Khai đạo giới tử Đại giới đàn Trí Đức

GN - Đức Phật dạy rằng ở trong tam giới không bao giờ được yên ổn. Người muốn ra khỏi tam giới cần nương theo Chánh pháp của Như Lai. Nhưng Đức Như Lai xuất hiện trên cuộc đời rất khó gặp. Giới pháp của Ngài cũng khó nghe. Người chứng ngộ được giới pháp lại càng khó hơn nữa.

Vì vậy, Phật pháp được truyền khắp bốn biển năm châu, nhưng có lúc thạnh, lúc suy. Nếu có các bậc cao tăng, Thánh Tăng xuất hiện, thì lúc đó chúng ta coi như Phật pháp hiện hữu trên cuộc đời. Nhưng vắng bóng các bậc chân tu thật học, thì hình thức Tăng vẫn còn, nhưng người hiểu đạo, chứng đạo rất hiếm.

khai dao 1.jpg

HT.Thích Trí Quảng đương vi Tuyên Luật sư Đại giới đàn Trí Đức

Cố Trưởng lão Hòa thượng thượng Trí hạ Đức mà chúng ta mượn tôn danh ngài làm danh hiệu giới đàn, có dạy rằng khi ngài sanh ra đời nhằm lúc Phật pháp suy đồi, trong thời kỳ mà đất nước chúng ta bị thực dân Pháp cai trị. Vì vậy, người thấy chùa, nghĩ tới Phật do căn lành đời trước, nhưng tìm được một giới đàn để thọ giới đúng như pháp rất khó có. Vì trong thời kỳ ấy, muốn mở giới đàn phải được quan Chánh tham biện người Pháp cho phép, tức ngày nay là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, hay thành phố. Nhưng quan chủ tỉnh là người Pháp không ủng hộ cho Phật giáo phát triển. Chính vì vậy, tìm được giới đàn để thọ giới đã khó, mà tìm được giới đàn đúng nghĩa càng khó hơn.

Tôi cũng sanh ra trong thời kỳ Pháp thuộc, lớn lên trong thời kỳ kháng chiến và truyền bá giáo pháp trong thời kỳ đất nước chúng ta độc lập, thống nhất. Tôi đã trải qua ba thời kỳ như vậy, chứng kiến bao sự đổi thay, khiến tôi nhận ra rằng gặp được Phật pháp là rất khó. Nhưng ngày nay, chúng ta kiến lập đại giới đàn Trí Đức, lại được Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép và có hàng ngàn giới tử Tăng Ni xin thọ giới, đó là việc rất hy hữu.

Tôi nghĩ do căn lành nhiều đời của tất cả quý vị mà được sanh trong thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất và được Nhà nước bảo hộ cho chúng ta kiến lập giới đàn đúng Chánh pháp. Đây là cơ hội tốt nhất, nhưng còn thọ được giới pháp hay không, còn tùy thuộc vào mỗi giới tử.

Thật vậy, đồng tới giới trường, nhưng những người đã gieo trồng căn lành nhiều đời về trước, thì sanh ra gặp Phật, liền phát tâm Bồ-đề và nhờ Đức Phật ấn chứng bằng lời nói đơn giản “Thiện lai Tỳ-kheo”, cũng có thể đắc quả A-la-hán, vì giới thể họ đã thanh tịnh, nên thấy tướng giải thoát thanh tịnh của Phật, tâm họ liền bừng sáng, xa rời cấu uế, trở về bản tánh thanh tịnh, chứng được quả vị Niết-bàn trên thế gian này.

Thể hiện ý này, ngài Nhật Liên bảo rằng con chim trong lồng nghe con chim ngoài trời hót mà nó nhận ra được đồng loại. Người có trồng căn lành nhiều đời ở Phật, thì thấy hảo tướng trang nghiêm của Phật, liền nhận ra bản tánh thanh tịnh của mình và đắc quả La-hán, liền chứng Niết-bàn, đó là bậc thượng.

Lịch sử ghi nhận ngoài Trưởng lão Xá Lợi Phất, không có Tỳ-kheo thứ hai nào có thể đạt được đỉnh cao này. Trong số đệ tử Phật, chúng ta nhận thấy ngài Ưu Ba Ly xuất thân từ giai cấp phục vụ các vương tôn công tử. Nhìn thấy sự cao sang của các vương tử, mà lòng của ngài cũng không ham muốn, chứng tỏ căn lành đời trước của ngài đã có.

Khi Đức Phật về hoàng cung, có bảy vương tử theo Phật xuất gia. Các vị này cởi đồ trang sức và tặng cho Ưu Ba Ly mà bảo rằng lâu nay ngươi có công phục vụ. Nay chúng ta theo Phật, xuất gia, tất cả những gì của chúng ta tặng lại cho ngươi. Ngài Ưu Ba Ly mới ban đầu cũng khởi niệm những của báu này mình chưa mơ ước mà lại được. Nhưng khởi niệm thứ hai, ngài lại nghĩ các vương tử có của báu, còn từ bỏ để theo Phật, thì ta dại gì mang thứ này vào để đi theo con đường khổ. Chi bằng theo Phật, để ra khỏi Nhà lửa tam giới còn hơn. Nghĩ như vậy, ngài Ưu Ba Ly đã bỏ đồ trang sức của bảy vương tử cho, để tìm tới Phật. Và ngài tới Phật trước các vương tử, nên được Phật cho ngài xuất gia trước.

Đến khi bảy vương tử tới, Phật dạy rằng người xuất gia trước, thọ giới trước, thuộc đàn anh. Vì vậy, trong đạo chúng ta có bậc thượng, trung, hạ. Bắt đầu từ đó, bảy vương tử phải quy kính ngài Ưu Ba Ly là trưởng thượng. Thời Phật mới có điều này, vì Ấn Độ thời bấy giờ chia ra bốn giai cấp. Giai cấp Sát-đế-lợi được coi là hàng cao quý, chẳng lẽ phải kính trọng ngược lại Ưu Ba Ly thuộc giai cấp thứ ba là thợ thuyền, công nhân hay sao. Nhưng Phật dạy trong giới pháp của Ngài, người xuất gia trước, thọ giới trước là người lớn. Cho nên, các vương tử này vì tha thiết muốn xuất gia, muốn cầu giải thoát phải đảnh lễ ngài Ưu Ba Ly là người giúp việc cho họ.

Từ đó, ngài Ưu Ba Ly thân cận Phật. Mỗi khi Phật có điều răn dạy nào, ngài Ưu Ba Ly ghi nhận, sau này được kiết tập thành Luật tạng truyền thừa cho chúng ta. Tôn giả Ưu Ba Ly được coi như trì luật đệ nhất A-la-hán, từ lúc xuất gia đến khi vào Niết-bàn, ngài không phạm bất cứ giới nhỏ nhặt nào.

 Hôm nay, quý vị phát tâm cầu giới pháp của Phật, chúng ta cầu tôn giả Ưu Ba Ly quang giáng đạo tràng để chứng minh và gia hộ cho chúng ta, để từ điều luật lớn cho đến những điều nhỏ nhất, chúng ta cũng không phạm, giống như ngài Ưu Ba Ly. Đó là con đường mà chúng ta thẳng tiến đến Niết-bàn, ra khỏi sanh tử của tam giới.

Khi Đức Phật vào Niết-bàn, các vị Thánh Tăng cũng tuần tự vào Niết-bàn. Vì vậy, trên thế gian này vắng bóng các vị Thánh tăng, các vị cao tăng, thì hình thức Sa-môn, hình thức Tỳ-kheo vẫn còn, nhưng Sa-môn và Tỳ-kheo tu hành bấy giờ chỉ giữ ý nghĩa là khất sĩ, chỉ nhớ mình là khất sĩ, mà không có mục tiêu cầu quả chứng như ngài Xá Lợi Phất, hay ngài Ưu Ba Ly.

Muốn mọi người kính trọng mình, nhưng không làm những việc như các vị Thánh tăng để cho người tôn kính, hình thức Tăng còn, nhưng thực chất của vị chân tu, của vị Thánh tăng không còn. Cho nên Phật giáo đi vào giai đoạn suy đồi và đưa đến chỗ Phật giáo Ấn Độ bị tiêu diệt khi tân Bà-la-môn giáo nổi dậy, gọi là đạo Hindu, rồi đến Hồi giáo truyền vào. Và từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, tên Phật giáo cũng không còn, đó là thời kỳ đen tối nhất của lịch sử Phật giáo Ấn.

Nhiều người nghĩ tại sao những nơi Thánh địa như thế, mà Phật giáo bị suy đồi. Chúng ta nhìn kỹ mới thấy rằng do tu sĩ chỉ giữ hình thức khất sĩ. Khất sĩ nghĩa là người xin ăn.

Đức Phật xưa kia ở giai cấp cao nhất, nhưng vì muốn giáo hóa chúng sanh, nên Ngài đã từ bỏ địa vị cao sang đó, mà làm tu sĩ lang thang để sống gần gũi quần chúng và để phù hợp với hạnh Sa-môn đầu-đà của nhiều tu sĩ thời đó. Nhưng người đời sau chỉ chấp vào hình thức khất thực, coi đó là pháp tu cao nhất, mà quên rằng pháp đầu-đà đã có trước thời Phật tại thế. Vì Phật muốn hòa hợp và cứu độ những người này mà ngài hiện thân vào tầng lớp đó. Phật giáo Đại thừa gọi là đồng sự nhiếp.

Kinh Pháp hoa bảo rằng ông trưởng giả cởi chuỗi anh lạc, mặc đồ thô rách, tay cầm đồ hốt phân, để gần gũi cùng tử, cũng không ngoài nghĩa này.

Nếu chúng ta cứ chấp rằng Đức Phật là thái tử còn bỏ ngôi vua, sống đời khổ hạnh như thế. Bây giờ, chúng ta là đệ tử Phật, cũng đi theo con đường này. Nghĩ như vậy, đôi khi ta phạm sai lầm. Ta đi vào con đường này để làm gì mới quan trọng. Đức Phật muốn gần gũi các Sa-môn, muốn tìm hiểu cuộc sống của họ, để giúp họ ra khỏi sai lầm. Còn ta khoác áo Sa-môn để làm gì. Người tu cần cân nhắc điều này.

Đức Phật còn có nghĩa cử cao hơn, là tìm đường giải thoát cho mình và cho người, là hạnh xuất gia. Ngài không phải chỉ bằng lòng với đời sống Sa-môn khổ hạnh, nhưng chấp nhận đời sống khổ hạnh để vì mục tiêu cao cả hơn, thể hiện mẫu người mang chí lớn.

Vì vậy, nếu các huynh đệ không phát huy được cái mạnh theo con đường của Đức Phật, thì dễ lạc vào con đường ngoại đạo. Làm Sa-môn khổ hạnh suốt đời, để chúng ta được gì mới quan trọng mà tôi muốn nhắc nhở các vị phát tâm hôm nay.

Việc thứ nhất, chúng ta thấy Phật làm, chúng ta xuất gia, nguyện làm đệ tử của Ngài, phải đi theo con đường của Ngài là tất yếu. Con đường đó, đầu tiên là con đường cầu học. Xuất gia là chúng ta đi cầu học là chính yếu.

Chúng ta thấy rõ Đức Phật đã đến học với đạo sĩ Kamala, vì Ngài quyết tâm tu hành để được giải thoát. Chính quyết tâm đó của Phật, ông Kamala mới truyền pháp Thiền cho Ngài. Thiền này của ngoại đạo đã có trước khi Phật ra đời. Phật học pháp này trước, nhưng học để nhắm đến đỉnh cao đạt được. Thật vậy, học pháp này và thực tập pháp này, Phật chứng được đỉnh cao nhất là Tứ thiền.

Bước tu đầu tiên mà tất cả chúng ta là tìm an lạc, giải thoát. Đời sống an lạc, giải thoát của chúng ta là cái gốc khởi đầu, nhưng nếu không có mục tiêu này, không tìm được điều này, coi như một đời tu của chúng ta trở thành vô nghĩa.

khai dao 2.jpg

Hòa thượng Tuyên Luật sư khai đạo giới tử tại chánh điện Đại giới trường chùa Huê Nghiêm

Ông Kamala dạy Thái tử Sĩ Đạt Ta muốn an lạc, giải thoát phải từ bỏ vật chất. Vì vậy, nếu tâm mong cầu vật chất của tất cả Sa-môn không chấm dứt, thì tất cả pháp hành của chúng ta sẽ dẫn tới khổ đau. Dứt khoát, tu sĩ phải cắt đứt lòng mong cầu. Điều này được ngài Ưu Ba Ly thể hiện trọn vẹn, ngài bảo người ta được của báu vật chất mà còn vứt bỏ, thì mắc gì mình phải mang vào, nên ngài được giải thoát.

Thái tử Sĩ Đạt Ta từ bỏ vật chất rồi và được an lạc, giải thoát, nhưng còn việc khó hơn nữa là từ bỏ tâm ham muốn vật chất. Vì Thái tử Sĩ Đạt Ta đã từng sống với sang giàu, sung sướng mà Ngài đã từ bỏ được đời sống xa hoa vật chất này, nhưng có thể cái tâm ham muốn còn tăng trưởng. Thật vậy, Phật đã dạy rằng người ta chưa có của cải vật chất thì luôn mong cầu, nhưng được rồi thì muốn giữ nó và mất nó càng đau khổ. Hiểu như vậy, tất cả Sa-môn Thích tử chưa có của cải vật chất, nhưng ta không mong cầu, vì ta biết thứ này sẽ dẫn tới khổ đau, mà được rồi cũng phải bỏ. Đó là tâm của người tu.

Kamala chỉ dạy thái tử bỏ tâm tham cầu vật chất là được giải thoát lập tức. Và thực tế, Thái tử Sĩ Đạt Ta thành tựu pháp này, Ngài liền chứng Sơ thiền, gọi là Ly sanh hỷ lạc, nghĩa là nguồn vui từ sâu kín trong lòng của người tu, không phải theo cái vui bên ngoài là tha thọ dụng.

Cái vui bên ngoài thì vui để rồi khổ, nên từ bỏ nó. Có được niềm vui trong thiền định, thì có người, ta cũng vui, mà không có người, ta càng vui hơn. Đó là Ly sanh hỷ lạc mà chúng ta có, khi không lệ thuộc cuộc đời.

Đối với người tu, chúng ta từ bỏ cái vui của thế gian, những gì mà người thế gian vui, chúng ta không vui. Tôi không nghe nhạc, không phải tôi bị cấm không được nghe, nhưng vì trong lòng tôi không thích nghe; đây là Ly sanh hỷ lạc. Tất cả những gì người thế gian ham muốn, ta không ham muốn, thì ta là Sa-môn, là Thích tử, đệ tử Phật khác hơn người thường. Người khổ, nhưng ta không khổ. Nhìn thấy người khổ, ta mới thương người.

Vì vậy, người tu tìm hỷ lạc nằm ngoài cuộc sống xã hội. Thực tế cho thấy các bậc chân tu trong tay không có một vật, nhưng được an lạc. Tôi nhớ trong kinh có nói khi Đức Phật du hành, có người chủ đồn điền bị mất bò, vừa chạy kiếm vừa khóc. Phật nói các thầy may mắn hơn ông trưởng giả này, vì không có con bò để mất. Có con bò thì phải chăn bò, mất bò càng khổ. Hạnh Sa-môn của chúng ta không lệ thuộc vào chuyện như vậy.

Điều thứ hai là bốn tướng Sa-môn cần khắc phục, tập luyện trên bước đường tu để được giải thoát. Tuy chúng ta không còn kẹt tâm tham cầu vật chất nữa, nhưng thực tế ta còn mang thân tứ đại, nên còn kẹt hàn, nhiệt, cơ, khát, nghĩa là còn bị nóng, lạnh, đói, khát chi phối. Rét quá chúng ta không chịu nổi cũng chết, không ăn uống, chúng ta cũng chết. Làm sao chúng ta khắc phục bốn điều này.

Đối với tôi, cái gì dễ chúng ta làm trước. Người thật tu có rèn luyện mới có tiến bộ. Đầu tiên, rèn luyện sao cho chúng ta không bị đói khát chi phối. Tôi luôn quan niệm điều này là căn bản nhất. Chúng ta biết nếu không ăn sẽ chết, vì vậy, phải ăn, nhưng ta biết thêm rằng ăn uống là nghiệp. Như vậy, làm sao chuyển nghiệp, khắc phục nghiệp.

Tôi thấy những người tu khổ hạnh, hai, ba ngày, họ mới ăn một lần, hoặc cả tuần không ăn, họ cũng sống bình thường. Ly sanh hỷ lạc đầu tiên là không lệ thuộc ăn uống. Đọc 32 tướng tốt của Đức Phật, tôi thấy Phật có cái lưỡi mà thức ăn gì đến lưỡi cũng thành cam lồ. Tôi suy nghĩ đây là quả chứng mà Phật có được. Còn chúng ta luôn tìm thức ăn, cái nào ngon, cái nào bổ để ăn. Chúng ta lệ thuộc ăn uống nhiều quá.

Nếu giảm thiểu ăn uống tối đa, hạn chế tối đa là chúng ta được giải thoát lập tức. Vì tất cả mọi người, tất cả các loài chỉ vì miếng ăn mà giết hại lẫn nhau. Nếu các anh em tu tập được pháp này, sẽ thấy nhẹ nhàng liền. Tới giờ ăn, không có gì ăn, mình vẫn thấy bình thường. Đi khất thực không có gì ăn, cũng thấy bình thường.

Thực tế cho thấy các vị cao tăng, Thánh tăng thay việc ăn uống bằng thiền duyệt thực, lấy Thiền thay cho ăn uống, ngủ nghỉ. Khi gần gũi các bậc cao đức, các ngài luôn nhắc nhở tôi điều này. Một vị Sa-môn Thích tử thường sống trong thiền định hơn là sống với cuộc đời bên ngoài. Hòa thượng thượng Trí hạ Đức lúc sanh tiền cũng nhắc tôi như vậy. Và chính nhờ sống trong thiền định, ít tiếp xúc với cuộc đời mà ngài được nhiều người kính trọng. Không phải chúng ta ngoại giao, quan hệ, tìm cách này cách kia để người theo ta, đó không phải là người tu.

Ngài tránh không muốn quan hệ với ai, nhưng mọi người tìm đến ngài. Các anh em đã nghe tiểu sử của Hòa thượng Trí Đức. Ngài vừa thọ Sa-di, đã phát nguyện nhập thất 5 năm, không tiếp xúc với mọi người. Thử nghĩ thời gian đó là thời Pháp thuộc, ít người tu, nhưng một chú Sa-di đã phát tâm nhập thất kín để chuyên trì kinh Pháp hoa. Điều này tôi trực tiếp được ngài kể. Vì vậy, tôi trì kinh Pháp hoa cũng đi theo con đường của ngài. Người trước tu có kết quả, chúng ta tiếp bước theo. Ngài không lệ thuộc xã hội.

Bước đường tu của chúng ta chưa cao, đương nhiên vấn đề ăn uống ngủ nghỉ của chúng ta chưa bỏ được, nhưng chúng ta tập luyện đến lúc nào đó, chúng ta cũng khắc phục được. Chúng ta bớt ăn uống, tức ăn uống ít thì cơ thể bài tiết ít hơn.

Người sống trong thiền định không tiêu hao năng lượng, nên người tu không cần bổ sung thêm cơm ăn nước uống. Một ngày ăn một bữa không sao, một ngày không uống nước cũng không chết. Đây là người tu chưa thành Hiền Thánh, nhưng đạt được điều này cũng đáng khích lệ.

Các anh em cố gắng luyện tập. Sau khi thọ giới xong, giống như Hòa thượng Trí Đức thọ Sa-di rồi, phát nguyện 5 năm nhập thất, không tiếp xúc với mọi người. Học được một pháp nào, chúng ta luyện tập cho có kết quả để từng bước chúng ta đi lên.

Theo tôi, nếu chúng ta vận động nhiều, thì cần ăn uống, vì không ăn, cơ thể bị hao hụt, không sống được. Nhưng chúng ta tham thiền nhiều, không nên ăn uống nhiều, vì tham thiền sẽ không có cảm giác đói, tâm chúng ta lúc đó không nghĩ ăn, không nghĩ đói, nên quên đói. Nhớ lại 45 năm trước, tôi đang làm luận văn tốt nghiệp, nên để hết tâm trí vào việc soạn bài, khiến tôi quên ăn. Đến hết giờ ăn, không còn gì ăn, nhưng cũng không đói.

Nếu mình có thiền định công phu, không đói, cũng không buồn ngủ, không mệt. Khi tôi tu thiền ở chùa Tổng Trì, Nhật Bản, một ngày chỉ cho mình ngủ một tiếng. 11 giờ đêm ngủ, 12 giờ thức dậy, nhưng các Thiền sư hướng dẫn đúng pháp và Thiền sinh thực tập đúng pháp, quả tình một ngày ngủ một tiếng vẫn đủ. Và Thiền sư nói thiền thay cho ngủ. Nếu ai nhập thiền thì không cần ngủ. Có thể nói Thiền là ngủ trong tỉnh thức, đó là pháp hành đặc biệt của chúng ta.

Vì vậy, các anh em thọ pháp, thọ giới và hành trì pháp có kết quả thiết thực, không phải Phật và thầy Tổ nói dối. Chúng ta không làm được, vì không thực hành đúng.

Quả Ly sanh hỷ lạc, tôi cố gắng thực tập để không lệ thuộc ăn uống, ngủ nghỉ, giúp chúng ta có thể tiến xa hơn là Định sanh hỷ lạc, thì chúng ta thích sống một mình, không thích bị quấy rầy. Vì tôi tiếp xúc với người, cảm nhận phiền não khổ đau của họ đem vào lòng mình, tác động lòng mình tự nhiên dậy sóng. Có thể thấy rõ rằng càng ít tiếp xúc, mình càng tiến gần con đường giải thoát.

Vì vậy, tất cả các anh em mới thọ giới xong, tôi nghĩ đây là mầm Bồ-đề mới phát cần nuôi dưỡng. Hòa thượng Trí Đức thành công, vì ngài biết 5 năm nuôi mầm Bồ-đề, nuôi giới pháp chuyển thành đức hạnh. Và khi có đức hạnh, chúng ta mới có thể tiếp cận cuộc đời, lóng nghe việc đau khổ trần gian và tìm cách hóa giải cho họ.

Sau 5 năm trì kinh, kiết thất, Hòa thượng mới được Hòa thượng Tổ cho thọ Cụ túc. Vì từ Sa-di tiến lên Tỳ-kheo, phải có thời gian thực tập giáo pháp. Và thực tập được, thì tâm mình đã thanh tịnh, tướng mình đã thanh tịnh, nên thọ giới là đắc giới.

Nhưng khi đắc giới Tỳ-kheo, giới thể hiện ra giới tướng bên ngoài. Vì vậy, chúng ta thấy có người thọ giới đắc giới, nhưng có người thọ giới không đắc giới. Không đắc giới, vì lúc thọ giới, tâm không thanh tịnh. Trong lúc tuyên giới, tâm chúng ta đang nghĩ gì đó, là còn động thì không đắc giới.

Cho nên cần phải sám hối cho tâm thanh tịnh, không nghĩ thiện, không nghĩ ác là tâm chúng ta trống không, giới pháp mới truyền tới được. Các giới sư nhắc rằng muốn đựng của báu, phải súc bình trong sạch. Muốn thọ giới, phải sám hối cho hết tội căn. Khi chúng ta bước vào giới trường để lãnh thọ giới pháp, sáu căn của chúng ta hoàn toàn thanh tịnh, thì giáo pháp của Phật tự rót vào tâm chúng ta, khiến chúng ta nghe ít mà tiếp nhận nhiều, đó là kinh nghiệm của riêng tôi.

Thật vậy, từ nghe được giới pháp của Phật bằng lời nói mộc mạc của giới sư, nhưng lòng chúng ta tự nhiên sáng lên, hiểu giới pháp sâu sắc hơn và áp dụng trong cuộc sống tu hành, đạt được kết quả cao, đó là thực nghĩa Tỳ-kheo.

Chính vì vậy, tuy đồng xuất gia, thọ giới, có thầy làm nên đạo nghiệp, có thầy không làm nên đạo nghiệp. Các giới tử cần quan tâm ý này. Vì trong kinh Phật dạy, thọ giới pháp nhưng tâm không thanh tịnh, chúng ta có thọ cũng như không.

Các giới tử phải giữ tâm thật thanh tịnh, không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Nhưng nếu lỡ tâm chúng ta chưa thanh tịnh, thì nghĩ thiện vẫn tốt. Nghĩ thiện là lòng chúng ta vẫn giữ ba niệm là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Không nghĩ gì, mới nhận được giới pháp vô tác. Giới pháp vô tác này, chúng ta nhận từ Phật qua giới sư. Các giới sư thanh tịnh nhận từ Phật và thay Phật truyền cho giới tử.

Nhận được vô tác giới thể của Phật ban cho, thì tâm chúng ta tự thanh tịnh, trí chúng ta tự sáng suốt, không còn bị lệ thuộc bất cứ cái gì trên cuộc đời. Được như vậy, các anh em mới hoằng dương được Chánh pháp của Phật và nhờ đó, Phật pháp trở thành hưng thạnh.

Trong lịch sử, chúng ta thấy có ngài Khương Tăng Hội, cha mẹ của ngài chết sớm, lúc ngài mới 10 tuổi. Đến chùa cầu siêu cho cha mẹ, ngài thấy chư Tăng, liền phát tâm cúng dường tất cả tài sản của cha mẹ và xin xuất gia học đạo. Và ngài xuất gia học đạo rồi, nhận được vô tác giới thể của Phật truyền cho, khiến tâm ngài sáng đến mức học ít biết nhiều, thậm chí biết những gì mà thầy chưa dạy, cho đến ngài thấy được ở Trung Hoa chưa có đạo Phật, nhưng ngài thấy Ngô Tôn Quyền có duyên với ngài, nên ngài từ Giao Châu sang Trung Hoa, gặp Ngô Tôn Quyền. Vì căn lành và nhân duyên của ngài với ông này đã có, nên ông thấy ngài, liền phát tâm xây chùa Kiến Sơ cho ngài ở. Ngày nay, nơi đây còn lưu dấu một vị Tăng Việt Nam đã thể hiện mẫu người tu sĩ đúng nghĩa.

Có thể nói nếu chúng ta tu có kết quả, sáng mắt, sáng lòng, thấy nhân duyên giữa mình và người mà theo đó giáo hóa, chắc chắn thành công. Tu hành có kết quả và đem kết quả này dạy người. Còn chưa có kết quả, tôi khuyên các anh em cố gắng tu hành làm sao thấy được hảo tướng của Phật, đó là kinh nghiệm của tôi.

Sang Nhật Bản, tới Tỷ Duệ sơn, tôi thấy các nhà sư Thiên Thai tông ngày nào cũng lễ Phật. Tôi hỏi lý do, thì các thầy bảo rằng lạy Phật mỗi ngày cho đến thấy Phật. Chúng ta nghĩ sao về cách hành trì này. Lạy Phật, nhưng không thấy Phật và lạy Phật, thấy Phật.

Thấy Phật là thấy hảo tướng của Phật. Từ Phật bằng đồng, bằng gỗ, nhưng ta lạy Phật với tấm lòng trong sáng, ta thấy hình như Phật mỉm cười, muốn nói điều gì với mình.

Trên bước đường tu, thấy hảo tướng Phật hiện có nghĩa là lúc nào lòng chúng ta cũng có Phật, chúng ta không còn ham muốn thế gian, không còn gì có thể chi phối chúng ta, thì theo đó, hảo tướng chúng ta cũng hiện ra.

Tu hành, người không mong cầu được cung kính cúng dường, nhưng được trời người cung kính cúng dường. Còn muốn được như vậy, lại bị người ghét.

Các vị nhớ càng khiêm tốn, ẩn nhẫn tu hành, siêng tu giải thoát, tướng giải thoát sẽ hiện, thì người không cung kính, cũng không xem thường, vì ta là chân tu.

Cầu nguyện cho tất cả các giới tử hữu duyên hôm nay nỗ lực sám hối thật thanh tịnh. Sau này quý vị sẽ trở thành pháp khí Đại thừa để giữ mãi cho Phật pháp hưng thạnh. Cầu Phật gia hộ quý vị đắc giới và thành tựu sở nguyện của mình.

>> Xem tin: Khai đạo giới tử Đại giới đàn Trí Đức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.