Hòa thượng Thích Trí Thiền - Bóng áo nâu giữa cát trắng Côn Đảo

Hòa thượng Thích Lệ Trang và chư tôn đức trước chân dung các nhà yêu nước đã bị tù đày và đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Thiền - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Hòa thượng Thích Lệ Trang và chư tôn đức trước chân dung các nhà yêu nước đã bị tù đày và đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo, trong đó có Hòa thượng Thích Trí Thiền - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong công cuộc bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, nhiều vị Tăng Ni, Phật tử cũng đã từng bị kết án tù Côn Đảo. Theo thống kê, trong số những liệt sĩ đầy đủ thông tin lưu lại, có hai vị Tăng sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Một trong hai vị đó là Hòa thượng Thích Trí Thiền.

Côn Đảo là một địa danh khốc liệt đã đi vào lịch sử đặc biệt gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trong 113 năm tồn tại, nhà tù Côn Đảo không chỉ là chốn tù đày mà trở thành nơi trui rèn khí tiết của những chiến sĩ kiên trung với Tổ quốc, trong đó bao lớp người nằm xuống vì độc lập, tự do cho quê hương.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1291 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1291 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Trong công cuộc bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, nhiều vị Tăng Ni, Phật tử cũng đã từng bị kết án tù Côn Đảo. Theo thống kê, trong số những liệt sĩ đầy đủ thông tin lưu lại, có hai vị Tăng sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Một trong hai vị đó là Hòa thượng Thích Trí Thiền.

Hòa thượng Thích Trí Thiền thế danh Nguyễn Văn Đồng, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) ở Cái Dầu, Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ngài là con út trong gia đình có 5 anh chị em với truyền thống yêu nước và kính tin Tam bảo sâu sắc. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Trinh, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Trường.

Thuở nhỏ, ngài theo cha mẹ đi lập nghiệp và tạm trú lại làng Vĩnh Thanh Vân, huyện Châu Thành, tỉnh Rạch Giá, (nay là tỉnh Kiên Giang). Năm 1912, ngài xuất gia với Tổ sư Như Đức Vĩnh Thùy, trụ trì chùa Sắc tứ Thập Phương (Rạch Giá), được bổn sư ban pháp danh Hồng Nguyện, pháp hiệu Trí Thiền.

Từ ngày được bổn sư thế phát, ngài thường chuyên cần chấp tác, công phu, tinh cần trong mọi việc. Nhân duyên hội đủ, bổn sư cho phép ngài thọ giới Sa-di tại Đại giới đàn Minh Thông Hải Huệ, tổ chức tại tổ đình Khải Phước Nguyên (Lấp Vò, Đồng Tháp) với Tổ sư Như Khả Chơn Truyền.

Năm Ất Mão (1915), ngài được bà đại thí chủ Dương Thị Oán, đại diện cho dân làng cung thỉnh trụ trì ngôi chùa Tam Bảo, được ban ngạch Sắc tứ từ thời Gia Long, tọa lạc tại Rạch Giá. Từ đây, ngài bắt đầu thời kỳ hóa đạo của mình. Vì thương kính hạnh nguyện của ngài, người dân Rạch Giá lúc bấy giờ thường gọi ngài là ông Đạo Đồng, theo cung cách của người miền Nam. Trong thời gian ngắn, ngài đã khuyến giáo thập phương đóng góp, trùng kiến lại ngôi chùa, từ mái tranh vách lá thành một cảnh già-lam khang trang, tú lệ.

Năm Bính Thìn (1916), ngài được bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn chùa Giác Hải (Phú Lâm, Gia Định). Năm Đinh Tỵ (1917), sau hơn 2 năm đại trùng tu, chùa Sắc tứ Tam Bảo tổ chức lễ lạc thành.

Thập niên 30 của thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của phong trào Về nguồn tại Ấn Độ và việc chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa của Thái Hư đại sư, Hòa thượng Khánh Hòa tiến hành vận động chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam. Trong lúc Hòa thượng Khánh Hòa vân du khắp Lục tỉnh Nam Kỳ bấy giờ để vận động cho phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Trí Thiền cũng là người tha thiết với Phật sự. Vì đồng nguyện, đồng chí nên ngài đã hỗ trợ đắc lực cho Hòa thượng Khánh Hòa trong công tác này.

Năm 1932, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học ra đời, Hòa thượng Trí Thiền được mời làm cố vấn. Trong quá trình làm việc với hội, ngài có nhân duyên tiếp xúc với sư Thiện Chiếu. Sau khi Hòa thượng Khánh Hòa dừng làm việc tại Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học và trở về miền Tây thành lập Phật học đường Lưỡng Xuyên, Hòa thượng Trí Thiền cũng thoái lui về Rạch Giá.

Sau khi trở lại quê hương, những năm cuối thập niên 1930, ngài hành đạo khắp mọi nẻo đường của vùng Kiên Giang. Trên bước đường hoằng pháp lợi sanh, ngài còn trùng kiến, khai sơn thêm được nhiều ngôi chùa khác như chùa Tam Bảo Hòa Thạnh (Vĩnh Hiệp, Rạch Giá), chùa Vĩnh Phước (Tà Niên, Châu Thành), chùa Bửu Hưng (Gò Quao), chùa Phước Hưng (Giồng Riềng), chùa Tam Bảo Từ Tôn (Hòn Đất), chùa Tam Bảo Kỳ Viên (Hòn Đất), chùa Tam Bảo Long Sơn (Hòn Đất).

Đến năm 1937, đau đáu chí nguyện chấn hưng Phật giáo Việt Nam vì lợi ích cho quần chúng, gìn giữ những giá trị của dân tộc và tìm hướng đi mới để phát triển đạo Phật phù hợp với thời đại, ngài cùng sư Thiện Chiếu lại thành lập Hội Phật học Kiêm Tế, xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Hội đã tổ chức ba lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo quanh vùng, lập ra phòng thuốc phước thiện và bệnh xá cho bệnh nhân, lập ra một viện mồ côi ngay tại chùa. Ngoài ra, hội còn tổ chức cứu trợ nạn nhân bão lụt tại Rạch Giá, cấp dưỡng từ 200 đến 300 người.

Ngoài tấm lòng sắt son với đạo, Hòa thượng còn mang một trái tim yêu quê hương, đất nước. Chùa Sắc tứ Tam Bảo, thời bấy giờ, cũng là cơ sở cách mạng, nơi lui tới thường xuyên của những người yêu nước. Trong khi việc hành đạo của ngài đang được tiến hành tích cực và gây những ảnh hưởng sâu sắc trong quần chúng cũng như đem lại lợi ích thiết thực cho số đông, vào năm 1941, cơ sở cách mạng tại chùa Sắc tứ Tam Bảo bị vỡ. Chùa bị khám xét, Hòa thượng Trí Thiền cùng đệ tử thân tín là Thiện Ân (thế danh Trần Văn Thâu) bị thực dân Pháp bắt. Đại đức Thiện Ân bị kết án tử hình, còn ngài phải mang bản án 5 năm khổ sai tại Côn Đảo.

Tại Côn Đảo, ngài bị biệt giam trong xà lim. Để phản đối sự bất công của nhà tù và những chính sách phi nhân của chính quyền thực dân, Hòa thượng Trí Thiền tuyệt thực mấy ngày liền đến kiệt sức để đấu tranh chống lại chế độ lao động cưỡng bức hà khắc. Vừa đấu tranh, vừa phải lao động cực nhọc nhưng vẫn phải giữ khí tiết của Thích tử. Vì kiệt sức, ngài viên tịch vào ngày 27-7-1943 (nhằm 26-6-Quý Mùi), hưởng thọ 61 tuổi đời.

Sau khi Hòa thượng Trí Thiền bị lưu đày Côn Đảo, kể từ năm 1941, ngôi chùa Tam Bảo bị phong tỏa, tất cả mọi giới trong vùng không ai được phép lui tới. Cho đến sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chùa Sắc tứ Tam Bảo mới được mở cửa lại. Tăng Ni, Phật tử và quần chúng tại địa phương đã tổ chức lễ cầu siêu lớn tại chùa để tri ân công đức của Hòa thượng Trí Thiền, cùng với Đại đức Thiện Ân và các đồng chí đã hy sinh vì dân tộc.

Năm 1996, Hòa thượng Thích Trí Thiền được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Liệt sĩ cùng với đệ tử của mình là Đại đức Thích Thiện Ân.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.