Nyanaponika Thera - Nhà sư và tù nhân chiến tranh

Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão (2023) - Thiết kế: Tống Viết Diễn
Bài trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Quý Mão (2023) - Thiết kế: Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Feninger sinh ra ở Hanau, Đức, ngày 21-7-1901. Cha mẹ sư là người Do Thái và ông là con một. Năm 1921, gia đình chuyển đến Berlin, nơi Siegmund phát hiện ra những cuốn sách về Phật giáo khiến ông quan tâm.

Ông cũng được biết rằng một nhà sư người Đức, Nyanatiloka Thera, đã thành lập một tu viện Phật giáo cho các nhà sư phương Tây trên đảo Sri Lanka. Ngay lập tức, Feninger mong muốn trở thành một nhà sư và tham gia vào cộng đồng.

Tuy nhiên, vì là con một, Feninger cũng hết lòng vì cha mẹ và do dự không muốn rời xa cha mẹ. Cha của ông qua đời vào năm 1932, cùng thời điểm Adolf Hitler lên nắm quyền. Vì muốn bảo vệ mẹ mình khỏi chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng gia tăng của người Đức, Feninger đã sắp xếp cho bà sống với người thân ở Vienna (Áo) vào năm 1935. Rồi sau đó Feninger rời châu Âu đến Sri Lanka vào năm 1936, nơi cuối cùng được xuất gia làm tu sĩ Phật giáo dưới thời Nyanatolika Thera và được đặt pháp danh là Nyanaponika Thera.

Khi các cuộc tấn công chống lại người Do Thái gia tăng ở châu Âu dưới thời Đức Quốc xã, Nyanaponika đã sắp xếp cho mẹ mình sống ở Sri Lanka. Chịu ảnh hưởng của con trai, bà cũng theo đạo Phật và sống đạo cho đến khi bà qua đời ở Colombo năm 1956.

Vào năm 1939, Nyanaponika bị bắt giam vì là công dân Đức. Lúc đầu, sư bị giam giữ tại một trại quân sự ở Sri Lanka trước khi được chuyển đến một trại tù binh lớn hơn, an toàn hơn ở miền Bắc Ấn Độ. Để phù hợp với những lời dạy của Phật giáo về việc chấp nhận thực tế, dù khó chịu và không được chào đón, Nyanaponika đã thích nghi với hoàn cảnh mới bằng cách sử dụng thời gian làm tù binh để viết sách và dịch các kinh Phật sang tiếng Đức. Khi chiến tranh kết thúc, Nyanaponika trở về tu viện của mình ở Sri Lanka. Vài năm sau, vào năm 1951, Chính phủ Sri Lanka cấp quyền công dân cho sư.

Năm 1957, Nyanaponika được hai cư sĩ Phật giáo biết đến, họ muốn in một loạt sách giới thiệu về Phật giáo bằng tiếng Anh để phát hành miễn phí ra nước ngoài. Tin rằng dự án khả thi và sẽ mang lại lợi ích, sư đã tham gia cùng họ. Ban đầu, cả ba dự định phát hành một loạt sách nhỏ, chi phí ít, về các nguyên tắc cơ bản của Phật giáo. Tuy nhiên, sự đáp ứng đối với các ấn phẩm ban đầu của họ quá tích cực đến nỗi cả ba đã từ bỏ mục đích hạn chế ban đầu để thành lập Hiệp hội Xuất bản Phật giáo (BPS - Buddhist Publication Society). Nyanaponika là Chủ tịch đầu tiên của hiệp hội. Từ những khởi đầu khiêm tốn này, BPS đã nổi lên trở thành một trong những nhà xuất bản văn học Phật giáo lớn nhất thế giới.

Vì Nyanaponika đã dành nhiều thời gian để giới thiệu Phật giáo với người phương Tây, nên sư đã làm sáng tỏ sự khác biệt giữa Cơ đốc giáo và Phật giáo. Nyanaponika không đồng ý rằng tất cả các con đường của các tôn giáo đều có cùng một đích đến. Sư xác định sự tương phản rõ rệt giữa giáo lý Phật giáo và những giáo lý của truyền thống Cơ đốc, dựa trên những lời mở đầu của kinh Pháp cúKinh Thánh.

Trong kinh Pháp cú, một trong những kinh Phật phổ biến và có nhiều ảnh hưởng nhất, lời dạy của Đức Phật là về tâm. Kinh mở đầu như sau:

“Tất cả những gì chúng ta đang có là kết quả của những gì chúng ta đã nghĩ: nó đặt nền móng từ những suy nghĩ của chúng ta, nó được tạo nên từ những suy nghĩ của chúng ta. Nếu một người nói hoặc hành động với ý nghĩ xấu, đau khổ sẽ theo người đó, như bánh xe quay theo chân con bò kéo cỗ xe”.

Mặt khác, Kinh Thánh Cơ đốc bắt đầu bằng câu này:

“Từ khởi thủy, Thượng đế tạo ra những thiên đàng và trái đất”.

Nhận xét về hai lối mở này trong cuốn sách The Heart Of Buddhist Meditation (Cốt tủy của thiền Phật giáo) của mình, Nyanaponika viết: “Ở đây con đường của hai tôn giáo này là: một con đường vượt lên tưởng tượng (imaginary beyond), một con đường dẫn thẳng về nhà, vào chính tâm”. Sư nói thêm “trong giáo lý Phật giáo, tâm là điểm khởi đầu, là tiêu điểm, và cũng là đỉnh điểm”.

Liên quan đến phát triển tâm, Nyanaponika nói rằng Phật giáo dạy ba điều cơ bản như sau:

1. Phải biết tâm, rất gần chúng ta thế mà ta không biết đến; 2. Phải luyện tâm, vốn khó điều khiển và bướng bỉnh nhưng lại mềm dẻo; 3. Giải phóng tâm, vốn bị ràng buộc đủ thứ, để có thể giải thoát ở đây và bây giờ.

Khi người phương Tây cho rằng Phật giáo là “vô thần”, Nyanaponika đã phản đối nhận định đó, và nói rằng:

Phật giáo đôi khi được gọi là một giáo lý vô thần, được sự tán thành của những người theo chủ nghĩa tự do và duy lý, và cũng theo nghĩa xúc phạm của những người theo niềm tin hữu thần. Chỉ trong một cách nào đó, Phật giáo mới có thể được mô tả là vô thần, đó là, trong chừng mực Phật giáo phủ nhận sự tồn tại của một vị Thượng đế vĩnh cửu, toàn năng, hay một Đấng bề trên sáng tạo và quy định thế giới. Tuy nhiên, từ “vô thần” (atheism), cũng giống như từ “không thánh” (godless), thường mang một số ngụ ý hoặc hàm ý xem thường, không thể dùng cho lời dạy của Đức Phật.

Cuối cùng, đối với những người xem Phật giáo quá chú trọng đến đau khổ, Nyanaponika đã trả lời như là một vị giảng sư dạy về niềm vui:

“Cuộc sống dù đầy khốn khó nhưng cũng chứa đựng những nguồn hạnh phúc và niềm vui mà hầu hết mọi người đều không biết đến. Hãy để chúng tôi dạy mọi người tìm kiếm và tìm thấy niềm vui thực sự trong chính họ và vui với niềm vui của người khác! Hãy để chúng tôi dạy mọi người mở rộng niềm vui của họ lên những tầm cao, cao mãi! Niềm vui cao quý không phải là điều xa lạ đối với Lời dạy của Đấng Giác ngộ. Thật là sai lầm, Lời dạy của Đức Phật đôi khi được coi là một học thuyết gieo rắc u sầu. Đúng ra, Giáo pháp dẫn từng bước đến hạnh phúc trong lành và cao cả mãi mãi”.

Trong suốt cuộc đời mình, Nyananponika đã nhận được nhiều tôn vinh: Người bảo trợ xuất sắc của Hiệp hội Xuất bản Phật giáo, Thành viên danh dự của Hiệp hội Phương Đông Đức, và Tiến sĩ Danh dự về Văn học từ một số trường đại học Sri Lanka. Sư viên tịch vào ngày 19-10-1994, tại nơi ẩn cư trên đảo quốc thân yêu của mình. Ngài đã là một nhà sư Phật giáo trong 58 năm.

Nyanaponika là một trong những nhân vật độc đáo, khác thường, nương vào các nguyên nhân và điều kiện của bối cảnh cũng như sáng kiến của chính mình, đã sống một cuộc đời tiên phong. Sư đã chọn một cuộc sống dấn thân và một lời gọi cao cả, vượt lên sự nghiệp. Ngài không chỉ là một trong những nhà sư Phật giáo phương Tây chân chính đầu tiên, mà còn là một trong những người có ảnh hưởng nhất, được kính trọng vì tu tập tinh tấn, trung thành với những giáo lý mà thầy thọ hưởng và những bản dịch vững chắc của mình. Sư đã xuất bản rất nhiều sách. Ngay cả ngày nay, ngài vẫn được coi là một trong những vị sư hiện đại uy tín hàng đầu theo truyền thống Theravada.

(Nguyên tác: “Nyanaponika Thera: Buddhist Monk and British Prisoner of War”, đăng trên Buddhist Door Global, ngày 19-7-2022 của Victor M. Parachin)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.