Mười pháp tăng thượng

GN - Mười pháp tăng thượng này là yếu tố giúp cư sĩ Cấp Cô Độc vượt thắng được cơn đau trong một lần bệnh nặng nằm liệt giường, khiến cho ông có thể ngồi dậy được để hầu chuyện với Tôn giả Xá-lợi-phất1. Sự bớt hay lành bệnh đó cho thấy có sự liên hệ rất mật thiết giữa thân và tâm, mà hình như tâm lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng cho sự lành hay nặng thêm của thân bệnh.

Theo Đức Thế Tôn, mười pháp tăng thượng này do Tôn giả Xá-lợi-phất triển khai, mở rộng, quảng diễn từ bốn dự lưu chi2, tức bốn yếu tố hay bốn điều kiện đắc quả Tu-đà-hoàn, đưa người Phật tử dự vào dòng Thánh, không còn rơi vào ba đường ác, tối đa bảy lần qua lại trời người là thành bậc Vô sanh.

a phathoc.jpg


Đức Phật thuyết pháp - Tranh PGNN

Người Phật tử sau khi quy y Tam bảo và thọ trì năm giới, nếu trọn đời không thay đổi, không hủy phạm, thành tựu được bốn niềm tin bất hoại (tứ bất hoại tín), thì đã có thể biết chỗ thọ sanh, dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu-đà-hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ3. Tuy vậy, nếu không học tập để phát triển và thành tựu mười pháp tăng thượng sau đây thì khó có thể thành tựu được tứ bất hoại tín.

Nội dung bài viết này sẽ giúp cho các Phật tử tu tập thành tựu tứ bất hoại tín, dự vào dòng Thánh, vĩnh viễn thoát ly ba đường ác, bởi mười pháp tăng thượng này cũng chính là pháp đắc quả Dự lưu.

1. Thượng tín, trên hết mọi niềm tin là tin Tam bảo. Tam bảo là ruộng phước điền tối thượng. Thích-đề-hoàn-nhân, vua của các cõi trời muốn tìm cầu phước báu tối thượng nên đến hỏi Phật bố thí cúng dường cho ai thì được phước nhiều nhất. Đức Phật cho biết cúng dường Tam bảo được phước không thể kể, không bao giờ sút giảm, chỉ có tăng thêm4

Một người Phật tử có chánh tín đối với Như Lai (cũng như với Chánh pháp và Tăng-già), gốc rễ bền chặt, khó lay chuyển, mà các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma, Phạm và người thế gian không ai có thể phá hoại được thì gọi là Ưu-bà-tắc có đầy đủ tín5

Thực tế cho thấy có rất nhiều người quy y Tam bảo nhưng không có ‘tín đầy đủ’, bởi họ thậm chí còn chưa hiểu Tam bảo là gì, cho nên họ dễ dàng thay đổi, bỏ đạo, có khi còn hủy báng, bất kính với Tam bảo. Nếu chúng ta biết được Tam bảo là tối tôn, tối thượng, ngay cả Thích-đề-hoàn-nhân, vua của các cõi trời còn quy kính, thì không dễ dàng gì chúng ta quỵ lụy, van xin, chạy theo cúng kính ở các đền, miếu thờ quỷ thần, bà chúa, ông hoàng… Vì vậy, những ai tự cho mình là Phật tử cần phải nhìn lại xem mình đã có ‘đầy đủ tín’ đối với Tam bảo hay chưa? Nếu chưa thì cần phải nhanh chóng nỗ lực an trú và tịnh tín bất động đối với Phật, với Chánh pháp và với chúng Tăng. “Dầu cho bốn đại chủng có đổi khác, này Ananda, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, nhưng vị Thánh đệ tử thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật (Pháp và Tăng) không có đổi khác. Ở đây, này Ananda, vị Thánh đệ tử ấy, thành tựu tịnh tín bất động đối với Phật (Pháp và Tăng), sẽ không bao giờ sanh vào địa ngục, loại bàng sanh hay cõi ngạ quỷ”6.

Tôn giả Xá-lợi-phất ân cần hộ niệm Cấp Cô Độc: “Này Trưởng giả, chớ sợ! Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si, thành tựu bất tín, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả ngày nay không hề có sự bất tín, mà chỉ có sự thượng tín. Do thượng tín ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do thượng tín ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm, vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn”7.

2. Thiện giới, là những nguyên tắc đạo đức, thánh thiện, tức là năm giới, Bát quan trai giới, thập thiện giới mà người Phật tử đã phát tâm lãnh thọ. Người giữ giới, dù chỉ là một ngày, như giới Bát quan trai, đã có công đức vô lượng, huống là phát nguyện trọn đời thọ trì năm giới hay các giới khác. Cho nên, đối với người giữ giới chỉ có sự đi lên chứ không có đi xuống.

Người Phật tử tại gia trọn đời lìa bỏ sát sanh, từ bỏ sự không cho mà lấy, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ uống ruợu, không vui thích làm những điều ấy nữa thì được gọi là Ưu-bà-tắc có giới đầy đủ8.

Kinh ghi: “Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si do ác giới, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có ác giới, mà Trưởng giả chỉ có thiện giới. Do thiện giới ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng”9.

3. Đa văn, tức là học rộng, nghe nhiều Phật pháp. Đức Phật luôn khuyến khích các học trò siêng năng học tập sâu rộng giáo pháp, để không bị rơi vào kiến thủ và thoát khỏi sở tri kiến. Người Phật tử có niềm tin với Tam bảo, có ước muốn thoát khỏi khổ đau, nên ở đâu có đạo tràng là đến tu học Chánh pháp, ở đâu có pháp thoại chân chánh là đi nghe, ở đâu có kinh sách của Phật là phát nguyện thọ trì, đọc tụng, nghiên cứu. Công đức ấy không thể nghĩ bàn. Chỉ có kẻ phàm phu ngu si, cố chấp, kiến thủ mới không chịu học rộng nghe nhiều, hoặc chỉ học một thứ duy nhất.

Không chỉ đa văn, mà sau khi nghe, có thể ghi nhớ, có thể tích tập. Những gì Phật nói khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch, người ấy đều có khả năng thọ trì, đó gọi là Ưu-bà-tắc có đa văn đầy đủ10.

Kinh ghi: “Trưởng giả chớ sợ. Vì sao vậy? Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si không có đa văn, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có sự không đa văn. Do đa văn ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng”11.

4. Huệ thí hay thí xả, là phát tâm bố thí, gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí cho tất cả chúng sanh, bằng tất cả tâm từ bi mẫn. Mục đích của sự bố thí là để đối trị và cuối cùng là diệt trừ tâm xan tham - một thứ bệnh thâm căn cố đế khiến con người trở nên ti tiện, ích kỷ, keo kiệt, bủn xỉn, tham nhũng… Nếu sự cho đi mà không đưa đến mục đích này thì không được gọi là huệ thí. Huệ thí là cho đi bằng tình thương không điều kiện.

Đức Phật nói với Ma-ha-nam: “Ưu-bà-tắc có thí xả đầy đủ là, khi bị trói buộc bởi cấu bẩn của xan tham, tâm lìa cấu bẩn của xan tham, sống tại gia với tâm gột trừ cấu bẩn của bỏn sẻn, thí xả với tâm buông bỏ, tinh cần bố thí, thường hành bố thí, ưa xả tài vật, bố thí bình đẳng. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có thí xả đầy đủ”12.

Người sống với tâm thí xả như vậy thì không có gì để lo lắng sợ hãi. Vì sao vậy? “Vì nếu là kẻ phàm phu ngu si nhân có sự xan tham, thì khi thân hoại mạng chung sẽ đi thẳng đến ác xứ, sanh vào địa ngục. Còn Trưởng giả không hề có xan tham mà chỉ có huệ thí. Do huệ thí ấy Trưởng giả sẽ diệt được sự đau nhức khổ sở, lại sanh ra khoái lạc vô cùng; hoặc do huệ thí ấy sẽ chứng quả Tư-đà-hàm hay quả A-na-hàm vì Trưởng giả vốn đã chứng quả Tu-đà-hoàn”.

5. Thiện tuệ là trí tuệ hiểu biết khéo léo, biết buông bỏ kiến thủ và dễ dàng chấp nhận bình đẳng giới; bởi ngược lại với thiện tuệ là ác tuệ, thứ hiểu biết tự chấp thủ và bất bình đẳng13. Hiểu biết về Thánh đạo giải thoát, căn bản là thấy biết như thật về Tứ Thánh đế, “biết như thật rằng đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, đây là khổ diệt đạo. Ma-ha-nam, đó gọi là Ưu-bà-tắc có trí tuệ có đủ”14.

Thấy biết như thật về những khổ đau của kiếp người đều có nguyên nhân và hạnh phúc, giải thoát có thể đạt được nhờ tu đạo là cái thấy căn bản của người học Phật. Trung A-hàm 211, kinh Đại Câu-hy-la cho biết thiện tuệ là trí tuệ thấy rõ Tứ diệu đế, là thứ trí tuệ có công năng đưa đến sự vô dục, yểm ly.

6. Chánh kiến, sự thấy và hiểu đúng bản chất sự thật, phân biệt rõ ràng thiện ác, mê ngộ, hiểu rõ nhân quả thế gian và xuất thế gian. Kinh Chánh tri kiến ghi rằng: “Hiểu rõ về bốn sự thật, duyên khởi - vô ngã, mối liên hệ nhân quả trong sự vận hành, từ nguồn gốc sanh tạo đến đoạn diệt và phương thức tu tập để đoạn diệt các thức ăn nuôi dưỡng ái dục là chánh tri kiến; biết được thiện và bất thiện, các tính chất căn bản của chúng là chánh tri kiến; sự am tường về năm uẩn của tự thân và thế giới là chánh tri kiến”15.

Kinh Tạp A-hàm cũng nói chánh kiến có hai loại, hữu lậu và vô lậu: “Chánh kiến hữu lậu là nói có bố thí, có chú thuyết, có trai tự, có thiện hành, có ác hành, có quả báo thiện ác hành, có đời này, có đời khác, có cha mẹ, có chúng sanh hóa sanh, có A-la-hán không tái sanh đời sau. Chánh kiến thuộc về xuất thế gian của bậc Thánh, vô lậu, không thủ, hết khổ chân thật, hướng đến thoát khổ là nơi Khổ tư duy Khổ; nơi Tập, Diệt, Đạo tư duy Đạo, tương ưng với tư duy vô lậu, ở nơi pháp mà tuyển trạch, phân biệt, suy cầu, giác tri, quán sát tỏ ngộ”16.

Chánh kiến như những hạt giống quả ngọt. Hạt giống quả ngọt mà đem trồng ở đất tốt thì sanh ra quả càng ngon ngọt hơn. Chúng sanh có chánh kiến cũng lại như vậy. Những gì được nghĩ đến, hướng đến, cùng các hành khác, tất cả đều đáng quý kính, là những điều mà người thế gian đáng ham thích17.

7. Chánh tư duy là tư duy về đạo lý chân thật, hay tư duy về những gì dẫn đến vô tham, vô sân và bất hại, thường là tư duy về tứ diệu đế, duyên khởi, vô thường, vô ngã.

Từ sự nhận thức đúng đắn, tức chánh kiến, chúng ta có được tư duy đúng đắn. Tư duy đúng đắn sẽ làm lớn mạnh nhận thức chánh kiến. Tư duy là suy nghĩ. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta lúc nào cũng suy nghĩ, hết nghĩ chuyện này đến nghĩ chuyện khác. Có những suy nghĩ làm cho chúng ta mệt mỏi, buồn chán, lo sợ. Có những suy nghĩ nuôi lớn lòng hận thù, tham đắm, hại người, làm tổn thương nhau. Có những suy nghĩ làm cho dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu phát sanh và tăng trưởng. Tất cả những suy nghĩ ấy gọi là tà tư duy. Nó đã dẫn chúng ta đi lang thang trong ba cõi, đã tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi, đổ vỡ, mất mát, khổ đau. Nếu như có chánh tư duy, có suy nghĩ đúng đắn thì chúng ta đã không khổ đau nhiều như vậy. Nếu có chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt. Hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh liền tiêu diệt.

Đức Phật dạy: “Những người phàm phu ngu si, không nghe được Chánh pháp, không được gặp bậc chân tri thức, không biết thánh pháp, không điều ngự thánh pháp, không biết pháp như thật, nếu không có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng. Nếu có chánh tư duy, dục lậu chưa sanh sẽ không sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh sẽ không phát sanh, đã phát sanh liền tiêu diệt. Vì không biết pháp như thật, do đó, pháp không nên tư duy lại tư duy, pháp nên tư duy lại không tư duy. Vì pháp không nên tư duy lại tư duy, pháp nên tư duy lại không tư duy, nên dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền phát sanh, đã sanh liền tăng trưởng18.

Không biết pháp như thật tức là không có chánh kiến, không nhận thức được bản chất của sự thật, không thấy được sự thật duyên sanh, vô ngã…

8. Chánh giải là chân chánh giác ngộ pháp tánh, là thấy được bản tánh của các pháp, còn gọi là chánh giác. Bản tánh của các pháp là duyên sanh, vô ngã hay tánh của các pháp là vô ngã tánh. Vì pháp tánh vô ngã nên bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thấu suốt các pháp vô ngã, hay thấy rõ năm uẩn vốn không có tự tánh thì liền vượt qua mọi khổ đau ách nạn (chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách).

9. Chánh thoát là giải thoát chân chánh. Đối với người xuất gia là biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa. Đối với người Phật tử, chánh thoát là biết rõ mình đã thành tựu giới, tịnh tín bất thối đối với Tam bảo, mãi mãi xa lìa ba đường ác.

Giải thoát chân chánh là giải thoát khỏi sự trói buộc của tham ái, sân hận, si mê, giải thoát khỏi mọi trói buộc của phiền não, kết sử, thoát khỏi sanh tử luân hồi.

10. Chánh trí, còn gọi là Thánh trí, là trí lậu tận hay trí vô sanh, tức trí tuệ hiển bày khi lậu hoặc, phiền não đã đoạn tận, là trí tuệ bản nhiên của mọi chúng sanh. Chúng ta ai cũng có chánh trí, nhưng do vì tập khí phiền não, vô minh che lấp nên nó chẳng hiển bày. Sự tu tập là làm cho Thánh trí vô sanh vốn có của mình hiển bày. Dù chưa hiển bày vẫn biết rằng nó có sẵn trong tâm, vì vậy không cần phải chạy ra bên ngoài tìm kiếm.

Đây là mười pháp tăng thượng, mà theo Thế Tôn, nếu ai thành tựu, người ấy đắc quả Tu-đà-hoàn, tức là đã dự vào dòng Thánh, mãi mãi thăng tiến trên con đường hướng về bến giác, không còn sợ hãi gì nữa, cho dù người ấy có chết bất ngờ hay chết vì lý do gì.

 Thích Nguyên Hùng

_________________

1 Trung A-hàm 28, kinh Giáo hóa bệnh.

2 Tứ dự lưu chi: 1/ Thân cận thiện sĩ, 2/ Thính văn Chánh pháp, 3/ Như lý tác ý, 4/ Pháp tùy pháp hành.

3 Tứ bất hoại tín, tứ chứng tịnh. Trường A-hàm 2, kinh Du hành.

4 Tăng nhất A-hàm, phẩm Lợi dưỡng.

5 Tạp A-hàm, Tương ưng Ma-ha-nam.

6 Tăng chi bộ kinh III, VIII.75.

7 Trung A-hàm đã dẫn.

8 Tạp A-hàm, Tương ưng Ma-ha-nam.

9 Trung A-hàm đã dẫn.

10 Tạp A-hàm đã dẫn.

11 Trung A-hàm đã dẫn.

12 Tạp A-hàm đã dẫn.

13 Luận Du-già, quyển 62.

14 Tương ưng bộ kinh, 55.37 Mahānāma.

15 Trung bộ kinh số 9, kinh Chánh tri kiến.

16 Tạp A-hàm, Tương ưng Thánh đạo.

17 Tăng nhất A-hàm, phẩm An ban.

18 Trung A-hàm, kinh Lậu tận.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.