãnh đạo Phật giáo đối với đời sống của cộng đồng, Phật tử Campuchia đặc biệt ủng hộ sự giao thoa giữa tôn giáo và chỉnh phủ. Ví dụ, 81% Phật tử Campuchia nói rằng các vị lãnh đạo tôn giáo nên bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chính trị, 66% Phật tử Sri Lanka có cùng quan điểm và Thái Lan là 54%. (Hiến pháp của Thái Lan cấm các Tỳ-kheo, Sa-di, các nhà tu khổ hạnh và lãnh đạo Phật giáo tham gia bỏ phiếu.)

Thực hành tang lễ theo hình thức tôn giáo

Các nghi lễ được tiến hành đối với người mất rất quan trọng đối với tất cả các nhóm tôn giáo lớn ở các quốc gia được khảo sát. Phật giáo cũng nằm trong trường hợp đó. Ví dụ, hầu hết mọi người ở các quốc gia như Campuchia (84%), Sri Lanka (80%) và Thái Lan (80%) đã khẳng định rằng việc thỉnh mời một nhà sư đến tụng và trùng tuyên lại những bản kinh văn thiêng liêng hoặc thuyết giảng một bài pháp có ý nghĩa rất quan trọng trong đám tang của một thành viên trong gia đình hoặc một người thân yêu đã khuất.

Đa số mọi người trong các quốc gia Phật giáo được khảo sát cho rằng thực hiện các nghi lễ cho người thân trong một ngôi chùa hoặc tạo lập một ngôi đền hay bàn thờ cho người quá cố là điều quan trọng và cần thiết. Bàn thờ theo phong cách của Phật giáo được những Phật tử rất coi trọng và đánh giá cao. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, các nghi lễ cho những người thân yêu đã qua đời không hề kết thúc sau đám tang, mà hầu hết (93% ở Sri Lanka và 90% ở Thái Lan) đều thực hiện nghi lễ Phật giáo vào các ngày giỗ.

Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Pew còn đi sâu vào khảo sát sự hòa hợp tôn giáo, sự cầu nguyện, đức tin của những người trẻ tuổi và lớn tuổi, quan điểm đối với các tôn giáo thiểu số,… và tìm ra được những kết quả đáng lưu tâm.

Trung tâm này đã thực hiện nghiên cứu toàn diện này trên tổng số 13.122 người trưởng thành trên sáu quốc gia ở Đông Nam Á và Nam Á. Các cuộc phỏng vấn trực tiếp diễn ra ở Campuchia, Indonesia, Sri Lanka và Thái Lan, trong khi điện thoại di động được sử dụng cho các cuộc khảo sát ở Malaysia và Singapore. Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 9-2022 thông qua tám loại ngôn ngữ, và kết quả mới được công bố gần đây.

Nghiên cứu này, được tài trợ bởi The Pew Charitable Trusts và John Templeton Foundation, là một phần của dự án quy mô của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhằm kiểm tra sự chuyển đổi tôn giáo và tác động của chúng đối với xã hội trên toàn cầu. Trung tâm trước đây đã tiến hành các cuộc khảo sát tập trung vào tôn giáo trên nhiều khu vực khác nhau và đã cung cấp những hiểu biết quan trọng về sự giao thoa giữa đức tin và văn hóa trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.