Bài trên Báo Giác Ngộ số 1172 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Theo Christina Feldman, việc khơi dậy và nuôi dưỡng lòng từ bi theo cách đó không chỉ mang lại lợi ích cho người khác mà còn rất tốt cho bản thân chúng ta. Bằng cách đặt người khác lên trên hết, chúng ta có cơ hội nới lỏng những ràng buộc đang kiềm hãm bản thân, đồng thời, tiến gần hơn đến mục tiêu giải thoát của chính mình.
Lòng từ bi không còn là điều gì đó quá xa lạ đối với tất cả chúng ta: chúng ta đều biết như thế nào là cảm giác xúc động sâu sắc trước nỗi đau và sự thống khổ của người khác. Mọi người đều có những vấn đề của riêng mình, về nỗi ưu tư và sự đấu tranh cho cuộc sống này. Cơ thể già đi, sức khỏe trở nên yếu ớt, tâm trí có thể bị bao trùm bởi sự hoang mang và ám ảnh, và trái tim với nhiều sự đổ vỡ. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều người phải gánh lấy những điều không thể kham nổi - đói khát, bi kịch hay khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Những người thân yêu trải qua bệnh tật, đau đớn và khổ sở; trước tình cảnh ấy, chúng ta mong mình có thể làm gì đó để giảm bớt gánh nặng cho họ.
Câu chuyện của nhân loại là câu chuyện về tình yêu thương, sự đánh đổi, lòng nhân từ và sự rộng lượng. Nhưng đồng thời, nó cũng là câu chuyện của bạo lực, chia rẽ, thờ ơ và tàn nhẫn. Đối mặt với tất cả những điều này, chúng ta có thể chọn cách cảm thông, dang rộng đôi tay và làm tất cả những gì có thể để xoa dịu mọi khổ đau. Hoặc nếu không như vậy thì chúng ta cũng có thể chọn cách sống với sự sợ hãi và phủ nhận mọi thứ, cũng như hành động để ngăn không cho bất kỳ thứ gì có thể đánh động vào trái tim mình, bởi vì chúng ta sợ sẽ bị chết chìm trong đại dương đau khổ này.
Một lần nữa, chúng ta phải nhận thức được một bài học rõ ràng nhất từ cuộc sống này: đó là cách chạy trốn khỏi đau khổ, để trái tim chai sạn và quay lưng lại với nỗi đau chính là từ chối cuộc sống và chấp nhận chìm trong sợ hãi. Ngược lại, mặc dù rất khó để mở rộng lòng mình đón nhận những khổ đau, nhưng đó lại là con đường trực tiếp và dễ dàng nhất để chuyển hóa và giải thoát cho cuộc sống.
Chúng ta có thể đã từng nghĩ rằng lòng từ bi là một cảm giác, một phản ứng tình cảm thoáng qua khi gặp phải những việc rủi ro bất ngờ. Trong những lúc mở lòng như thế, các lớp phòng thủ của chúng ta vỡ vụn; bằng trực giác, chúng ta phản ứng tức thời và bất chợt cảm nhận được sức mạnh của sự vô phân biệt. Milarepa, một nhà hiền triết vĩ đại của Tây Tạng, cũng đã từng chia sẻ về điều này: “Giống như khi tôi đưa tay ra để chạm và chữa lành vết thương ở chân như một phần của cơ thể mình, tôi cũng đưa tay ra để chạm và chữa lành vết thương của người khác như một phần của cơ thể tôi”.
Những cảm giác về lòng trắc ẩn này dần dà sẽ bị phai nhạt, và một lần nữa, chúng ta thấy mình đang bảo vệ, ngăn chặn và tránh xa sự đau khổ. Tuy nhiên, chính những suy nghĩ thoáng qua như thế này sẽ dẫn chúng ta đến những trăn trở rằng liệu lòng từ bi có thể là một thứ gì đó đặc biệt hơn là một sự cảm nhận tình cờ thoáng qua.
Dù cố gắng đến đâu, chúng ta cũng không thể khiến bản thân thương cảm đối với người khác. Nhưng thực sự, trong những trường hợp như vậy, chúng ta có thể hướng tâm đến lòng từ bi. Trong một câu chuyện của Phật giáo sơ kỳ, nhà khổ hạnh Sumedha đã quán chiếu và tu tập một hành trình hướng đến tâm vô lượng để khai mở trí tuệ và lòng từ bi kiên cố của mình. Ngài mô tả lòng từ bi như một tấm thảm được dệt từ nhiều sợi chỉ: bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, chân thật, phát nguyện, từ tâm và buông xả. Khi thực tập tất cả những đức tính này trong cuộc sống của mình, chúng ta chắc chắn có thể phát triển lòng từ bi vô lượng có khả năng chữa lành mọi khổ đau.
Chạy trốn khỏi đau khổ, để trái tim chai sạn và quay lưng lại với nỗi đau chính là từ chối cuộc sống và chấp nhận chìm trong sợ hãi. Ngược lại, mặc dù rất khó để mở rộng lòng mình đón nhận những khổ đau, nhưng đó lại là con đường trực tiếp và dễ dàng nhất để chuyển hóa và giải thoát cho cuộc sống.
Vài năm trước, có một nhà sư lớn tuổi đến Ấn Độ sau khi thoát được sự giam cầm. Khi gặp được Đức Dalai Lama, sư kể lại những năm tháng trong tù với những gian khổ và những trận đánh đập, tra tấn, đói khát và cô đơn mà sư phải chịu. Nhưng vào lúc Dalai Lama hỏi sư rằng: “Có bao giờ sư cảm thấy cuộc sống của mình đang thực sự gặp nguy hiểm không?”. Và thật ngạc nhiên, vị sư già trả lời: “Thật ra, lần duy nhất tôi đối mặt với nguy hiểm là khi cảm thấy bản thân có nguy cơ đánh mất lòng từ bi đối với những người cai ngục của mình”.
Sau khi nghe những câu chuyện như thế này, chúng ta thường đọng lại cảm giác hoài nghi và hoang mang. Chúng ta có thể bị dắt dẫn theo cách nào đó để lý tưởng hóa cả những người có lòng từ bi và bản thân lòng từ bi. Chúng ta tưởng tượng những người này như những bậc thánh, họ sở hữu những năng lực mà chúng ta không thể với tới được. Tuy nhiên, những câu chuyện về những khổ đau đến tận cùng thường là những câu chuyện của những người bình thường đã khám phá ra sự vĩ đại của tâm thức. Để làm được như thế, điều cốt yếu là chúng ta không được lý tưởng hay lãng mạn hóa tâm từ bi, mà đơn giản là phát triển từ sự sẵn sàng đối mặt với khổ đau hơn là chạy trốn chúng.
Vào thế kỷ thứ I ở miền Bắc Ấn, có lẽ ngày nay là Afghanistan, kinh Pháp hoa đã được ghi chép lại. Đây là một trong những bản kinh văn có sức mạnh lớn nhất trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, trong đó tâm giải thoát được thể hiện bằng lòng từ bi mạnh mẽ và vô lượng, lan tỏa đến tất cả mọi ngóc ngách của vũ trụ và chữa lành khổ đau ở bất kỳ nơi nào mà nó đi qua.
Khi kinh Pháp hoa được dịch sang tiếng Hán, Bồ-tát Quán Thế Âm, “người lắng nghe tiếng khóc của thế gian”, đã được xiển dương như một hiện thân của lòng từ bi và đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy và tu tập Phật giáo kể từ đó. Trải qua nhiều thế kỷ, Bồ-tát Quán Thế Âm đã được mô tả dưới nhiều hình thức khác nhau.
Đôi khi, Ngài được thể hiện như một người nữ, khuôn mặt thanh thoát, cánh tay duỗi thẳng. Có lúc Ngài cầm một nhành dương liễu để tượng trưng cho sự dõng mãnh trong hạnh nguyện cứu khổ của Ngài. Ngài còn được miêu tả như một vị Bồ-tát thiên thủ thiên nhãn, tượng trưng cho sự nhận thức liên tục về nỗi thống khổ và khả năng chuyển hóa toàn diện của Ngài… Sẵn sàng lắng nghe thấu đáo nỗi khổ niềm đau ở bất kỳ nơi nào chúng ta gặp là bước đầu tiên của hành trình từ bi. Khả năng lắng nghe của chúng ta theo sau sự sẵn lòng này.
Lòng từ bi thực sự không được nuôi dưỡng bởi sự cách ly đối với khổ đau mà là bởi chính nơi ngọn lửa của nó. Không phải lúc nào ta cũng có giải pháp cho sự đau khổ hay khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta có thể cam kết duy trì sợi dây liên kết và lắng nghe sâu sắc đối với người khác. Từ bi không phải lúc nào cũng đòi hỏi những hành động anh hùng hay những điều đao to búa lớn. Trong những lúc khốn cùng nhất, sự hiện diện vô úy và lắng nghe chân thành của một người nào đó là điều cần thiết và quan trọng hơn cả.
Đối với chúng ta, dường như nhận thức và mở rộng lòng mình đối với khổ đau sẽ khiến chúng ta nặng nề hơn. Thực sự là nhận thức làm tăng sự nhạy cảm đối với thế giới bên trong và bên ngoài của chúng ta. Nhưng nhận thức cũng dạy cho chúng ta cách nhìn nhận thế giới bên trong chứ không phải là những gì bao bọc phía ngoài. Chúng ta cảm nhận được sự cô đơn, thiếu thốn và sợ hãi nơi những người khác mà trước đây ta không thể nhìn thấy được. Bên dưới những lời đổ lỗi, giận dữ và kích động, chúng ta nghe thấy sự mong manh của trái tim dễ bị tổn thương. Nhận thức được sâu sắc hơn bởi vì chúng ta lắng nghe sâu sắc hơn những khổ đau của thế gian.
Từ bi không phải lúc nào cũng đòi hỏi những hành động anh hùng hay những điều đao to búa lớn. Trong những lúc khốn cùng nhất, sự hiện diện vô úy và lắng nghe chân thành của một người nào đó là điều cần thiết và quan trọng hơn cả.
Milarepa đã từng nói: “Từ lâu đã quen với việc quán chiếu lòng từ bi, tôi đã quên mọi sự khác biệt giữa tôi và người khác”. Từ bi thực sự không có ranh giới và cấp bậc. Một nỗi buồn nhỏ nhất cũng đáng để thương như nỗi đau lớn nhất. Những người chúng ta yêu quý và cả những ai chúng ta khinh bỉ đều được đối xử bằng tình thương; những người vô tội hay những ai có lỗi cũng nên được bảo bọc trong tấm thảm của lòng từ bi. Một thiền sư già đã từng tuyên bố: “Ôi, chiếc áo cà-sa này của tôi đủ rộng để dung chứa hết tất cả những khổ đau trong thế giới phù du này”.
Tuy nhiên, khi theo đuổi lòng từ bi được lý tưởng hóa, nhiều người có thể bỏ bê chính bản thân mình. Lòng từ bi “lắng nghe tiếng kêu của thế gian” và chúng ta là một phần của thế gian đó. Con đường từ bi không yêu cầu chúng ta phải bỏ rơi chính mình để đạt được một trạng thái hoàn hảo và lý tưởng hóa. Con đường chữa lành không có sự khác biệt: trong nỗi buồn, sự thất vọng, sợ hãi, cay đắng của chính bản thân mình, chúng ta học được những bài học về sự kiên nhẫn, chấp nhận, rộng lượng và cuối cùng là từ bi.
Từ bi không phải là một thiết bị kỳ diệu có thể ngay lập tức xua tan mọi đau khổ. Con đường từ bi là vị tha nhưng không phải duy tâm. Bước đi trên con đường này, chúng ta không cần phải từ bỏ cuộc sống của chính mình để tìm ra giải pháp cho tất cả những cuộc đấu tranh trên thế giới này, hoặc ngay lập tức cứu độ tất cả chúng sinh.
Chúng ta chỉ cần tìm ra con đường để chuyển hóa tâm thức và mở rộng trái tim trong khoảnh khắc này. Liệu chúng ta có thể giải thoát tâm mình khỏi ác ý, sợ hãi và tàn độc hay không? Liệu chúng ta có thể khơi dậy lòng kiên định, nhẫn nhục, rộng lượng và cam kết không bỏ rơi bất cứ ai hay bất kỳ điều gì trên thế giới này hay không? Liệu chúng ta có thể học cách lắng nghe sâu sắc và cảm nhận trái tim đang run rẩy của người khác khi họ đang gặp đau khổ hay không?
Con đường từ bi được vun đắp từng bước một. Mỗi bước đi ấy làm vơi đi ngọn núi sầu khổ trên thế gian này.
Nguyên tác: Christina Feldman