Gương sáng muôn đời

GN - Rằm tháng Bảy còn gọi là ngày lễ Vu lan. Đây không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ lớn cho những người con nước Việt, thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành dưỡng dục của mình.

Vu lan là ngày lễ của cha mẹ. Vì vậy vào những ngày này mỗi người con đều cảm nhận sự da diết trong lòng. Bởi có người may mắn thì cha mẹ còn sống, nhưng có người cha mẹ đã qua đời. Dù cha mẹ còn sống hay đã qua đời, nghiệm lại chúng ta vẫn chưa đền đáp được phần nào thâm ân dưỡng dục cao thâm, mà niềm lo nỗi nhớ mình đem đến cho cha mẹ thì chất chồng đầy vơi. Nên mỗi khi nhắc đến, lại thấy tủi thân, nhớ thương và nuối tiếc khôn nguôi.

Khi cha mẹ không còn nữa, chúng ta lớn lên và bắt đầu già đi, mới nhớ lại cảnh già nua của cha mẹ. Từng năm tháng song đường sống trong cô đơn, héo hắt, trông đợi. Chừng ấy nuối tiếc, đau xót, hối hận bao nhiêu cũng không đủ. Bởi vì tất cả đã không còn, mãi không còn, chỉ còn lại lỗi lầm và niềm ăn năn ray rứt khôn nguôi. Thế mới thấy chúng ta thật có lỗi với cha mẹ.

Lễ Vu lan mang một ý nghĩa đạo lý nhân văn sâu sắc đối với không chỉ người con Phật, mà còn đối với tất cả những người con ở khắp muôn nơi. Trong đạo Phật có một bản kinh nói về tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái, đó là kinh Vu lan bồn. Bản kinh ghi lại lời dạy của Đức Phật về cách đền ân sinh thành và phụng dưỡng khi cha mẹ còn tại thế hoặc đã qua đời.

Thông qua bản kinh, chúng ta thấy đạo Phật là đạo hiếu, hạnh Phật là hạnh hiếu. Là người con Phật, tu tập theo giáo pháp Như Lai thì việc thực hiện bổn phận làm con đối với bậc sinh thành dưỡng dục, không đơn giản chỉ là làm tròn trách nhiệm, mà còn là một pháp tu. Chúng ta phải hiểu chữ hiếu trong đạo Phật cho thật cặn kẽ, đúng theo lời dạy của Đức Từ Phụ, mới thấy hết ý nghĩa siêu việt của nó.

image_1.jpg

Tôn giả Xá Lợi Phất thuyết pháp cho mẹ - Ảnh: tư liệu PG Myanmar

Cốt tủy trong bản kinh Vu lan đều dựa trên tinh thần tâm tương ưng. Tâm thanh tịnh tác động đến tâm thanh tịnh, mới có thể cứu độ chuyển hóa cho người thân. Tôn giả Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất là hai tấm gương cứu độ mẹ cực kỳ diễm lệ và cảm động. Tôn giả Mục Kiền Liên thì dùng thần thông xuống địa ngục cứu mẹ, chuyện này chúng ta không làm được. Nhưng câu chuyện của ngài Xá Lợi Phất thì chúng ta nên học tập và noi theo. Nếu ta thực hiện không tuyệt vời như Tôn giả, thì cũng xin được một phần trăm, phần nghìn của Ngài, để thể hiện phần nào tấm lòng hiếu đạo của mình với song thân.

Tôn giả Xá Lợi Phất được xem là Đại tướng quân về phần hộ trì Chánh pháp của Đức Phật, bậc Trí tuệ đệ nhất trong hàng đệ tử, thay Phật tuyên dương giáo pháp, uy danh một cõi, thần lực một cõi. Khi sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả đã từ giã hội chúng, thầm lặng trở về quê nhà, dành những ngày cuối cùng cho mẹ.

Mẹ ngài Xá Lợi Phất theo đạo Bà-la-môn và rất tà kiến. Khi Tôn giả xuất gia theo Phật, bà không hài lòng. Cứ mỗi lần nhớ con bà thiết trai cúng dường, mời chư Tăng cùng ngài Xá Lợi Phất về thọ trai tại tư gia. Nhưng khi chư Tăng và Ngài đến là bà nói xa nói gần, những câu rất khó nghe. Sự việc cứ tiếp diễn hoài như vậy. Thương con muốn gặp, gặp rồi thì lòng uất hận nổi dậy, tạo khẩu nghiệp xấu.

Lần này, hay tin Ngài trở về nhà bất ngờ, bà vừa mừng vừa lo. Tôn giả vào căn phòng cũ ngày xưa, nhưng Ngài không nghỉ ngơi mà chỉ tọa thiền. Mỗi lúc ánh sáng từ thân Tôn giả phát ra càng chói tỏa. Ánh sáng soi thấu đến các tầng trời, chư thiên biết được mạng căn của Tôn giả Xá Lợi Phất đã sắp kết thúc nên xúc động não nề, gấp rút vân tập về đảnh lễ cúng dường.

Mẹ của Tôn giả Xá Lợi Phất kinh hãi khi thấy ánh sáng phát ra khắp nơi, bà chạy đến phòng của Ngài thì thấy Tôn giả đang nhập đại định, toàn thân rực rỡ, xung quanh chư thiên đứng hầu. Ngài dùng tâm và ánh sáng thanh tịnh đó hướng về mẹ, từ lực ấy tác động mạnh mẽ vào tâm thanh tịnh của bà khiến bà rúng động. Cảm nhận được từ lực ấy, bà bước đến gần Tôn giả và chiêm ngưỡng con bằng tất cả lòng ngưỡng mộ chân thành. Càng nhìn càng thấy sáng, càng cung kính vô cùng. Nhận thấy thời tiết nhân duyên đã tròn đầy, Tôn giả xuất định vì mẹ thuyết pháp.

Mỗi lời Ngài nói ra, bà lãnh hội một cách trọn vẹn, chuyển hóa toàn bộ những tà kiến sai lầm của bản thân, bà vô cùng ăn năn hối hận những lỗi trước. Pháp lực vô biên của Tam bảo đã tịnh hóa thân tâm và đem đến cho bà một niềm khinh an lớn lao. Ngay lúc ấy bà chứng sơ quả Tu-đà-hoàn, cũng là lúc Tôn giả Xá Lợi Phất thâu thần thị tịch, sau khi làm xong bổn phận cao đẹp nhất của người con giác ngộ. Thật cao tột và diễm lệ!

Tôn giả Xá Lợi Phất đã kịp thời độ mẹ trước khi bà rơi vào ba đường khổ. Vì thế, tất cả chúng ta đừng để chậm trễ, nếu cha mẹ chưa biết Phật pháp thì phải giúp cha mẹ hiểu biết Phật pháp. Nếu cha mẹ chưa biết kính tin Tam bảo thì phải giúp cha mẹ quy kính Tam bảo. Phải làm kịp thời, đừng để đến khi cha mẹ mất rồi chúng ta đi khắp nơi cúng bái, cầu nguyện. Kết quả chắc không được bao nhiêu, vì mình đâu phải là ngài Mục Kiền Liên.

Toàn bộ cuộc đời của Tôn giả Xá Lợi Phất không bỏ sót một hạnh nguyện nào. Vị Đệ nhất thượng thủ Thánh đệ tử của Đức Phật xứng đáng cho đời đời thế hệ Tăng lữ noi theo, độ tận chúng sanh mới vào Niết-bàn, trong đó nhất định có cha và mẹ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.