GN - Ngôn ngữ là phương tiện mà con người dùng để giãi bày tư tưởng, tình cảm của mình, đồng thời cũng là phương tiện giao tiếp giữa người và người trong xã hội.
Ngôn ngữ thể hiện dưới nhiều hình thức: Ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói, ngôn ngữ không lời (điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười…). Có quan niệm cho rằng ngôn ngữ viết quan trọng hơn ngôn ngữ nói vì: “Lời nói thì bay đi, chữ viết thì còn lại”. Song, xét kỹ thì lời nói phải đâu không quan trọng?
Tất nhiên phải có tư tưởng (tâm, ý) thì mới có thể phát xuất ra thành lời nói. Lời nói nếu được dẫn dắt bởi một tâm ý không chân chánh, thiện lành thì sẽ tạo nên khổ đau và tội lỗi. Nói những lời không chân chính thiện lành là tạo khẩu nghiệp, về sau phải gánh chịu những khổ não là lẽ đương nhiên không tránh khỏi.
Trong kinh Pháp cú, ngay kệ đầu tiên của phẩm Song yếu, Đức Phật đã dạy:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe, chân vật kéo”.
Đối với người xuất gia, tội về lời nói (nói dối) là một trong những điều giới cấm trọng yếu mà hàng xuất gia phải gìn giữ cả đời. Đối với người cư sĩ, Phật tử tại gia thọ trì 5 giới hay tu Thập thiện giữ 10 giới, tội lỗi về lời nói (Không vọng ngữ) được quy thành bốn tội danh cụ thể cần phải tránh, đó là: Nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói lời thô ác. Dù là tội danh nào, chung quy cũng là tội đã gây nên những tác hại, khổ não cho kẻ khác, nhưng đồng thời cũng tổn hại cho chính bản thân mình. Chỉ việc giữ gìn lời nói thôi mà trong mười điều thiện đã làm được bốn điều, cho thấy rằng việc nói năng quan trọng biết bao trong đời sống tu học của những người con Phật.
Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng “lựa lời” là lựa như thế nào? Cổ nhân có dạy: “Trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”, đó là nhằm khuyên chúng ta phải có sự cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, bởi nếu ta “lỡ tay, lỡ chân” thì có khi còn cứu vãn được, nhưng “lỡ lời” thì không thể nào rút lời lại được. “Sẩy chân còn hơn sẩy miệng”. Một lời đã nói ra sẽ như mũi tên bay đi với tốc độ thần kỳ, mũi tên sẽ cắm phập vào tâm điểm mà người bắn đã nhắm vào, không có cách chi ngăn chặn lại được. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra, dù bốn con ngựa giỏi cũng khó đuổi kịp. Lời nói còn có sức mạnh vĩ đại (Xuất ngôn như phá thạch), tác dụng to lớn và đa chiều lên đời sống cá nhân và mọi người.
Trong cuộc sống, mỗi người một ý, chẳng ai giống ai, con người thật khó tránh được sự va chạm, mâu thuẫn vì bất đồng ý kiến với nhau. Nhưng dù có mâu thuẫn thì người biết tu sẽ lựa lời để nói với nhau một cách hòa bình thân ái, tránh không làm tổn thương hay phiền lòng cho kẻ khác. “Khẩu hòa vô tranh”, nói năng hòa ái, không tranh cãi chính là một trong sáu pháp sống lục hòa thanh tịnh của hàng đệ tử Phật.
Những lời nói nhẹ nhàng, nhu hòa, thân ái, không gây tổn thương hay phiền lòng người khác… gọi là ái ngữ. Đây cũng chính là một trong bốn cách mà Bồ-tát dùng để nhiếp phục và giáo hóa quần sanh (Tứ nhiếp pháp). Nhưng, đâu nhất thiết phải là trong việc làm cao xa của Bồ-tát mới cần ái ngữ? Ngay trong cuộc sống chung hàng ngày của con người với nhau, ái ngữ luôn là điều cần phải có. Ở cấp độ đơn sơ ban đầu, chưa cần đến cách đối đãi gì lớn lao, con người có thể thân thiện, thương mến nhau trước hết cũng là do cung cách nói năng với nhau. Ngược lại, người ta ghét bỏ nhau, oán trách, thù hằn với nhau cũng do từ lời nói mà ra.
Có những lời nói thương yêu khiến người nghe ghi nhớ cả đời, nhưng cũng có lời nói ác, người nghe vẫn mang theo đến chết không quên:
“Lời nói không là dao
Mà cắt lòng đau nhói
Lời nói không là khói
Mà mắt người cay cay…”.
(Không rõ tác giả)
Có những lời nói hàm chứa ý nghĩa cao xa thâm thúy được lưu truyền từ đời này sang đời khác, từ đất nước này sang đất nước khác, trở thành những “danh ngôn” bất hủ. Như thế cho thấy rằng lời nói xem như không là gì cả, nhưng có tầm quan trọng rất lớn lao.
Tuy nhiên, xét đến rốt ráo thì ái ngữ vẫn chưa đầy đủ ý nghĩa bằng thiện ngôn. Ái ngữ mà gọi là thiện ngôn thì đòi hỏi phải đủ 5 yếu tố:
- Nói nhã nhặn: Là nói nhỏ nhẹ, dịu dàng, từ tốn, khiêm cung. Lời nói thể hiện sự lịch sự, tế nhị, lễ phép, kính trên nhường dưới, xưng hô đúng phép, không nói trống không, kèm theo đó là thái độ ôn hòa, nhã nhặn… Người xưa nói: “Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” là vậy.
- Nói hợp thời: Là nói năng đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh. Không thể muốn nói gì thì nói, bạ ai cũng nói, “đụng đâu nói đó”. Nói không hợp thời thì dù có là ái ngữ cũng bị chê trách là “đoảng”, người ăn nói vô duyên.
- Nói chân thật: Là nói đúng với sự thật khách quan (sự việc như thế nào thì nói như thế ấy) và nói đúng với tâm ý của mình, có sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy. Nếu không như thế thì càng nói hay lại càng lộ ra sự “xảo ngôn”. Nói không chân thật, người nghe có thể mắc lừa ta lần đầu, nhưng sau đó thì họ sẽ không còn tin ta nữa. Lòng tin của con người đối với nhau là điều vô cùng quan trọng, ví như của báu: “Tín vi quốc gia chi bảo” (Lòng tin, uy tín là báu vật của nước nhà). Một người đã khiến kẻ khác không còn tin tưởng thì coi như không còn đủ nhân cách làm người, “Nhân vô tín bất lập”.
- Nói hữu ích: Dẫu nói lời nhu hòa, êm ái mà vô ích đối với người nghe thì chỉ làm mất thời gian của người, người chẳng muốn nghe.
- Nói với từ tâm: Là vì người mà nói, vì lòng thương người, muốn đem lợi lạc đến cho người nên nói. Nói mà không từ tâm là nói vì nhu cầu của chính mình, muốn nói để khoe khoang, phô trương chẳng hạn. Đây là điều mà con người thường hay va vấp, bởi vì cái ngã to lớn khiến ta chỉ thấy mình và chỉ muốn mọi người nghe mình. Cho nên ta thường nói vì “nhu cầu nói” của chính ta hơn là vì người.
Thiết nghĩ, mục đích của lời nói là chuyển tải thông tin, chia sẻ tâm tư, tình cảm giữa người nói và người nghe, nếu không đạt được mục tiêu ấy thì lời nói xem như là vô ích. Và, lời lẽ nói năng có dịu ngọt, hòa nhã… thì cũng phải từ cái tâm chân thật mà ra. Nếu cần chọn lời, sửa ý cho có được ái ngữ, thiện ngôn, thiết tưởng trước hết ta phải lo tu sửa cái tâm cho chân thật, hòa ái với mọi người, lời nói từ nội tâm an tịnh, thiện lành lưu xuất sẽ tự khắc chan chứa tình người. Đã yêu thương nhau thì lời nói tự nó sẽ dịu dàng, khả ái mà thôi.
Cho nên, “lựa lời mà nói” có nghĩa là chúng ta cần cân nhắc cẩn thận khi dùng lời nói với mọi người để tránh những lỗi lầm đáng tiếc, tránh việc gây tạo khẩu nghiệp. Cần luôn xét nghĩ đến hậu quả lời nói của mình. Nhân quả là quy luật muôn đời không bỏ sót một ai, “Nói là gieo, nghe là gặt”, mà “Gieo gió thì gặt bão” vậy.
Rốt lại, lời nói chính là thể hiện cái tâm của con người. Và hơn thế nữa, lời nói “chính là cái để đánh giá một nhân cách, đo lường chiều cao chiều rộng của một tâm thức. Ngôn ngữ là sự trang điểm (mà Phật giáo gọi là trang nghiêm) của con người, là sự nở hoa của nhân cách…” (Nguyễn Thế Đăng - Tản mạn về tiếng Việt - Văn Hóa Phật Giáo số 95).