Niệm Phật cầu gia hộ |
Tham dự buổi họp có, Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Nhuận, Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế; Hòa thượng Thích Minh Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học VN; PGS.TS.Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; TS.Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế cùng quý vị đại diện các cơ quan tham gia tổ chức hội thảo.
Được biết, hội thảo lần này do Học viện Phật giáo VN tại Huế phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học VN, Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN và Đại học Huế đồng tổ chức.
Hòa thượng Thích Hải Ấn phát biểu mở đầu buổi họp |
Hội thảo được chia làm 3 diễn đàn chính, gồm: Diễn đàn 1: Tổ sư Liễu Quán: Cuộc đời, đạo nghiệp và nền tảng tư tưởng; Diễn đàn 2: Phả hệ truyền thừa và quá trình phát triển của thiền phái Liễu Quán; Diễn đàn 3: Trước tác, kiến trúc, mỹ thuật và di sản - tư liệu.
Qua đó nhằm làm sáng tỏ các nguồn sử liệu trong nước và nước ngoài (Trung Quốc) viết về Tổ sư Liễu Quán, giá trị tư tưởng và đặc trưng thiền học của thiền phái Liễu Quán; Ý nghĩa lịch sử sự ra đời của thiền phái Liễu Quán: từ dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đến thiền Minh Châu Hương Hải và thiền phái Liễu Quán, làm rõ sự tiếp nối của mạch nguồn Phật giáo dân tộc.
TS.Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc Đại học Huế phát biểu |
Bên cạnh đó, hội thảo sẽ tìm hiểu về đặc điểm kiến trúc chùa - tháp tiêu biểu, những trước tác thơ văn; chú giải, sao tả Kinh, Luận của các thế hệ; các tác phẩm điêu khắc, hội họa, chân dung, tiểu tượng, đồ họa cổ, thư pháp (thủ bút); hệ thống các loại hình di sản - tư liệu gồm: chuông, tượng, pháp khí, hoành phi đối liễn, bia ký, mộc bản, điển tịch cổ, điệp đàn, Chánh pháp nhãn tạng, Giới đao độ điệp, Châu bản triều Nguyễn, gia phả họ tộc của các vị thiền sư... qua các thời kỳ; Truy tầm về họ tộc và quê hương bản quán (làng Bạc Má) của Tổ sư Liễu Quán, quá trình xuất gia, học đạo và hoằng pháp độ sanh của Tổ sư từ ngôi cổ tự Hội Tôn và các tổ đình do ngài khai sơn (Viên Thông, Thuyền Tôn, Viên Giác ở Huế và Bảo Tịnh ở Phú Yên), tháp mộ và di sản tư liệu liên quan.
Qua đó, giới thiệu các đệ tử đắc pháp (thuộc hàng chữ Tế), và phả hệ truyền thừa của thiền phái Liễu Quán tại miền Trung (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận), tại miền Nam (từ Bình Thuận đến Tây Nam Bộ), tại miền Bắc (Từ Ninh Bình trở ra), và ở hải ngoại.
PGS.TS.Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo phát biểu |
Hội thảo cũng mong muốn điểm qua các cư sĩ hữu công tiêu biểu thuộc thiền phái Liễu Quán qua các thời kỳ lịch sử (đặc biệt từ thế kỷ XVIII trở đi), những đóng góp quan trọng của thiền phải Liễu Quán trong lịch sử Phật giáo Việt Nam (từ thời Lê-Nguyễn đến cận hiện đại, đặc biệt là từ phong trào Chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX đến nay).
Trong chương trình, hội thảo sẽ có không gian trưng bày triển lãm di sản - tư liệu liên quan đến chủ đề hội thảo.
Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo nhằm công bố, thảo luận và đưa ra những đánh giá khoa học về các nguồn sử liệu truyền thống, đặc biệt là các nguồn sử liệu mới phát hiện gần đây liên quan đến Tổ sư Liễu Quán và thiền phái Liễu Quán.
Hạn cuối nhận toàn văn bài tham luận và tóm tắt vào ngày 25-10-2023.