Năm thứ tạp uế trong tâm

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1229 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1229 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Năm thứ uế tạp trong tâm đó là: Nghi ngờ Thế Tôn (1), nghi ngờ Chánh pháp (2), nghi ngờ các học giới (3), nghi ngờ đối với các giáo huấn (4), nghi ngờ đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn khen ngợi (5) rồi do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín.

"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

- Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm, không cởi bỏ năm sự trói buộc trong tâm, thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni đó được nói đến với pháp tất thối.

- Thế nào là không nhổ sạch năm thứ tạp uế trong tâm?

- Ở đây có một hạng người nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Nếu hạng người nào nghi ngờ Thế Tôn, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Đó gọi là không nhổ sạch loại tâm tạp uế thứ nhất, nghĩa là đối với Thế Tôn.

Cũng vậy, đối với Chánh pháp, đối với học giới, đối với giáo huấn, hoặc đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn khen ngợi mà sân nhuế, mạ lỵ, lăng nhục, xúc não, xâm hại, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín, đó là loại tâm tạp uế thứ năm không được nhổ sạch, nghĩa là đối với các vị đồng phạm hạnh".

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bô-đa-lợi, kinh Tâm uế, số 206 [trích])

Năm thứ uế tạp trong tâm đó là: Nghi ngờ Thế Tôn (1), nghi ngờ Chánh pháp (2), nghi ngờ các học giới (3), nghi ngờ đối với các giáo huấn (4), nghi ngờ đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn khen ngợi (5) rồi do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tịnh tín. Chính năm tâm uế tạp này làm trở ngại đường tu, khiến cho người tu thối thất và có thể bỏ cuộc.

Nghi ngờ về Thế Tôn, người trẻ làm sao mà chứng đạo, giác ngộ mà không nhờ thần linh mặc khải? Một số người thời bấy giờ có hoài nghi như thế. Còn chúng ta ngày nay, một số vẫn nghi ngờ về tính lịch sử của Ngài. Cho rằng lịch sử của Thế Tôn là huyền thoại. Tuy nhiên, kinh điển Phật giáo và các ngành khảo cổ, văn hóa, lịch sử đã chứng minh Ngài là bậc Giác ngộ đã hoằng pháp độ sinh khắp xứ Ấn Độ thời cổ đại.

Nghi ngờ Chánh pháp vì những lời dạy của Thế Tôn được truyền miệng gần 400 năm mới được ghi thành kinh sách. Tất cả đều phụ thuộc vào trí nhớ của người sau. Mặt khác, Chánh pháp có nguyên thủy và phát triển nên nhiều khác biệt. Tuy vậy, những giáo lý nền tảng thì đồng nhất nên người học pháp đúng đắn sẽ nhận ra gốc rễ và hoa trái của Chánh pháp để tùy duyên tiếp nhận.

Đối với các học giới tuy có ràng buộc nhưng nhờ nó mà tránh được những phiền toái làm trở ngại sự an tịnh và thảnh thơi. Người chuyên tu thiền định nhận ra sự hỗ trợ tích cực của giới trong việc tịnh hóa thân tâm nên trân trọng và giữ gìn.

Các giáo huấn, nhắc nhở của những bậc thiện tri thức, chia sẻ kinh nghiệm tu học, sách tấn khích lệ sự tu hành cũng rất quan trọng. Nhờ các vị ấy mà chúng ta được trợ duyên, tiếp sức để tu học tinh tiến hơn. Đối với những vị đồng phạm hạnh, được Thế Tôn hay các bậc thầy khen ngợi, chúng ta luôn tùy hỷ, tán thán và quý trọng để học tập theo.

Với năm điều kể trên, người tu không nghi ngờ, không do dự, ngộ nhập, quyết đoán và tịnh tín thì các tạp uế trong tâm được rửa sạch. Nhờ đó mà sự tu hành ngày càng hăng hái và thăng tiến. Ngược lại, sự nghi ngờ, do dự, không ngộ nhập, không quyết đoán, không tin tưởng sẽ xói mòn lòng nhiệt thành tu tập, lâu ngày dẫn đến lui sụt, thối thất đường tu.

Những ai đang có biểu hiện chán ngán, muốn bỏ cuộc với sự tu hành cần rà soát lại năm thứ tạp uế này. Cần phải nhanh chóng loại trừ, nhổ sạch chúng mới có thể thích thú và thảnh thơi để tiếp tục trên lộ trình nghịch lưu đầy gian nan, thử thách.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.