GN - Nói đến các bậc xuất gia đại thọ không thể không đề cập đến Ni trưởng Thích nữ Viên Minh.
Ni trưởng họ Nguyễn, pháp danh Tâm Huệ, tự Viên Minh, hiệu Trí Uyên, sinh năm Giáp Dần (1914) tại thôn Động Giả, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội (tức tỉnh Hà Đông), trong gia đình quyền quý, ảnh hưởng Nho học và văn hóa Âu Tây.
Năm 1937, nhân một lần được gia đình đưa vào kinh đô Phú Xuân - Huế, người con gái họ Nguyễn của đất Hà thành ngỏ lời nhờ người bạn dẫn đến chùa lễ Phật và tìm hiểu về đời sống của người xuất gia. Theo nhân duyên đó, cô gái họ Nguyễn dự thính một buổi giảng của nữ cư sĩ Hồ Thị Hạnh (tức Ni trưởng Diệu Không sau này) tại chùa Từ Đàm, sau đó, cô trốn gia đình xin xuất gia với Ni trưởng Diệu Hương tại Ni viện Diệu Đức.
Ni trưởng Viên Minh lúc 99 tuổi - Ảnh: Trần Nguyên Hải |
Khi hay tin con gái xuất gia, gia đình đã đến chùa bắt ép phải về. Sau bao lần khuyên giải, thuyết phục không thành, gia đình đành thuận lòng để cô xuất gia. Duyên lành, cô được chính Đức Trưởng lão Thích Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân truyền thọ giới Sa-di-ni theo nghi thức phương trượng và ban pháp hiệu Viên Minh; năm 1947, được tấn đàn thọ giới Tỳ-kheo-ni.
Là người ham học, hai năm sau khi xuất gia, được sự đồng thuận của Sư cụ Diệu Hương, Ni trưởng đến Sa Đéc học Phật học tại chùa Bà Ba Sàng, chùa Vạn An. Với sở học và đức khiêm tốn, Ni trưởng đã phụ tá các vị Trưởng lão Ni đảm trách nhiều Phật sự như dạy đồ chúng, quản trị tự viện, sản xuất tự túc kinh tế cho thiền môn, mở cô nhi viện nuôi trẻ mồ côi tại Hà Nội, Huế, Phú Yên, Nha Trang…
Với đức hạnh của một bậc Trưởng lão Ni mô phạm, Ni trưởng được cung thỉnh làm Hòa thượng Đàn đầu giới đàn phương trượng Diệu Đức; Hòa thượng Yết-ma A-xà-lê giới đàn Giác Nhiên - Thuyền Tôn; Hòa thượng Đàn đầu Giới đàn Minh Hoằng - Từ Đàm.
Điều đặc biệt ở vị Trưởng lão Ni ngoài trăm tuổi này là tinh thần hiếu học cho đến những ngày cuối đời. Hàng ngày, dù khi tuổi đã ngoài chín mươi, ngoài thời khóa hành trì, niệm Phật miên mật, Ni trưởng vẫn đọc sách Phật giáo mới xuất bản, báo chí Phật giáo, trong đó có báo Giác Ngộ. Có lần do bưu điện chuyển báo lạc địa chỉ, Ni trưởng đã nhờ người đến tòa soạn bổ sung những số thiếu trong tủ sách của Người.
Ấn tượng về vị Trưởng lão Ni - người Huế thường gọi thân thương là “Sư bà Viên Minh”, Giáo sư Thái Kim Lan, Tiến sĩ Triết học hiện sống tại Đức, hồi tưởng: “...Vẫn thế mỗi lần, khi còn là cô gái nhỏ ngồi níu áo Mạ khi lên chùa, lắng nghe cuộc chuyện trò với các Ni sư, nhìn vào nhà trong, thấp thoáng thấy các Sư cô hoặc tụng kinh hoặc sắp đặt công việc do Sư bà dặn dò, tôi nhận ra dáng người nhỏ nhắn của một Ni sư, mà khi thấy, Mạ tôi đã chào cung kính. Sau đó được Mạ cho biết đó là Sư “cô” Viên Minh. Khiêm tốn và thuần nhị, chỉ có ánh mắt và nụ cười hiện rõ.
Khi đã thành sinh viên trong phong trào Phật tử, lên chùa ồn ào với thảo luận nghiên cứu chi chi trọng đại, ngẩng nhìn lên, có lần bắt gặp gương mặt thuần hậu của một nàng Út bé nhỏ, nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy chia sẻ, như muốn cười và muốn nói, mà không cần nhiều lời, cười và nói bằng sự lặng yên có thể chuyển động những gì ù lì nhất ra khỏi vùng u mê. Mỗi lần như thế tôi ngỡ ngàng, thoáng ngạc nhiên như bắt gặp một nhân vật trong truyện cổ tích, như những nàng tiên có phép thần, khi ở thế gian thì lại hiện ra trong dáng dấp khiêm tốn nhỏ bé mà khi cần thì có thể hóa phép cứu độ chúng sanh.
Như chuyện nàng Cóc ẩn mình trong lốt cóc, nàng Út ẩn náu trong hoa, tuy ẩn dật mà viên thành tất cả khó khăn. Ẩn nhẫn quả thật là một đức hạnh của tu chứng chân thành. Mỗi lần đến chùa, đi ngang qua cửa sổ nơi Sư bà nghỉ, thấy có ánh đèn, nhìn vào thấy cái lưng nhỏ nhắn của sư bà và quyển kinh trên bàn, tinh tấn rất mực mà không một chút bi quan, nhìn lên là ánh mắt và nụ cười ấy, vẫn là như thế những năm sau, chỉ duy lưng thì dần cong hơn với tháng ngày...”
Ni trưởng biết trước ngày giờ viên tịch, và sau vài biểu hiện bệnh duyên, Ni trưởng viên tịch ngày 30-6-Giáp Ngọ (2014), 70 hạ lạp, đại thọ 101 tuổi.
Nhắc đến Ni trưởng, nhiều bậc tôn túc Tăng và trí thức, cùng hàng Phật tử dành sự kính trọng với đạo tình thâm thiết. Ni trưởng là người giữ gìn giới luật nghiêm mật, luôn cầu học, một lòng kính cẩn trước các vị Tăng theo Bát kỉnh pháp; từ ái đối với Ni chúng và bao dung, khiêm tốn, độ lượng hàng Phật tử nhiều thế hệ.
*
Còn nhiều vị nữa, sống trong cửa thiền, dấn thân hành đạo, đạo phong cao viễn sống ngoài 100 tuổi nữa mà người viết hoặc chưa biết được, cũng do giới hạn ở dung lượng của một bài báo trên giai phẩm này, nên chưa thể đề cập ở đây. Chẳng hạn ngài Mật Hoằng (1735-1835), bậc cao Tăng người Bình Định, đại thọ 101 tuổi; ngài Giác Hạnh (1880 - 1981) chùa Vạn Phước ở cố đô Huế, với mật hạnh mười năm chú nguyện một tượng Phật, đại thọ 102 tuổi; ở các nước láng giềng thì có Đức Tăng thống Phật giáo Vương quốc Thái Lan Somdet Pra Nyanasamvara viên tịch 2 năm trước, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào - ngài Phong Samaleuk viên tịch tháng 10-2015 vừa qua, cả hai vị trụ thế tròn 100 tuổi… với nhiều câu chuyện thực liên quan tới cuộc đời của các ngài đẹp như giai thoại thiền môn.
Sống giản dị, chuyên tâm nhất hướng trên con đường tỉnh thức, miên mật trong hành trì, mỗi vị có một hạnh nguyện, tôn kính đồng đạo, khiêm tốn với tha nhân, tích cực dấn thân hành đạo nhưng không rời sự hành trì hàng ngày… là những phẩm chất chung biểu hiện qua cuộc đời của các vị này mà người viết cảm nhận trong sự giới hạn của một kẻ hậu sinh. Một vài phác thảo cuộc đời của các ngài cống hiến đến bạn đọc trong ngày xuân.
Hoàng Độ /Báo Giác Ngộ