GNO - Ngày 24 và 25-3 (19 và 20-2-Kỷ Hợi), sơn môn Tổ đình Thiên Bửu Hạ (thôn Bình Thành, xã Ninh Bình) và Tổ đình Thiên Bửu Thượng (thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm nhân húy nhật Tổ Tế Hiển - Bửu Dương thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 36 phái Liễu Quán khai sơn vào khoảng niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê (1740-1786).
Tụng kinh và cúng ngọ tại lễ húy nhật Tổ
Quang lâm dâng hương tưởng niệm có HT.Thích Ngộ Tánh, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, viện chủ tổ đình Thiên Bửu Hạ; TT.Thích Nhuận Đức, Phó Thường trực BTS Phật giáo thị xã; ĐĐ.Thích Nhuận Đăng, trú trì tổ đình Thiên Bửu Thượng, chư tôn đức các tự viện, niệm Phật đường cùng Phật tử các giới.
Đại lão Hòa thượng Tế Hiển - Bửu Dương là truyền thừa Lâm Tế Chánh tông đời thứ 36, chi phái thiền Liễu Quán.
Ngài sinh trong khoảng thời gian 1684-1703, viên tịch ngày 20 tháng 2 Âm lịch, trong khoảng thời gian 1764-1803 tại chùa Thiên Bửu - Điềm Tịnh.
Qua nghiên cứu từ bảo tháp Bửu Dương, các nhà nghiên cứu cho biết Hòa thượng Tế Hiển - Bửu Dương thuộc dòng dõi Chúa Nguyễn Phúc, xuất gia học đạo.
Vào những năm 1653, trước cảnh di dân gặp nhiều khó khan, Chúa Nguyễn Phúc Tần lập ra dinh Thái Khang, đưa dân vào định cư. Tổ Tế Hiển rời chùa Thiên Mụ (Huế) vào Thái Khang (Ninh Hòa) lập 2 ngôi chùa, đó là Thiên Bửu Thượng bên tả ngạn sông Lốt, Thiên Bửu Hạ bên tả ngạn sông Dinh.
Căn cứ vào đại hồng chung cổ ngài đã chứng minh đúc thời Chúa Nguyễn năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763) còn lưu lại tại chùa Thanh Lương (thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân), cổ tháp Bửu Dương tại chùa Thiên Bửu Thượng, long vị của ngài hiện thờ tại chùa Thiên Bửu Thượng cũng như một số chùa khác trong huyện; đặc biệt là long vị được phụng thờ tại tổ đình Thiên Bửu Hạ: Tổ Tế Hiển - Bửu Dương thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 36, là Tổ đạo đầu tiên của chi phái thiền Liễu Quán tại thị xã Ninh Hòa và truyền theo dòng kệ “Thiệt, Tế, Đại, Đạo…”.
Tháp Tổ
Cổ tháp Bửu Dương (Thiên Bửu Thượng) có niên đại khoảng 250 năm, có thể được xây đầu thời Gia Long, trước khi Hòa thượng Bửu Dương viên tịch, là di tích lịch sử văn hóa, tiềm ẩn dấu tích lạ, độc nhất vô nhị trong hệ thống tháp chư Tổ sư tiền bối.
Với công đức cao dày của chư vị Tổ sư tiền bối, mỗi năm vào ngày 19, 20-2 âm lịch, môn phong pháp phái Tổ đình Thiên Bửu Thượng và Thiên Bửu Hạ tổ chức lễ húy kỵ tổ sư Tế Hiển - Bửu Dương và hiệp kỵ chư vị tiền bối nhằm ôn lại truyền thống cao quý và công hạnh vĩ đại của các bậc tiền hiền khai sơn lập tự.
Quảng Ấn