Như vậy, tiên dự về sự mất mát ngày một lớn hơn các giá trị văn hóa - lịch sử, những bản sắc riêng mang hơi thở của dân tộc, đang đến rất gần, bởi sự khủng hoảng chưa thể khắc phục mà công tác bảo tồn liên tiếp phải đối mặt như hiện nay.
Hạn chế trong năng lực quản lý
Ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều cần có những hệ thống quản lý tốt để có thể vận hành trơn tru bộ máy hoạt động của mình. Theo đó, có thể nói, năng lực quản lý là một trong những yếu tố tiên quyết dẫn đến con đường thành công.
Quay trở lại câu chuyện về di tích, cũng vậy, một di tích có thể tồn tại và phát triển tốt hay không, những vấn đề nảy sinh quanh nó được giải quyết như thế nào… bên cạnh những tác nhân khách quan, thì phụ thuộc chính vào năng lực quản lý của con người. Để đánh giá năng lực ấy, không chỉ dựa vào số lượng di tích được xác lập bao nhiêu, mà còn cần được phản ánh qua sự duy trì và phát triển đến mức nào trên tổng số di tích đó. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, với những gì đang diễn ra, thì năng lực quản lý của chúng ta về di tích bộc lộ khá nhiều yếu điểm.
Trong đó, KTS.Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam, nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải có những thay đổi về nhận thức, tức là phải nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm chung đối với đối tượng là di tích. Việc bảo tồn - trùng tu phải là một sự chung tay của cả một cộng đồng. Chúng ta cần bắt đầu từ một cái nhìn rộng như thế”.
Chùa Giác Viên - một di tích cấp quốc gia được Nhà nước đầu tư 100% ngân sách trùng tu - Ảnh: Bảo Toàn |
Thiếu đi nhận thức như vậy, là một trong những nguyên nhân khiến sự kết nối giữa các phía có liên quan tới vấn đề di tích dần bị “rạn nứt” và nảy sinh nhiều mâu thuẫn. KTS.Lê Thành Vinh nhận định: “Việc cho rằng thủ tục các thứ khó khăn, phức tạp, thì tôi nghĩ rằng, có thể đây là vấn đề thực tế, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Thực tế thì hai bên chưa có sự kết nối thật sự với nhau để cùng giải quyết vấn đề. Những lý do dẫn đến một di tích xuống cấp, khách quan là từ cả hai phía. Dưới góc độ của người sử dụng, vấn đề là tiến hành sửa chữa, bổ sung không phù hợp. Ngược lại, góc độ của phía quản lý, nhiều nơi, người ta không thâm nhập đầy đủ những đặc thù, giá trị cốt lõi và yêu cầu sử dụng của các công trình di tích, nên họ làm một cách rất máy móc theo những quy định chung, công thức chung. Từ đó cũng lại không thích ứng được với nhu cầu sử dụng, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ở những nơi đây. Như vậy, từ cả hai phía đều có những bất cập riêng, dẫn đến càng ngày càng đẩy nhau ra và không thể kết hợp được với nhau”.
Ngoài ra, không chỉ giữa cơ quan nhà nước với người sử dụng di tích, mà sự “bối rối” trong vấn đề quản lý còn thể hiện rõ ở mối tương tác giữa các ban ngành hữu quan, khi luật về di sản di tích tạo nên những nhập nhằng trong hành lang pháp lý, gây chồng chéo trách nhiệm lẫn nhau. Tuy nhiên, dưới góc độ là một nhà nghiên cứu, tham gia vào nhiều cuộc họp quanh những vấn đề về di tích, KTS.Lê Thành Vinh cho rằng, việc phân cấp trách nhiệm cho từng cấp bậc cơ quan là buộc phải làm như vậy, vì có quá nhiều loại di tích cần quản lý. Và khi quyết định về các vấn đề đầu tư, hay tham mưu cho cấp cao hơn phê duyệt dự án, đều phải dựa trên các cơ sở của cơ quan quản lý chuyên môn, là Sở VH-TT rồi mới quyết định được.
Ông phân tích: “Trong các cuộc họp về vấn đề di tích thì đều cần có nhiều ý kiến riêng, còn việc sử dụng ý kiến thế nào và phối hợp với nhau có tốt không, thì điều này lại quay về câu chuyện năng lực làm việc của các cán bộ quản lý nhà nước. Cái gọi là năng lực của các cấp quản lý mới là quan trọng. Mỗi cấp quản lý, người ta giải quyết vấn đề của họ, trách nhiệm của họ. Để giải quyết tốt cho việc bảo tồn di tích, cũng như đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của những người thực thi, người quản lý”.
Qua đó, trước mỗi một vấn đề liên quan đến di tích, chúng ta cần hiểu, đó là vấn đề đa ngành và liên ngành. Như vậy, người làm công tác quản lý cần có năng lực tổng hợp, để từ mỗi ý kiến đưa ra, tổng kết chung và giải quyết vấn đề nhanh nhất. Tuy nhiên, đây lại chính là một “điểm tối” về năng lực quản lý trong công tác bảo tồn di tích ở nước ta, một trong những nguyên nhân làm kéo dài thời gian xử lý sự việc nảy sinh liên quan đến di tích, gây ra nhiều tổn thất cho cả di tích và con người.
Thiếu sót trầm trọng về kiến thức
Đi sâu vào những hạn chế trong năng lực quản lý, lại một lần nữa phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt kiến thức đáng lo ngại. Cụ thể ở đây là kiến thức về quản lý, về bảo tồn, tu bổ di tích nói chung và di tích Phật giáo nói riêng. Bởi lẽ đó, dù đứng trước một kho tàng di tích đồ sộ là vậy, nhưng chúng ta vẫn không tự tin sẽ giữ lại được bao nhiêu và phát huy được bao nhiêu giá trị của di tích.
Như trong buổi làm việc của Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN về đề án Định hướng đặc trưng pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 4-2016 (thực hiện đến năm 2019), cũng có đề cập đến công tác bảo tồn các di tích cổ tự hiện nay. Qua đó, người đại diện nhìn nhận, việc công nhận di sản di tích vẫn chưa đảm bảo được việc phát huy giá trị theo tinh thần đó.
Có thể nói, ngoài sự yếu kém về năng lực quản lý, thì việc thiếu đi kiến thức về kiến trúc di tích Phật giáo cũng là một trong số những nguyên nhân quan trọng gây ra sự sai lệch, méo mó, dẫn đến mất đi các giá trị vốn có của di tích. KTS.Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, khẳng định: “Muốn làm cái gì thì cần phải có hiểu biết, nếu không có hiểu biết mà cứ làm thì thể nào cũng sai. Mà chưa hiểu biết thì cần học để biết, đây là điều rất cần thiết”.
Tuy nhiên, không ít những hạn chế tồn tại trong việc truyền đạt và tiếp nhận kiến thức về kiến trúc di tích, cũng đồng thời được KTS đề cập: “Với người thiết kế, kiến trúc sư, phải nói rằng lĩnh vực thiết kế chùa, kể cả là thiết kế một ngôi chùa mới lẫn bảo tồn, khôi phục hay cải tạo, thì thật sự là một việc làm với quy trình rất phức tạp. Chúng ta chưa có những chuyên gia giỏi thật sự về lĩnh vực này, có thì cũng ít lắm và thậm chí, chúng ta chưa có những tài liệu nghiên cứu sâu về từng hệ phái một. Ngay cả hệ phái Bắc tông, nơi có nhiều sách nhất trong số các sách nói về chùa, nhưng cũng chưa có những sách nói về kiến trúc chùa được soạn dưới dạng giáo trình, nguyên tắc, các cơ sở lý luận… để có thể truyền dạy được. Trong khi đây lại là điều rất cần cho một cung bậc đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu, thì vẫn chưa có loại sách để có thể dạy học được, có thể mở trường được. Đối với các hệ phái khác thì lại càng thiếu hơn, vậy thì làm sao có thể đủ tư liệu, hồ sơ, là căn cứ quan trọng nhất để làm tài liệu tham khảo khi thiết kế chùa? Chưa nói đến khoản phải đào tạo về thiết kế cho đúng chuẩn mực. Đây là một trong những thiếu sót hết sức quan trọng”.
Nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức trong vấn đề liên quan đến di tích, ông phân tích rõ việc ưu tiên trước mắt là cần phải tổng kết những cái mình có, cũng như chưa có, một cách đầy đủ; xác định quy luật phát triển đâu là bản sắc hình thành theo thời gian, đâu là những nét riêng, đâu là những cái chung; đâu là cái hay, đâu là cái không hay; tổng kết một cách khoa học, từ đó rút ra nguyên tắc. Từ nguyên tắc đó, bước đầu mới để cho người thiết kế học hỏi, tham khảo, giữ những gì gọi là cốt lõi, là bản địa hóa. Bởi vì cốt lõi tạo nên sự thống nhất, mà bản địa hóa thì là nền tảng tạo ra đặc trưng riêng.
Song, ông nhấn mạnh: “Không thể cứ nghe nói như vậy mà đi làm một cách tự do, rồi phá hỏng hết cả. Tất cả những điều đó đều cần phải được dạy dỗ, cần được soạn thành tài liệu, giáo trình, bài giảng, phương pháp và cách thức tiến hành và đào tạo từ thấp đến cao”.
Như vậy: “Cái gì cũng cần phải học và chuyên nghiệp, còn chừng nào mình còn làm thủ công, còn làm kiểu dân gian, tự phát, thì tất nhiên nó cũng có cái hay riêng, nhưng nó sẽ không khẳng định nhanh nhất. Cái gì cũng cần phải được đào tạo, hãy xem kinh nghiệm của bạn bè xung quanh, người Campuchia, người Nhật, người Hàn Quốc và kể cả Trung Quốc, họ cũng rất nghiêm túc trong vấn đề bảo tồn. Mình vẫn còn dân gian hóa, thủ công hóa chứ chưa đi vào chuyên nghiệp hóa. Qua đó, tôi cũng thật sự hy vọng chúng ta có một đội ngũ chuyên nghiệp, nếu không thì mình cứ mãi mãi làm theo hướng thủ công, làm một cách tự phát thì sẽ nảy sinh cái đúng cái sai” - một lần nữa, KTS.Nguyễn Quốc Thông khẳng định.
>> Xem thêm: Cần quyết liệt và rõ ràng trong công tác bảo tồn - tu bổ di tích ||