Chủ tọa hội thảo |
Tham dự hội thảo có Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông T.Ư; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư; Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Từ thiện xã hội T.Ư GHPGVN; Hòa thượng Thích Thanh Đạt, nguyên Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Giác, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hải Phòng, Trưởng ban Tổ chức hội thảo; PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố; cùng chư tôn đức Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, các học giả và hơn 300 đại biểu; cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Sở, ban, ngành TP.Hải Phòng, H.An Lão và địa phương sở tại.
TS. Bùi Thanh Tùng phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, TS. Bùi Thanh Tùng nêu quá trình hình thành và phát triển của TP.Hải Phòng, là một trong những nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào nước ta. Cùng với sự phát triển của mình, văn hóa Phật giáo xứ Đông có lịch sử khá sớm và phát triển liên tục.
“Để khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, để biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, thành động lực xây dựng thành phố và đất nước, Ban Tổ chức hội thảo mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và các đại biểu tham gia, đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp mang tính đột phá, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông, khai thông mạnh mẽ hơn nữa sự đóng góp vào dòng chảy văn hóa dân tộc”, TS. Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Hòa thượng Thích Thanh Giác đã lên phát biểu đề dẫn hội thảo |
Tiếp đó, Hòa thượng Thích Thanh Giác đã lên phát biểu đề dẫn hội thảo cho biết hội thảo khoa học lần này sẽ là cơ hội để tìm ra sự kết nối giữa nguồn tài nguyên văn hóa Phật giáo xứ Đông với dòng chảy văn hóa dân tộc. Đồng thời, làm sáng tỏ và lan tỏa hơn nữa các giá trị của nguồn tài nguyên vô cùng quý báu đó.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 52 bài tham luận của chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN các cấp, cùng nhiều nhà khoa học, các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, các tổ chức từ T.Ư đến các thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 6 bài tham luận của các nhà khoa học: Hòa thượng Thích Gia Quang với đề tài “Văn hóa Phật giáo xứ Đông trong dòng chảy văn hóa dân tộc”; Hòa thượng Thích Thanh Đạt với đề tài “Khái quát tư tưởng Phật học của vua Trần Nhân Tông trong tác phẩm cư trần lạc đạo phú”; Đại đức Thích Nguyên Toàn với đề tài “Di sản âm nhạc và múa dẫn lục cúng của Phật giáo xứ Đông: Những vấn đề thảo luận”; nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng với đề tài: “Giải pháp bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Phật giáo Hải Phòng”; nhà sử học Tăng Bá Hoành với đề tài: “Phật giáo xứ Đông”; nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Phương với đề tài: “Nghệ thuật kiến trúc Phật giáo xứ Đông”.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng phát biểu tổng kết tại hội thảo |
Phát biểu tổng kết tại hội thảo, Hòa thượng Thích Quảng Tùng cho biết với 52 bài tham luận ý nghĩa và thiết thực, khẳng định tầm quan trọng của Phật giáo xứ Đông trong sự phát triển chung của Phật giáo Việt Nam. Hội thảo thống nhất cao và khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành nên tư tưởng, văn hóa dân tộc Việt Nam; nhiều bài tham luận cũng như trao đổi đã khẳng định xứ Đông là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” đã sản sinh rất nhiều nhân tài kiệt xuất cho đất nước.
Đặc biệt, hội thảo cũng thống nhất văn hóa Phật giáo xứ Đông trong đó có Hải Phòng với bề dày trầm tích các di sản rất lớn. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị trên nhiều phương diện khác nhau.