Nói đến hạnh nhẫn nhục, Đức Phật Thích Ca là người đã thể hiện sức mạnh của nhẫn nhục ở đỉnh cao nhất gọi là nhẫn nhục Ba la mật. Thành tựu hạnh nhẫn nhục Ba la mật, tạo thành sức mạnh vô cùng quan trọng, không phải nhẫn rồi bị yếu đuối, thua cuộc. Trong kinh Kim Cang, Đức Phật dạy rằng tiền kiếp của Ngài trong khi thể nghiệm hạnh nhẫn nhục đến đỉnh cao nhất thì vua Ca Lợi chặt tay chân và móc mắt Ngài, nhưng nhờ sức mạnh nhẫn nhục mà tay chân Ngài liền lại và mắt Ngài sáng ra. Mới đọc câu chuyện này, chúng ta nghĩ đây là sự mầu nhiệm, nhưng nếu chúng ta thực tập đức nhẫn nhục và gặt hái được kết quả dù nhỏ cũng sẽ nhận thấy được nhẫn nhục thật sự có một sức mạnh đặc biệt.
Ở thời đại chúng ta , chắc chắn khó tin được việc tay chân mọc lại sau khi bị chặt đứt và mắt sáng trở lại sau khi bị móc ra, chúng ta sẽ cho đó là chuyện hoang đường, không thể có được nếu hiểu theo khoa học. Tuy nhiên, nếu đứng ở khía cạnh tôn giáo và triết học, điều này nhằm nói lên việc thực tập và kết quả tu chứng, phát huy được sức mạnh của nhẫn nhục mới là việc quan trọng và dễ chấp nhận hơn.
Đầu tiên, nhìn về Phật và nghe câu chuyện như vậy, tôi nghĩ rằng vua Ca Lợi có lòng sân hận rất lớn là do tâm ái dục. Vua Ca Lợi vào núi vui chơi với cung phi mỹ nữ, trong lúc vua ngủ thì đám cung nữ đi ra ngoài chơi và họ đã gặp Sằn Đề tiên nhân là tiền thân của Phật. Hạnh nhẫn nhục của vị tiên nhân này đã tỏa ra sức mạnh tự nhiên khiến cung phi mỹ nữ tập họp lại để nghe Ngài thuyết pháp và Ngài đã cảm hóa họ không bằng ngôn ngữ, nhưng bằng sức mạnh tâm linh.
Trên thực tế, chúng ta thấy người có sức mạnh của cơ bắp, tức lao động chân tay khỏe mạnh khác với người có sức mạnh của trí tuệ. Với trí tuệ, con người chế tạo được những vật dụng chẳng hạn như chiếc cần cẩu có thể nhấc những vật nặng hàng trăm tấn, hoặc với trí khôn, con người chế tạo vũ khí nguyên tử có sức tàn phá, hủy diệt muôn loài một cách khủng khiếp. Tuy nhiên, sức mạnh cơ bắp và sức mạnh của trí tuệ phải lùi bước trước sức mạnh của hạnh nhẫn nhục.
Thật vậy, nếu chúng ta có được đức tánh hiền hòa, từ ái và diệt tận tất cả mọi ham muốn trong cuộc sống này, không bị cuộc đời lôi kéo, mới phát huy được năng lực thu hút người khác. Như đã nói bà Kita Gawa thực tập được sức mạnh tinh thần, sức mạnh về lòng từ bi theo Phật và nói chung, người phụ nữ nếu thể nghiệm được hạnh từ bi như Phật dạy, sẽ phát huy rất nhanh sức mạnh tinh thần hơn nam giới, vì điều này thuận với tình cảm của phụ nữ. Thực tế trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy những phụ nữ hiền lành, nhân ái, với ngôn ngữ nhẹ nhàng, từ tốn thường có sức mạnh thu hút người khác. Vì vậy, Đức Bồ tát Quan Âm thường thị hiện thân phụ nữ để mọi người dễ cảm nhận lòng từ bi của Ngài.
Quý vị là phụ nữ dễ thực tập hạnh này có kết quả tốt đẹp. Nếu la mắng, người sẽ không nghe, nhưng biết thực tập hạnh từ bi, người khác dễ nghe theo mình. Có người đến thưa với tôi rằng bà dạy con mà nó không nghe lời; còn người con thì nói rằng mẹ của nó rất khó tính. Vì thế, tôi khuyên bà này nên thực tập lòng từ bi như Đức Quan Âm, nghĩa là thương xót con, chăm sóc con, không áp đặt nó, không làm cho nó buồn phiền, đau khổ. Quả nhiên với tình thương thật sự mà bà dành cho con khiến nó đã thay đổi tánh nết, không còn bướng bỉnh với bà. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sẽ có được sức mạnh của từ bi nếu biết thực tập tâm này một cách đúng đắn.
Từ sức mạnh của tình thương hữu hạn dành cho người thân trong gia đình nếu được nâng lên thành lòng từ bi vô hạn của Đức Phật đối với tất cả chúng sinh muôn loài, thì sức mạnh này sẽ được tăng lên nhiều lần và sẽ thu hút nhiều người tìm đến quy ngưỡng. Điển hình như sức mạnh từ bi của Sằn Đề tiên nhân đã tác động nhiều người theo ngài, trong đó có đám cung nữ của nhà vua. Ông đã khởi tâm ganh tỵ, bực tức và sử dùng quyền uy tột đỉnh của vua để đối chọi lại hạnh tu nhẫn nhục của vị tiên nhân trong tay không có một tấc sắt. Tiên nhân Sằn Đề đã đạt đến sức kham nhẫn cùng tột là nhẫn Ba la mật, nghĩa là ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra với ngài, không có một phản ứng chống chọi nào cả. Và người nào đạt đến đỉnh nhẫn Ba la mật là đã vượt qua ranh giới vật chất, họ sẽ trở thành người tự do, tự tại hoàn toàn. Lịch sử cho thấy Thánh Gandhi tuy chưa đạt đến đỉnh cao của pháp nhẫn, nhưng ngài cũng đã thể hiện được phần nào tinh thần này qua câu nói rằng họ chỉ hành hạ được con chó, chứ không hành hạ được “tôi”, vì “cái tôi” của ngài đã ở phía bên kia, vượt thoát đời sống vật chất.
Không bị vật chất chi phối, vượt qua sự tác động của sống chết, danh lợi, địa vị…, thì không ai có thể đe dọa, uy hiếp chúng ta được; trái lại, nếu gặp khó khăn nguy hiểm mà sợ bị bắt, sợ bị giết thì quyền lực thế gian sẽ áp đảo chúng ta liền. Vì vậy, đối với Thánh Gandhi, ngài hoàn toàn không khiếp sợ trước cái chết do chính quyền Anh đe dọa, khiến họ cũng phải dè dặt trước dũng lực kiên cường của ngài. Sằn Đề tiên nhân cũng thế, đạo lực nhẫn nhục của ngài đạt đến mức độ vô ngã tạo thành sức mạnh tinh thần, sức mạnh của đức hạnh, làm cho vua Ca Lợi không còn có ý nghĩ chặt tay chân, móc mắt tiên nhân, huống chi là chặt tay chân móc mắt thật. Vì ý niệm ác này chạm phải sức mạnh kham nhẫn, sức mạnh vô úy vượt ngoài sống chết của tiên nhân, ngài nhẹ nhàng chấp nhận mọi việc đổ lên ngài, khiến tâm sát hại của ông vua này tự lắng dịu, cho đến tan rã. Vua Ca Lợi chẳng những không giết ngài, mà ý niệm giết cũng không còn và hơn thế nữa, nhà vua còn sợ ngược lại tiên nhân mà kinh diễn tả theo tinh thần triết học là tay chân của tiên nhân mọc lại và mắt ngài sáng ra như thường. Điều này nhằm nói lên sức mạnh kỳ diệu của hạnh nhẫn nhục đã làm cho sức mạnh của quyền lực, sức mạnh của vũ khí, sức mạnh của cơ bắp phải lùi bước.
Trên bước đường tu, từng bước chúng ta nỗ lực thực tập hạnh nhẫn nhục từ thấp lên cao. Nghĩa là những gì chúng ta nhẫn được thì nên nhẫn trước, không phải một lúc mà đạt được đỉnh cao của hạnh nhẫn nhục. Tuy cùng một hạnh nhẫn, nhưng pháp hành của Bồ tát thập tín, Bồ tát thập hạnh, Bồ tát thập hồi hướng và Bồ tát thập địa hoàn toàn khác nhau. Và thực tập, đạt được đỉnh cao của hạnh nhẫn nhục là Bồ tát thập địa, mới thật sự thành tựu trọn vẹn hạnh này.
Riêng đối với chúng ta khởi tu, nếu đứng vào hàng Bồ tát thập tín, chúng ta cần lắng nghe lời Thầy dạy, đọc kinh điển, thấy Phật và Bồ tát làm gì chúng ta tập làm theo, những gì dễ nhẫn chúng ta nhẫn trước. Nhẫn phát xuất trên ba nghiệp thân khẩu ý của chúng ta. Vì có thân tứ đại, nên chúng ta có đối tượng của thân này, nghĩa là chúng ta bắt đầu kẹt vào xã hội và kẹt vào quy luật tự nhiên. Đối với tự nhiên, chúng ta bị chi phối bởi đói, khát, nóng, lạnh; vì vậy, cần phải thực tập bốn đức nhẫn đối trước bốn việc : đói khát nóng lạnh.
Tu nhẫn của thân nghiệp, Đức Phật dạy chúng ta giảm bớt ba sự đòi hỏi của thân là ăn, mặc và ở. Để tiến tu, cần phải tiết giảm tối đa ba việc này; cho nên Đức Phật khuyên chúng ta ăn thiếu một chút mới tu được, đó là bước nhẫn ban đầu. Tôi còn nhớ thuở nhỏ mẹ tôi thường dạy rằng miếng ăn là miếng tồi tàn, mất đi một miếng lộn gan lên đầu. Muốn nhẫn việc ăn, chúng ta coi nó tồi tàn, nên xa lánh nó. Thực tập pháp nhẫn này trong khóa tu của chúng ta, giả sử buổi trưa, quý vị được một hộp cơm, một chai nước. Nếu người phát cơm quên đưa mình hộp cơm và chai nước, ta tu nhẫn, tự nghĩ rằng không ăn, không uống một bữa cũng không chết đâu mà sợ. Người không biết tu thì nổi giận, tại sao tôi lại không có cơm, không có nước. Nhẫn này là chấp nhận tình huống như vậy, bởi vì chúng ta biết rõ việc thiếu sót này là ngoài ý muốn của người phân phát phần cơm, họ không cố ý, nhưng vì nghiệp của mình khiến cho họ quên. Trong thời Đức Phật tại thế cũng có một vị Tỳ kheo bị bỏ sót phần cơm và Phật khuyên nên nhẫn nhịn, không nên kiện cáo. Nhẫn là chấp nhận cái nghiệp của mình. Có phước báo thì người đến cúng dường, còn nghiệp thì người đến khảo, đến đòi.
Thầy Huyền Diệu có nói một ý mà tôi suy nghĩ, tại sao Phật tử thấy tôi thì đến cúng dường, không xin; trong khi thấy Thầy Huyền Diệu thì họ cứ xin, không chịu cúng. Vì tôi đang tu hạnh nhẫn nhục, trong lòng tôi không có ý thức muốn nhận gì của ai. Thành tựu pháp này, người muốn cho mình; còn muốn xin thì người ta không muốn cho.
Quý Phật tử bước đầu nếu thành tựu được pháp nhỏ này, giả sử người ta quên đưa phần cơm, mình cũng ngồi yên lặng, chấp nhận việc sai sót này và niệm Phật, không để cho sanh khởi ý niệm nào, không oán hận, không bực tức thì người phát cơm tự thấy có lỗi với ta, họ nợ ta và người đồng tu sanh tâm kính trọng, hoặc thương xót ta. Theo kinh nghiệm của tôi, ta không cần nói, không đòi hỏi, nhưng người khác xin cho ta, đòi hỏi cho ta; sức mạnh của nhẫn nhục là như thế. Còn ta tự đòi, họ sẽ có ý niệm không tốt về ta. Đó là nguyên tắc nhẫn đối với việc ăn mà chúng ta thực tập, phải biết rằng mọi người đều có phần cơm, nhưng ta không có. Nếu vì nghiệp bị bỏ đói thì không có gì để nói, nhưng nếu do Phật thử thách xem chúng ta có nhẫn được không thì Ngài sẽ khiến người khác đem thức ăn cho chúng ta ngon hơn, vì Ngài biết chúng ta thật tu, nên không oán hận, không buồn phiền.
Ngoài việc nhẫn của ăn, nhẫn của mặc là không mặc hàng đắt tiền, chỉ mặc đủ ấm. Và tiến hơn nữa, thực tập pháp nhẫn, các chùa ở Nhật buộc hành giả phải lên núi có tuyết phủ nhưng chỉ được đóng khố. Nếu ta chưa từng tu pháp này, mà cởi áo ở trời lạnh dưới không độ sẽ bị chết rét liền. Để chịu đựng được cái rét mà không sanh bệnh, họ phải tập luyện cho thân thể chịu đựng dần dần cho quen. Vì thân của chúng ta là cỗ máy kỳ diệu, tập luyện không mặc áo ấm để cho các tế bào da tự co lại, đóng kín các lỗ chân lông, không cho hơi lạnh bên ngoài xâm nhập vào trong thân, còn mặc áo ấm lâu ngày sẽ làm cho các tế bào da trở nên lười biếng, bị tê liệt, không còn khả năng hoạt động tự vệ theo cách tự nhiên của nó. Đó là một cách thực tập hạnh nhẫn của thân chống chọi được với giá rét. Hành Bồ tát đạo không đơn giản, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua được đói rét, không ngả bệnh, mới thành tựu hạnh nhẫn của thân.
Nhẫn thứ ba của thân là làm chủ được việc ngủ nghỉ. Người tu tập Thiền thay cho ngủ, tức cơ thể chúng ta không hoạt động, hay hoạt động theo quy trình của đạo, nghĩa là không hoạt động cơ thể và điều hòa hơi thở thì cơ thể chúng ta được nghỉ ngơi. Chúng ta mệt mới cần ngủ nghỉ, nhưng cơ thể không hoạt động thì không mệt, nên không cần ngủ. Điển hình là các vị Thiền sư đắc đạo suốt đời không nằm, như Tổ Hiếp tôn giả và trong hiện đời, tôi đã gặp Thiền sư Giác Chánh cũng không nằm (Ngài đã viên tịch), không cần ngủ nghỉ. Nếu là người chưa biết tu, phải ngủ ở chỗ sang trọng, trong khi Thiền sư Giác Chánh rất đặc biệt, không bao giờ ngài ở phòng ốc cao sang, thường ở dưới gốc cây, hay ở trong túp lều lá.
Thân không lệ thuộc cuộc sống vật chất, tức không lệ thuộc ăn, mặc, ở, là thể hiện pháp căn bản của đạo Phật. Kế đến, thực hiện tâm nhẫn theo Phật. Tâm có đối tượng bên ngoài là tất cả mọi hoàn cảnh xảy ra đủ cách, nhưng người tu luôn giữ tâm đứng yên, không cho sanh khởi và tâm thanh tịnh, giải thoát như vậy mới có thể làm nơi nương tựa an lạc cho trời người.
Tóm lại, thành tựu được thân nhẫn và tâm nhẫn, hàng đệ tử Phật có sức mạnh phi thường, kỳ diệu làm cho các sức mạnh khác của thế nhân phải khuất phục. Đức Phật là biểu tượng đạt đến đỉnh cao của hạnh nhẫn nhục, nên cảm hóa và dung nhiếp được muôn loài chúng sinh trong Pháp giới. Và các bậc Thánh, chư Bồ tát, các vị tiền nhân đều thể hiện đạo hạnh nhẫn nhục ở những mức độ khác nhau, cho nên chúng ta cũng phải cố gắng thực tập được một phần đức nhẫn của Phật, của Bồ tát, của cao Tăng, mới không công phụ công ơn giáo dưỡng của các Ngài cũng như nuôi lớn được giới thân huệ mạng của chúng ta trên bước đường thượng cầu Phật đạo hạ hóa chúng sinh.