Chương trình do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại Huế phối hợp tổ chức.
Tham dự buổi tọa đàm có Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Pháp chủ GHPGVN; Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh; nhị vị Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh: Hòa thượng Thích Lưu Hòa, Hòa thượng Thích Quang Nhuận; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng chư tôn đức Thường trực Ban Trị sự, Hội đồng Điều hành Học viện, các nhà nghiên cứu và Tăng Ni, Phật tử.
Sau phút tưởng niệm, trong bài phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Khế Chơn đã xưng tán Bồ-tát Thích Quảng Đức đã hy sinh tính mạng của mình vì lòng từ bi vô hạn với đất nước, đạo pháp, đồng bào, với Tăng Ni, Phật tử. Ngọn lửa thiêng ấy là ánh sáng, là chân lý đã lan toả muôn phương...
Hòa thượng Thích Khế Chơn phát biểu khai mạc |
Báo cáo đề dẫn, Hòa thượng Thích Huệ Phước cho rằng: “Ngọn lửa và trái tim bất diệt của Bồ-tát Thích Quảng Đức mãi mãi thể hiện tinh thần hùng tâm vô úy, đại hùng, đại lực, đại từ bi, làm thức tỉnh lương tri của hàng triệu người trên khắp thế giới. Ngọn lửa này có một sức mạnh vô song. Thứ nhất, đối với Tăng Ni, tín đồ Phật tử càng vững thêm niềm tin với lý tưởng mà mình đã chọn để phụng sự; Thứ hai, làm thay đổi hoàn toàn thái độ nhận thức của các thế lực xấu, ác. Sức mạnh không nằm ở chỗ binh đao, súng đạn mà nằm ở chỗ ý chí thống nhất, gióng lên tiếng nói chơn chánh, oai hùng làm ma quân khiếp sợ”.
Hòa thượng Thích Huệ Phước báo cáo đề dẫn |
Tại buổi tọa đàm, Hòa thượng Thích Hải Ấn đã nhắc lại lời nhận định của cố Đại lão Thích Trí Quang về Bồ-tát Thích Quảng Đức: “Một trong những sự bất diệt của cuộc vận động 1963 là đã sản sinh ra một vị Bồ-tát”. Qua đó, Hòa thượng Viện Trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế đã nêu một số ý kiến để thảo luận và trao đổi tại toạ đàm như:
Thứ nhất, cần phải thấy rằng, biểu tượng ngọn lửa từ bi và quả tim bất diệt mà Bồ-tát Thích Quảng Đức để lại chính là minh chứng rõ ràng nhất về kết quả tu tập của một đời người, được kết tinh bằng chính tâm nguyện vị tha và định lực kiên cố của Bồ-tát Thích Quảng Đức;
Thứ hai, cần phải thấy rằng, biểu tượng ngọn lửa từ bi và quả tim bất diệt mà Bồ-tát Thích Quảng Đức để lại chính là sự kết tinh từ ý chí, tâm nguyện và trí tuệ của bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong sứ mệnh hộ quốc an dân, hoằng dương chánh pháp, là biểu tượng của đại hùng, đại lực, đại từ bi trước các thế lực ma chướng, thường xuyên đe dọa sự tồn vong của Đạo pháp và Dân tộc;
Thứ ba, cần làm rõ hơn mối liên hệ trực tiếp: “Từ vụ thảm sát tại Đài Phát thanh Huế đến ngọn lửa Bồ-tát Thích Quảng Đức”, sự kiện 8 Phật tử ngã xuống tại Đài Phát thanh Huế trong đêm Rằm tháng Tư năm Quý Mão đã tạo nên làn sóng phản ứng như thế nào ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là Tăng Ni, tín đồ miền Nam? Cần làm rõ nhận định của Bồ-tát Thích Quảng Đức về vụ thảm sát tại Đài Phát thanh Huế nói riêng, tình cảnh Phật giáo nói chung trước khi quyết định phát nguyện tự thiêu.
Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu |
Từ nước Pháp, với đề tài: “Tưởng niệm ngọn đuốc 1963”, Giáo sư Cao Huy Thuần nhắn gửi: “Trong lịch sử Phật giáo, cũng như trong lịch sử Việt Nam, năm 1963 là một niên biểu trọng đại. Đó là một đỉnh cao, một mốc thời gian trong đó máu và nước mắt của Phật tử chan hòa và tiếp nối máu và nước mắt oai hùng của cả một dân tộc đã đổ ra trong hơn một thế kỷ để giành lại độc lập toàn vẹn cho đất nước.
Người Việt Nam phải thuộc sử Việt Nam. Và người Phật tử thì không phải chỉ 50 năm một lần, 60 năm một lần đọc lại trang sử 1963, mà đọc lại hàng năm, mỗi ngày Phật đản, đọc thầm cũng được, để thấy máu và nước mắt của một thời thấm vào tim mình. Bài học 1963 không những còn nguyên giá trị, mà còn sáng rực ngọn đuốc Quảng Đức trong vô minh của mọi đêm tối. Trong vô minh ấy của chính chúng ta, 1963 để lại những bài học gì?”.
Tăng sinh trẻ lắng nghe giai đoạn lịch sử bi hùng của Phật giáo Việt Nam |
Tham dự tọa đàm với đề tài: “Về đài kỷ niệm Thánh tử đạo tại Huế”, Thượng tọa Thích Không Nhiên, Tiến sĩ Triết học, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế đã nhắc lại lịch sử hình thành của Đài Thánh tử đạo tại công viên Lê Lợi bên bờ Nam sông Hương, gần giao lộ Lê Lợi - Hùng Vương, ở đầu cầu Trường Tiền thuộc P.Vĩnh Ninh, TP.Huế (trước đây thuộc khuôn viên Đài Phát thanh Huế).
Đây là một di tích lịch sử - văn hóa tâm linh đặc biệt không chỉ riêng với Huế và với Phật giáo Huế mà còn có một vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng như lịch sử dân tộc thời hiện đại. Hiện nay, Đài Phát thanh Huế đã không còn, qua tọa đàm Thượng tọa để xuất nên mô phỏng lại mô hình Đài Phát thanh Huế, chú thích rõ ràng để thế hệ tiếp nối và những ai muốn tìm hiểu về Pháp nạn 1963 hình dung được không gian, địa điểm mà 8 vị Thánh tử đạo đã ngã xuống tại Huế cách đây 60 năm.
Thượng tọa Thích Không Nhiên trình bày về sự ra đời của Đài Thánh tử đạo tại Huế |
Ngoài ra, buổi tọa đàm cũng nhận được các tham luận: “'Dậy mà đi' hay cuộc vận động của Phật giáo Huế vì mục tiêu công bằng xã hội năm 1963” (PGS.TS Sử học Lê Cung); “Cuộc vận động đòi quyền: Tự do tín ngưỡng - bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam (8-5-1963 – 30-10-1963)” (Trần Đình Sơn); “Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu” (Thái Kim Lan); “ Vùng tỏa sáng của ngọn lửa từ bi” (Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân); “Bồ-tát đến và đi như thế” (Cao Huy Hóa).
Giáo sư Lê Mạnh Thát là một chứng nhân lịch sử tại sự kiện Đài Phát thanh Huế năm 1963 |
Là một chứng nhân lịch sử, Giáo sư Lê Mạnh Thát đã nhắc lại sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu, đây là một sự kện nổi bật trong phong trào đấu tranh cho bình đẳng tôn giáo.
“Sau sự tự thiêu của ngài Quảng Đức thì chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách vô cùng hung bạo, đó là tấn công tất cả chùa chiền trên toàn miền Nam, bắt bớ Tăng Ni, đây là hành động cương quyết muốn dẹp Phật giáo. Chính vì vậy sau đêm 20-8, sinh viên, học sinh và Phật tử tiếp tục biểu tình và Thánh tử đạo Quách Thị Trang đã ngã xuống, tình hình vẫn hết sức đen tối.
Nhưng ngay từ đầu cuộc vận động, vụ việc xảy ra tại Đài Phát thanh Huế, chúng ta đã có được sức mạnh của thời đại như bác sĩ Wulff - người đã giúp rất nhiều để đưa tin tức đấu tranh ra bên ngoài, Hòa thượng Thích Trí Quang, là người đã liên lạc với quý Hòa thượng đang ở nước ngoài cụ thể là Hòa thượng Thích Minh Châu để thông tin những sự kiện xảy ra tại Việt Nam thì cuộc đấu tranh không biết đi tới đâu?”, Giáo sư Lê Mạnh Thát trình bày.
Kết thúc tọa đàm, sau lời cảm cảm tạ, Tăng Ni, Phật tử đã hồi hướng công đức hướng về khắp tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Nhân sĩ trí thức tham dự |
Phật tử tham dự buổi tọa đàm để biết thế hệ đi trước đã bảo vệ Đạo pháp như thế nào |
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn |
Giáo sư Thái Kim Lan là một trong những sinh viên tham gia phong trào học sinh, sinh viên |
Tăng Ni, Phật tử và quý vị nhân sĩ tri thức tham dự buổi tọa đàm |