Thánh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trong “hoa viên Quan Âm” nhà tôi - Ảnh: Đ.T.Hiền
Ngày đó... thật sự khó khăn, vì tôi đã làm liều, vì quá khao khát được tôn trí, phụng thờ hình tượng Ngài nơi vườn nhà, cũng như không hề biết đến phép tắc của việc dựng tượng nên tôi không thông qua ai hết. Nghĩ là làm, cứ thế xây bục tượng để an trí Ngài, do vậy, khi dựng lên, cán bộ địa phương đã tới làm việc. Tất nhiên, các anh đã làm việc một cách chân tình, nhắc nhở là chính, vì biết tôi là Phật tử đơn sơ, mù luật, chỉ với niềm tin dẫn đường chứ không hề có ý chi khác.
Tôi trả lời trong những buổi làm việc với các vị lãnh đạo địa phương, cán bộ tôn giáo lúc ấy rằng: “Tôi thương Đức Bồ-tát Quán Thế Âm và mong muốn được tôn thờ Ngài để sớm hôm lễ lạy, để lòng mình bình yên và thôn xóm an vui. Mong các anh hoan hỷ”. Có lẽ, nghe câu trả lời chân thành đó, cảm và thương cho sự “thiếu hiểu biết” của tôi mà các anh lãnh đạo địa phương đã dần hoan hỷ, chấp nhận việc... dựng tượng chưa xin phép của tôi.
Sáu năm sau, nhờ sự yểm trợ của chư tôn đức, đồng đạo, quý thầy, sư cô... khắp nơi mà nay, nơi vườn nhà tôi đã được trang nghiêm hơn nhờ hình tượng Ngài được tu bổ chu đáo, xung quanh đó trồng cây xanh, hoa, kiến tạo một khung cảnh tươi tắn. Tôi để góc vườn tôn trí Đức Bồ-tát Quán Thế Âm (sát với đường giao thông tuyến liên thôn) là nơi để trồng bông hoa, tạo kiểng đẹp, cũng là góp phần làm đẹp hình ảnh quê hương, đồng thời gọi là “hoa viên Quan Âm” trong niềm hoan hỷ.
Từ ngày có tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trong vườn nhà, sau đó là tượng Đức Phật Di Lặc cũng như đại hồng chung được thỉnh về nơi tư gia tôi đang sống, sinh hoạt, thực tập tụng niệm kinh, hồng danh Đức Phật, Bồ-tát... thì người dân quanh xóm cũng tham gia đọc kinh, lễ Phật hàng đêm. Các cụ lớn tuổi trong xóm lấy việc đi tụng kinh làm niềm vui tuổi già, các em nhỏ thi thoảng, vào ngày cuối tuần và nhất là dịp hè đã tham gia đọc kinh, trong đó có kinh Vu lan - Báo hiếu, dạy về sự hiếu đễ cũng trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời ba mẹ, học hành giỏi hơn.
Nhiều vị tiền bối chia sẻ riêng với tôi rằng, từ ngày có thờ tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, đất làng mình yên bình hơn. Sở dĩ các cụ có nhận định ấy là vì, người làng thi thoảng vẫn nghe những tiếng chó sủa đêm khuya, đôi lúc có người lại bị bệnh chi đó không chữa được với biểu hiện không tỉnh táo... và bị “liệt” vào bệnh “âm”, nay sự việc đó ít xảy ra hơn. Tôi không biết rõ việc đó thực hư ra sao, nhưng sự hiện diện của Bồ-tát Quán Thế Âm nơi vườn nhà mình, trong đất đai nói chung thuộc làng trên xóm dưới chốn quê (chưa có một ngôi chùa nào) cũng chính là hình tượng của sự bình yên, hướng về của người dân trong cuộc sống, trong niềm tin về sự mầu nhiệm của những bậc Thánh, Bồ-tát, Phật nơi cõi mênh mông này. Âu đó cũng là niềm hoan hỷ để tôi gửi gắm niềm tin và sự thành kính đời đời đối với Tam bảo và phát nguyện gìn giữ sự thực tập lễ lạy Quán Thế Âm thường xuyên trên bước đường tu học.
Tôi nghĩ, nếu là Phật tử, ai cũng có tâm nguyện và hội đủ duyên lành để thiết trí, phụng thờ tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm trong khuôn viên nhà mình thì nên cố gắng vượt qua những trở ngại, khó khăn (nếu có). Đối với Phật tử, trong những Phật sự hay hạnh nguyện thực hành chắc chắn có lúc khó khăn, tạm gọi là thử thách để mình uyển chuyển - ứng dụng lời Phật dạy vào việc làm, đời sống.
Trong bài tư vấn trên Giác Ngộ số 762, ngày 19-9 vừa qua, có Phật tử hỏi “Thờ tượng Phật ngoài trời tại tư gia có phạm pháp?” và đã được Tổ Tư vấn trả lời tỉ mỉ, rằng đó là tín ngưỡng từ lâu, đúng pháp luật, phù hợp với tinh thần Phật dạy. Do vậy, khi làm việc đó, chúng ta nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích để địa phương nơi mình sinh sống hiểu và đồng thuận, bởi những lợi ích từ mỹ quan tới tinh thần của việc phụng thờ Tam bảo, thánh tượng... là khó nghĩ, khó bàn!