Phá giới và phá chấp trong công phu niệm Phật

GN - Hoan hỷ niệm, quên thời gian không gian, một lòng hướng về Cực lạc trên nền tảng trì giới là những bước chân vững chắc trên đường đạo. 

Người niệm Phật ba ngày thành tựu, đã có. Người niệm ba tháng, ba năm gặp được Phật ấn chứng ngày vãng sanh, trường hợp này cũng nhiều; sự thật được ghi hình thâu âm, kiểm chứng rõ ràng. Người niệm Phật biết trước ngày giờ, lúc thiêu lưu xá-lợi, gần đây có vị còn để lại toàn thân xá-lợi vàng ròng như hổ phách bất hoại, khắp thế giới chứng nghiệm bằng kỹ thuật hiện đại nhất và trở thành báu vật trong nhà Phật, đó cũng là sự hiển nhiên không có gì lạ.

tuong phat.jpg


Tôn tượng Đức Phật A Di Đà tại Vạn Phật Đại Tòng Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tu đúng, hoàn cảnh gia đình cũng sẽ chuyển theo hướng tốt đẹp, càng ngày người tu càng tinh tấn, thêm thời khóa và thời gian trong từng khóa cũng tăng theo. Năm ngoái sân giận đố kỵ, còn ngủ nhiều ăn nhiều, còn tham công tiếc việc nhân gian, năm sau và sau nữa sẽ nhẹ bớt, tâm từ nới rộng, đó là biểu hiện của sự tu đúng. Ngược lại, niệm Phật nhiều năm vẫn thói hư tật xấu không giảm, tiếng là đệ tử Phật cũng nên nhìn lại. Sai đường trong nhà Phật bắt đầu bằng sự phá giới, rồi phá kiến trong lúc chưa phá được vọng tưởng về sự “ăn may” cứu độ.

Mãi mãi về sau, tiêu chuẩn để làm một Phật tử vẫn phải dựa vào giới luật. Một đệ tử tại gia dẫu chưa tròn Thập thiện song cần luôn gắng khép mình trong khuôn khổ này. Người tu thường nghĩ đơn giản, rằng cứ tham thiền niệm Phật là đủ. Rồi khi gặp hoạn nạn lại trách Phật không gia hộ. Chẳng hạn sau thời khóa công phu, trên đường từ chùa về nhà, hành giả gặp bạn nên ghé vào quán nhậu làm một chầu, tuôn trào tạp thoại đủ chuyện trên trời dưới đất, kể cả những thị phi về bậc “đầu tròn áo vuông” theo kiểu không phải gió động phướn động mà tâm động; thiện thần nào sẽ hộ pháp cho họ? Hộ pháp nghĩa rốt ráo vẫn là sự tương ưng, tức khi tâm thuần thiện và thuần tịnh trong Phật pháp; còn lúc ta rong ruổi Ta-bà, mê say dục lạc, sự gia hộ đó lập tức biết mất một cách tự nhiên.

Có người thậm chí mặc cả áo lam, áo tràng ngồi đàn đúm; người dân ngang qua thấy vậy lên tiếng chê bai luôn Phật pháp, tội này hỏi có nặng? Mặc trên mình chiếc áo cà sa, áo tràng chính là hình ảnh của Phật pháp. Hành động ấy dĩ nhiên Phật pháp bị liên lụy, bị rớt điểm trước mắt đại chúng, nhất là trước tầm nhìn của những tôn giáo khác. 

Giữ giới tưởng chỉ dăm mươi điều ít ỏi song, đại giới Thập thiện có biên độ quá rộng lớn, không niệm nào không hành vi nào ra khỏi. Giữ giới thuần thục, họ không bị bó buộc mà luôn tự tại. Tự biết. Tự ngộ ra những gì không nên làm. Với ý nghĩ chưa kịp thành hình đã được lọc qua câu Hồng danh để soát xem nếu xuất ra miệng sẽ có tác dụng tốt không. Một ly nước sôi họ không thể tự tiện hắt đi bởi biết bao chúng sanh nhỏ bé sẽ bị luộc chín. Không ít người có tật chiều nào cũng gom rác và đốt, vô vàn sinh linh bị thiêu. Ở thế giới của chúng lúc đó khác gì muông thú trong một khu rừng cháy, khác gì nhiều quả bom nguyên tử ném xuống một thành phố. Mà chưa nói chuyện “nhỏ nhặt” ấy, ngay đến đại sự công đức như xây chùa, dựng tượng, ấn tống kinh điển cũng không dễ. Xây chùa không khéo dễ làm tổn hại thân mạng chúng sanh (trong quãng thời gian thi công).

Có cư sĩ lúc ấn tống kinh sách, một số người hỏi sao bìa 4 trắng trơn không đưa thêm ảnh Phật vào cho đẹp, vị ấy trả lời: Mình phước mỏng, nhiều lúc người ta lỡ đặt cuốn sách giữa chiếu cũng đỡ “ăn phần trăm” nghiệp. Thật là một ý nghĩ xuất phát từ tâm thành kính, giữ được giới nhẹ như không.

Những người Phật tử thêu tranh Phật, mỗi lúc giở ra thêu liền rửa tay, thanh sạch thân tâm. Từng nghe một nữ tu bảo, “thêu đến khuôn mặt Phật, toát mồ hôi hột”. Trong câu nói này hàm rõ ý cung kính hết mực hình tượng Phật. Việc không có tâm cung kính, tỷ lệ thuận sẽ là tự cao ngã mạn. Có người được ngỏ ý mời đến đạo tràng dự khóa, liền nói: Ở đây công khóa mấy chục phút quá ít, tui ở nhà niệm hơn tiếng đồng hồ cơ. Người khác: tui dạo này mỗi ngày niệm ba bốn thời... Điều này quá tốt, nhưng ẩn sau đó, họ vô tình bỏ qua điều quan trọng, rằng kiêu mạn đã tăng trưởng, giống như lúa càng mọc cỏ cũng xanh tốt theo. Hiện tượng càng tu ngã càng lớn, càng muốn được người đời cung kính cung phụng thật chẳng hiếm. Nó không những làm mờ nhòa công phu thăng tiến về cõi Phật của riêng ta lại còn ảnh hưởng đến đại chúng, khiến bộ mặt đạo Phật thiếu hòa ái từ bi, đôi khi nó trở thành bức tường vô hình ngăn cách giữa chúng sanh và Phật.

Chắc hẳn với người tu, lòng thành kính chư Phật và Bồ-tát quan trọng nhất. Cái gọi phá chấp đã ảnh hưởng sâu ở nhiều Phật tử một cách tự nhiên đến khó hiểu. Không ít người đưa cả kinh vào phòng ngủ, treo ảnh Phật khắp tường. Giả như cá nhân chỉ có một căn phòng, thì sự này chấp nhận được, còn với gia đình có hai phòng, thì dứt khoát không nên đưa kinh, ảnh Phật vào đó. Đặc biệt với phòng the vợ chồng thì cần tuyệt đối. Chẳng lẽ những người ấy thay quần áo trước mặt Phật, trước kinh kệ? Rồi liệu có chuyện gì xảy ra nữa không, thật không dám nghĩ thêm. Đây là nhân xấu cần tránh gieo. Tôi ngày xưa cũng từng đọc kinh rồi để luôn trong phòng ngủ uế trược, sau nghe được lời khai thị của Thượng nhân Tuyên Hóa trong bài giảng kinh Địa Tạng, mới giật mình choàng tỉnh, vội sám hối và hứa không tái phạm. Tổ sư Đại đức xưa mỗi lúc xem kinh xong thì trân trọng để trở lại kệ sách ở phòng thanh sạch. Có vị mặc cà-sa xem kinh, lúc vệ sinh thì cởi, sạch sẽ tay chân thân thể rồi vào mặc lại trang nghiêm mới cầm đến kinh. Không học nếp sống này, hành giả vô tình tự xem mình hơn cả cao tăng!

Trong Niệm Phật tông yếu của Pháp Nhiên đại sư (tổ Chân tông Nhật Bản) và Thán dị sao của ngài Thân Loan, đọc qua thấy “đơn giản”, nhưng chưa dễ tiếp nhận, dẫu lợi ích tăng trưởng niềm tin về nguyện lực cứu độ vô biên chúng sinh của Phật A Di Đà. Người chưa hề biết Phật pháp, nghĩ tu khó, khi đọc sách này dễ mang lại nhân duyên thù thắng. Nhưng qua đây cũng khiến nhiều người quá xem trọng tha lực, niệm Phật là đủ, niệm ít niệm nhiều cũng giống nhau, người giữ giới niệm Phật cũng chẳng khác người không giữ giới niệm Phật, người có chồng vợ (mặn nồng quá) với người không chồng vợ niệm Phật đều như nhau v.v… không cần biết đến sát trộm dâm vọng, phá rào lâm vòng tục lụy, dấn thêm vào đầm lầy. Đây là lý rất thâm sâu, mang tầm vóc tư tưởng phá chấp triệt để.

Kinh A Di Đà, Phật thuyết khi thiện nam tử thiện nữ nhân niệm Phật từ một đến bảy ngày (âu vẫn là con số ước lệ), niệm đến “nhất tâm bất loạn”, (tức chí ít cũng niệm câu Phật hiệu thành phiến thành khối, chẳng hạn niệm từng chuỗi mười câu, rồi lại mười câu quay vòng tai nghe rõ ràng ít lẫn tạp niệm), lúc lâm chung Phật và chư Thánh sẽ hiện tiền gia hộ... khiến tâm bất điên đảo. Đoạn kinh có hai ý tối quan trọng. Thứ nhất là chữ thiện (trong thiện nam tử, thiện nữ nhân). Bậc đại sư lúc chú giải kinh đã nêu rõ chữ thiện này chính là Thập thiện, tức người nữ người nam nằm trong khuôn phép của Thập thiện. Rất nhiều người niệm Phật vạn câu, niệm Phật hàng chục năm vẫn không thăng tiến công phu, bởi từ chối đặt mình vào Thập thiện. Điểm thứ hai cần lưu ý, đoạn kinh cho biết thiện nam tử thiện nữ nhân niệm Phật chí ít phải đạt thành phiến, thành khối (nhất tâm bất loạn), sau đó “A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền”. Chứng tỏ phải có tự lực trước, Phật mới cảm ứng.

Ngài Pháp Nhiên trước lúc biết đến pháp môn niệm Phật đã tu các pháp môn khác, đạt đến ngưỡng trong đêm tối đọc kinh hào quang chiếu ra không cần đèn, tức tâm đã rất định; công phu đó tiếp xúc với niệm Phật liền tiếp nhập cảnh giới vi diệu. Hơn thế, đại sư cách nay hơn 700 năm, thời điểm nhân tâm con người ít vọng động hơn bây giờ rất nhiều, nhất là đối với người Nhật thấm sâu phong vị Thiền.

Tịnh độ Chân tông phá chấp, trước hết là phá cái Ngã. Người niệm Phật thường chấp trước vào số lượng câu Phật hiệu và thời khóa công phu, chẳng hạn ta niệm mỗi ngày nhiều hơn ông nọ bà kia, dĩ nhiên sẽ được vãng sanh còn họ thì không; mỗi ngày ta chuyên trì ba bốn thời, họ chỉ một hai thời, thời gian công phu lại ngắn sao có thể bì với sự vãng sanh của ta. Đó dẫu sao vẫn là cái chấp dễ nhìn thấy. Hễ đã trì niệm, dẫu đạt đến vô niệm tự niệm thì vẫn còn đó cái Ngã đang niệm Phật. Tịnh độ Chân tông, biểu hiện rõ nhất trong Niệm Phật tông yếu hướng vào tha lực là ý muốn hành giả chỉ biết tinh tấn niệm Phật, còn vãng sanh là việc của Phật A Di Đà; cái Ngã vô tình sẽ bị phá mà hành giả không hay. Để thấy điều thâm sâu lại ẩn sau cái tưởng bình thường.

Những lý trên, người viết được khai thị từ bậc tiền bối, tạm hiểu thô vậy chứ nào dễ sờ chạm vào.

Giữa phá giới và phá chấp luôn có mối liên hệ mật thiết. Phá chấp lúc công phu hành trì chưa nhuần nhuyễn sẽ khiến người tu phá giới; từ đó dễ chừng phá kiến, lạc luôn vào đường tà.

Người Việt Nam tu theo pháp môn Tịnh độ khá nhiều, đây là điều đáng mừng, đúng như lời khuyên của Phật Thích Ca và chư Tổ. Tịnh độ Chân tông Nhật Bản và Tịnh độ ở Trung Quốc ít nhiều ảnh hưởng sâu rộng trong giới tu Tịnh độ nước ta. Ngài Pháp Nhiên (Nhật Bản) vốn nhận được khai thị về thế giới Cực lạc từ Đại sư Thiện Đạo, Tổ thứ hai của Liên Tông chư Tổ qua Quán Vô lượng thọ Phật kinh sớ, trên cốt tủy này lập nên Tịnh độ ở Nhật Bản; vậy có gì khác nhau. Hễ bất cứ ai ở bất cứ quốc gia nào, nếu họ là cao tăng đại đức, là thượng nhân, là chư Tổ, là người chứng quả, là người được Phật ấn chứng vãng sanh rõ ràng, chính là “sứ giả” của Phật, chính là thiện tri thức của giới Phật tử. Pháp ở họ có khác chăng là do không gian, tính cách con người và hoàn cảnh mỗi quốc gia có chút sai biệt, (nên pháp đó cũng như bốc thuốc Bắc, cần tăng thêm chút này giảm bớt chút kia).

Một trong những pháp tiêu biểu hợp với người Việt có lẽ là Tuyển tập pháp Niệm Phật của Thượng nhân Pháp Nhiên hay Sông lửa sông nước của Taitetsu Unno. Còn với người Việt, thiết nghĩ tinh thần Tịnh độ Chân tông như Niệm Phật tông yếu hay Thán dị sao khó thể áp dụng đại trà. Có vị sư còn so sánh Thán dị sao với công án Thiền. 

Mà công án phải dùng công phu tột đỉnh để hiểu, không thể dùng trí suy lường; bởi bản chất công án là bất khả tư nghì! Những công án là phương tiện thiện xảo của các Tổ dành cho kẻ đương cơ; Tổ biết trò đến mức đó rồi, liền tung ra cú đòn đích đáng, kiểu như chặt đứt ngón tay, đánh bằng tích trượng để trò hoát ngộ. Đây là độc chiêu, Tổ chỉ dùng với học trò đã ở mức có thể so sánh như ngài Huệ Năng trở lên và chỉ dành riêng với một trò duy nhất, khó thể dùng chiêu đó với trò khác.

niem Phat.jpg

Trong nhà Thiền, các Tổ rất sợ trò rơi vào ấm ma. Diễn theo kinh điển, nhất là tinh thần kinh Thủ lăng nghiêm, thường lúc đạt được chút xíu định, thiền sinh sẽ sanh tâm hoan hỷ, ấy là lúc ma lợi dụng mở ra tòa lâu đài khiến kẻ sơ cơ tha hồ vùng vẫy [trong hố thẳm]. Thậm chí chúng hiện ra hình Phật xoa đầu tán thán...

Kinh Địa Tạng cũng đề cập việc oan gia trái chủ hiện thân quyến thuộc của kẻ lâm chung để dẫn họ vào cảnh giới xấu báo oán. Việc của hành giả là mau quay lại chánh niệm; trong Tịnh tông liền chú tâm ngay vào từng chữ “Nam-mô A Di Đà Phật” (niệm câu nào nghe rõ câu đó). Ở thế gian nghĩ thiện sẽ hơn nghĩ ác; nhưng muốn xuất thế gian đương nhiên đến nghĩ thiện cũng dần dà dứt luôn, bởi nghĩ gì cũng là vọng tưởng. Có vọng tưởng sẽ mở lối cho luân hồi lục đạo. Câu hồng danh sẽ [phải] sắc bén như lưỡi gươm trước tất thảy niệm ác lẫn thiện; mới có câu “Gặp Tổ ‘giết’ Tổ, gặp Phật ‘giết’ Phật”.

Nhiều người trích dẫn câu: “Phật là cục phân khô”, là sai hoàn toàn ý Tổ. Công án như sau: Trò hỏi: Phật là gì? - Đáp: Cục phân khô (thiển nghĩ không có hai chữ Phật là). Đây không hề là lời đáp cho câu hỏi, mà cốt hướng tâm của hành giả ra khỏi “mạng lưới tư tưởng” lúc ấy; dù “tư tưởng” ấy là Phật thì cũng chẳng phải Phật thật, tức nếu đáp Phật là gì gì đó đều không thật nghĩa. Là câu Tổ như buột miệng nói ra, có thể lúc Tổ nhìn xuống đất và thấy cục phân khô, liền khai thị cho hành giả trực nhận sát-na hiện tiền - là Phật; không phải lời nói - tư tưởng. 

Trường hợp khác: Theo cảm nhận, Phạm Công Thiện, một người đã có cảnh giới thuần tịnh của riêng mình trên đường đạo. Có lẽ quá hiếm những thiên tài như ông, “lâm vào” công án lại thoát khỏi, phá được chấp ngã đi xuyên vào tự tánh. Nhưng. Ai say mê đọc tác phẩm của Phạm Công Thiện thời ông chủ yếu dụng Trí mà không đọc Phạm Công Thiện dụng Tâm giảng giải kinh A Di Đà và nguyên lý Phật học Đại thừa giai đoạn sau này, khác gì bất chấp hố thẳm cắm đầu mà đi. Ông từng miêu tả: “Đối với tuổi trẻ, đối với sự khủng hoảng hiện nay (thời điểm viết tác phẩm xuất bản năm 1970), chỉ có những lối thoát sau đây: 1. Lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm; 2. Tự tử; 3. Lao vào trụy lạc trác táng; 4. Điên; 5. Đi tu”. Những đoạn văn của Phạm Công Thiện như trên sẽ ít nhiều khiến độc giả hiểu chưa đúng về ông. Nhất là với một người đã sống trọn trong pháp quãng về già, cuối đời, ở đấy quá khứ gần như bị phủ nhận và chết hẳn. 4 tiêu chí trên, Phạm Công Thiện không có ý xếp thứ tự điều nào đầu [trọng nhất], điều nào cuối [nhẹ nhất]. Nhưng nó tác động mạnh về mặt xã hội. Thử làm phép loại trừ để định hướng giới trẻ bây giờ (ở khía cạnh nếu ảnh hưởng nặng Phạm Công Thiện, họ sẽ chọn lựa gì? Đi tu? - Chắc chưa đủ duyên. Điên? - Bùi Giáng ư, sao đủ nội lực theo nổi? Tự tử - thật khùng nếu chưa thực sự là “thiên tài” nhiễm chủ nghĩa hiện sinh, hư vô. Chỉn chu hơn chút, thử “lao vào đời sống và tự tạo trách nhiệm” (chữ trách nhiệm tức có ích với xã hội, cũng hiếm). Điều còn lại (lao vào trụy lạc trác táng) sẽ dễ được lựa chọn. Hoặc cũng có người chọn cùng lúc vài ba điều hoặc hết thảy).

Thuở ấy Phạm Công Thiện còn viết: “Đối với tôi danh từ quê hương chẳng có ý nghĩa gì cả”; thấy rõ ông ảnh hưởng đậm nét nhà văn H. Miller và hơn nữa là Krishnamurti - đó là sự phá bỏ chủ nghĩa quốc gia. Tuy nhiên sự phá bỏ của Krishnamurti là xuất thế gian pháp; còn ở trong thế pháp lại đòi phá bỏ là ngược với tinh thần đạo Phật. H. Miller về sau cũng như Phạm Công Thiện, đều trên chánh đạo, và càng tiệm cận với con đường của Đức Phật họ càng nhận ra nhiều lầm lẫn trong quá khứ. Thế nên có lần H. Miller nói đại ý, tôi bây giờ không phải tác giả của những cuốn sách đang được tôn vinh trước đây. Còn Phạm Công Thiện giai đoạn về già đã quay về với pháp môn Tịnh độ, “trở về sự im lặng”; trở về “chuyển động toàn diện của tâm thức trong ánh sáng bất tận của Phật A Di Đà”. Phạm Công Thiện lúc này, “đọc bao nhiêu kinh điển Phật giáo trong mấy chục năm trời liên tục thì cũng không bằng chỉ mỗi sớm mỗi chiều niệm Phật xưng danh: Nam-mô A Di Ðà Phật”.

Thấu chân lý, Phạm Công Thiện học Phật chứ không Phật học nữa. Là bước chuyển mình vĩ đại từ Phật học (sở tri) qua học Phật (hành trì). Nam-mô A Di Đà Phật (Namo Amitàbhàya Buddhàya) trở thành tiếng kêu của kẻ giác ngộ, một kẻ buông bỏ tất cả mọi sự, buông thiện và ác, buông sự giác ngộ và vô minh, buông thiên đường và địa ngục. Niệm Phật cho đến chỗ nhất tâm bất loạn là pháp môn huyền diệu nhất để phá tan tất cả nghiệp lực, để được vãng sinh Tây phương Cực lạc.

Trong giới tu hành, tinh thần phá chấp là một vấn đề then chốt, nên thận trọng vẫn hơn. Chớ “cầm nhầm” chuyện các Tổ đức giết mèo; chẻ tượng Phật v.v…, đều là những món không dành cho bất cứ ai ngoại trừ kẻ được Tổ dùng để khai ngộ. Nhắc lại sự phá chấp trong Chân tông Nhật Bản; có vị thầy bảo trò, nếu con không ăn chay được thì ăn mặn mà niệm Phật; nếu con ở chùa không niệm Phật được thì về nhà lấy vợ mà niệm Phật v.v… Lời khai thị mang tinh thần phá chấp ấy chỉ dành cho trò ấy, ở căn cơ ấy mà thôi.

Tiếp xúc với những công án Thiền quá sớm, khi sở học và tu còn sơ sài chưa phải là điều hay. Tinh thần phá chấp thấm vào tâm nếu không được công phu hỗ trợ dễ khiến người tu hiểu lệch. A Di Đà Phật là Vô lượng quang, dĩ nhiên không nơi nào không soi thấu. Nhưng hiểu theo kiểu đâu cũng có Phật, không cần kiêng dè cung kính, nghiễm nhiên đưa cả hình ảnh Phật, kinh kệ vào phòng ngủ vốn nhơ nhớp thì không nên. Phật từ bi nào có giận ai, nói chi đến lôi ai vào ác đạo. Nghiệp lực tự gieo sẽ tự chiêu cảm lấy, nhất là nghiệp có tính làm hoen ố Phật pháp trước đại chúng. Từ đây chỉ phác lộ ra hai con đường: một là lên Cực lạc, hai là xuống Địa ngục.

Tịnh độ là pháp môn đặc thù, vô cùng thiện xảo, có đới nghiệp. Mang nghiệp quá nặng liệu có nhẹ nhàng thăng tiến? Trên tinh thần đó các hiện tượng như bày tiệc tùng, vui chơi thái quá ngay trong gian thờ Phật trở nên “không can gì”, lây lan phổ biến. Lại có những vị Phật được vẽ, khắc chạm chỉ có cái đầu không; đó là chuyện của nhà chế tác, xem như hình tượng nghệ thuật, ở đời khó thể trách, miễn sao gieo được thiện căn với người xem. Còn với người tu không thể thờ Phật với chỉ cái đầu. Nếu ai cho điều này bình thường, hãy thử in mỗi cái đầu của ông bà cha mẹ đặt lên bàn thờ xem có ổn không? Sẽ rõ.

Pháp môn Tịnh độ, phá chấp rốt cùng là phá cái ta đang niệm Phật để tâm trở về nguyên bản rỗng rang khơi nguồn tự tánh, luôn phải thực hành lúc giới luật đã được người tu một lòng trì giữ, nó như thành trì cuối cùng mở ra cảnh giới lộng lẫy tuyệt cùng. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.