Ngủ không đủ, dễ mắc ung thư

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thiếu ngủ kéo dài không chỉ gây ra béo phì, tiểu đường, các bệnh tim mạch mà còn có thể dẫn đến các bệnh ung thư.

Ngủ đủ để ngừa ung thư

Mới đây, một điều tra của Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute, NCI) nước Mỹ đã phát hiện, giấc ngủ có một ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ mắc ung thư. Kết luận này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu được tiến hành trên 5968 phụ nữ sinh sống tại bang Maryland.

WHN.jpg

Ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ những người phụ nữ mỗi tối ngủ ít hơn 7 tiếng mắc ung thư cao hơn 74% so với những phụ nữ tích cực rèn luyện thể thao và ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, giấc ngủ ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến tỉ lệ mắc bệnh ung thư thì vẫn chưa được làm rõ.

“Đây chỉ là những nghiên cứu bước đầu, tuy nhiên, về mặt cơ chế, rất có thể có khả năng này”, một giáo sư của Bệnh viện Nhân dân thuộc Đại học Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu giấc ngủ Trung Quốc, Hàn Phương nói: “Ngủ không đủ có thể dẫn đến sự giảm sút khả năng miễn dịch của cơ thể.

“Những kết quả thực nghiệm trên động vật cho thấy, nếu triệt để không cho một động vật nhỏ (như chuột) không ngủ 1 tuần, thì chúng có thể chết vì khả năng miễn dịch bị tổn hại. Ở người, khi lao động cực nhọc, giấc ngủ không đủ rất dễ bị cảm cúm. Nếu thời gian thiếu ngủ kéo dài, hệ miễn dịch sẽ bị tổn hại, các tế bào ung thư rất dễ thoát khỏi sự sát thương của những tế bào miễn dịch khiến người ta dễ mắc bệnh hơn”.

Giáo sư Hàn Phương cho rằng, hiện tại, tỉ lệ người mắc các bệnh ung thư đang tăng cao so với trước đây. Dù rằng, người ta vẫn quy vào nguyên nhân ô nhiễm môi trường sống, song việc thói quen ngủ quá ít trong cuộc sống hiện đại cũng là một nhân tố đáng để quan tâm.

Những nhầm lẫn trong chuyện “ngủ bù”

Trong cuộc sống hiện đại, đối diện với áp lực công việc và học tập quá lớn, người ta thường dùng phương pháp “ngủ bù” vào cuối tuần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây hoàn toàn không phải là một phương pháp hữu hiệu.

Giáo sư Hàn Phương nói, ngủ bù có thể coi như một dạng “bồi thường” cho cơ thể, nó có thể giúp cơ thể hồi phục sức lực. Tuy nhiên, không phải ngủ càng nhiều thì càng tốt. Mỗi ngày, con người chỉ cần ngủ khoảng 7-8 tiếng, “ngủ bù” quá nhiều là những giấc ngủ vô tác dụng. Bên cạnh đó, sự thay đổi thời gian ngủ mỗi tuần sẽ khiến nhịp sinh học của cơ thể không kịp thích ứng, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Một số người còn có thói quen tranh thủ ngủ bù trên xe buýt hoặc ngay tại phòng làm việc. Giáo sư Hàn Phương cho rằng, đây cũng không phải là cách tốt để bù. Bởi vì chỉ có giấc ngủ thật sâu mới giúp cơ thể loại bỏ những mệt mỏi.

Trong khi đó, ở trên xe buýt hoặc văn phòng có rất nhiều tiếng ồn, người ta rất khó ngủ sâu. Như thế không chỉ không thể thoát khỏi cơn buồn ngủ mà còn rất dễ gặp nguy hiểm, đặc biệt là trên xe buýt.

Vì vậy, Giáo sư Hàn Phương kiến nghị, mỗi người nên hình thành một thói quen nghỉ ngơi lành mạnh để nâng cao chất lượng giấc ngủ. Đồng thời, tránh việc thức đêm quá nhiều với suy nghĩ sẽ “ngủ bù” vào lúc khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.