(Bài giảng tại trường hạ chùa Kim Cang, tỉnh Long An, ngày 8-6-2013)
GN - Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm nay bước vào đầu nhiệm kỳ VII và chúng ta có bổ sung những điều mới trong Hiến chương. Riêng ngành hoằng pháp cũng được bổ sung những điều thích hợp với hoàn cảnh mới. Tôi gọi đó là ý tưởng đổi mới của Phật giáo và xã hội cũng có sự đổi mới.
Tuy nhiên, theo tôi, ý tưởng mới không phải ngày nay mới có, mà Đức Phật cũng từng tuyên bố điều này hàng ngàn năm trước.
Tranh Phật giáo: Đức Phật thuyết pháp
Đức Phật dạy rằng những gì Như Lai nói như nắm lá trong tay, những điều mà Ngài chưa nói như lá trong rừng. Lá trong rừng thì xanh tươi đầy sức sống và thay đổi theo bốn mùa. Cuộc đời cũng vậy, luôn thay đổi, nên đòi hỏi tu sĩ phải luôn phát huy trí tuệ để có cái nhìn sáng suốt thích hợp với sự đổi thay của xã hội và hướng dẫn quần chúng sống nhịp nhàng với sự đổi thay; đó là điều quan trọng mà đệ tử Phật phải nhận biết, thấy đúng cái thực trong cuộc sống. Thật vậy, cuộc đời luôn thay đổi, lịch sử đã sang trang mà chúng ta cố chấp việc đã qua thì chẳng những không được ích lợi, còn làm chúng ta đau khổ. Phải thấy rõ việc xảy ra và điều hòa cho thích hợp để lợi ích cho ta và người.
Đức Phật nói rằng đệ tử Gotama luôn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Điều này chư Tăng cần suy nghĩ sâu xa để thấy ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tại sao không nói đệ tử Phật mà nói đệ tử Gotama. Gotama là Cồ Đàm. Khi Phật xuất gia làm Sa-môn gọi là Sa-môn Gotama, không gọi Sa-môn Phật. Đó là lời nói khiêm tốn của Đức Phật và nhờ đức khiêm tốn mà hình thành đức tướng của Phật, nên Phật tiêu biểu cho người đức hạnh.
Vì vậy, chúng ta học Phật phải nghĩ đến khiêm tốn và đức hạnh. Người khiêm tốn mới là người đức hạnh và mới có khả năng cảm hóa người. Thật vậy, Đức Phật Thích Ca muốn điều Diệu Âm Bồ-tát đến Ta-bà, Ngài phải phóng hào quang từ vô kiến đảnh tướng cộng với luồng hào quang từ bạch hào tướng chiếu thẳng đến Bồ-tát Diệu Âm khiến Diệu Âm phải đến Ta-bà dù thế giới này rất khổ. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ mà theo tôi đó là chân lý. Muốn mời người nào tới, điều chắc chắn là họ phải xem tư cách của người mời để quyết định có nên tới hay không. Bồ-tát Diệu Âm khó tánh, không phải ai mời ngài cũng được, nhưng Đức Thích Ca mời thì ngài phải đi. Tại sao ngài phải đi.
Đức Phật phóng hào quang từ bạch hào tướng là tướng của trí tuệ. Khi người mời chúng ta là người bạn tri thức, là người có trí tuệ, họ cần sự hỗ trợ của ta thì tại sao ta không giúp. Người được mời nhận thấy việc quan trọng nên đi. Thí dụ tỉnh Long An mở khóa bồi dưỡng trụ trì, Hòa thượng Minh Thiện đích thân thỉnh tôi và Hòa thượng Tắc Ngộ cũng lên thỉnh tôi. Mặc dù tôi rất mệt, vì ngày hôm qua tôi đã giảng ở trường hạ tỉnh Bình Dương và bố-tát ở hai trường hạ chùa Phổ Quang và Ấn Quang. Nhưng với sự thành khẩn của hai vị lãnh đạo tỉnh nhà và tôi cũng nhớ lại trước kia khóa huấn luyện trụ trì đầu tiên của tỉnh Long An đã được tổ chức ở giảng đường ọp ẹp, nhưng nay Hòa thượng Tắc Ngộ đã xây dựng được giảng đường khang trang, có chư Tăng Ni quy tụ về đây đến cả ngàn người.
Có thể khẳng định rằng thầy tu làm việc thành công là nhờ có đức hạnh khiến người thương ta, nghĩ đến ta và đến với ta. Tỳ-kheo không đức hạnh không phải đệ tử của Gotama. Thực tế cho thấy có nhiều chùa không có thầy trụ trì, nhưng lại có nhiều thầy không có chỗ ở. Điều này chúng ta nên cân nhắc. Người có đức hạnh thì ở đâu cũng cần họ. Đệ tử Gotama đầu tiên phải trau dồi đức hạnh, trong đó tánh khiêm cung là lớn nhất. Có một câu nói rất hay: “Khiêm tốn cả đời cũng chưa đủ. Một câu tự mãn cũng quá thừa”.
Đạo đức của người tu, đạo đức của cách mạng tôi coi là một, một này là đức khiêm tốn, tức tự coi mình thấp nhất. Điển hình như Đức Phật trước khi xuất gia, Ngài là thái tử cao sang, nhưng Ngài đã từ bỏ ngôi vị đứng đầu thiên hạ để làm Sa-môn khất thực, tức là người thấp nhất. Nơi Ngài tỏa sáng đức khiêm tốn cao tột tiêu biểu bằng vô kiến đảnh tướng trên đầu. Riêng tôi, lúc mới xuất gia cũng đi khất thực, nhưng tôi cảm thấy mắc cỡ, gặp người hiểu đạo thì tốt, nhưng gặp người xấu, họ sỉ vả mình. Trông thấy các sư ôm bình khất thực, tôi kính trọng.
Mời người hợp tác, hay điều người đến hỗ trợ, nhưng không có hạnh khiêm tốn, chắc chắn họ sẽ không đến. Ngoài việc học tập đức khiêm tốn của Phật, còn đòi hỏi người tu phải phát huy trí tuệ là trí tướng. Người có trí tuệ biết việc nên làm hay không nên làm; vì vậy, làm chung với họ, ta dễ thành công. Đối với người tốt, nhưng thiếu trí tuệ và liều mạng, chúng ta phải cẩn thận, vì làm với họ dễ bị vạ lây những điều không hay.
Phật dạy đệ tử phải thường niệm Phật. Niệm Phật không phải là niệm liên tục Nam-mô A Di Đà Phật. Niệm Phật suốt đời mà không được gì thì nên xét lại. Phải hiểu nghĩa niệm Phật. Niệm Phật là niệm trí tuệ, mỗi ngày phải phát huy trí tuệ. Xưa kia, La Hầu La cầm nắm cát tung lên và nguyện trí tuệ của ngài nhiều như cát. Trong xã hội có rất nhiều việc mà ta chưa biết thì làm sao ta làm được, trong vũ trụ bao la có vô số việc ta cũng không biết thì làm cách nào vào vũ trụ được. Vì vậy, chúng ta phải học mãi học hoài cho đến khi thành Phật mới thôi.
Thể hiện ý này, kinh Hoa nghiêm dạy chúng ta hồi hướng Vô thượng Bồ-đề, nghĩa là dốc toàn lực vào việc phát triển trí tuệ đến mức cao nhất. Ý thức điều này, lúc mới vào Phật học đường, tôi luôn nhường tất cả cho bạn, nhường cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, nhưng việc học thì không bao giờ nhường. Học không bằng bạn phải ráng cho bằng, học bằng bạn thì nỗ lực vượt hơn bạn.
Niệm Phật không có nghĩa là niệm tên Phật, vì chúng ta biết Phật là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, tức Ngài không còn lỗi lầm vì có trí tuệ vẹn toàn, nên làm việc đáng làm, tránh việc không đáng làm. Phật có trí tuệ sáng suốt và dùng trí tuệ chỉ dạy các Tỳ-kheo. Vì thế, các thầy Tỳ-kheo theo Phật đều yên tâm, vì trong thiền định, Phật đã thấy rõ mối nhân duyên giữa Ngài và họ, chỉ dạy họ những gì cần để thăng hoa trí tuệ và đức hạnh.
Phật dạy rằng trí tuệ là sự nghiệp của người tu, là vị thầy chỉ đường cho ta. Với trí tuệ của bậc Toàn giác, Như Lai khác người ở thân khẩu ý tùy trí tuệ hành. Vì vậy, lời nói, suy nghĩ và việc làm của Phật đều phát xuất từ trí tuệ. Còn chúng ta thì ba nghiệp thân khẩu ý tùy nghiệp dẫn. Biết như vậy, đệ tử Gotama phải do trí tuệ chỉ đạo, không làm theo vọng nghiệp của mình. Vì khi ta khởi lên tham vọng, nhưng việc không theo ý muốn thì ta buồn khổ là phiền não phát sanh. Phải dùng gươm trí tuệ chặt đứt dây phiền não.
Niệm Phật là niệm trí tuệ, vì còn những điều mà Phật chưa nói ví như lá trong rừng tỏa sức sống. Bước theo lộ trình Phật đạo, phải hòa nhịp với sự sống, nếu sống mà không hòa nhịp với xã hội, ta là người chết, nhưng Tỳ-kheo không phải là người chết, chẳng những sống mà Tỳ-kheo còn sống lợi ích cho đời.
Để có thể sống thích nghi với sự chuyển biến của xã hội, ngài Nhật Liên dạy chúng ta áp dụng “Giáo, cơ, thời, quốc”. Nghĩa là khi Phật Niết-bàn, Ngài để lại cho ta kho tàng giáo lý là tủ thuốc gia truyền. Nếu không có trí tuệ thì lấy đại thuốc uống vào sẽ bị phạm thuốc chết. Người có trí tuệ biết lựa chọn thuốc thích hợp với bệnh để sử dụng; nói cách khác, xem trong giáo lý của Phật, điều nào Phật nói cho thời kỳ nào và ở thời đại của chúng ta có còn thích hợp hay không. Vì Đức Phật cách chúng ta đến 2.600 năm. Năm trăm năm đầu là thời Chánh pháp, Phật nói cho người đương thời, kéo dài đến sau Phật nhập diệt vào đầu Tây lịch. Vào thời Chánh pháp, các thầy có thể sinh hoạt giống y theo pháp Phật. Nhưng qua thời tượng pháp, các thầy phải điều chỉnh những gì không thích hợp để Phật giáo có thể tồn tại.
Phật tại thế, Ngài thông suốt cốt lõi của tư tưởng triết học Ấn Độ thời bấy giờ là Tứ Vệ Đà và Ngài cũng biết rõ cách hành trì của lục sư ngoại đạo, họ được gì và thất bại điều gì. Có thể nói bấy giờ lời Phật dạy tổng hợp được văn minh Ấn Độ. Nhưng sau khi Phật Niết-bàn, đến đầu Tây lịch, văn minh từ Trung Đông cộng với văn minh Hy Lạp và Ai Cập đã phát triển cực mạnh với sự xuất hiện của toán học và hình học. Và ba nền văn minh này đã truyền sang Ấn Độ vào thời kỳ Phật giáo Đại thừa, đó là sự phát triển của bước mới. Ở giai đoạn trước, Tỳ-kheo chỉ khất thực, không được buôn bán, không được tích trữ tài sản, không được sản xuất. Nếu Tỳ-kheo làm ba việc này là phạm luật, không còn là Tỳ-kheo.
Tăng Ni, Phật tử GHPGVN tiếp nối con đường hoằng pháp của Như Lai, tùy cơ, thời, quốc - Ảnh minh họa
Đến thời kỳ Phật giáo phát triển đề cao Bồ-tát hạnh, làm lợi ích cho nhiều người là việc chính yếu. Như vậy, năm trăm năm đầu, tu hành là chính. Năm trăm năm kế tiếp, làm lợi ích cho người là chính. Vì vậy, vào thời đó, người tu làm lợi ích cho người thì được kính trọng. Vì quan niệm của xã hội như thế mà tu sĩ chỉ khất thực, không làm gì lợi ích cho người, họ đã đánh giá người tu ăn bám, đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến Phật giáo Ấn Độ bị suy đồi. Có thể hiểu rằng ở thời kỳ phát triển, nhưng nếu chấp chặt vào cái cũ, tất nhiên bị lỗi thời. Tuy nhiên, giáo pháp cũng cần phải áp dụng đúng thời mới đạt hiệu quả, cũng như thuốc phải ứng với bệnh mới chữa lành bệnh. Muốn như vậy, phải biết bắt mạch, chẩn đoán bệnh đúng. Chẩn đoán đúng là biết thời đó, chúng ta phải làm gì.
Phật giáo Lý Trần áp dụng đúng thời thể hiện qua hình ảnh nhà sư vừa là tu sĩ vừa là chiến sĩ để bảo vệ đất nước thoát khỏi sự thôn tính của ngoại xâm. Nếu thời Lý Trần, Phật giáo mang tư tưởng tiêu cực, hoặc chỉ khất thực, chắc chắn không thể tồn tại.
Ngoài ra, điều quan trọng là pháp Phật phải ra đời đúng lúc mới có kết quả tốt đẹp, ngày nay gọi là nắm bắt thời cơ, tức là làm đúng yêu cầu của xã hội. Người ta thường nói là cơ Trời, nhưng “Trời” này chính yếu là lòng người. Người muốn là Trời muốn. Người muốn gì, ta đáp ứng được thì thành công. Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Quốc, thiền sư thể hiện tinh thần này, đưa ra phương châm của Tăng sĩ là “Nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực”. Nhà sư phải sản xuất để tự nuôi sống bản thân, mà còn sản xuất dư mới giúp người được. Người nghèo đói, khổ sở phải nhờ chùa cho ăn. Ngày nay, chúng ta làm từ thiện cũng thể hiện tinh thần này. Người không tự đứng dậy được, ta cưu mang họ, cho họ sự sống an lành, nói lên tinh thần từ bi của đạo Phật.
Năm 1975 đất nước vừa thống nhất. Lúc bấy giờ, tất cả việc khó khổ đã xảy ra, trong đó chắc chắn có tình trạng nghèo đói. Vì trong thời kỳ kháng chiến trước 1975, phía Nam nhận viện trợ của các nước tư bản, phía Bắc nhận viện trợ từ các nước Đông Âu. Nhưng khi thống nhất đất nước, hai nguồn viện trợ này bị cắt. Vì vậy, đối trước tình trạng đói khổ thì cần phải tăng gia sản xuất, làm sao có lương thực để giải quyết nạn đói cho dân. Tôi về nước trong giai đoạn này và tôi đã biên soạn Bổn môn Pháp hoa kinh. Từ bộ kinh Pháp hoa 28 phẩm phải tụng từ sáng đến chiều mới xong, tôi thấy không thích hợp với thời này. Để đáp ứng nhu cầu tu học bấy giờ, tôi rút gọn yếu nghĩa của bộ kinh Pháp hoa 28 phẩm cho dễ thuộc, dễ đọc, dễ hiểu làm kinh nhựt tụng để các Phật tử có thể đem theo Bổn môn Pháp hoa kinh đi lao động, vừa lo làm để sống và còn có dư để giúp người mà cũng có đủ thì giờ tụng kinh, hướng tâm về Phật và thực tập những điều cốt tủy mà Phật dạy trong bộ kinh tối thượng.
Vào thời kỳ đó, tôi đã dẫn chúng Tăng ở tổ đình Huê Nghiêm xuống chùa Huê Nghiêm 2 để làm ruộng. Có người nói rằng tôi học tốt nghiệp bằng cấp tiến sĩ, nhưng bây giờ phải đi cuốc ruộng, việc học coi như bỏ đi. Tôi nhớ lời Phật dạy ngài A Nan. Khi A Nan thấy Phật xỏ kim cho bà già bên vệ đường, mới bạch với Phật rằng Ngài là bậc chí tôn thì cần chi phải làm việc nhỏ nhặt này. Đức Phật đã trả lời rằng ở nơi đây vào thời điểm này, nếu không làm việc thiện này thì có việc tốt nào để làm.
Tôi lấy ý Phật dạy như vậy làm phương châm hoằng pháp cho mình. Thật vậy, ở vào hoàn cảnh đất nước mình vừa chấm dứt chiến tranh, nếu ta không lao động sản xuất thì khó được chấp nhận. Học cao cũng phải chờ đến thời kỳ này, tôi mới làm Viện trưởng Học viện Phật giáo. Hành đạo “Ứng thời” mới bảo toàn được giới thân huệ mạng của người tu, đó là điều quan trọng mà Tăng Ni cần phải thể nghiệm trên bước đường tu.
Ngoài ba điểm “Giáo, Cơ, Thời”, “Xứ” cũng là điều quan trọng không kém. “Xứ Long An” tuy gần thành phố, nhưng là tỉnh mà đa phần còn làm nông nghiệp, nên phải tu theo kiểu nông nghiệp. Vì vậy, các thầy hành đạo ở tỉnh này phải vào vùng sâu bắc cầu cho dân, hoặc xây nhà tình thương, cấp học bổng cho học sinh nghèo của tỉnh nhà. Ở thành phố muốn làm những việc này thì phải về Bến Tre, hay các tỉnh còn khó khăn. Mỗi nơi có việc làm khác nhau. Trong mùa Phật đản, tôi đi với Ban Từ thiện phát gạo cho đồng bào dân tộc. Nếu không cho gạo thì họ khó gần gũi chúng ta. Lên Kon Tum phải đem gạo tiền giúp đỡ. Ở thành phố Hồ Chí Minh không quan trọng việc này. Xuống Mộc Hóa phải cày cuốc, sống sang trọng thì không ai chấp nhận. Tùy chỗ, tùy lúc mà chúng ta làm những việc thiện khác nhau.
40 năm trước, xuống quận 2, tôi cuốc ruộng và từ mảnh ruộng này, tôi tạo dựng ngôi chùa Huê Nghiêm khang trang, tất nhiên việc làm đạo ngày nay phải khác. Thực tế cho thấy các vị Tổ sư từ miền Trung vào Nam, các ngài đi khai phá những vùng đất hoang với dân chúng. Người lo sợ thì các ngài cầu nguyện giúp họ an tâm, đồng thời hỗ trợ họ làm ruộng, canh tác hoa màu, chỉ dạy họ kỹ thuật để tăng sản lượng thu hoạch, thậm chí cùng lao động với họ; nói chung, chư vị Tổ sư đồng lao cộng khổ với dân chúng bản địa trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.
Hành đạo thích nghi với “Xứ hay quốc độ” rất quan trọng. Trên tinh thần này, ngày nay Hiến chương của Giáo hội chúng ta đã thay đổi cho thích hợp với trào lưu tiến hóa của xã hội. Từ năm 1975 đến 1980, chính sách tôn giáo chưa có, nên hoạt động tôn giáo của chúng ta phải khoanh lại một chỗ. Lúc đó, nếu thầy có trí tuệ thì vừa tu hành vừa sản xuất ở địa phương mình sống, làm như vậy chắc chắn được thanh thản, yên lành. Một số thầy không chấp nhận sự khoanh vùng này, đi ra ngoài, bị du kích bắt.
Tôi về Củ Chi là quê của tôi, nhưng bị đứa cháu làm du kích xã bắt, vì lúc đó đất nước mới giải phóng, bao nhiêu việc khó khăn ngổn ngang, nên an ninh vô cùng khắc nghiệt. Nhớ lại truyện Tề Thiên mắt sáng biết đang có yêu tinh rình rập Tam Tạng, nên ông bảo Tam Tạng ngồi yên trong vòng tròn của ông vẽ, ngồi yên chờ ông đem thức ăn về, vì ra ngoài vòng tròn đó là bị yêu tinh bắt. Đối với người tu, thực hiện pháp ẩn nhẫn là điều rất cần thiết. Chúng ta thấy có những vị Thánh La-hán nhưng không truyền đạo, các ngài vẫn ẩn tu, vì biết rõ thời cơ chưa đúng cũng không làm được. Đức Phật nói rằng Bồ-tát Di Lặc chưa hạ sanh thành Phật, vì chưa đúng lúc làm Phật mà ra đời thì dù là Phật cũng không độ sanh được. Cần biết rõ khi nào chúng ta ẩn tu, khi nào chúng ta làm và làm ở đâu, chỗ không làm được thì thôi.
Như Lai nhờ có trí tuệ chỉ đạo, nên suy nghĩ, lời nói và việc làm của Ngài không sai lầm, mới được tôn kính là Phật. Nếu Ngài không phát huy được trí tuệ cao tột, mà phạm sai lầm thì Ngài cũng như bao nhiêu người khác, không là Phật. Chính vì Ngài nói đúng hoàn toàn, suy nghĩ thánh thiện và việc làm mang an vui giải thoát cho mọi người, nên có tôn danh là Năng Nhơn.
Bước theo dấu chân Phật, ngày đêm chúng ta niệm Phật là niệm trí tuệ, phát huy trí tuệ cao nhất bằng cách học hiểu những tinh ba của Phật, của các bậc Hiền thánh và thể nghiệm trong cuộc sống của mình.
Niệm Pháp là niệm giáo lý. Giáo lý chúng ta phải đọc, phải hiểu và phải thực hành, nhưng pháp là nhứt thiết pháp và pháp luôn biến đổi, gần nhất là Hiến chương đã được sửa đổi ở các kỳ Đại hội trước và cũng mới tu chỉnh ở kỳ Đại hội Phật giáo toàn quốc vừa qua cho thích hợp. Đây là pháp, hay pháp chế, vì Hiến chương cũ không còn thích hợp với yêu cầu đổi mới. Các vị lớn tuổi không còn sức khỏe, nên đòi hỏi phải quy định rõ ràng làm đến bao nhiêu tuổi. Kỳ này, các vị giáo phẩm trong Hội đồng Trị sự Trung ương phải từ 80 tuổi trở xuống. Ngoài ra, một vị giữ chức vụ không được quá hai nhiệm kỳ. Giáo hội chúng ta cần người trẻ năng động thích hợp với xã hội đi lên, gọi là trẻ hóa lãnh đạo. Điều này cũng như vậy đối với các vị lãnh đạo ngoài đời, thí dụ Tổng thống Mỹ, hay Nga cũng chỉ làm được hai nhiệm kỳ.
Chúng ta thay đổi cho thích hợp với xã hội đang sống. Hiến chương của Giáo hội chúng ta đang cần thay đổi. Các thầy nên suy nghĩ, thấy những điều không thích hợp với tỉnh nhà phải đưa ra đề nghị sửa đổi, vì đây là sự sống của Giáo hội, sự sống của Tăng Ni, Phật tử. Thiết nghĩ xã hội thay đổi, luật pháp đã thay đổi theo và giáo chế của chúng ta cũng phải thay đổi là điều tất yếu. Lúc nào chúng ta cũng phải cập nhật hóa cương yếu chỉ đạo mọi sinh hoạt để đạo pháp được tồn tại bền vững và phát triển làm lợi lạc cho chúng hữu tình trên thế gian này; nếu không, đạo Phật sẽ chìm vào quên lãng đồng nghĩa với việc chúng ta cô phụ công ơn giáo dưỡng của Đức Thế Tôn.