Suốt những năm cấp một tôi học tại Trường Tiểu học An Hòa nằm giữa bốn bề ruộng lúa xanh ngắt. Sang cấp hai và cấp ba mới chuyển lên chợ học ở những ngôi trường lớn hơn với nhiều bạn bè hơn. Thị trấn ngày ấy buồn hiu hắt với con đường đất đỏ dẫn đến trường học ngang qua ngôi chùa Phước Thạnh có tượng Phật Bà đứng nhìn ra đường rất đẹp, mà mỗi khi đi ngang qua tôi hay cúi đầu thành kính.
Thị trấn nhỏ, đìu hiu nhưng vẫn có một hiệu sách tư nhân là nơi bọn học sinh chúng tôi hay lui tới mua sách mỗi khi có chút ít tiền để dành được. Tôi thích đọc sách từ nhỏ và không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc vớ được quyển gì thì đọc quyển ấy. Hoặc có khi vào thư viện trường mượn sách để đọc.
Có lẽ vì mê đọc sách nên sau này tôi thi và học khoa Văn để… đọc sách cho đã! Nào tiểu thuyết diễm tình, trinh thám hay phiêu lưu mạo hiểm… tôi đều mải mê đọc. Chỉ đến mấy năm gần đây tôi bớt đọc các thể loại ngôn tình cho cảm thấy không thích hợp nữa, thời gian rảnh tôi chuyển sang đọc sách về Phật pháp nhưng cũng chỉ mới bước đầu dò dẫm trên con đường học Phật mà thôi!
Tháng 8 năm ngoái tôi đến một ngôi chùa bên quận 8 để làm lễ cúng giỗ cho bà nội chồng. Hôm đó nhằm ngày nhà chùa trì tụng kinh Dược Sư bổn nguyện công đức. Tôi cũng được phát cho một quyển nhưng thú thật là tôi rất lóng ngóng vì đây là lần đầu tiên tham dự buổi đọc kinh như thế này tại chùa.
Chẳng biết có phải do oai thần của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai qua giọng đọc trầm hùng của vị trụ trì hòa cùng đại chúng hay không mà tôi cảm thấy rúng động và cảm xúc dạt dào theo từng lời kinh. Sau khi về tôi đến thư quán của chùa gần nhà thỉnh một quyển kinh Dược Sư về và phát nguyện tụng đọc kinh này vào tối Sáu ngày chay tịnh trong tháng.
Đọc tụng tại nhà một mình tôi không cần phải chạy theo đại chúng cho kịp nên tôi thong thả đọc theo sức của mình. Nhờ vậy mà tôi có dịp nghiền ngẫm về nghĩa lý của từng câu kinh. Chẳng hiểu sao tôi rất tâm đắc với đoạn này:
Lúc ấy Đức Thế Tôn lại bảo ông Mạn Thù Thất Lợi Đồng Tử rằng: "Có những chúng sanh không biết điều lành dữ cứ ôm lòng bỏn sẻn tham lam, không biết bố thí mà cũng không biết quả báo của sự bố thí là gì, ngu si vô trí, thiếu hẳn đức tin, lại ham chất chứa của cải cho nhiều, đêm ngày bo bo gìn giữ, thấy ai đến xin lòng đã không muốn, nhưng nếu cực chẳng đã phải đưa của ra thì đau đớn mến tiếc, dường như là cắt thịt cho người vậy...”.
Tụng kinh Dược Sư cầu an đầu năm - Ảnh minh họa |
Nhìn vào cuộc sống chung quanh, tôi thấy quả thật đúng như vậy. Có nhiều người tuy rất giàu có nhưng không muốn giúp đỡ người kém may mắn hơn mình, thậm chí rất thờ ơ nữa là khác.
Tôi cũng có người thân, năm nay bà đã ngoài 80, mỗi ngày bà trì chú Đại Bi đến tàn nhang nhưng lòng vẫn chưa mở. Đặc biệt là đến tuổi này mà bà còn ôm giữ quá nhiều vật dụng cá nhân, của cải và gìn giữ chúng một cách kiên tâm. Có những món đồ không còn sử dụng được bà cũng nhất định không bỏ đừng nói đến cho ai. Con cháu có về dọn dẹp thấy cũ kỹ quá đem quăng đi thì bà bỏ ăn bỏ ngủ vì tức tối và kiếm tìm lại cho bằng được. Với những ai lỡ lời làm bà giận, bà cũng ghim gút trong lòng từng câu, từng chữ rồi nhắc nhở mỗi khi có dịp mà có khi người nói câu ấy đã mất từ thuở nào! Tôi cũng đã lựa lời khuyên bà, thỉnh cho bà một quyển kinh giống mình với mong muốn bà đọc đến đoạn ấy và thay đổi, buông xả cho nhẹ nhàng nhưng có lẽ duyên chưa tới nên bà để đó, không thích đọc!
Riêng bản thận tôi, tuy chưa già lắm và cũng không giàu có gì nhưng mỗi khi có dịp trao tặng ai chút quà mọn nào cũng đều xuất phát từ tâm hoan hỷ không mong cầu báo đáp. Mỗi tháng sáu ngày đều tiếp tục trì tụng và nghiền ngẫm thêm nghĩa lý của từng câu kinh Dược Sư rồi “Nguyện đem công đức này/ Hướng về khắp tất cả/ Đệ tử và chúng sanh/ Đều trọn thành Phật đạo”.