Thành công & hạnh phúc đến từ đâu?

"Leo núi cho một bài tập trận quân sự khiến chúng ta cảm thấy đau đớn và khó chịu, trong khi cũng công việc đó nhưng chúng ta lại thích thú và háo hức khi giải trí. Bạn thấy đó, thái độ sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc đời của chúng ta"
"Leo núi cho một bài tập trận quân sự khiến chúng ta cảm thấy đau đớn và khó chịu, trong khi cũng công việc đó nhưng chúng ta lại thích thú và háo hức khi giải trí. Bạn thấy đó, thái độ sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc đời của chúng ta"
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chiếc chìa khóa hạnh phúc và thành công nên được đặt trong tay của chính người đó để mở những cánh cửa quan trọng của cuộc đời mình. Pomnyun Sunim, một vị thiền sư nổi tiếng của Hàn Quốc, đã chia sẻ một số quan điểm về thành công và hạnh phúc trong cuộc sống quá nhanh chóng và mang đầy sự so sánh như hiện nay.

Một đứa trẻ có thể nghĩ rằng “mình sẽ hạnh phúc lắm khi mình trưởng thành”. Trước khi vào đại học, một học sinh lại nghĩ rằng “tôi sẽ hạnh phúc khi vào đại học”. Sau đó, khi đã là một sinh viên đại học, họ lại nghĩ “tôi sẽ hạnh phúc khi tôi tốt nghiệp đại học… khi tôi kết hôn… khi tôi có một đứa con”. Chúng ta thường chịu đựng những khó khăn của ngày hôm nay với hy vọng hạnh phúc sẽ tới vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Tuy nhiên, khi già đi, thời gian trên đời này đã không còn nhiều nữa, chúng ta mới nhận ra rằng sống theo cách này thật sự rất không ổn. Có người đã đến hỏi tôi rằng: “Một cuộc sống thành công và hạnh phúc là gì?”. Bởi nếu xét trong lãnh vực nghề nghiệp của anh ấy, thì anh được xem là người thành công, nhưng anh cảm thấy không chắc liệu cuộc sống của mình có thực sự thành công hay không?

Trước tiên, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi: Thành công là gì? Thành công có thể được định nghĩa một cách phổ biến là khi ai đó đạt được mục tiêu của họ. Nhiều người tin rằng kiếm được nhiều tiền là thành công, đạt được địa vị, quyền uy hay danh thơm tiếng tốt. Tuy nhiên, mọi thứ đều là tương đối. Một người có 100.000 đô-la thì được xem là giàu có trong số những người chỉ có 10.000 đô, nhưng anh ta lại là người nghèo khi đi cùng với những người triệu phú. “Giàu” hay “nghèo” cũng chỉ tùy thuộc vào đối tượng mà chúng ta so sánh.

Những loại thành công thế tục này không thể tồn tại lâu dài. Bởi vì mọi người đều muốn thành công, ngay cả những người thất bại cũng sẽ tiếp tục cố gắng để thành công; vì vậy, có vẻ như mọi người đang chơi một trò bập bênh. Đi lên và đi xuống, thành công và thất bại không ngừng nghỉ. Thành công không bền vững như vậy thì có thể được xem là thành công thực sự hay không?

Hãy nói một chút về tiền bạc. Mọi người nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc khi họ tiết kiệm đủ số tiền mà họ mong muốn. Những người không có tiền lại nghĩ rằng những người có tiền không phải lo lắng bất cứ chuyện gì. Như vậy có đúng không? Ngược lại, người giàu có thể lo lắng nhiều hơn người nghèo. Ví dụ, họ không những bị đè nặng bởi nỗi lo kiếm tiền mà còn phải tính đến việc bảo vệ sự giàu có đó của mình. Có một câu nói như vầy: “Một người có đến 99 đám ruộng lại yêu cầu người có 1 đám ruộng giao đất cho mình cho đủ con số 100”. Điều này có nghĩa là người giàu, thay vì hài lòng với những gì anh ta có, thì lại tham muốn tích lũy thêm của cải về phía mình.

Về mặt thành công trong xã hội, đôi khi có sự khác biệt rất lớn khi chúng ta đánh giá người khác và xét nét về chính bản thân mình. Ví dụ, một người có thể được những người xung quanh xem là thành công, nhưng tự bản thân họ lại không cảm thấy mình là kẻ thất bại. Có lẽ đó cũng chính là lý do tại sao nhiều người cao tuổi lại cảm thấy hối hận về cuộc sống và muốn sửa chữa nếu có cơ hội để trẻ lại.

Vậy thì một cuộc sống thực sự thành công và hạnh phúc là như thế nào? Đó là khi bạn hài lòng với cuộc sống của mình, bất kể quan điểm của xã hội về thành công hay hạnh phúc là như thế nào. Nói chung, những người kiếm được nhiều tiền và sống ở một căn hộ lớn trong thành phố thì được xem là thành công. Tuy nhiên, những người đang điều hành một trang trại ở nông thôn cũng đang có cuộc sống thành công của họ, bởi họ cảm thấy hạnh phúc, “Tôi rất vui khi có thể hít thở không khí trong lành, uống nước sạch, ăn sản phẩm hữu cơ và tận hưởng sự tự do trong công việc của mình”.

Thiền sư Pomnyun Sunim

Thiền sư Pomnyun Sunim

Bạn đang có một cuộc sống tốt đẹp, thành công và hạnh phúc ngay khi bạn biết hài lòng với hiện tại của mình, chứ chẳng cần trì hoãn hạnh phúc cho đến ngày mai. Bạn có thể hạnh phúc khi bạn nhận ra: “Bạn đâu cần phải ăn năm hoặc sáu bữa một ngày, cũng không cần phải mặc hàng chục bộ quần áo một lần hay lái nhiều chiếc ô-tô cùng một lúc. Sống từ tốn và không phải lo lắng vốn đã là điều thành công và hạnh phúc nhất”.

Chúng ta không cần phải quá quan trọng về công việc hiện tại mà bạn đang làm. Nếu có điều gì đó mà bạn muốn thì hãy thực hiện nó. Đó có thể là phần thưởng cho các kỹ thuật canh tác mới, hay điều hành một cửa hàng nhỏ hoặc làm việc nào đó cho cộng đồng quốc tế.

Hãy làm những gì mà bạn cảm thấy thú vị, mặc dù điều đó có thể rất khó khăn và thách thức. Leo núi cho một cuộc tập trận quân sự cũng tốn sức như leo núi để giải trí. Nhưng leo núi cho một bài tập trận quân sự lại khiến chúng ta cảm thấy đau đớn và khó chịu, trong khi cũng công việc đó nhưng chúng ta lại thích thú và háo hức khi giải trí. Bạn thấy đó, thái độ sẽ quyết định hạnh phúc hay khổ đau trong cuộc đời của chúng ta. Bản thân tôi đôi khi cũng thấy mệt mỏi khi phải đi khắp đất nước và vòng quanh thế giới để chia sẻ, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì có thể truyền bá được những lời dạy của Đức Phật đến cho rất nhiều người. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Có lần vì trễ giờ cho buổi thuyết pháp trễ, nên tôi đã phải bắt một chiếc taxi để đến đó. Tôi nhận ra rằng tài xế này đang lái xe rất nhanh. Tò mò, không hiểu tại sao người này lại tức giận và nóng nảy như vậy, tôi đã hỏi anh ta rằng: “Anh đang gặp chuyện gì à?”. Anh ta thở dài và trả lời: “Vợ tôi đã bỏ tôi và đứa con trai bảy tuổi lại cho tôi”. Sau đó, tôi hỏi anh ta rằng: “Anh kiếm được bao nhiêu đô-la một giờ?”. Anh ta đáp: “Khoảng 8 đô-la”. Tôi bảo rằng tôi sẽ trả cho anh ấy 40 đô-la trong năm giờ đồng hồ tới của anh ta.

Khi bước ra khỏi chiếc xe taxi trước ngôi chùa mà tôi sẽ thuyết giảng, tôi đã đưa cho anh 40 đô và bảo anh, đỗ xe taxi và vào bên trong để nghe bài pháp của tôi. Bởi khi người lái xe mất bình tĩnh và hung hăng quá độ, anh ta có thể gây ra một tai nạn khủng khiếp, không những khiến cho anh ta mà người khác bị thương vong.

Ngoài ra, sự tức giận đang sục sôi trong tâm cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến con trai của anh ấy. Vì vậy, tôi muốn cho anh ấy một cơ hội để bình tĩnh và suy ngẫm về tình trạng hiện tại của mình. Tôi muốn để anh ấy có thời gian để suy nghĩ về những lợi ích và điều kiện hiện có để anh ấy vẫn có thể tìm thấy niềm hạnh phúc tự thân mặc dù không có người vợ ở bên. Khi đó, người vợ có thể sẽ quay trở về và rủi ro tai nạn xe sẽ giảm, cứu sống được cả anh và những người khác.

Nhưng nếu như ngay lập tức mời anh tham dự một buổi thính pháp, thì chắc chắn anh ta sẽ từ chối. Nhưng vì trước đó tôi đã trả tiền cho anh, nên anh ấy không còn lựa chọn nào khác nữa ngoài việc phải tham dự buổi thuyết pháp của tôi. Giờ này nghĩ lại, phải nói rằng tôi rất vui vì nhiều người đến nghe tôi giảng pháp mà tôi không cần phải trả tiền cho họ.

Không đạt được mục tiêu của mình thì không nhất thiết là sẽ dẫn đến bất hạnh. Nếu bạn cố hết sức và không bị ám ảnh về kết quả của công việc, thì chính quá trình thực hiện sẽ là điều khiến bạn hạnh phúc. Tuy nhiên, khi bạn quá để tâm vào những đánh giá của người khác để đo lường về thành công của mình, thì cuộc sống của bạn có vẻ như vô nghĩa khi bạn không được họ xem là “thành công”.

Ngày nay, hầu hết có xu hướng tự phụ và lãng phí cuộc sống của họ để theo đuổi những ham muốn vô ích. Họ tự hành hạ mình bằng cách liên tục so sánh bản thân với người khác. Trong hoàn cảnh đó, một số người quyết định sống một cuộc đời hời hợt, và tin rằng họ “bất tài”, trong khi một số khác thì cảm thấy đau khổ và phẫn uất đối với những người khác. Họ liên tục đổ lỗi cho người khác thay vì nhìn vào bên trong và tự hài lòng với chính mình. Bởi họ cười hay khóc đều phụ thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện thay đổi của môi trường xung quanh, cuộc sống của những người như vậy sẽ tiếp tục không ổn định như trước.

Do đó, mỗi người phải tự nhắc nhở mình rằng việc đạt được thành công theo hệ quy chiếu của xã hội sẽ không khiến bạn thực sự hạnh phúc. Ngược lại, bạn càng buông bỏ những kỳ vọng của mình, thì bạn sẽ càng thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.