Niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ

Niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ

Cú ngữ: “Niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ” như là bản nguyện sơ phát tâm và cũng là bảo sở của tất cả hành giả tu tập theo pháp môn Tịnh độ. Nhưng, tại sao chỉ có vãng sanh về Tây phương Tịnh độ, trong khi đó cõi tịnh độ có rất nhiều, có bao nhiêu vị Phật là có bao nhiêu tịnh độ, cho đến các vị Bồ-tát, La-hán, Thanh văn vẫn có tịnh độ của các Ngài, đến chúng sanh phàm phu cũng có cõi nước của mỗi loài, như cõi Ta bà này cũng có thể gọi là cõi nước lưỡng nguyện: Thánh phàm đồng cư độ.

Trong mười phương thế giới mà chúng ta học được từ lời Phật dạy, đã có vô lượng tịnh độ như: Tịnh độ Lưu ly của Phật Dược Sư ở phương Đông, Tịnh độ Chúng hương của Phật Hương Tích ở cõi Trên. Tịnh độ của Phật Di Lặc ở cung trời Đâu suất v.v… Tất cả tịnh độ này đều không tự nhiên mà có, chính là một quá trình nỗ lực đoạn tận lậu nghiệp, tiến tu công đức mới thành tựu được một cõi tịnh độ thanh tịnh trang nghiêm như thế. Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh cho chúng ta biết, ngoài quả đất loài người đang sống vẫn còn có quá nhiều thiên hà sai biệt đang tồn tại và mỗi ngày được hé mở, nhưng đó có phải là tịnh độ hay không thì còn tùy thuộc vào bản nguyện nhân quả của thánh phàm.

Mục đích thành tựu tịnh độ của chư Phật và Bồ-tát là vì muốn để hóa độ chúng sanh, như vậy có chúng sanh nào chí tâm phát nguyện vãng sanh về Tây phương Tịnh độ thì ắt phải được vãng sanh về cõi đó và một khi đã được vãng sanh thì đã dự vào quả vị Bất thối chuyển, và cùng đi vào một lộ trình. Cũng như, có chư Phật và Bồ-tát vì bản nguyện cứu độ chúng sanh trong các cõi uế trược thì theo bản nguyện đó mà các Ngài thị hiện cõi Ta bà, ngũ trược ác thế này.

Tuy vậy, cõi Tây phương Tịnh độ của Phật A Di Đà lại được lưu ý và nhấn mạnh hơn tất cả các cõi tịnh độ khác? Bởi lẽ, trong giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni và trong các kinh - luận Đại thừa đều khen ngợi cõi Tịnh độ phương Tây và làm chỗ để quy hướng cho chúng sanh trong đường mê và nẻo ngộ. Vì cũng là bản nguyện của Phật A Di Đà đã được Phật Thích Ca chứng minh và ca ngợi. Điều này cũng cho chúng ta thấy, tịnh độ của chư Phật đều sai khác bởi bản nguyện của các Ngài. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni theo bản nguyện cứu độ chúng sanh ở cõi khổ đau và ô trược, lấy cảnh giới khổ đau làm địa cứ, làm tập nhân để hóa độ. Đức Phật A Di Đà tùy theo tâm nguyện dùng cảnh giới trang nghiêm, quả nhân làm điểm đích để hóa độ chúng sanh. Đây cũng chỉ là sự phương tiện bản nguyện nhưng cùng một mục tiêu là hóa độ chúng sanh.

Tại sao, chúng ta tin sâu trong cõi thánh phàm Ta bà này có uế trược phiền não và thanh tịnh trang nghiêm, tất cả đều lưu xuất từ bản tâm thanh tịnh hay phiền não mà tạo dựng nên cảnh giới đó, Niết-bàn ngay đây và bây giờ. Vậy người học Phật, niệm Phật cầu vãng sanh lại không tin sâu sắc; vẫn còn nghi ngờ khi các tập nhân thanh tịnh của chúng ta không có thể tạo dựng được cảnh giới thanh tịnh trang nghiêm, như cõi Tây phương Tịnh độ được Phật A Di Đà giới thiệu, hay vãng sanh Tây phương Tịnh độ khi chánh nhân viên mãn.

Một khi đã phát nguyện niệm Phật để cầu vãng sanh Tây phương Tịnh độ, cũng chính là lúc chúng ta biết rõ đường về, biết rõ hành động rời bỏ uế trược và hướng tới thanh tịnh trang nghiêm. Người niệm Phật không còn gì để nghi ngờ, có nghi ngờ chăng đó là niềm tin, nguyện thiết và nỗ lực của chúng ta có sâu rộng hay không?

Hơn nữa, niệm Phật như thế nào để thành tựu chánh nhân công đức, đó mới chính là điều người học Phật cần lưu ý. Niệm Phật để tịnh hóa thân tâm, tạo dựng chánh báo trang nghiêm từ y báo lưu xuất thì không có điều gì để chúng ta nghi ngờ việc không thành tựu. Chỉ khi nào người niệm Phật với tâm cầu xin cứu độ mà không hề có cải thiện tâm thức của mình thì đó mới là sai lệch. Niệm Phật đặt trọng tâm cầu mong, hay nói cách khác chỉ có tha lực mà không có nỗ lực, tự lực chuyển hóa thì kết quả sẽ không bao giờ xảy ra, tịnh độ sẽ không có hiện hữu khi chúng sanh vẫn là chúng sanh luôn hướng về sự cầu xin, cứu rỗi, điều đó cũng đã đi ngược lại bản nguyện của chư Phật và lời phát nguyện của Phật A Di Đà. “Nếu có chúng sanh nào phát nguyện niệm danh hiệu của Ta từ một cho đến mười niệm nhất tâm bất loạn thì sẽ sanh vào nước Ta”. Đã nhất tâm bất loạn thì không có việc nhân, ngã, chúng sanh, thọ giả tướng, Ta bà hay Tịnh độ phương Tây, uế trược hay thanh tịnh, đó là cứu cánh, vượt qua ngưỡng cửa phương tiện mà chư Phật đã mở bày.

Tự tánh Di Đà, duy tâm tịnh độ, quyết ngữ này lại lần nữa khẳng định cho chúng ta nhớ rõ, tất cả đều lưu xuất từ bản tâm. Bản tâm thanh tịnh thì cảnh giới thanh tịnh lưu xuất, tâm uế trược thì Ta bà ngũ trược hiện hữu.

5.jpg

Tuy nhiên, dù là tâm uế trược hay thanh tịnh của chúng sanh vẫn không tạo thêm sự sai khác của các cảnh giới mà chỉ có cư ngụ vào cảnh giới bởi do tâm thức của chúng ta tạo ra. “Quốc độ của chúng sanh là Phật độ của Bồ-tát”(1). Muốn có được những tâm thức đó, cần phải minh định rõ con đường chúng ta đang đi và nhân duyên chúng ta đang kết, quả vị chúng ta hướng đến.

“Trực tâm là tịnh độ của Bồ-tát; khi Bồ-tát thành Phật, các loại chúng sanh không dua vạy sẽ sinh về đó. Thân tâm là tịnh độ của Bồ-tát; khi Bồ-tát thành Phật, các chúng sanh có đầy đủ các phẩm chất sẽ sanh về đó. Bồ đề tâm là tịnh độ của Bồ-tát; khi Bồ-tát thành Phật, chúng sanh Đại thừa sẽ sanh vào đó”(2). Chỉ bấy nhiêu câu kinh đấy, cho chúng ta biết rằng dù tu tập theo pháp môn nào chăng nữa, cũng phải trang bị đầy đủ những phẩm chất như vậy, chứ không phải chỉ niệm Phật bằng tiếng, bằng âm thanh, sắc tướng, thì vẫn không đủ thực hiện được một cõi tịnh độ nào, chứ đừng nghĩ đến sanh về Tây phương Tịnh độ.

Tây phương Tịnh độ là cảnh giới trang nghiêm từ sự tích tập công đức, từ những chánh nhân đã viên mãn, từ bản tâm thanh tịnh mà Đức Phật A Di Đà đã giới thiệu cho chúng sanh biết. Khi một chúng sanh nào đã sanh về đó thì đã tham dự vào hàng lớp thanh tịnh hóa tâm, mà tâm đã được đồng hóa với bản tánh thanh tịnh thì không còn thối chuyển, ngược lại luôn được thăng tiến, vững chãi trên đường đạo, cho đến ngày thành tựu Bồ-đề khi nỗ lực phước trí trang nghiêm.

Do vậy, một khi chúng ta nỗ lực niệm Phật, luôn nuôi dưỡng tâm thức thanh tịnh và quyết chí cầu sanh về Tây phương thì nhân như thế chắc chắn quả cũng như thế, không hề sai biệt và hư dối.

Trong cõi Thánh phàm đồng cư độ, là người học Phật chưa hội đủ nhân duyên, tánh giác để phân biệt được thánh phàm hiện hữu đó đây, chúng ta nên giữ niềm tin sâu sắc vào bổn nguyện của chư Phật và Bồ-tát phát nguyện rộng lớn để hóa độ chúng sanh, làm kim chỉ nam trên bước đường học đạo. Và tin sâu rằng, sự nỗ lực của chúng ta không hề sai mất dù chỉ một mảy may niệm khởi, khi khởi niệm dù thiện hay ác, trong vòng quay nhân quả tất cả đều tròn đầy và dung chứa cho đến khi nhân hội đủ, quả liền thành tựu. Cuối cùng, có niệm Phật, có phát tâm dõng mãnh và lập chí hướng về Tây phương, ắt có vãng sanh Tây phương Tịnh độ. 

Huệ Giáo

1 Huyền thoại Duy Ma Cật, Tuệ Sĩ, tr 38.

2 Duy Ma Cật Sở thuyết kinh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.