Ngày họ nhận bằng tốt nghiệp cũng trở nên đặc biệt hơn khi các con đi chúc mừng ba mẹ, các nhân viên tại công ty truyền thông đi chúc mừng “sếp” mình và cháu đi chúc mừng bà hoàn thành khóa học Phật.
Chồng giảng viên đại học cùng vợ học Phật
Là một trong những đôi vợ chồng cùng tốt nghiệp Phật học khóa VI, trong ngày “trọng đại” này, chị Hồ Thị Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CPTP Thiên Hương và ông xã là anh Trần Hoa Phúc Chân, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM được hai cô con gái “tháp tùng” đi nhận bằng tốt nghiệp. Niềm vui lớn nhất của “hai bạn nhỏ” là ba và mẹ được Học viện trao tặng Bằng khen “Đôi bạn đời cùng học và tốt nghiệp khóa VI”. Tiếng cười, niềm hạnh phúc rạng rỡ trên gương mặt của bốn thành viên trong gia đình.
Trong niềm hạnh phúc, chị Uyên Phương chia sẻ, từ lúc 8 tuổi, chị đã được mẹ dẫn đi chùa, sinh hoạt Gia đình Phật tử và quy y. Cho đến năm 18 tuổi, chị Phương vào Sài Gòn thi đại học, học tập, xây dựng sự nghiệp, lập gia đình và định cư. Hơn 20 năm, chị đã bỏ quên Phật pháp, chạy theo những nhu cầu đời thường, tiền tài, danh vọng và sự nghiệp; cuộc sống là những chuỗi ngày vùi đầu trong công việc. Do áp lực công việc cao khiến chị thường xuyên mất ngủ.
Chị Hồ Thị Uyên Phương và ông xã Trần Hoa Phúc Chân được khoa Phật học từ xa (Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM) trao tặng Bằng khen "Đôi bạn đời cùng học và tốt nghiệp khóa VI" |
Tình thương và liệu pháp mà anh Trần Hoa Phúc Chân dành cho vợ mình đó là, khi chị Uyên Phương bị áp lực công việc, mất ngủ, mỗi tối anh thường mở cho vợ nghe “Đường xưa mây trắng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Theo lời chị Uyên Phương, ông xã là người thường xuyên khuyên chị buông bỏ những thứ làm cho mình khổ, tự làm chủ cuộc đời mình, hướng suy nghĩ tích cực và tập sống theo giáo lý của Đức Phật.
“Thương vợ và muốn giúp vợ sống hạnh phúc hơn, nên khi được người bạn giới thiệu chương trình cử nhân Phật học của Học viện Phật giáo Việt Nam, tôi đăng ký ngay cho hai vợ chồng cùng học lớp từ xa khóa VI. Mong muốn của tôi là giúp vợ giải tỏa các áp lực để có cuộc sống nhẹ nhàng, nhiều niềm an vui thật sự”, anh Phúc Chân trải lòng.
Đến thời điểm hiện nay, vợ chồng chị Uyên Phương, anh Phúc Chân đã cùng nhau đồng hành hơn 22 năm trên đường đời và hơn 4 năm trên đường đạo, cùng các bạn đồng học đồng tu của lớp Phật học trong niềm vui hỷ lạc, dưới sự giáo dưỡng, dìu dắt và yêu thương của các vị trưởng, phó khoa cùng các giáo thọ sư của khoa Phật học từ xa.
Niềm vui của 3 doanh nhân trong ngày nhận Bằng Cử nhân Phật học |
Tốt nghiệp cử nhân Phật học ở tuổi ngoài 70
Cô Tăng Tuyết Vân là một trong các vị lớn tuổi nhất của khóa VI, Phật học, đào tạo từ xa tốt nghiệp và được trao bằng vào ngày 29-12. Khi phóng viên báo Giác Ngộ tiếp cận, xin phỏng vấn, cô Tuyết Vân đã bày tỏ rất nhiều niềm vui trong sự kiện trọng đại này của cuộc đời mình, đặc biệt là lý do đến với khóa Phật học từ xa của Học viện: “Trước khi muốn đi theo một con đường nào đó, tôi phải tìm hiểu, để đem toàn tâm toàn ý vào sự tin tưởng rằng mình đã đi đúng đường. Khi đã xác định mình đi đúng con đường thì vững vàng vào con đường đó”.
Cô cũng cho biết: “Nhiều người thắc mắc là tại sao tui già còn học Phật pháp? Vì việc học Phật pháp làm cho người già như tôi thấy sống an ổn, thấy được giá trị của cuộc sống, để từng ngày không trôi qua vô nghĩa”.
Niềm vui trong ngày tốt nghiệp của các tân cử nhân Phật học từ xa, khóa VI |
Minh chứng cho điều đó, cô chẳng ngại ngùng cho biết, bản thân mình thay đổi rất nhiều trong bốn năm học Phật, biết sống thiểu dục tri túc, không đòi hỏi con cháu phải đáp ứng nhu cầu của mình. Cô biết chuyện gì quan trọng nhất với bản thân. Hàng ngày, cô tiết kiệm từng giờ đồng hồ, cô không để phí thời gian vào những chuyện không có ích.
“Cho nên, ngoài việc nghe pháp, tụng kinh, sửa đổi bản thân cho hoàn thiện hơn, cô cũng tham gia các công tác xã hội, qua đó mang lại lợi ích cho chính mình và cho người khác”, cô Tuyết Vân bày tỏ niềm hạnh phúc tuổi già của mình.
Lớp học trở thành gia đình yêu thương
Để chuẩn bị cho sự kiện ngày lễ tốt nghiệp quan trọng này, trước đó hơn một tuần, chị Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc Công ty TNHH GazeFi TP.HCM tất bật cho nhân viên của mình thiết kế banner, in phông nền, in backdrop để tất cả các thành viên lưu lại những hình ảnh đẹp bên người thân, người thương và lưu niệm tri ân các thầy giáo thọ sau lễ tốt nghiệp.
Trong niềm xúc động, chị Bích Thảo trải lòng: “Nếu như ai hỏi tôi có cảm nghĩ gì khi nhận được bằng tốt nghiệp cử nhân Phật học, thì tôi chỉ trả lời thật nhanh là hai từ biết ơn”. Chị Bích Thảo trở thành học viên khóa VI nhờ cô bạn đồng học, đồng tu Uyên Phương và đến với lớp học do sự trợ duyên của gia đình nhỏ - ông xã tạo mọi điều kiện cho chị đi học Phật. Trong niềm vui này, chị Thảo nhớ lại: “Những ngày đầu tôi học, ông xã nhiều lần khuyên nghỉ, vì tôi quá mê học Phật, còn anh thì sợ tôi đi tu luôn. Niềm vui lớn nhất ngày hôm nay của tôi là cả gia đình đã đến chúc mừng”.
Chị Nguyễn Thị Bích Thảo nhận Bằng tốt nghiệp Cử nhân Phật học |
"Tôi đặc biệt biết ơn các vị giáo thọ sư. Tôi nghĩ, chỉ cần tiếp tục thực hành giáo pháp của Đức Phật theo lời giảng của các vị giáo thọ, mỗi ngày bớt chút tham sân si thì chắc chắn hành trình riêng của mỗi người sẽ yên bình, hạnh phúc”, chị Bích Thảo bày tỏ.
Sau 4 năm theo học Phật học, bất kỳ cá nhân học viên nào cũng tìm thấy cho mình niềm an vui và những điều tâm đắc. Anh Minh Quân - Giám đốc marketing Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam cùng chung niềm thương đó: “Hôm nay, chính thức tốt nghiệp cử nhân Phật học, tôi thấy bản thân may mắn bội phần khi có được một hành trình 4 năm học Phật một cách bài bản. Tôi cũng thấu rõ rằng, hành trình ấy chỉ là một khởi đầu nhỏ, đặt bước chân ban sơ trên đạo lộ soi rọi, khai sáng tâm mình và chắc chắn còn rất nhiều điều cần học hỏi, tu tập để tinh tấn hơn. Ngang qua đó, tôi rất biết ơn vì 4 năm học Phật ở học viện này, các thầy giáo thọ và các bạn cùng học, cùng tu đã dẫn dắt cuộc sống của tôi theo một hướng tốt đẹp, nhiều an lạc”.
Ngày tốt nghiệp của cử nhân có gia đình chúc mừng |
Theo lời Thượng tọa Thích Giác Hoàng, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Thư ký Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Trưởng khoa Phật học từ xa kể, khoa Phật học khóa VI có doanh nhân, công chức, tri thức, một vài bạn trẻ học, mọi người hỗ trợ, cùng cố gắng dắt dìu nhau học tập để được tốt nghiệp hôm nay. Khi có các vị bị rớt các môn thì thành viên liền tạo nhóm, giúp các bạn đồng tu ôn bài, cùng nhau nỗ lực.
Đặc biệt, tại lớp học này, các thành viên còn kết nối sâu rộng hơn qua các chương trình thiện nguyện, ứng dụng kiến thức Phật học vào cuộc sống, qua việc hỗ trợ cộng đồng, chung tay xây những chiếc cầu nông thôn để học sinh đến trường, tặng học bổng cho học sinh vùng sâu vùng xa, vượt khó... Với ý nghĩa như thế, khoa Phật học từ xa đã và đang đóng góp rất lớn, không chỉ trong hệ thống giáo dục Phật giáo, mà còn nhân rộng nhiều việc tốt cho đạo, đẹp cho đời.
“Khóa VI năm nay có 204 học viên tốt nghiệp, khi đăng ký đầu vào năm 2019 có tất cả 567 người.
Khoa Phật học từ xa ngày càng thu hút học viên, đặc biệt là nhiều doanh nhân, trí thức, giáo viên, công chức, bạn trẻ và nhiều đôi vợ chồng, mẹ con, anh em đăng ký học.
Ngày nay ai cũng dễ dàng tìm thông tin trên internet, tuy nhiên học viên lại bỏ thời gian, nghiêm túc đến với khóa học, không chỉ vì muốn tìm đúng nơi học kiến thức Phật học, mà còn tìm cho mình những vị thầy giáo thọ có hiểu biết, có kinh nghiệm dẫn dắt họ vào đạo, trải nghiệm đời sống tâm linh. Quan trọng hơn hết, khóa học có hệ thống lý thuyết khá hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của học viên, giúp học viên ứng dụng vào đời sống thực tế.
Từ kiến thức đã học, doanh nhân ứng dụng Phật học vào đời sống, điều hành doanh nghiệp; vợ và chồng đưa giáo lý vào đời sống, dìu nhau trên đường học và tu; các bạn trẻ vững chãi hơn trước những biến động của cuộc sống. Đặc biệt, từ những lớp học này, thành viên của lớp kết nối sâu rộng hơn, nối rộng vòng tay thành một cộng đồng có nhiều đóng góp cho cộng đồng, dựa trên kiến thức Phật học đã học được. Đó là điều làm cho những người làm công tác điều hành - giáo dục như chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Thượng tọa Thích Giác Hoàng, Ủy viên Hội đồng Trị sự,
Phó Tổng Thư ký Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM,
Trưởng khoa Phật học từ xa