Nguồn gốc, ý nghĩa và cách sử dụng y ca-sa

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi là người mới xuất gia, chuẩn bị thọ giới nên muốn tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa của chiếc y ca-sa. Tôi muốn biết rõ hơn về cách sử dụng như: giặt y thì có phải giặt riêng, có được đắp y trong chánh điện, có được ngồi lên y, đắp y rồi có được cười đùa không?

(MINH LỄ, lehuyen...@gmail.com)

Bạn Minh Lễ thân mến!

Y ca-sa là pháp phục của người xuất gia. Ban đầu, chiếc y ca-sa của các Tỳ-kheo chưa có quy cách riêng, đại thể cũng như y phục của các Sa-môn, những người tu hành thời bấy giờ. Khi Tăng đoàn phát triển, số lượng ngày càng đông, để phân biệt Sa-môn Thích tử (các Tỳ-kheo đệ tử của Đức Phật Thích Ca) và Sa-môn nói chung, bấy giờ Phật quy định y ca-sa của Sa-môn Thích tử phải cắt vụn, không nguyên vẹn (Đại phẩm).

Nhân duyên Phật du hành nhìn thấy những thửa ruộng lúa ở Magadha hình dáng vuông vức, ngay ngắn nên bảo Tôn giả A-nan y theo mẫu ấy mà may y cho các Tỳ-kheo. Ngoài ra, còn có y phấn tảo, các Tỳ-kheo thực hành hạnh đầu-đà gom nhặt những tấm vải bị vứt bỏ về kết lại thành y. Y phấn tảo có khi không mang hình thửa ruộng ngay ngắn (từ 5 điều đến 25 điều) mà có hình dạng tùy duyên vào các mảnh vải cũ nhặt được.

Về màu sắc, ca-sa có nghĩa là hoại sắc, không phải chính sắc (xanh, vàng, đỏ, trắng và đen). Y có màu chính sắc cần được nhuộm để thành hoại sắc, hay tấm vải đã cũ kỹ bạc hoặc xỉn màu. Bấy giờ, người ta thường dùng gỗ và vỏ cây (như cây mít) nấu sôi, sắc lại đậm đặc để nhuộm y. Làm cho chiếc y hoại sắc có ý nghĩa giản dị, không đẹp đẽ, chẳng quý giá, không đáng được ưa chuộng. Ngày nay, hiếm người nhuộm y, chư Tăng mỗi nước đều dùng y có màu sắc khác nhau như vàng sậm, nâu đỏ, màu trà, màu lam… đều mang ý nghĩa hoại sắc.

Về ý nghĩa, ngoài mục đích bình thường là y phục để che thân, y ca-sa mang ý nghĩa là biểu tượng thanh cao thoát tục (giải thoát y), ruộng phước tốt lành cho chúng sinh (phước điền y). Khi mang y ca-sa, người xuất gia nguyện tu tập để vượt thoát tham sân si và tử sinh trong tam giới. Mặt khác, người mang y ca-sa phải trui rèn giới định tuệ, thành tựu công đức để làm ruộng phước cho thí chủ hộ trì và cho tất cả chúng sinh.

Vì ý nghĩa cao quý ấy nên y ca-sa được tôn trọng, giữ gìn, là vật bất ly thân của người tu. Trong truyền thống Phật giáo Bắc tông, ba y ca-sa là lễ phục, được dùng trong lúc hành lễ. Ngoài giờ hành lễ còn có y phục riêng, thuận lợi cho làm việc hay đi lại. Thế nên khi giặt giũ, y ca-sa thường được giặt riêng, không giặt chung với thường phục, nhằm thể hiện sự tôn kính pháp y. Trước khi lên chánh điện phải lễ Tổ, vì thế cần y hậu trang nghiêm lễ Tổ, xong mới lên chánh điện lễ Phật, tụng kinh.

Vấn đề có được ngồi lên y ca-sa hay không? Thực chất, trong 12 chức năng của y ca-sa có chức năng là ngọa cụ (vật lót để ngồi thiền), phu cụ (vật dùng để đắp như mền). Các Tỳ-kheo trong truyền thống Phật giáo Nam truyền không có quan niệm này. Truyền thống Phật giáo Bắc truyền vì có cách đắp y khác, một mặt vì tôn kính y nên thường không ngồi lên y. Do vậy, vị nào choàng y qua ghế để tránh không ngồi lên y, nhằm thể hiện sự tôn kính cũng tốt; còn vị nào ngồi lên y, chiếu theo giới luật cũng chẳng trái phạm gì.

Đắp y rồi có được cười đùa không? Là người xuất gia, mọi lúc mọi nơi cần phải thực hành oai nghi, giới hạnh. Vì thế, sự cười đùa cần đúng chỗ và đúng mực, không trái với oai nghi. Khi đắp y rồi là thời điểm chuẩn bị hành lễ nên cần chú trọng đến oai nghi hơn. Pháp phục đã trang nghiêm thì thân và tâm cần trang nghiêm hơn nữa. Đắp y rồi mà còn cười đùa, tếu táo, đi nhanh, nói lớn… thì cần điều chỉnh để thanh tịnh và trang nghiêm như pháp.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.