Hành Bồ-tát đạo

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1223 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1223 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi đã giảng về nhứt Phật thừa trong Phật giáo theo kinh Pháp hoa là chỉ có một thừa duy nhất xuyên suốt từ phàm phu lên quả vị Phật, không có con đường nào riêng rẽ.

Nhưng khi chúng ta tu, trải qua những chặng đường khác nhau, như đạo tràng chúng ta có những người mới phát tâm tu, có những người đã có quá trình tu lâu, có những người giữ được giới trong sạch, cũng có những người còn nhiều lỗi lầm. Tuy nhiên, nhìn chung, chúng ta thấy có một con đường xuyên suốt, nhưng người đi tới trước, người đi tới sau.

Ngài Trí Giả đại sư nói ngài nhìn xã hội loài người giống như nhìn xuống ao sen trước chùa Ngọc Tuyền. Ngài thấy có những cây sen mới vừa nẩy mầm, có những cây sen lên thành cây nhưng còn trong bùn, có những cây sen ra khỏi bùn, nhưng còn trong nước, có cây sen chưa trổ hoa, có cây sen đã trổ hoa.

Vì vậy, quan sát cuộc sống loài người, chúng ta thấy không ai giống ai, nhưng tất cả cùng một hướng đi về Vô thượng Đẳng giác là thành Phật. Có người thành Phật trước, có người thành Phật sau, là việc bình thường.

Chúng ta đi trước, có lòng rộng mở, quan tâm đến những người đi sau. Ta sạch nghiệp rồi, quan tâm đến những người còn nhiều lỗi lầm để giúp họ từng bước trưởng thành trên đường đạo. Đó là lộ trình Phật đã vẽ ra cho mọi người tu hành.

Xin nhắc lại giai đoạn một tu, làm tròn tư cách của con người với tam quy, ngũ giới, nhưng tam quy là căn bản, là mục tiêu hướng tới. Tam quy nói rõ là chúng ta cầu trí tuệ, cầu chân lý, cầu Bồ-đề quyến thuộc. Bồ-đề quyến thuộc rất cần, vì chúng ta hướng về chân lý, nhưng thiếu Bồ-đề quyến thuộc là thiếu sức mạnh của những người đồng hạnh đồng nguyện với chúng ta thì chúng ta cũng không làm được.

Tam quy rất quan trọng, cầu Vô thượng Bồ-đề là Phật, cầu chân lý là cuộc sống trong sáng, không lỗi lầm, cầu Bồ-đề quyến thuộc là bạn đồng tu, chúng ta mong ước có những người bạn tốt giúp chúng ta. Chúng ta luôn thấy rõ có người trên ta là thầy ta, người bằng ta là bạn ta, người kém ta, ta có trách nhiệm dìu dắt họ. Nhìn thấy như vậy và hành xử đúng như vậy là đi trên lộ trình làm Phật.

Bước một, làm tròn nhân cách con người để chúng ta không bị đọa, làm sao để người thấy chúng ta tốt, không lỗi lầm. Bước thứ hai, trên loài người một bước là chư thiên, vì chư thiên có đời sống nhẹ nhàng, thanh thoát hơn chúng ta. Họ không còn tình cảm ủy mị của con người, họ có tình cảm trong sáng, nên được mọi người quý trọng. Vì vậy, chúng ta thấy trong xã hội có ba hạng người, có những người bị chà đạp, không được xã hội chấp nhận, có những người được xã hội công nhận và có những người được xã hội kính trọng. Người được kính trọng là bậc thầy, Tổ, bậc Hiền Thánh, chư thiên.

Phật nói chỉ có loài người và chư thiên có thể phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo được. Còn những loài dưới nữa không thể phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo. Vì vậy, loài người chúng ta có đời sống bình thường, nhưng có thể phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, nghĩa là nhìn lên thấy chư Phật để học theo chư Phật và cầu Vô thượng giác của chư Phật và nhìn xuống để cứu độ chúng sanh. Nhưng làm người phát Bồ-đề tâm, chúng ta không làm được việc lớn của Bồ-tát, chỉ làm được việc của con người.

Vì vậy, chúng ta phát Bồ-đề tâm cầu làm Bồ-đề quyến thuộc của Bồ-tát, cầu Bồ-tát nhận chúng ta làm quyến thuộc để chúng ta làm được việc của các ngài. Điển hình như chúng ta nương theo các Bồ-tát lớn như Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Âm, Dược Vương, Di Lặc… là thầy của ta và ta nương theo các ngài để làm, không có các ngài giúp, ta không làm được. Như khả năng tôi không làm được gì, nhưng tôi là quyến thuộc của các Bồ-tát, nên nương được lực của Bồ-tát mà làm được một số việc trong xã hội. Có những lúc tôi cảm nghĩ mình là quyến thuộc của Quan Âm, có lúc cảm nghĩ mình là quyến thuộc của Phổ Hiền, hay Dược Vương… Trên bước đường tu, quý vị suy nghĩ kỹ sẽ nhận ra điều này.

Thật vậy, vì các ngài gia bị mình, nên mình làm được việc khó. Thí dụ Bồ-tát Dược Vương có khả năng làm thuốc cứu người, còn mình không có khả năng này. Nhưng một lúc nào đó, tự nhiên được Dược Vương gia bị, trí sáng lên thì làm được. Thực tế như trước kia, Hòa thượng Thiện Bửu ở tổ đình Huê Nghiêm không biết làm thuốc. Nhưng có người bệnh nặng đến nỗi thầy thuốc phải bó tay, thì người thân của họ đến nhờ Hòa thượng cứu.

Hòa thượng nghĩ Bồ-tát Dược Vương gia bị mới khiến có người tìm nhờ ngài cứu. Ngài lên bàn thờ Phật, thắp hương, khấn cầu Bồ-tát Dược Vương gia bị để ngài sáng suốt cứu được bệnh nhân này. Sau đó, ngài đi ra vườn chùa, vô rừng hái một nắm lá, bảo người chủ đem về, đổ nước sắc cho bệnh nhân uống sẽ khỏe mạnh. Quả nhiên đúng như vậy. Đó là nhờ Dược Vương gia bị tới, không phải là thầy thuốc mà chữa khỏi bệnh cho người.

Có lúc Quan Âm gia bị đến, thì mình thành Quan Âm cứu được người. Hoặc Phổ Hiền gia bị khiến mình gánh vác được Phật sự lớn. Thực tế khi tôi xây dựng Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, tôi nghĩ nhiều đến Bồ-tát Phổ Hiền, ngài có thần thông tự tại, xung quanh ngài có thiên long bát bộ và vô số Bồ-tát. Khi tôi cầu ngài, được ngài gia bị tới, chấp nhận mình là quyến thuộc thì một số quyến thuộc của Phổ Hiền coi mình là bạn, hợp tác với mình vô điều kiện để xây dựng Học viện. Mình không làm được, vì không có tiền, làm sao xây dựng. Chỉ có Bồ-tát Phổ Hiền làm được việc khó này. Và thực tế là ngân hàng cho vay không lấy lãi và không có thời hạn trả. Phổ Hiền gia bị tới mới có hiện tượng kỳ diệu ngoài sức mình.

Làm đạo phải có lực gia bị của Bồ-tát, ta mới làm được. Điều quan trọng nhất là làm sao quan hệ với các ngài. Các ngài mới gia bị tới, mình mới làm được việc. Nói cách khác, ngài giao việc cho mình, mình làm quản lý cho các ngài, thì quyến thuộc của ngài hợp tác với mình. Nếu mình làm trái lại, họ sẽ bỏ. Như có những công trình lớn dở dang, không làm được, vì các ngài bỏ, không gia bị, vì mình làm điều gì đó không đúng với nguyện ban đầu của mình.

Nên nhớ từ con người phát Bồ-đề tâm, nhưng hành Bồ-tát đạo, phải làm quyến thuộc của Bồ-tát để được các ngài gia bị mới thấy việc nên làm, việc không nên làm. Với việc nên làm, các ngài mới gia bị, còn việc không nên làm, làm sao các ngài gia bị được. Đó là điều quan trọng nhất khi hành Bồ-tát đạo.

Phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo là lộ trình mà Bồ-tát lớn đi trước, mình đi theo sau. Con đường đó, căn bản phải nhớ Phật dạy khi phát Bồ-đề tâm, đầu tiên chúng ta nghĩ tới sáu pháp ba-la-mật hay mười pháp ba-la-mật. Kinh tạng Nguyên thủy cũng có ghi rõ điều này, không phải chỉ có kinh Đại thừa nói đến. Trong kinh Nguyên thủy, Phật cũng dạy các thầy Tỳ-kheo làm, nhưng các thầy ít làm, mà cư sĩ làm nhiều hơn. Các Tỳ-kheo hành lục độ hay thập độ gọi là Tỳ-kheo Bồ-tát giới.

Một số điều Phật dạy trong kinh Nguyên thủy, nhưng các thầy theo Nguyên thủy không làm. Như kinh Nguyên thủy có dạy cho Ni xuất gia, thọ giới, nhưng Phật giáo Nam truyền không cho Ni thọ giới.

Kinh Nguyên thủy có dạy hành Bồ-tát đạo, có nói đến mười môn ba-la-mật, nhưng ít có người làm. Trong khi kinh điển Đại thừa khai triển Bồ-tát đạo nhiều hơn. Như vậy, kinh Đại thừa cũng lấy mười môn ba-la-mật đồng với kinh Nam truyền.

Trong sáu pháp, hay mười pháp ba-la-mật, trước hết phải có tâm từ bi là lòng thương người. Nhưng vì mới đầu các thầy tu sợ ảnh hưởng xã hội, sợ bị xã hội chi phối, nên tu hạnh viễn ly, xa lánh mọi người. Sợ lệ thuộc tình cảm chi phối, sợ lệ thuộc đời sống vật chất chi phối là hai điều tối kỵ nhất của người xuất gia, vì bị chi phối như vậy thì không được giải thoát. Từ đó, hạn chế tối đa việc ăn uống, ăn nhiều sợ nghiệp sanh ra, hoặc tìm thức ăn ngon thì làm sao tu, bị đọa. Bớt lần ăn uống, cho đến ăn vừa đủ sống để tiếp tục tu hành, vì không ăn thì chết.

Các Tỳ-kheo không phát tâm Bồ-đề được, vì từ hạnh viễn ly, xa rời cuộc sống, xa rời xã hội. Cho nên, các thầy Tỳ-kheo phần nhiều tu Tứ niệm xứ là bốn pháp: thân, thọ, tâm, pháp luôn trĩu nặng lòng họ. Một là có thân mới có khổ, làm sao xả ly thân vật chất để không lệ thuộc vật chất. Hai là làm sao không lệ thuộc sự cảm thọ mà nặng nhất là tình cảm, muốn vậy phải sống biệt lập và từ đây trở thành Thú tịch Thanh văn đi vào chỗ tịch tĩnh, xa rời cuộc sống, nên không phát Bồ-đề tâm được.

Vì vậy, phần nhiều người cư sĩ tại gia là người thường nhưng lại có thể phát Bồ-đề tâm được, đó là điều quan trọng. Làm cư sĩ có ưu thế của cư sĩ, xuất gia có ưu thế của xuất gia. Có những việc cư sĩ làm được nhưng thầy tu không làm được. Như Phù Vân quốc sư cũng thương người, muốn cứu đời, nhưng ông là nhà sư thì không thể làm vua, không thể cầm quân giết giặc, nên ông chỉ cho vua Trần Thái Tông làm và nói với vua rằng bệ hạ làm, ông sẽ ủng hộ.

Từ con người phát Bồ-đề tâm đi lên dễ, nhưng đối với người đi qua ngả rẽ xuất gia làm Sa-môn, thực tập các pháp của Thanh văn và đắc Thánh quả La-hán, thì Phật nói rằng đắc La-hán rồi mà phát Bồ-đề tâm tu, hành Bồ-tát đạo dễ hơn người cư sĩ. Thật vậy, các La-hán đắc đạo rồi, nếu nhập diệt là hết, Nhưng đắc Thánh quả mà tiếp tục hành Bồ-tát đạo thì làm được việc tốt hơn, vì họ đã trải qua giai đoạn tu, thân tâm thanh tịnh, không bị xã hội chi phối, nghiệp không có và có trí tuệ, nên mọi việc làm đều đúng đắn và lợi lạc. Còn cư sĩ chưa qua giai đoạn tu Thanh văn mà làm đạo thì dễ phạm sai lầm.

Vì vậy, chặng đường phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, các vị xuất gia và tại gia tu chung, vì Bồ-tát đạo là con đường chung cho tất cả các pháp môn tu để thành Phật, chỉ có một con đường này thôi.

Chính vì sự lợi ích của xuất gia, ở các nước theo Nam truyền Phật giáo, người lớn lên phải vô chùa tập tu một thời gian, thì sau đó, ra đời làm việc, vẫn còn chất tu bên trong, có làm gì cũng còn nhớ Phật. Ở Thái Lan, tất cả các vua phải xuất gia một thời gian rồi mới lên làm vua. Đó là điều đặc biệt của Phật giáo Nam truyền.

La-hán hành Bồ-tát đạo đi thẳng, không phải nhờ các Bồ-tát khác chỉ đạo, vì họ thấy biết giống như các Bồ-tát, không phải làm quyến thuộc của Bồ-tát. Họ phát Bồ-đề tâm trở thành lãnh đạo luôn.

Nhưng cư sĩ phát Bồ-đề tâm rồi, phải nương các vị Bồ-tát lớn, vì nhìn sự việc không chính xác, phải nhờ các ngài trợ lực để có cái nhìn đúng đắn. Riêng tôi, thấy rõ điều này, nhiều khi công việc không quyết định được, tôi ngồi yên, nghĩ tới các Bồ-tát, nhờ các ngài gia bị giúp mình làm được. Làm quyến thuộc của Bồ-tát là vậy. Nếu đủ sáng suốt, thấy biết rồi thì khỏi nhờ, thí dụ sáng nay biết đi đâu, làm gì, gặp ai thì nhờ làm chi nữa. Còn chưa biết thì phải hỏi thầy bây giờ con đi hướng nào, tiếp xúc với ai, nói điều gì. Nhờ Phật chỉ mới làm đúng, không có Phật chỉ đạo, tự ý làm thì bị sai. Vì vậy, các Phật tử phải siêng năng lạy Phật, cầu Phật gia bị, chỉ dạy để mình đủ sáng suốt, quyết định không sai lầm.

Đầu tiên, khởi đầu tu phải có lòng thương người (tâm từ bi) là hạnh căn bản của Bồ-tát. Không có tâm thương người không thể hành Bồ-tát đạo được. Hạnh thương người là hạnh của Quan Âm, không ai thương người hơn Quan Âm, nên ngài được tôn danh là Đại Bì Quan Thế Âm.

Thuở còn trẻ, tôi thích làm việc lớn. Hòa thượng Trí Tịnh hỏi tôi: “Thầy có nghĩ thầy thương chúng sanh hơn Quan Âm không, tại sao Quan Âm không cứu?”. Nghĩa là người đáng cứu mới cứu, không phải cứu hết được. Thực tế là cảnh thương tâm trên cuộc đời này quá nhiều, nhưng mình đâu làm được việc gì. Mọi việc đều nằm trong luật nhân quả, thấy cứu được thì mới cứu.

Dược Vương Bồ-tát rất giỏi và rất tốt, nhưng ngài cũng không cứu được người hết số. Ngài chỉ cứu được chín trường hợp trong kinh Dược Sư nói: “Thứ nhứt, người bệnh không đủ thuốc thang, không người chăm sóc, bệnh không đáng chết mà phải qua đời, Thứ hai những kẻ chơi bời, đam mê tửu sắc. Thứ ba bị bắt, bị xử tử hình. Thứ tư chết chìm. Thứ năm chết cháy. Sáu bị ác thú. Thứ bảy, rơi từ trên cao. Tám, bị khổ đau vì lầm thuốc độc. Thứ chín, mai một vì thiếu thức ăn”. Chín tai nạn chết oan này làm quỷ thì Dược Vương có thể cứu được vì họ chưa đáng chết, tức chưa hết số. Như người bị tử hình khiến cũng có người tới cứu. Người hết số phải chết, không ai cứu được.

Biết rằng mình thương tất cả chúng sanh nhưng cũng phải thấy biết được người đáng cứu và cứu được, chúng ta mới cứu là việc quan trọng của hành Bồ-tát đạo. Người đáng cứu thì Phật khiến mình tới cứu thì cứu được. Nếu họ đáng chết, Phật không khiến mình tới cứu. Đôi khi chuyện khó làm được là Phật muốn. Chuyện dễ mà mình làm không được, là Phật không muốn mình làm. Phật này là trí tuệ của mình, khiến mình thấy đúng được, đó là điều quý nhất. Hai là chư thiên mách bảo, hay Bồ-tát chỉ cho mình biết. Ba là Phật huệ, tức trí tuệ Phật rọi tới để tâm mình sáng lên và làm được.

Thương người là hạnh của Quan Âm làm, nên trong 12 lời nguyện của ngài, có lời nguyện rằng ngài ở Ta-bà vào địa phủ để cứu vớt chúng sanh, dù ngài được Đức Phật A Di Đà chọn ngài thay Phật để làm giáo chủ Tây phương Tịnh độ.

Tôi tụng kinh Pháp hoa thấy Bồ-tát Quan Âm có nguyện như vậy, nên tôi có lời phát nguyện rằng cõi Ta-bà thị hiện độ sanh, quyết lòng tế độ chúng sanh muôn đời. Nghĩa là lấy hạnh Quan Âm làm hạnh của mình, nên được Quan Âm gia bị, khiến mình có thể làm được việc của Quan Âm.

Khởi tâm đại bi cứu chúng sanh là hạnh thứ nhất. Đối với việc cứu chúng sanh, Bồ-tát thường hành bố thí với ba hình thức là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Nếu là Thanh văn đắc La-hán có trí tuệ, biết rõ mọi việc mới chỉ dẫn người con đường sống là pháp thí, không phải chỉ ngồi thuyết pháp. Vì tất cả mọi người đều có con đường sống, nhưng không thấy con đường sống, đi vào tử lộ thì phải chết.

Tại sao họ không thấy con đường sống? Vì quá tham lam, đút đầu vô chỗ chết, hoặc vì quá bực tức, nên liều mạng phải chết. Chỉ họ con đường sống là không tham, không bực tức. Không tham thì không ai dụ dỗ, gạt mình được, không bực tức, thấy đúng là làm việc trong tầm tay, trong hiểu biết thì sao chết được. Đối với tôi, con đường sống là phải bình tĩnh, sáng suốt, càng khó càng phải bình tĩnh để tìm ra lối thoát. Bình tĩnh đôi khi thoát được, mất bình tĩnh dễ sai lầm, dễ chết.

Mình hiện hữu trên cuộc đời, hành Bồ-tát đạo, nhìn thấy những người có duyên với mình, có thể giúp họ. Thấy họ sắp bước chân vô tử lộ, mình ngăn họ lại, vì họ bị ác ma dụ dỗ, họ sắp rơi vào lưới ma, bị ma ràng buộc không còn lối thoát. Mình chỉ cho họ con đường sống, đừng nghe lời ác ma mà phải chết.

Thí dụ có người dụ bán nhà để lấy tiền đưa cho nó làm ăn, mỗi tháng nó sẽ cho tiền lãi một trăm triệu đồng, chỉ việc ngồi ăn chơi, sướng quá. Chỉ đưa ra một tỷ đồng mà hưởng lãi một trăm triệu. Không tham, sáng suốt một chút cũng thấy rõ đó là lường gạt rồi, làm ăn gì mà lãi nhiều đến như thế. Hoặc có người nổi cơn giận, định chém người, mình ngăn họ lại, chỉ họ con đường chết mở ra đó, cái án tử hình chờ sẵn đó, thì qua được cơn giận, họ sẽ thấy việc sát hại người không giải quyết được gì.

Trên cuộc đời này, 99% người ta chết vì lòng tham và bực tức khiến họ ngu si, làm những việc lỗi lầm không còn lối thoát. Phật dạy không tham, không giận giúp tâm sáng suốt.

Hành Bồ-tát đạo, đầu tiên đi vào cuộc đời luôn nhớ phải bình tĩnh, sáng suốt. Riêng tôi sanh trong thời Pháp thuộc, lớn lên sống trong thời chiến tranh và truyền đạo trong thời xã hội chủ nghĩa. Tôi còn sống đến ngày nay nhờ lúc nào cũng nghĩ cần bình tĩnh, sáng suốt để làm những việc đáng làm, thì không ai ngăn cản mình. Nhớ lại lúc mới thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi đảnh lễ Hòa thượng Pháp chủ, xin ngài chỉ dạy ở trong nước xã hội chủ nghĩa nên hoằng pháp như thế nào. Hòa thượng dạy làm những gì luật pháp không cấm, làm những gì Nhà nước cho phép. Nếu làm việc bị cấm, không hợp pháp thì chết thôi. Hòa thượng dạy tôi một câu đơn giản, nhưng lúc nào tôi cũng nghĩ đến ý này.

Trong pháp bố thí, Phật nói công đức lớn nhất là pháp thí, nghĩa là chỉ họ con đường sống để họ tự sống được và trở thành Bồ-đề quyến thuộc của mình. Thứ hai là vô úy thí, nghĩa là làm họ không sợ. Đa số người ta không thấy, không biết, nên sợ, sợ quá rồi chết. Họ nương với mình, họ có được cách sống bình yên, không sợ, được an lành.

Thí dụ ba trăm năm trước, Hòa thượng Phật Ý theo di dân về sống ở Gia Định, nơi đó có nhiều thú dữ làm người ta sợ. Hòa thượng ở chung với họ, dạy họ làm hàng rào xung quanh và đốt lửa lên thì hổ, báo không tới. Hòa thượng dạy thêm võ thuật để phòng thân, tự vệ được thì họ có tự tin, không sợ.

Trên bước đường hành đạo, những lúc quá khó khăn, các thầy thường nói với tôi rằng chết đến nơi mà không sợ sao. Tôi đáp sợ cũng chết thì sợ làm chi. Bình tĩnh chấp nhận cái chết, may ra còn về Phật được. Hốt hoảng quá, chết không biết về đâu. Sống an lành, chết cũng an lành.

Thứ ba, pháp bố thí thấp nhất là tài thí, thấy người đói cho họ thức ăn, thấy người nghèo cho họ tiền để sống. Nhưng tài thí có điều cần cân nhắc, giúp đỡ để người đi lên, để họ không trở thành người ăn hại. Thực tế có người không thích làm việc, chỉ thích hưởng thụ để được nuôi suốt đời. Phật nói nuôi người ăn hại, sống đến 80 tuổi, họ chết thì được gì. Phải dạy họ phấn đấu đi lên, làm người xứng đáng với tư cách con người, làm người được kính trọng, làm Hiền Thánh. Không phải bố thí đến hết tiền của, trở thành nghèo đói, khổ sở, rồi chán nản, bỏ tu.

Người đáng thí là cho họ ăn để họ sống, nếu không cho ăn thì họ chết. Và cho họ ăn, sống rồi, họ phải làm việc, không phải chờ người ta cho ăn hoài. Được giúp đỡ, họ sẽ đứng bằng hai chân và sống bằng hai tay của chính họ, lần lần họ sẽ sống vững vàng hơn, đó là tài thí đúng pháp.

Tóm lại, Bồ-tát đi vào cuộc đời hành bố thí là cho người đói ăn, sau đó phải chỉ họ cách làm việc để họ sống. Kế đến, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm, hành giả có điều kiện cứu người có thể giúp bằng tiền, bằng uy tín, bằng sức mạnh của mình, nhưng quan trọng là chỉ họ cách sống. Và họ biết sống rồi thì họ tự lo liệu cuộc đời của họ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.