GNO - Các nhà nghiên cứu Đài Loan chỉ ra rằng, người trưởng thành bị mắc chứng mất ngủ trong độ tuổi từ 18-34 có nguy cơ đột quỵ cao hơn 8 lần so với người không bị các chứng liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Và nguy cơ này sẽ giảm sau tuổi 35.
Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp điều trị bệnh mất ngủ cho người trẻ.
Chứng mất ngủ còn ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác như: viêm nhiễm, huyết áp - Ảnh minh họa
TS.Ya-Wen Hsu, thuộc Đại học Y dược và Khoa học Chia Nan và Bộ phận Nghiên cứu Y khoa thuộc Trung tâm Y khoa Chi-Mei tại Đài Loan cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rõ rằng những cá nhân mắc bệnh mất ngủ kinh niên, đặc biệt là người trẻ tuổi cần gặp bác sĩ để được đánh giá về nguy cơ đột quỵ mà họ có thể phải đối mặt và để được điều trị chứng mất ngủ một cách khoa học”.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tờ Đột quỵ (The Stroke), ghi nhận các thông tin sức khỏe trong suốt 4 năm của hơn 21.000 người mắc bệnh mất ngủ và 64.000 người không mắc chứng bệnh này. Các nhà nghiên cứu chia các đối tượng tham gia nghiên cứu thành nhóm dựa trên tình trạng bệnh của họ. Sau 4 năm theo dõi, các chuyên gia khẳng định: “Bệnh mất ngủ có thể làm tăng 54% nguy cơ nhập viện do đột quỵ. Và nguy cơ đột quỵ còn cao hơn với những người mắc chứng mất ngủ dai dẳng so với người mắc chứng mất ngủ thưa hơn”.
Ngoài ra, chứng mất ngủ còn ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác như: viêm nhiễm, huyết áp và hiện tượng kháng glucose. Tất cả các vấn đề này đều tác động đế nguy cơ gây đột quỵ.
Trước đây, một báo cáo được trình bày tại Hội thảo về Giấc ngủ năm 2012 (The Sleep Conference) kết luận rằng người thường xuyên ngủ ít, cụ thể là ít hơn 6 giờ đồng hồ mỗi đêm, có nguy cơ đột quỵ cao gấp 4 lần so với người ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Trần Trọng Hiếu
(Theo The Huffington Post)