Vì sự tốt lành của ngày hôm nay, tôi muốn mỗi người chúng ta hãy hướng tâm đến việc tạo dựng một vị Phật trong tâm để bảo vệ mình, vì chư Phật là đấng hiển linh và thiêng liêng hơn bất kỳ thứ gì khác trên thế gian. Các Ngài có thể bảo vệ ta, giúp ta vượt qua mọi hiểm nguy và đau khổ. Như chúng ta được nghe trong bài kinh Pali, “Mọi đau khổ, mọi nguy hiểm, mọi bệnh tật đều có thể bị tiêu diệt nhờ vào năng lực của Phật, Pháp và Tăng”.
Bất cứ ai có Phật trong tâm, đều được bảo vệ khỏi cả ba nỗi sợ hãi lớn. Sợ sinh, già, bệnh, chết. Đức Phật không sợ những điều này chút nào, vì Ngài đã xua đuổi chúng dưới mọi hình thức... Sợ các loại nguy hiểm khác nhau, chẳng hạn như nguy hiểm từ tội phạm: Dù ai có cố gắng đến đánh cắp những vật có giá trị của Ngài, Đức Phật không hề sợ hãi chút nào, vì những vật có giá trị của Ngài không phải là thứ mà ai cũng có thể đánh cắp.
Nguy cơ hỏa hoạn: Không kể cháy nhà hay bị ném bom hạt nhân. Ngay cả khi ngọn lửa vĩnh hằng có thiêu rụi toàn bộ thế giới, Ngài cũng sẽ không giật mình hay sợ hãi. Sự nguy hiểm của lũ lụt: Cho dù nước có tràn từ đất lên tận bầu trời, Ngài cũng không quan tâm. Sự nguy hiểm của nạn đói, hạn hán và dịch bệnh sẽ không làm cho Ngài phải đau khổ hay gặp khó khăn gì. Các bệnh tật khác nhau phát sinh trong cơ thể không làm cho Ngài sợ hãi. Chỉ cần nhìn vào tượng Phật trước mặt ta: Ngài sợ nguy hiểm gì? Từ đâu? Dù ai có làm gì, Ngài vẫn ngồi đó hoàn toàn bất động, không sợ hãi gì cả. Đây là lý do tại sao chúng ta nên đúc một vị Phật trong tâm mình để có thể đeo và bảo vệ ta khỏi sự sợ hãi ở bất cứ nơi nào chúng ta đến.
Thử nghĩ, khi đúc tượng Phật, người ta làm gì? Việc đầu tiên là làm khuôn sao cho đẹp và cân đối. Rồi họ đun khuôn thật nóng. Sau đó họ đổ kim loại nóng chảy vào khuôn. Rồi họ để nguội. Khi nguội hoàn toàn, họ gỡ các mảnh khuôn ra, chỉ để lại tượng Phật, dù vậy, tượng vẫn thô ráp và chưa đẹp. Họ phải đánh bóng tượng cho đến khi nó sáng bóng, hoặc phủ sơn mài hay một lớp vàng lá. Chỉ khi đó họ mới có được một tượng Phật hoàn chỉnh, phù hợp với ý nguyện của mình.
Giờ chúng ta cũng đang đúc một vị Phật trong tâm. Ta phải làm nóng khuôn trước khi có thể đổ kim loại vào đó. Giả dụ rằng cơ thể này là khuôn của bạn; tâm trí của bạn là một nghệ nhân lão luyện. Vậy tất cả chúng ta hãy tập trung vào việc tạo dựng một vị Phật trong tâm mình. Việc ai có được bức tượng Phật đẹp nhất sẽ phụ thuộc vào khả năng chế tác của mỗi người thợ.
Làm thế nào đun nóng khuôn? Chúng ta làm nóng khuôn bằng cách ngồi tập trung: chân phải đặt trên chân trái, hai tay đặt ngửa trong lòng, tay phải đặt trên tay trái. Ngồi thẳng lưng, đừng nghiêng về phía trước hoặc phía sau, hoặc nghiêng sang hai bên. Nếu khuôn lệch tâm thì tượng Phật của bạn cũng sẽ phải lệch tâm. Bước tiếp theo là tập trung chánh niệm vào hơi thở, nghĩ bud - với hơi thở vào và dho với hơi thở ra. Hãy tập trung hoàn toàn vào hơi thở. Bạn không cần phải nghĩ đến bất cứ điều gì khác - giống như thể bạn đang bơm không khí vào lò để làm nóng khuôn.
Nếu bạn không thể trụ trên hơi thở - nếu bạn quên hoặc lơ đãng nghĩ về những thứ khác - như thể máy bơm không khí của bạn bị hỏng. Ngọn lửa sẽ không mạnh lên, và khuôn sẽ không được làm nóng hoàn toàn. Nếu khuôn không được làm nóng đủ, thì khi bạn đổ kim loại nóng chảy vào đó, khuôn sẽ nứt và kim loại đổ vào sẽ bị rò rỉ khắp nơi. Vì vậy, bạn phải cẩn thận để khuôn của bạn không bị nứt, và đảm bảo rằng máy bơm không khí cũng không bị hỏng hóc. Nói cách khác, hãy theo dõi sự chánh niệm của bạn để nó không bị phóng tâm hay quên lãng.
Giờ hãy nói về cách ta làm tan chảy kim loại - đồng, vàng, bạc hoặc bất kỳ loại kim loại nào ta sẽ sử dụng để tạo tượng Phật. Khi đúc một hình tượng, người thợ phải làm tan chảy kim loại và loại bỏ tất cả các tạp chất, không để lại gì ngoài kim loại ở dạng tinh khiết. Được thế rồi, họ mới sử dụng kim loại đó để đúc tượng. Tương tự, chúng ta phải tách khỏi tâm tất cả các khái niệm và mối bận tâm hoạt động như những trở ngại.
Năm trở ngại giống như tạp chất trộn lẫn trong vàng. Nếu ta không làm chúng tan chảy hoặc loại bỏ chúng ra khỏi tâm, hình ảnh Đức Phật của ta sẽ không được hoàn hảo và trang nghiêm như ta muốn. Nó sẽ bị lỗ chỗ, tỳ vết. Nếu bạn đặt tượng trên bàn thờ, nó sẽ không được chiêm ngưỡng. Dẫu bạn có mang tặng tượng, cũng không ai muốn nhận. Do đó, thật cần thiết - rất nghiêm trọng - rằng người thợ làm tượng phải tỉ mỉ, chu đáo và cẩn trọng; rằng người đó nỗ lực phối hợp để thanh lọc kim loại sử dụng. Nói cách khác, ta phải loại bỏ tất cả các khái niệm về quá khứ và tương lai, chỉ giữ lại hiện tại: hơi thở.
Chỉ chú tâm đến hơi thở. Khi khuôn của bạn được làm nóng hoàn toàn (tức là, bạn cảnh giác với toàn bộ cơ thể), máy bơm không khí của bạn hoạt động tốt (tức là, chánh niệm ổn định và mạnh mẽ), và kim loại của bạn tinh khiết, không pha tạp (tức là không có những trở ngại trong tâm), lúc đó hình ảnh Đức Phật bạn đúc sẽ rất đẹp đúng như ý.
Đúc tượng Đức Phật trong ta có nghĩa là ngồi trong sự tập trung, để tâm được an tĩnh. Khi tâm đã an, thân cũng được bình yên. Khinh an - một cảm giác tròn đầy nơi thân, tâm - sẽ phát sinh trong ta (tức là, khi chánh niệm tràn đầy cơ thể, sự tỉnh giác cũng tràn đầy cơ thể). Khi khinh an phát sinh đến cao độ, nó nhường chỗ cho hỷ lạc. Khi đã tràn đầy hỷ lạc, tâm trở nên rõ ràng, trong sáng.
Ánh sáng nội tâm là cái biết của tuệ giải thoát. Ta nhận ra sự thật về thân, rằng nó chỉ đơn giản là bốn tính chất của đất, nước, lửa và gió - không phải của ta hay bất kỳ ai khác. Nó biến đổi. Khổ đau. Điều này dẫn đến cảm giác mệt mỏi, chán nản, khiến ta buông bỏ quá trình tạo tác về thể chất hay tinh thần, khiến ta thấy rằng nó không có thực chất. Ta có thể tách thân khỏi tâm.
Tâm sau đó sẽ thoát khỏi gánh nặng phải chuyên chở thân vật lý theo mình. Nó biến thành một tâm tự do, nhẹ nhàng và thoải mái. Cái nhìn của ta thông thoáng, dù nhìn ở khía cạnh nào - như thể ta đã tháo bỏ sàn, tường và mái ngôi nhà của ta: nhìn xuống, ta sẽ thấy mặt đất. Nhìn lên, ta sẽ thấy các vì sao. Nhìn quanh theo cả bốn hướng, ta sẽ thấy rằng không có gì cản trở tầm nhìn. Ta có thể nhìn thấy mọi thứ rõ ràng. Nếu nhìn về phương Tây, ta sẽ thấy sự thật cao quý của khổ (khổ đế). Nhìn về phía Nam, ta sẽ thấy nguyên nhân của khổ. Nhìn về phía Đông, ta sẽ thấy sự chấm dứt của khổ. Nhìn về phía Bắc, ta sẽ thấy con đường.
Nếu có thể thấy theo cách này, ta sẽ biến thành một người giàu có với kho báu cao quý. Bất cứ ai có kho báu cao quý đó được cho là thượng nhân, người đã nhìn thấy bốn sự thật cao quý. Ai nhìn thấy được bốn sự thật cao quý là sẽ nhìn thấy Đức Phật trong tâm. Đức Phật thường hộ trì những người thuộc loại đó - và khi Đức Phật ở bên ta, ta sẽ được ban phước và sẽ không gặp khó khăn. Đơn giản là ta tiếp tục tiến hóa ngày càng cao hơn. Đây là lý do tại sao tất cả chúng ta nên tạo một vị Phật trong tâm bằng cách thực hành chánh niệm bất cứ khi nào ta có cơ hội.
Cách khác nữa để tạc một vị Phật trong tâm là thiền quán liên tục về sự uế nhiễm của thân. Thân này của tôi. Từ chân lên đầu - nó như thế nào? Từ đỉnh đầu xuống chân, nó như thế nào? Bên trong đãy túi da này, có gì là giá trị? Da bao phủ cơ thể giống như một chiếc túi vải bố với đầy mọi thứ, vì vậy hãy xem ta có những gì giá trị trong chiếc túi này. Bắt đầu với xương sườn, tim, gan, phổi, ruột, thức ăn ở dạ dày và ở ruột, máu, mật, bạch huyết, nước tiểu. Những thứ này có giá trị gì đáng quý?
Vì vậy, hãy quán sát thân. Nó có thực sự là của ta? Nó từ đâu đến? Nó là của ai? Dầu ta có quan tâm đến nó bao nhiêu, nó cũng sẽ không ở lại với ta. Nó sẽ phải quay trở lại từ nơi nó đến: các tính chất của đất, nước, lửa và gió. Việc mà nó có thể ở lại với ta trong một thời gian phụ thuộc hoàn toàn vào hơi thở. Khi không còn hơi thở nữa, nó bắt đầu phân rã, và lúc đó không ai còn muốn nó nữa. Đây là lý do tại sao chúng ta nói rằng thân là vô ngã. Tâm là cái không chết. Tâm là cái trải nghiệm tất cả niềm vui và nỗi đau.
Vì vậy, khi ta nhận ra điều này, ta nên làm càng nhiều điều thiện càng tốt vì lợi ích của bản thân. Khả năng trở thành thú, thành người, chư thiên hoặc đến Niết-bàn, tất cả đều tùy thuộc vào ta, vì vậy ta phải chọn cái mình muốn.
Điều tốt chúng ta làm sẽ đi theo ta trong tương lai. Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy chúng ta thiền, để suy ngẫm về thân để phát sinh sự nhàm chán. Nó vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta mượn nó một thời gian, rồi phải trả nó lại. Thân không thuộc về tâm, và tâm không thuộc về thân. Chúng tách biệt nhưng phụ thuộc vào nhau. Khi chúng ta có thể thấy điều này, ta không còn lo lắng hay bám chấp nữa. Ta có thể buông bỏ thân, và ba thứ đồ rỉ sét - thân kiến, giới cấm thủ, và nghi - sẽ không còn trong tâm. Ta sẽ thấy rằng tất cả thiện và ác đều đến từ tâm. Nếu tâm thuần khiết, đó là thiện pháp cao tột nhất trên thế gian.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch từ An image of the Buddha, sách Starting out small: A collection of talks for beginning meditators - Bắt đầu từ việc nhỏ: Sưu tập các bài Pháp dành cho thiền sinh mới. Thiền sư Thanissarochuyển ngữ từ Thái sang Anh).