GNO - Khi cảm thấy cô đơn, người ta có thể trở nên tự coi mình là trung tâm. Và chính điều này thậm chí còn làm chúng ta cô đơn hơn, theo một nghiên cứu gần đây.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy việc tự coi bản thân là trung tâm làm kéo dài thêm trạng thái cô đơn. “Nếu bạn càng tập trung vào bản thân mình, bạn có thể đang lao thẳng vào nguy cơ đóng khóa bản thân mình lại và tự làm cho mình bị cô lập về mặt xã hội”, theo đồng nghiên cứu John Cacioppo - chuyên gia tâm lý học, giám đốc Trung tâm Khoa học Tâm lý Xã hội & Nhận thức, Đại học Chicago.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu cũng gợi ý một chiến lược mới để “điều trị” cảm giác cô đơn, đó là: tìm cách cắt giảm bớt sự tập trung vào bản thân hay coi bản thân là trung tâm khi bạn cảm thấy cô đơn.
“Hãy xem việc tự coi bản thân là trung tâm như một phần của sự can thiệp để làm giảm đi sự cô đơn, nhận thức rõ điều này và có những điều chỉnh trong suy nghĩ có thể giúp phá vỡ được sự cô đơn” - các chuyên gia chia sẻ trên tạp chí Bản tin Tâm lý học Xã hội & Tính cách giữa tháng 6 qua.
Trong nghiên cứu này, các chuyên gia phân tích thông tin từ 230 người trưởng thành từ 50-68 tuổi đang sinh sống ở Chicago. Người tham gia trả lời các câu hỏi về cảm giác cô đơn và sự tự coi bản thân là trung tâm mỗi năm, trong khoảng thời gian từ năm 2002-2013.
Nghiên cứu phát hiện rằng, mức độ cô đơn của một người trong một năm có thể dự đoán được mức độ của sự tự coi mình là trung tâm trung tâm trong năm tiếp theo của cá nhân đó. Nói cách khác, người cảm thấy cô đơn trong năm diễn ra nghiên cứu có xu hướng trở nên tự coi mình là trung tâm nhiều hơn vào năm sau.
Kết quả này không đổi khi xem xét đến các yếu tố khác, có thể giúp giải thích mối liên hệ giữa sự cô đơn và sự tự coi mình là trung tâm.
Các phát hiện này cũng phù hợp với quan điểm của các nhà nghiên cứu về lý do tại sao người ta cảm thấy cô đơn, từ góc độ tiến hóa. Các chuyên gia giả định rằng, trong suốt nền văn minh của con người - sự cô đơn, hay không có sự tương trợ và bảo vệ của người khác có thể nguy hại cho một cá nhân. Những người cô đơn trở nên tập trung vào những sở thích của chính mình và điều này sẽ làm tăng cơ hội sống còn cho họ, theo giả thiết của các chuyên gia.
Nghiên cứu còn cho thấy tự coi bản thân là trung tâm trong một năm sẽ cho thấy mức độ cô đơn trong năm tiếp theo dù tác động của sự tự coi bản thân là trung tâm với sự cô đơn không mạnh mẽ như tác động của sự cô đơn đối với sự tự coi mình là trung tâm của một cá nhân. Các chuyên gia khá ngạc nhiên khi phát hiện thấy tác động của sự tự coi mình là trung tâm đối với sự cô đơn vì họ vốn chưa từng có giả thiết này ngay lúc đầu.
Phát hiện này quan trọng vì “nó tiết lộ một yếu tố khác đóng góp vào sự phát triển hay sự duy trì của trạng thái cô đơn trong các tình huống đời thật”. Các chiến lược trong tương lai nhằm giúp đỡ những người cô đơn có thể sẽ hiệu quả hơn nếu họ tăng cường sự tập trung hay chú ý, quan tâm hơn đến các sở thích và niềm hạnh phúc của người khác - các chuyên gia cho biết, dù cũng cần thêm nghiên cứu để chứng minh ý tưởng này.
Ngoài ra, các nghiên cứu tiếp theo sẽ giúp làm rõ mất bao lâu để cảm giác cô đơn bắt đầu ảnh hưởng đến các cảm giác của sự tự coi bản thân là trung tâm và các tương tác xã hội giúp ích thế nào cho mối quan hệ giữa cô đơn và tự coi bản thân là trung tâm.
Đức Hòa
(theo Live Science)