GNO - Theo quan điểm Phật giáo, nhẫn nhục là gì? Nhẫn nhục có ích gì? Nhẫn nhục được dùng trong trường hợp nào? Trường hợp một người bị dồn vào bước đường cùng thì nhẫn nhục có tác dụng gì và có thể cứu giúp được người đó hay không?
(LAN HỒNG, lan6827…@gmail.com)
Bạn Lan Hồng thân mến!
Nhẫn nhục, theo nghĩa thông thường, nhẫn là nhịn chịu, nhục là tổn thương, bị sỉ nhục. Nhẫn nhục là chịu nhịn những điều mà người khác sỉ nhục, làm cho xấu hổ; chịu đựng tổn thương trước những việc không vừa lòng, nghịch ý, trái tai gai mắt… nhưng vẫn cố gắng giữ tâm không tức giận, không phản ứng lại và không nghĩ đến việc sẽ báo thù.
Trong đạo Phật, nhẫn nhục nếu phân chia theo ba nghiệp thì có: thân nhẫn, khẩu nhẫn và ý nhẫn.
Thân nhẫn là sự chịu đựng của thân trước các hoàn cảnh không vừa ý như nóng lạnh, bệnh tật, đói khát, chỗ ở thiếu tiện nghi, hoặc bị hành hạ đánh đập. Trước những nghịch cảnh như thế, người thực hành thân nhẫn cố gắng chịu đựng không phàn nàn, kêu ca hay bạo động chống trả mà chỉ bình tĩnh giải thích sự việc.
Khẩu nhẫn là im lặng trước các nghịch cảnh như có người chửi mắng, vu oan, đâm thọc, nói sai sự thật, nói lời khiêu khích v.v… Trước những lời trái tai như thế, người thực hành khẩu nhẫn chỉ từ tốn giải thích trong ôn hòa, dù nghe lời không vừa ý nhưng họ vẫn giữ yên lặng, không giận dữ dùng những lời ác mà đối lại hoặc gây gổ cãi lộn, đánh nhau v.v...
Ý nhẫn là tâm nhẫn nhục, trước nghịch cảnh mang đến cho thân và trước những lời nói trái tai họ đều kham nhẫn chịu đựng không có ý nghĩ tức giận, thù oán. Luôn giữ tâm buông xả, an định trước mọi thuận nghịch của đời sống.
Nếu phân chia theo ý nghĩa thì nhẫn nhục có bên ngoài và bên trong.
Nhẫn nhục bên ngoài nghĩa là vì danh lợi, vì có người khen, vì sợ uy quyền, vì chưa đúng thời điểm, vì chưa có đủ điều kiện phản kháng, vì sức yếu thế cô v.v… nên gắng chịu đựng. Tuy có nhẫn nhục nhưng đó chỉ là sự đè nén. Bất cứ sự chịu đựng nào cũng có giới hạn, khi vượt ngưỡng sẽ bùng vỡ và mang đến hậu quả khôn lường. Theo Phật giáo, nhẫn nhục bên ngoài cũng rất cần, nhưng cần hơn là hướng đến nhẫn nhục thực sự ở bên trong.
Nhẫn nhục bên trong chỉ thành tựu khi trí tuệ và từ bi của hành giả đầy đủ. Hành giả thấy rõ tất cả pháp đều huyễn hóa vô thường, biết rõ mình và người không phải hai, thấy rõ vì người ta đang khổ (do vô minh, tham ái, phiền não) nên mới làm khổ mình, nhờ trí tuệ và từ bi nên hành giả kham nhẫn, chấp nhận và vượt qua tất cả chướng ngại một cách nhẹ nhàng. Nhẫn nhục bên trong một cách trọn vẹn còn được gọi là nhẫn nhục Ba-la-mật.
Nhẫn nhục theo Phật giáo không có nghĩa là co mình chịu trận, ai muốn làm gì mình thì làm. Nhẫn nhục là bước đệm kham nhẫn cần thiết để tâm an, trí sáng nhằm giải quyết vấn đề một cách thấu tình đạt lý tiếp theo đó. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm “một điều nhịn, chín điều lành”. Đây chính là lợi ích của nhẫn nhục. Nhẫn nhịn để được “chín điều lành” là cách ứng xử đầy khôn ngoan, rất nhân văn và trí tuệ.
Nhẫn nhục như đã trình bày được ứng dụng trong tất cả các phương diện cuộc sống. Người học Phật rèn luyện đức tính nhẫn nhục như một phẩm hạnh, một kỹ năng sống trước cuộc đời đầy biến động. Tám ngọn gió đời được-mất, nhục-vinh, khen-chê, khổ-vui (bát phong: lợi-suy, hủy-dự, xưng-cơ, khổ-lạc) luôn khuấy đảo đời sống của chúng ta. Đối với tất cả những điều trái ý nghịch lòng không phản ứng vội vàng theo bản năng phiền não mà cần bình tĩnh, điềm đạm, suy xét đúng sai rồi mới chọn cách ứng xử thích hợp.
Vấn đề, trong trường hợp bị dồn vào bước đường cùng, nhẫn nhục có tác dụng gì và cứu giúp được gì? Như đã nói, tu hạnh nhẫn nhục chính là ứng xử có trí tuệ và từ bi. Hoàn cảnh “bước đường cùng” thì chịu đựng cũng chết mà chống lại cũng chết thì vẫn rất cần nhẫn nhục với bi trí để tìm ra con đường sống.
Chúc bạn tinh tấn!