* PV: Thưa bà, ở vai trò quản lý văn hóa, bà nhìn nhận như thế nào về tình trạng nhiều di tích bị xâm hại?
* Bà VŨ KIM ANH: Trước hết, chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các báo đài thời gian qua đã có nhiều tin, bài viết về thực trạng, hoạt động của hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn TP. Tôi nghĩ không cần phải là người làm quản lý về văn hóa mới thấy bức xúc trước tình trạng di tích bị xuống cấp, xâm hại.
Để khắc phục, cần trang bị kiến thức cho những người có quan hệ trực tiếp đến công tác di tích. Sở thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng, trao đổi học tập Luật Di sản văn hóa, kinh nghiệm quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội trong di tích cho các địa phương, đơn vị…
* Một số di tích như chùa Phụng Sơn, chùa Giác Viên, đình Hạnh Thông Tây… đã có dự án trùng tu tôn tạo nhưng sao vẫn chưa có động tĩnh gì?
* Một số di tích tuy đã có dự án trùng tu tôn tạo nhưng vướng mắc vì số lượng nhà cần di dời, tái định cư cho các hộ dân quá lớn như chùa Phụng Sơn, nhiều hạng mục bị xuống cấp nhưng kinh phí giới hạn (chùa Giác Viên). Do điều kiện thiên nhiên, đặc thù đất nên cách thức tu bổ di tích của Việt Nam có những quy trình không đồng nhất với cách của vài đối tác nước ngoài muốn tham gia tu bổ nên dự án không thể thực hiện, như ở đình Hạnh Thông Tây, Gò Vấp.
Với chùa Giác Viên, liên tục 2 năm 2010 – 2011 đã được Bộ VH-TT-DL xem xét cấp 8 tỷ đồng để tu bổ một số hạng mục. Tháng 8-2011, UBND TPHCM đã cấp kinh phí 21 tỷ đồng để trùng tu chùa Giác Viên.
Tôi xin nói thêm, chùa Phụng Sơn được xây dựng năm 1802 trên nền ngôi chùa cổ. Giữa năm 2008, di tích này được TP đưa vào công trình trùng tu và giao quận 11 thực hiện việc giải phóng mặt bằng, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm di tích. Như vậy, chính quyền địa phương sẽ thực hiện việc giải tỏa và Ban quản lý dự án TP sẽ tiến hành trùng tu... UBND TPHCM đã chỉ đạo bằng văn bản việc khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích này…
* Trong công tác bảo tồn di sản hiện nay có khó khăn gì?
- Quy định về quản lý đầu tư xây dựng và quản lý di sản văn hóa hiện nay chưa thống nhất, kể cả đơn giá tu bổ di tích gây nhiều khó khăn cho lĩnh vực này. Các dự án đầu tư xây dựng công trình ngoài phạm vi khu vực bảo vệ di tích mà có khả năng ảnh hưởng xấu đến di tích hiện chưa được quy định chi tiết như: tuyến đường vành đai Công viên Văn hóa Đầm Sen – di tích chùa Giác Viên (quận 11), các công trình xung quanh di tích Dinh Thống Nhất. Cái khó nữa là việc thực hiện một số dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích còn chậm.
* Bà nói gì về việc di tích biến thành… nhà riêng? Ngành VH-TT-DL TPHCM đã biết việc này chưa và đã có những động thái gì? *
- Việc có 3 di tích ở quận 1 biến thành nhà riêng đây là việc mà thời gian gần đây Sở VH-TT-DL đã phải liên tục làm việc với UBND quận đề nghị báo cáo chi tiết, lý do mà địa phương xác lập sở hữu tư nhân cho người ở trong di tích. Thực chất việc này đã xảy ra từ nhiều năm trước, các hộ dân cư ngụ tại các địa chỉ trên từ rất lâu trước năm 1975.
Tuy nhiên, sự việc cũng thể hiện sự thiếu quan tâm, trao đổi thông tin, hồ sơ giữa những tổ chức, cá nhân được giao quản lý nhà đất, quản lý di tích từ các cấp. UBND quận 1 cũng đã nghiêm túc nhận thiếu sót và đang khẩn trương tổng hợp tư liệu hồ sơ để báo cáo UBND TPHCM.
Sở VH-TT-DL cũng thấy trách nhiệm của ngành trong việc thiếu kiểm tra để xảy ra tình trạng này, đồng thời chúng tôi cũng đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP và sau đó sẽ có tờ trình xin ý kiến Cục Di sản văn hóa. Việc để di tích biến thành sở hữu tư nhân là việc làm thiếu trách nhiệm của địa phương, sở ngành.
Tuy nhiên trong việc này cũng phải có cái nhìn khác hơn, tích cực hơn vì có nhiều di tích đã là sở hữu tư nhân và đã tham mưu TP hoán đổi nhà khác như: UBND Q10 chủ động hoán đổi cho chủ sở hữu nhà di tích Hầm bí mật chứa vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ (ở đường 3-2); UBND Q3 tham mưu và UBND TP đã thu hồi căn nhà là di tích Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam bộ (số 51/10/14 đường Cao Thắng) để phát huy giá trị di tích lịch sử - và hoán đổi căn nhà trên đường Điện Biên Phủ; tương tự là di tích Cơ sở in ấn của Hội Ủng hộ Vệ Quốc Đoàn đường Ngô Gia Tự, Q10; cơ sở giấu vũ khí của Biệt động Sài Gòn đánh Dinh Độc Lập trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, đường Nguyễn Đình Chiểu Q3…