Niệm Phật Dược Sư

Pháp hội Dược Sư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Pháp hội Dược Sư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi rất kính ngưỡng Phật Dược Sư và phát nguyện về sau vãng sinh vào cõi nước Tịnh lưu ly của Ngài. Bên cạnh các phương tiện thực hành thiện nghiệp thì việc niệm danh hiệu Phật Dược Sư tôi có vài khúc mắc như sau: Khi niệm đầy đủ Nam-mô Dược Sư lưu ly quang vương Phật thì hơi dài và dễ bị hụt hơi. Tôi thấy có cách niệm tắt là Nam-mô Dược Sư Phật, hoặc niệm Nam-mô Tiêu tai diên thọ Dược Sư Phật thì nó có vần điệu hơn. Vậy tôi có thể niệm một trong hai cách sau được không?

(ANH CHÂU, thienbinh...@gmail.com)


Bạn Anh Châu thân mến!

Trì danh niệm Phật là pháp tu thông dụng trong Phật giáo Bắc truyền, pháp tu này dễ thực hành, sinh tín tâm sâu sắc với Tam bảo, có thể đạt đến nhất tâm.

Người tu có thể tùy duyên niệm danh hiệu Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Dược Sư, Bồ-tát Quán Thế Âm… Phật giáo Nam truyền cũng thịnh hành pháp môn niệm Phật nhưng thiên về niệm ân đức Phật bảo hơn niệm danh hiệu Phật.

Đức Phật Dược Sư có nhiều danh hiệu để người niệm quán tưởng đến công đức vô lượng của Ngài. Niệm Nam-mô Dược Sư lưu ly quang vương Phật giúp người niệm quán tưởng rõ hơn về sự trang nghiêm của thế giới Tịnh lưu ly, cõi Tịnh độ Đông phương. Niệm Nam-mô Tiêu tai diên thọ Dược Sư Phật giúp người niệm quán tưởng sâu hơn về công hạnh cứu giúp chúng sinh thoát khỏi bệnh khổ, sống lâu khỏe mạnh của Phật Dược Sư.

Người phát tâm niệm Phật Dược Sư có thể tùy duyên, tùy hạnh và tùy sức mà niệm. Tùy duyên là thấy hợp với danh hiệu nào thì mình niệm danh hiệu ấy. Tùy hạnh là học theo hạnh ‘thầy thuốc” của Ngài để chữa trị bệnh tật cho mình và người. Tùy sức là niệm tròn câu, không hụt hơi, niệm hoài không mệt. Như vậy bạn có thể niệm Phật theo một trong hai cách sau mà không có gì trở ngại.

Quan trọng nhất của pháp trì danh là chánh niệm, an chỉ và nhất tâm. Ngoài các trợ hạnh như thực hành thiện nghiệp, chánh hạnh niệm Phật cần duy trì theo thời khóa và niệm trong đời sống hàng ngày, thêm hồi hướng và phát nguyện vãng sinh Đông phương nữa thì về sau bạn sẽ như nguyện.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.