Cuộc đời và công việc của Ni sư, đặc biệt là những hoạt động đối với các tù nhân của sư, đã được giới thiệu trong bộ phim tài liệu mang tên Chasing Buddha . Dưới đây là những lời khuyên của Ni sư trong việc chuyển hóa tâm thức.
Không có thói quen nào là không thể thay đổi. Tâm thức của chúng ta không phải bất biến. Cũng như Lama Yeshe đã chia sẻ, để chuyển hóa những điều tiêu cực, thì chúng ta phải kiến tạo những điều tích cực trong tâm trí của mình. Nếu ăn phải chất độc và bạn biết được hệ luỵ của việc này là gì, thì bước đầu tiên là bạn phải chấp nhận chuyện này và nghĩ ngay đến giải pháp, “tôi có thể làm gì lúc này?”. Đó là thái độ cần có trong hành trình chuyển hóa tâm thức. Điều quan trọng là chúng ta phải nỗ lực để loại bỏ vô minh và phát triển lòng từ bi của chính mình như cách mà chúng ta mở ra những con đường mới trên mặt đất bao la vậy.
Tuy nhiên, chúng ta lại quá nghiện cảm giác tội lỗi, chẳng hạn như khi gây lộn với chị gái, chúng ta lại cảm thấy bứt rứt và tội lỗi trong một thời gian dài: “Tôi là người xấu”. Nhưng điều này thật vô ích. Chính sự tức giận đó đã chống lại sự tu tập và quá trình chuyển hóa của chúng ta. Theo bản năng, chúng ta sẽ tự trừng phạt, dằn vặt và chối bỏ chính mình theo bản năng.
Cũng giống như nếu ăn phải thuốc độc, thì bạn sẽ ngày càng ốm yếu và sức khỏe sẽ xấu đi nếu cứ tự trách móc mình rằng: “Ồ, mình thật là tồi tệ, mình đã ăn phải thuốc độc”. Như vậy thực sự rất dại dột, chúng ta thích đắm chìm trong cảm giác tội lỗi hơn là tìm cách nào đó để giải quyết vấn đề.
Vì vậy, bước đầu tiên của hành trình chuyển hóa là thừa nhận sự tồn tại của các chất độc trong tâm trí mình: tham lam, sân giận và si mê. Chấp nhận một cách lành mạnh và đầy tinh thần trách nhiệm rằng: “Đúng, tôi đã tức giận”. Đây là bước đầu tiên và cũng là cánh cửa mở ra hành trình chuyển hóa tâm thức của mỗi người. Lama Zopa Rinpoche đã khẳng định rằng chúng ta nên nhìn nhận lại bản thân để kiểm soát từng ý niệm khởi lên trong tâm thức mỗi ngày.
Sau đó, giống như khi ăn phải thuốc độc, chúng ta không muốn phải bị tổn hại trong tương lai. Tuy nhiên, mọi thứ chúng ta nghĩ, hành động hay nói năng đều đã được lập trình sẵn kết quả cho chúng ta; đó là quy luật tự nhiên của nghiệp báo, vậy thì chúng ta nên làm gì? Không phải là chìm đắm vào cảm giác tội lỗi mà là trách nhiệm giải trình. Bỏi vì chúng ta là chủ nhân của nghiệp, nhưng cũng là kẻ thừa tự của nghiệp, phàm chúng ta tạo ra nghiệp thiện hay ác thì cũng chính chúng ta thọ lãnh nghiệp ấy. Vì vậy, ở đây không có trừng phạt hay khen thưởng đối với những nghiệp thiện hay ác của mỗi người.
Quay lại ví dụ về chất độc, chúng đang làm hại bạn. Điểm mấu chốt trong quá trình thực hành về nghiệp là bạn đang làm hại chính mình thông qua những nghiệp bất thiện của bản thân. Vì vậy, nếu có hối tiếc đi nữa thì đó cũng là sự yêu thương đối với bản thân chứ không vì ai khác.
Khi suy nghĩ như vậy, bạn sẽ có thể hối hận vì những nghiệp cũ khác, ở kiếp này hay kiếp trước. Dĩ nhiên, có vô số những điều khác nữa mà chúng ta không nhớ được, nhưng tất cả đều để lại dấu ấn và tạo nên khuynh hướng tâm của chúng ta ở hiện tại hoặc tương lai; trong đó, có cả những điều mà chúng ta không hề muốn.
Nếu chúng ta đã trải qua vô số kiếp thì cũng có vô số nghiệp chúng ta đã làm vì sự vô minh, sân giận và những loại phiền não khác. Đó là sự thật. Và chúng ta hãy tự nhủ với bản thân mình rằng: “Bất kỳ nghiệp gì tôi đã làm tổn hại đến chúng sinh thông qua thân, khẩu, ý từ vô thỉ kiếp, tôi cảm thấy rất hối hận về chúng, và tôi không muốn đau khổ trong tương lai”. Đặc biệt, ở những kiếp tái sinh trong loài súc sanh, đó có lẽ là sự đau khổ nặng nề nhất, vì cõi này bị chi phối mạnh mẽ bởi vô minh và sợ hãi, tham, sân và cả hung hăng, tàn bạo, nên chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau hoặc bị ăn thịt bởi những loài khác. Có quá nhiều đau khổ và tổn thương trong kiếp súc sinh.
Hãy tự nguyện với bản thân rằng: “Trong suốt những kiếp tái sinh làm súc sinh, mọi hành động mà tôi đã từng thực hiện để gây tổn hại đến chúng sinh, tôi đều cảm thấy hối hận từ tận sâu thẳm đáy lòng. Tôi không muốn những hạt giống nghiệp đó chín muồi và hiện hành thành những nỗi đau khổ của mình. Tôi đã chán ngấy khổ đau rồi”. Đó là điểm then chốt về sự hối tiếc, xuất phát từ sự thương xót bản thân mình.
Bước tiếp theo là tìm đến những người mà mình tin tưởng. “Tôi có thể tìm đến ai? Bác sĩ đâu?”. Vâng, Đức Phật chính là bác sĩ của chúng ta, Ngài là bậc Đại y vương tùy bệnh của chúng sinh mà cho thuốc.
Bước thứ hai là phát triển lòng bi mẫn đối với những người đã bị bạn làm tổn thương. Hãy hướng tâm đến người bạn cũ, người hàng xóm, con chó, con mèo... và rải tâm bi mẫn đến họ. Họ chắc chắn cũng không muốn đau khổ, và bạn cũng muốn giác ngộ để không còn làm tổn hại đến bất kỳ ai nữa. Thực tập mở rộng tâm bi mẫn là vì lợi ích của mọi chúng sinh.
Nếu can đảm hơn nữa, bạn có thể thực hành từ bi đối với những người đã làm hại mình. Tại sao bạn lại làm như vậy? Bởi vì họ cũng sẽ phải gánh chịu những khổ đau khủng khiếp trong hiện tại hoặc tương lai vì đã làm hại bạn, nghĩ như vậy để bạn có thể phát khởi tình thương với những đối tượng này. Cũng giống như Geshe Sopa đã nói: “Các vị Bồ-tát cũng cần có những kẻ thù của mình. Đó là những đối tượng tốt nhất của lòng bi mẫn”. Tuy nhiên, nếu bạn chưa thể sẵn sàng tha thứ cho những người đã làm hại bạn, thì đừng thực tập điều đó, mà hãy bắt đầu với tình thương dành cho những người đã bị bạn làm tổn thương.
Bước thứ ba là giải pháp. Bạn phải uống thuốc giải độc. Hãy quán tưởng đến Vajrasattva, cam lồ, tịnh hóa, thần chú và thực hiện những phương pháp mà Đức Phật và các bậc thầy đã chỉ dẫn. Theo cách này, bất kỳ phương pháp nào mà chúng ta áp dụng cũng sẽ mang lại lợi lạc và hiệu quả.
Và thứ tư là sự quyết tâm. Pabongka Rinpoche cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất. Bạn phải quyết tâm thay đổi, quyết tâm thực hiện những lời nguyện của chính mình…. Đừng tự lừa dối bản thân nữa, hãy cho mình một khoảng thời gian: Tôi sẽ không tức giận dù chỉ một ngày. Và sau đó, bạn hãy giữ lời hứa đó trong tâm khảm.
Giác ngộ và chuyển hóa là hành trình của tâm thức. Bạn đừng nghĩ nó là tôn giáo. Bạn có giác ngộ được hay không đều dựa vào hành trình chuyển hóa gồm bốn bước này: Hối hận, tin tưởng, phương pháp và sự quyết tâm.