Người tu tịnh độ tam kinh, Phật dạy căn cứ trên kinh Di Đà, kinh Quán vô lượng thọ và kinh Vô lượng thọ. Nhưng người ở trình độ thấp nhất là nghiệp chướng nặng quá, không làm được gì, chủ yếu là người già yếu, bệnh hoạn không làm được, mà làm càng phiền não.
Vì vậy, Đức Phật khuyên nhiếp tâm niệm Phật, phải nhiếp tâm, niệm suông không được. Vì mình mang thân tứ đại ngũ uẩn có sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, nhưng phải đóng kín sáu căn này lại khi nhiếp tâm niệm Phật; không đóng kín sáu căn, tu không đạt kết quả. Nhiếp tâm niệm Phật thì không để ý đến người xung quanh, không nghe việc xung quanh, hay chỉ nghe tiếng ồn ào nhưng không biết cái gì xảy ra. Không nhiếp ý căn, không nghĩ đến Phật là cái gốc tu đã bị hỏng rồi.
Phật khuyên phải nhiếp tâm vì nếu thấy, nghe những điều không bằng lòng sẽ khiến phiền não nổi dậy, kể cả thấy nghe những điều mình bằng lòng cũng khiến nghiệp mình khởi lên.
Nhiếp tâm niệm Phật, đối với mình chỉ có Phật, mắt chỉ thấy Phật, tai nghe tiếng niệm Phật và ý chỉ nghĩ Phật, lần lần hình ảnh thánh thiện của Phật đưa vào lòng mình sẽ đuổi ác ma ra. Và đem Phật vào lòng, một thời gian, lòng mình được thánh thiện, thì mình sẽ hiện hảo tướng. Còn nghĩ đến người ác, việc xấu sẽ hiện tướng ác xấu.
Nghĩ đến Phật, tướng nghiệp mất lần, tướng tốt hiện là tu có sự thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống.
Ban đầu niệm Phật, cho đến nhiếp tâm rồi, lòng có Phật, thì nhìn thấy Phật trước mặt và được người kính trọng, thương mến mình, đó là do công đức niệm Phật sanh ra.
Kế tiếp, Phật khuyên quán tưởng niệm Phật. Kinh Quán vô lượng thọ Phật dạy có 16 pháp quán. Khởi đầu nhìn mặt trời lặn về phương Tây, mình nghĩ đến thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Và quán tưởng miên mật như vậy cho đến thường thấy thế giới Cực lạc hiện ra.
Hòa thượng Yoshimizu là bạn tôi, ông phát hiện bị bệnh ung thư tuyến tụy. Bác sĩ nói chỉ sống thêm ba tháng thôi. Nghĩ sắp chết, ông quyết tâm tu, không tiếp xúc với ai, không uống thuốc, mỗi bữa ăn, ăn thật nhiều chanh. Ông nhiếp tâm niệm Phật, nhìn tượng Phật, chỉ nghĩ đến Phật, thấy Phật, cuối cùng thấy Phật ở trong tâm mình. Ông thực tập thêm pháp quán, mỗi ngày từ 12 giờ trưa, ông lên sân thượng ngồi nhìn mặt trời cho đến khi mặt trời lặn ở phương Tây thì Cực lạc hiện ra. Ông thực tập pháp quán như vậy liên tục, chỉ ba tháng sau, kiểm tra sức khỏe, bác sĩ nói bệnh ông đã khỏi.
Thiết nghĩ mình sống bình thường, tiếp xúc với cuôc đời, làm đủ thứ việc, nghĩ đủ thứ chuyện, trần lao nghiệp chướng sanh ra khiến cho cơ thể bệnh hoạn. Và tâm phiền muộn cộng với ăn uống những thứ không thích hợp gây ra bệnh ung thư.
Hòa thượng này nhờ tu niệm Phật nhiếp tâm, thấy Phật và thế giới Cực lạc, chẳng những không chết sau ba tháng như bác sĩ dự đoán, mà còn sống đến nay 83 tuổi. Thật tu có kết quả không thể nghĩ bàn. Thành quả này từ bước ban đầu, người không làm được gì, nhưng chuyên tu có kết quả là phiền não hết, bệnh hết và người quý trọng. Đây là pháp tu đơn giản nhưng có kết quả cao.
Và được như vậy, Phật khuyên làm thêm bước nữa. Vì pháp phương tiện thì tùy hoàn cảnh mà từng bước có khác nhau. Lúc trước bệnh không làm được và người ghét cũng không cho mình làm. Nhưng hết bệnh, người thương quý thì nên làm là Phật dạy bước thứ ba.
Kinh Vô lượng thọ nói về hành trạng của Đức Di Đà, Ngài đã làm những việc gì mà thành tựu quả vị Phật. Muốn làm quyến thuộc của Phật Di Đà, chúng ta phải làm theo hành trạng của Ngài là nghĩ về Ngài, hiểu việc làm của Ngài và làm theo Ngài.
Phật Thích Ca nói Phật Di Đà khi chưa làm Phật có nguyện đặc biệt là không tranh cãi với ai, không hơn thua với ai. Ngài lập hạnh như vậy, nên Ngài làm vua có tên là Vô Tránh Niệm.
Phật tử muốn tu tinh độ phải thực tập điều này. Chỗ có tranh cãi hơn thua thì không có mình, chỗ có quyền lợi, mình tránh. Nếu lỡ bực tức mà nói thì sám hối liền, bỏ lần tâm hơn thua cho đến khi tâm mình giống như Phật Di Đà khi Ngài còn làm vua. Vì không có ý hơn thua, tranh cãi, tâm mình lắng yên sẽ thấy chính xác và làm đúng. Có tranh cãi khiến tâm mình loạn động thì thấy không chính xác, nói không đúng và làm không tốt.
Vua Vô Tránh Niệm không hơn thua, không tranh giành, nhưng thực sự tài giỏi và có uy tín, nên người ta thỉnh ông làm vua. Trong khi những người tranh làm vua, nói xấu nhau, đánh nhau, mất uy tín, không ai tin tưởng thì không thể làm được.
Vô Tránh Niệm có tài đức và có bốn người con xuất chúng. Ông đầy đủ tư cách của Chuyển luân Thánh vương là ông vua hiền tốt và có những người trợ thủ giỏi chính sự, giỏi điều binh khiển tướng, giỏi ngoại giao, giỏi điều hành quốc sự…, ông mới nhận lời mời thỉnh làm vua. Không được như vậy, mà khởi lòng tham làm vua dễ bị tù tội, dễ chết.
Đọc truyện cổ, Hứa Do là nhà hiền triết có uy tín, hiền lành, thông minh. Vua Nghiêu tìm người nhường ngôi, nghe nói Hứa Do tốt như vậy, muốn mời ông làm vua. Ông vội chạy đi trốn, tới dòng sông rửa lỗ tai. Gặp Sào Phủ dắt trâu xuống sông uống nước, hỏi tại sao ông rửa lỗ tai. Ông nói nghe tiếng vua mời tôi làm vua, tôi sợ phải rửa lỗ tai mà vẫn còn nghe. Rửa lỗ tai thì ăn thua gì, vì danh lợi đã vào tâm rồi, tuy sợ mà thật ra trong lòng vẫn muốn làm vua. Nhưng Hứa Do là người có trí, suy nghĩ ông không làm vua được, nên không nhận lời. Vì từ trước tới giờ, ông ẩn cư là sống ngoài cuộc đời, thì nhập cuộc vào đời là chết chắc. Muốn làm vua phải có nhiều người giỏi hết lòng hợp tác, chăm lo điều hành mọi việc tốt đẹp.
Điển hình như Hán Cao Tổ khởi nghiệp thành công nhờ có Tiêu Hà điều hành quốc sự giỏi và có Trương Lương mưu tính giỏi. Nhưng Trương Lương nói cũng chưa đủ, phải có người cầm quân giỏi. Và Trương Lương tìm được Hàn Tín về điều khiển binh tướng.
Hứa Do không có người giỏi hợp tác nên ông không dám nhận ngôi vua và phải trốn.
Trở lại việc Vô Tránh Niệm làm vua thành công, vì Ngài quá tốt, nên thường được nhiều người tốt, người giỏi tìm tới để phụ giúp mọi việc. Trong số những người đến hợp tác có bốn người siêu giỏi, đó là Bồ-tát Quan Âm, Đại Thế Chí, Thường Tinh Tấn và Phổ Hiền.
Và khi có những người tài giỏi hợp tác, vua Vô Tránh Niệm không ngồi yên hưởng thụ, nhưng vua còn phát triển tri thức cao hơn nữa là tìm học với bậc cao minh nhất, Phật Thế Tự Tại Vương. Phật Thế Tự Tại nói ông đã điều hành việc thế gian tốt rồi. Ông phải biết bề trái của cuộc đời, biết nguyên nhân sâu xa của mọi việc, nếu không, chỉ biết mặt mà không biết lòng sẽ thất bại. Muốn biết siêu xuất thế gian, ông phải thiền định công phu.
Phật Thế Tự Tại nói Vô Tránh Niệm tốt, nên Phật mới hiện ra dạy ông. Điều này chúng ta cũng thấy trong thực tế cuộc sống. Người tốt mới được Phật hộ niệm để họ thành tựu được việc khó, hoặc được Bồ-tát hiện ra cứu để làm việc tốt đời đẹp đạo. Còn tham lam, ích kỷ chỉ muốn lợi cho bản thân thì cầu Phật, không có Phật đâu, chỉ có ma giả Phật.
Và Vô Tránh Niệm không tranh chấp với đời là lòng không có tham sân, nên tâm sáng mới học đạo được. Tâm u mê chỉ học tà đạo thôi. Đọc kỹ lịch sử, chúng ta thấy Đức vua Trần Nhân Tông tìm Pháp Loa độ, vì vị này không tham sân si, có trí tuệ, Tổ mới tìm dạy.
Xưa kia, Tổ Đạo Tín tìm người thừa kế mạng mạch Thiền tông, Trên đường đi, ngài gặp một vị ẩn tu tuổi đã lớn. Ngài nói với ông rằng đã quá muộn để ông có thể học đạo và hành đạo, nên ta không truyền pháp cho ông được. Ông hãy đổi thân xác khác, hóa kiếp đi. Nghe Tổ dạy, ông liền nhập định đến chết khô. Thần thức của ông mới nhập thai. Và Tổ đã tới độ ông, đặt tên là Hoằng Nhẫn, vì ông phải kham nhẫn, bỏ thân xác để có thân khỏe mạnh, sáng suốt thừa đương đạo nghiệp của Tổ. Thầy trò đặc biệt phi thường như vậy mới gặp được nhau và giữ được đạo lý Chánh pháp.
Vô Tránh Niệm cũng vậy. Ông say mê tu, thường ở trong Chánh định, tâm thanh tịnh mới thấy Phật trong tâm và thực tế gặp được Phật Thế Tự Tại dạy ông tu trong Chánh định mới quan trọng.
Học trong thiền định, trong Chánh định, tức học trên chân tánh, chân tâm mới thấu đạt nghĩa lý như thật. Còn học bằng ngôn ngữ, nhưng thực tập thì mười người không được một người.
Thực tập trong thiền định, một thầy một trò cùng đi trong thiền định rất nhanh. Vì vậy, Vô Tránh Niệm với Chánh niệm và thâm nhập Chánh định liền gặp Phật Thế Tự Tại chờ sẵn trong thiền định. Thầy dắt trò đi khắp mười phương thế giới Phật. Được học trong thiền định với chư Phật cho ông hiểu biết chính xác, rõ ràng. Cho nên các Tỳ-kheo hỏi Phật điều gì, Phật không nói, vì Phật nói bằng Phật ngữ, nhưng không vào Chánh định, không có Chánh niệm thì không thể hiểu được.
Vì vậy, kinh Nguyên thủy Phật nói bằng ngôn ngữ cho loài người, nên kiết tập được và dễ hiểu. Còn kinh Đại thừa, Phật nói trong Chánh định cho Bồ-tát, nên người có Chánh định, có tâm Bồ-đề và nghe bằng Bồ-đề tâm sẽ hiểu khác với nghe ngôn ngữ. Từ lý này, các giảng sư giảng kinh Đại thừa theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nếu giảng đúng lý Phật thì phải có Chánh niệm, Chánh định và người nghe cảm thấy an lành. Thực tế như tôi giảng, nhiều người nghe, nhưng người tiếp thu được pháp Đại thừa thì phiền não rơi rụng, tâm an lạc và trí sáng ra. Chính vì nghe bằng Bồ-đề tâm và tu trên Bồ-đề tâm, nên học kinh Đại thừa, nghe kinh Đại thừa và thực tập kinh Đại thừa khó là vậy.
Đức Phật Di Đà tu trên Bồ-đề tâm, nên Ngài trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp mà thu lại còn một niệm tâm. Nghĩa là tu cả đời nhưng ngộ trong tích tắc. Tôi có cảm giác giống như phi thuyền ở trong không gian đáp xuống mặt trăng và trở về trái đất đúng chính xác từng giây, lệch ra ngoài sự ăn khớp bắt buộc là phi thuyền nổ tung. Ngộ cũng giống như vậy, trong chớp mắt trí giác bừng sáng, thời điểm vàng này qua rồi là không được gì hết.
Ngộ rồi, mình và Phật gắn liền mật thiết với nhau, từ đó, mình sống với Phật, được Phật mở trí làm mình sáng ra, mỗi ngày hiểu nghĩa lý kinh mới hơn.
70 năm trước, lúc mới tu, tôi gặp một vị thầy mà tôi không quen biết. Ngài hỏi tôi tên gì. Tôi nói con là Huệ Nghiêm. Ngài liền cho tôi hai câu như sau:
Huệ cự phát huy chiếu triệt thiên niên ám thất
Nghiêm phong phiến thượng dũng khai vạn khoảnh phước điền.
Nghĩa là thắp được cây đuốc lớn, tức biết phát huy cái gốc trí tuệ sẵn có thì cuộc đời tôi sẽ tỏa sáng trong căn nhà tối ngàn năm. Vì con người trong kiếp luân hồi sinh tử, từ nhập thai cho đến chết luôn bị ràng buộc trong thân tứ đại ngũ uẩn chẳng khác gì đời đời kiếp kiếp ở trong căn nhà tối thui. Nhờ ngộ đạo, nhờ trí tuệ, thấy biết cuộc đời không sai lầm, người không thể lường gạt được. Và nhờ biết đúng như thật mọi việc, nên ngăn chận được gió nghiệp, sẽ tạo được vô số ruộng phước.
Tôi nghĩ đây là vị Bồ-tát hiện thân lại giúp tôi tu, vẽ ra con đường cho tôi đi tới để thăng hoa Bồ-tát hạnh. Trên bước đường hành đạo, tôi suy nghiệm thấy hai câu ngài cho tôi quá hay.
Làm sao ngộ được yếu nghĩa Đại thừa để tâm mình cứ sáng ra, thấy được thực tế cuộc sống. Chưa ngộ thì hiểu theo sách vở, nhưng ngộ thì hành đạo theo điều mình ngộ. Cuộc đời luôn thay đổi, mình sáng thì thấy được cái thay đổi. Ngộ thì sáng mắt, việc thế nào thấy đúng như thế. Tịnh độ của Phật ở ngay chỗ mình ngộ. Chưa ngộ chỉ đoán mò. Ngộ thì ai tới mình biết thâm tâm của họ đang toan tính điềụ gì, họ đến với thiện ý hay ác ý.
Phật Di Đà ngộ nên mười phương Phật hiện trong tâm Ngài và Ngài tùy hoàn cảnh, nhân duyên mà xây dựng Cực lạc của Ngài. Đầu tiên Ngài bỏ Ta-bà, đến chỗ mới, thật xa để xây dựng tiểu quốc gia gọi là An dưỡng quốc là chỗ nghỉ ngơi tu hành. Mới đến đây chỉ có năm thầy trò đều chứng ngộ, có thần thông, đó là Ngài cùng với bốn Bồ-tát là Quan Âm, Đại Thế Chí, Thường Tinh Tấn và Phổ Hiền.
Người ngộ thì tu khác với người chưa ngộ. Vì vậy, về xây dựng Cực lạc, nhưng Quan Âm ngộ thì ngài không ở luôn Cực lạc, nhưng ngài làm Bồ-tát cứu khổ chúng sanh ở Ta-bà và địa phủ.
Khi còn trẻ, tôi cảm hạnh Quan Âm, nên không muốn về Cực lạc, vì Phổ Hiền dạy ở Ta-bà hành Bồ-tát đạo, có nhiều điều kiện tạo công đức. Tuy nhiên, Phổ Hiền cũng nói thêm rằng:
Nguyện tôi lúc mạng sắp lâm chung
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Tận mặt gặp Phật A Di Đà
Liền được vãng sanh cõi Cực lạc
Tôi đã vãng sanh cõi kia rồi
Hiện tiền thành tựu nguyện lớn này
Cả thảy tròn đủ không thừa thiếu
Lợi lạc tất cả loài hàm thức
Chúng hội Di Đà đều thanh tịnh
Tôi từ hoa sen nở sanh ra
Thân thấy Đức Phật Vô Lượng Quang
Liền thọ ký tôi đạo Bồ-đề
Nhờ Đức Phật kia thọ ký rồi
Tôi hóa vô số vạn ức thân
Trí huệ rộng lớn khắp mười phương
Lợi lạc tất cả chúng sanh giới….
Tuy ở đây có nhiều việc làm tạo công đức, nhưng học hạnh Phổ Hiền Bồ-tát và theo gương ngài, sau khi chúng ta đã dốc tất cả tâm trí của tuổi thanh xuân cho đạo pháp hưng thạnh, thì đến cuối đời, việc phụng sự đã tròn đủ. Và lìa cõi tạm này, nguyện về Cực lạc tạm nghỉ ngơi bên cạnh Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng, thẩm thấu thêm năng lượng bất tư nghì, dùng làm hành trang tiếp tục lộ trình quay lại Ta-bà hành Bồ-tát đạo. Còn gì tuyệt vời hơn thế nhỉ!
Thấu triệt yếu lý này, Hòa thượng Trí Hải vào miền Nam, từ giã chúng tôi, dặn dò rằng ngài về thăm Đức Phật Di Đà vài hôm để học thêm nhiều pháp siêu xuất thế gian, rồi ngài sẽ trở lại đây chung lo Phật sự với quý thầy. Tôi cũng nguyện như vậy.