Những ngày này, người dân thành phố đang đối diện với tình cảnh giãn cách, phong tỏa do đại dịch Covid-19 tái bùng phát, lại là lần bùng phát dữ dội nhất từ khi con vi-rút Corona mà mắt thường không thấy được lan ra từ Vũ Hán - Trung Quốc hồi đầu năm ngoái.
Con vi-rút đã khiến cả thế giới hoảng hốt, điêu đứng hơn một năm rưỡi qua. Không thấy được bằng mắt thường nên nó len lỏi khắp nơi, cùng với tốc độ và khả năng biến thể như có… thần thông.
“Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng”, phép biến hóa của tà thuật thường linh hoạt và khó lường, với vi-rút Corona này, điều mà chúng ta nghe nói xưa nay giờ lại được chứng kiến thực tế hôm nay, hết biến thể này lại xuất hiện biến thể khác...
Ảnh: Ngô Trần Hải An |
Sài Gòn là…
Chưa bao giờ TP.HCM lại yên ắng một thời gian dài như vậy: đường sá vắng vẻ; hàng ngàn điểm, khu phố, phường xã… bị giăng dây, lập rào cách ly trong nỗ lực khống chế không để lây nhiễm cộng đồng.
Bệnh viện quá tải, nhân lực y tế đuối sức khi các y bác sĩ phải gồng mình, làm việc gấp hai lần sức khỏe so với bình thường. Những vết hằn trên khuôn mặt bác sĩ, điều dưỡng sau mỗi ca trực, mồ hôi ướt đẫm trong bộ áo quần bảo hộ phong kín người.
Bệnh viện dã chiến được thiết lập, rồi lại thêm những bệnh viện dã chiến khác lại được thiết lập tiếp, vậy mà vẫn quá tải. Nhiều ngày, người dân lặng đi khi nhận tin số ca nhiễm lên tới vượt qua mốc 6.000. Tiếng còi xe cứu thương vang lên sắc lạnh trên những con đường vắng ngắt…
Những ngày giữa tháng 7-2021, nhiều tỉnh thành thông báo việc tổ chức đón người dân quê hương mình vào Sài Gòn mưu sinh, học tập và làm việc trở về quê nhà bằng đường hàng không, đường bộ… Tin báo ấy khiến mọi thứ như khẩn trương thêm, mà để có được suất “về nhà” giờ này cũng khó khăn hơn cả Tết. Người được về lại cũng chạnh lòng: “Phải rời Sài Gòn”, “Tạm biệt Sài Gòn…”…
“Sài Gòn bịnh” là những từ mà người ta nói về TP.HCM vào lúc này. Thì ra, thành phố không còn đơn thuần là một địa danh, vùng đất mà đã trở nên một phần của con người, có lúc khỏe, lúc bệnh.
Nông sản các nơi được đưa về TP.HCM |
Hội ngộ đặc sản, nông sản các vùng miền
Chưa có thống kê nào cụ thể, nhưng cũng có thể nói TP.HCM, Sài Gòn trong cách gọi dân dã và thân thương, là nơi mà người dân ở đây không ai lại không có ít nhiều liên hệ đến tất cả các tỉnh thành còn lại trên đất nước. Kẻ bước tới để mưu sinh, người tìm vô để học hành. Tùy theo phận người, Sài Gòn là nơi đổi đời mà cũng là chốn bao dung. Là vùng đất mà nếu con người chăm chỉ, chắc chắn sẽ không bao giờ túng thiếu.
Khái niệm “người Sài Gòn”, do đó, cũng không cần dựa vào chuyện “5 đời, 7 kiếp ở đây” mà chỉ cần nhìn vào cách cư xử, lối sống: bước tới đất này, sống hào hiệp, tử tế, sẻ chia, thông cảm theo kiểu “kiến ngãi bất vi vô dõng dã”, ấy là đã mặc nhiên trở nên người Sài Gòn. Người Sài Gòn có thể nói giọng Bắc, cũng có thể âm sắc miền Trung, cả giọng Tiều, âm Quảng…
Với những dòng chữ dễ thương... - Ảnh: T.N.D |
Và, chưa bao giờ như trong mùa… Covid này, Sài Gòn lại nhận được nhiều sự thương yêu đến vậy. Vô số nông sản đặc trưng của mỗi tỉnh thành, vùng miền được bà con chắt mót gửi về Sài Gòn để “giúp cho họ lúc dịch bệnh”. Chỉ một ngôi chùa nhận làm trung gian, trong chưa tới 2 tuần đã nhận và phân phối gần 400 tấn thực phẩm các địa phương nhờ “trao yêu thương” đến bà con Sài Gòn. Còn hàng trăm điểm tiếp nhận và phân phối khác nữa. Kỳ lạ là tất cả, không nhắc đến chữ “cứu trợ” mà gọi là “gửi yêu thương”, “mong Sài Gòn mau khỏe lại”, có khi được viết vội trên trái bầu trái bí bạc màu phấn.
Người ở xa thì vậy, người thành phố thì lập nên vô số điểm chia sẻ, “ai khó thì nhận một phần”, “nếu đã đủ xin nhường người khác”… chăm sóc nhau qua những ATM gạo, ống trượt bánh mì sáng, chợ rau 0 đồng,… trong lúc mọi quán xá đều đóng cửa im lìm.
Và kết lại những tình cảm đong đầy cho thành phố, xin kể lại đây một câu chuyện mắt thấy tai nghe. Có một cháu gái tên Hải Yến, 19 tuổi, quê Thái Bình, bỏ ngang đại học để chọn một việc làm mưu sinh và tự học đồ thực dưỡng tự nhiên, mới vào TP.HCM không lâu. Trong lúc tham gia cùng quý thầy đóng gói rau tươi làm “quà dạm ngõ Sài Gòn”, đã buột miệng: “Con mới vào miền Nam nhưng sao con thấy yêu Sài Gòn quá!”.