Nghiệp báo và vô thường trong “Câu chuyện Heike”

Một cảnh trong bộ phim “Câu chuyện Heike”
Một cảnh trong bộ phim “Câu chuyện Heike”
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Câu chuyện Heike”, dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Naoko Yamada, là một tác phẩm anime không chỉ có giá trị giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những triết lý sâu sắc về nghiệp quả và sự vô thường của Phật giáo.

Với những dòng mở đầu đầy cảm xúc, bộ phim đã đưa khán giả vào một thế giới nơi sự sống và cái chết, hành động và phản ứng, nguyên nhân và hậu quả trở thành những yếu tố chủ đạo, dẫn dắt câu chuyện và tạo nên một vòng xoáy không ngừng của nghiệp quả.

Mỗi thế hệ lớn lên đều gắn liền với một tác phẩm nghệ thuật kinh điển, nhưng ấn tượng và đáng nhớ nhất vẫn là những tác phẩm được chuyển thể đầy kịch tính. Giống như vở nhạc kịch “West Side Story” cập nhật câu chuyện “Romeo và Juliet” của Shakespeare, cũng vậy, bộ phim hoạt hình “The Heike Story” năm 2021 của Naoko Yamada đã thổi một làn gió mới vào sử thi Samurai cùng tên nổi tiếng của Nhật Bản. Bộ phim này tái hiện câu chuyện về các chiến binh thế kỷ XII thành một loạt phim hoạt hình dài 11 tập và đang được công chiếu bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh.

Câu chuyện ban đầu về Heike sử dụng các giáo lý Phật giáo để miêu tả sự sụp đổ của gia tộc Heike uy quyền trong chiến tranh Genpei ở Nhật Bản (1180-1185). Câu chuyện này diễn ra vào cuối thời kỳ Heian (794-1185), khi triều đình Nhật Bản bị chi phối bởi các gia đình quý tộc mâu thuẫn và đối đầu nhau.

Trong bối cảnh đó, gia tộc Minamoto ở phía Đông Bắc bắt đầu thách thức quyền lực của gia tộc Taira (Heike) một cách khốc liệt và tàn nhẫn ở phía Tây Nam. Cuối cùng, tộc trưởng của Taira là Kiyomori đã gây ra sự diệt vong cho chính gia đình mình vì sự tham lam, kiêu ngạo và hung hăng của ông ta. Câu chuyện về Heike ghi lại sự sụp đổ của nhà Taira, được kể một cách đầy cảm thông từ góc nhìn của kẻ thua cuộc. Ai nói rằng lịch sử chỉ được viết bởi những người chiến thắng?

Mở đầu chuỗi phim này là một bài thơ mang ý nghĩa chiêm nghiệm sâu sắc:

“Trên tinh xá Gion, tiếng chuông ngân vọng về sự vô thường của vạn vật

Những bông hoa Sal nở trắng khiến ta phải trầm tư; một lời nhắc nhở rằng ‘tất cả mọi người đều có phút huy hoàng rồi vụt tắt’

Sự kiêu ngạo chẳng thể kéo dài, chúng giống như một giấc mộng vào một đêm mùa xuân

Cuối cùng tàn phai chóng vánh giống như bụi trước gió”.

“Gion” là bản dịch tiếng Nhật của tinh xá Jetavana (Kỳ Viên), nơi Đức Phật lịch sử đã thuyết rất nhiều bài pháp và trú ngụ trong các kỳ an cư mùa mưa; cây Sal chính là loài cây Vô ưu đã từng xuất hiện trong kinh điển Phật giáo, đặc biệt là khi Ngài đản sinh và nhập diệt. “Những bông hoa trắng” của loài cây này đã gợi lên tông màu ảm đạm của sự mất mát, và “tất cả mọi người đều có phút huy hoàng rồi vụt tắt” được trích dẫn trực tiếp từ kinh Nhân Vương (仁王経). Vì vậy, có thể thấy rằng sự vô thường đã đóng khung toàn bộ The Heike Story, đồng thời cũng nhấn mạnh tính mong manh của sự sống và cái chết ở cõi Ta-bà này, nơi mà sự tàn phai nhanh chóng và vô định như bụi bay trong gió.

Cô bé Biwa

Cô bé Biwa

Sự vô thường cũng đã bao quanh cuộc đời của nhân vật Biwa, người mà đạo diễn Yamada và nhóm của cô đã tạo ra để kể câu chuyện thời trung cổ này theo một cách mới mẻ và độc đáo. Biwa là cô gái mồ côi mẹ, con của một người Phật tử mù làm nghề hát rong và thổi kèn biwa. Tên của cô ấy không chỉ xuất phát từ nhạc cụ của cha cô mà còn từ thực tế lịch sử rằng những người hát rong mù đã đọc thuộc lòng “Câu chuyện về Heike” suốt nhiều thế kỷ. Giống như Forrest Gump, người đã trùng sinh và kể lại lịch sử cuối thế kỷ XX từ góc nhìn của mình, thì ở đây, Biwa là nhân chứng đương thời và người kể lại những sự kiện bi thảm của dòng tộc Heike.

Để tạo ra một góc nhìn xuyên suốt lịch sử, nhóm của Yamada đã sử dụng sự sáng tạo và tạo cho nhân vật Biwa một tầm nhìn phi thường. Biwa có thể thấy trước những cái chết đau khổ của bạn bè trong gia tộc Heike và cả những hồn ma của quá khứ; và với khả năng này, cô thực sự đã chứng kiến sự sụp đổ của Heike. Những hình ảnh ma quái, những quan sát hàng ngày và các linh cảm thần bí của Biwa đã vượt qua ranh giới của thời gian tuyến tính. Nhờ vậy, mỗi tập phim đều có sự trỗi dậy của những mất mát của quá khứ đan xen câu chuyện trong hiện tại. “Câu chuyện về Heike” liên tục nhắc nhở người xem về sự vô thường và duy trì thông điệp đó luôn hiện diện xuyên suốt cốt truyện.

Chủ đề về nghiệp quả và luân hồi cũng được đề cập ngay từ đầu bộ phim. Sau bốn dòng mở đầu đặc sắc thì một giọng hát cất lên: “Lý do hoa nở/là một hạt giống rơi xuống nơi đó/Và một ngày nào đó khi hoa héo tàn/nó lại trở thành hạt giống”. Sự sống và cái chết, hành động và phản ứng, nguyên nhân và kết quả đều góp phần thúc đẩy câu chuyện của Heike. Khán giả sẽ nhanh chóng nhận ra vòng luẩn quẩn của nghiệp dẫn đến những mâu thuẫn nảy sinh ngày càng rõ nét giữa các nhà môi giới quyền lực của Nhật Bản khiến cho câu chuyện càng sâu sắc và kịch tính.

Chu kỳ nghiệp chướng này bắt đầu từ tộc trưởng Taira Kiyomori, người ra lệnh cho con trai và samurai của mình bảo vệ hoàng đế khỏi một lực lượng dân quân chiến binh từ ngôi đền Enryakuji của Kyoto. Khi một mũi tên bắn lạc vào ngôi đền Enryakuji, đội ngũ chiến binh đã trả thù bằng cách đốt cháy tài sản của Heike. Và khi đã nằm ở trên giường bệnh, người con trai của Kiyomori mới nhận thức được món nợ nghiệp mà gia đình mình đã tạo và kêu lên thảm thiết: “Sự trừng phạt đã đổ lên đầu của người cha và cả dòng tộc Heike.”

Trong khi Kiyomori đang thương tiếc cho cái chết của con trai mình, ông lại nảy sinh xung đột và chiến đấu với cựu hoàng đế Go-Shirakawa. Cuộc chiến kết thúc với việc đội quân của Heike đốt cháy đền Kōfukuji; ngọn lửa cũng vô tình thiêu rụi tượng Phật đồng vĩ đại của chùa Tōdaiji gần đó, điều này khiến cho nghiệp chướng của Heike ngày càng nặng nề thêm.

Vào cuối đời, Kiyomori và gia đình đã gây ra quá nhiều nghiệp xấu ác, vì vậy, tâm lý nặng nề đã khiến người vợ liên tục mơ thấy ác mộng. Trong đó, bà mơ thấy một cỗ xe lửa đi đến, và những con quỷ đầu trâu mặt ngựa cho biết: “Chúng tôi đến đây để bắt tội đồ Kiyomori. Ông ta đã đốt cháy các ngôi đền, đốt cháy Đại Phật; và vì tội lỗi của mình, ông ta hiện đang bị thiêu đốt. Sự đau khổ đang chờ đợi ông ta một khi ông ta bị đọa xuống tầng thấp nhất của địa ngục.”

Cuối cùng, vòng tròn nghiệp quả tạm thời ngưng lại khi các chiến binh Enryakuji giúp các lực lượng đối lập chiếm lấy thủ đô của Kyoto. Dòng tộc Heike cuối cùng sụp đổ vào năm 1185; vợ và cháu trai của Kiyomori đã qua đời dưới những con sóng và được tái sinh trong cung điện của vua Rồng dưới đáy biển.

Trong Câu chuyện Heike, vòng luân hồi của nghiệp trong đời này kết thúc với sự qua đời của các nhân vật liên quan, và sự buông xả của Phật giáo là cơ chế duy nhất để chấm dứt vòng tròn khổ đau trong cuộc sống này. Xả ly, buông bỏ và tha thứ là liều thuốc giải duy nhất cho tâm hận thù và khổ đau. Cũng giống như phu nhân Tokuko, con gái của Kiyomori, nhận xét: “Tôi chọn tha thứ cho tất cả mọi người. Nói như vậy thì nghe có vẻ thánh thiện. Nhưng thật ra, mỗi người phải chọn cách tha thứ, nếu không thì chúng ta chỉ còn hận thù và xung đột. Vì tôi muốn tin tưởng rằng không phải tất cả thế giới này đều là khổ đau, nên tôi sẽ tiếp tục chọn cách tha thứ.”

Đối với những người yêu thích văn học và điện ảnh, câu chuyện này nhấn mạnh sức mạnh của ngôn ngữ-cả trong lời hát và từng lời nói-để duy trì sự sống động cho cả người mất và người còn sống. Khi Go-Shirakawa hỏi Phu nhân Tokuko làm thế nào để vượt qua nỗi đau mất gia đình, cô trả lời: “Cầu nguyện. Tôi nghĩ về những người tôi yêu thương và cầu nguyện cho sự bình an của họ ở thế giới bên kia. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Những người khác cũng cầu nguyện cho dòng họ Heike của chúng ta và kể những câu chuyện của chúng ta ở khắp nơi. Và nhờ những câu chuyện đó, gia tộc của chúng ta sẽ tiếp tục tồn tại mãi.”

Nói một cách đơn giản, “Câu chuyện Heike” của Naoko Yamada khẳng định rằng manga và anime không chỉ dành cho trẻ em. Thay vào đó, loạt phim của cô chứng minh rằng đây là một phương tiện mạnh mẽ và sáng tạo để khám phá các chủ đề nghiêm túc, trong khi vẫn có thể giúp khán giả dễ dàng tiếp cận và cảm thấy thú vị. Giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác, khi được thực hiện và đầu tư đúng đắn, anime có thể đóng vai trò kết nối truyền thống với hiện đại. Trong trường hợp này, Yamada đã tạo ra một tác phẩm nghệ thuật kết nối chúng ta với những hiểu biết sâu sắc về Phật pháp. Còn cách nào tốt hơn để truyền tải và giữ gìn một phương pháp thực hành dựa trên lý vô thường như vậy?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.