Điều học được

GN - Học là điều rất quan trọng và cần thiết. Học góp phần đưa đến thành công và hạnh phúc trong cuộc sống. Từ khi xuất gia, nhờ sự dạy dỗ của thầy tổ và học tập Phật pháp từ các vị thiện tri thức, tôi đã có được nhiều điều bổ ích, đem lại lợi lạc cho hiện tại và mai sau.

nguoixuatgia 2.jpg


Ảnh minh họa

Tôi học được rằng thọ nhận nhiều thì trả nợ nhiều. Người ta thường nói “cái gì cũng có cái giá của nó, không có gì là miễn phí cả”. Điều đó theo tôi là rất đúng, rất chính xác. Ví dụ như những người ăn nhiều thì sẽ có sức mạnh hơn những người ăn ít nhưng lại mau già và chết sớm hơn. Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó một tài liệu khoa học phân tích rằng khi ta ăn nhiều thì các cơ quan trong cơ thể ta như bao tử, ruột, gan… phải hoạt động nhiều hơn để xử lý những thức ăn đó. Do làm việc nhiều nên chúng mệt nhiều, mau suy yếu và từ đó mà sinh ra bệnh tật, rồi già chết. Theo luật nhân quả nghiệp báo, gieo nhân gì thì phải gặt quả đó, dù chỉ gieo trong ý nghĩ. Cho nên mắc nợ thì phải có ngày trả nợ, không sớm thì muộn, không bằng cách này thì bằng cách khác. Không có gì chỉ có đi mà không có lại.

Mắc nợ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là lấy của người khác mà không có sự đồng ý của họ, hoặc họ bị ép phải đồng ý, như dùng quyền lực để lấy, lừa gạt để lấy, dụ dỗ để lấy, lén lấy, cướp lấy… Nợ ít thì trả bằng sức lao động, còn nợ nhiều thì có khi phải đem xương thịt mình ra để trả. Kinh điển ghi lại một số trường hợp người tu thọ nhận của tín thí nhiều quá, kiếp sau phải tái sinh làm con vật trong nhà thí chủ để trả nợ.

Khi mới xuất gia, thầy tôi dạy phải tiêu xài tối thiểu để kiệm phước. Đừng ham được cúng dường nhiều, vì nhận nhiều mà tu không ra gì thì mắc nợ nhiều, kiếp sau mang lông đội sừng trả nợ. Không chỉ người tu mà bất cứ ai cũng vậy. Tôi nghe những quan chức tham nhũng hay hối lộ hàng trăm tỷ mà lo cho họ. Tiền nhà nước thì cũng chẳng khác với tiền chùa, tức là của nhiều người đóng góp vào. Lấy tiền đó mà tiêu xài cho cá nhân thì nợ lớn biết bao, trả đến bao giờ cho hết? Nên nhớ rằng thân người dễ mất mà khó được. Đã được thân người thì cố gắng giữ gìn, đừng vì một chút lợi ích ở cõi đời ngắn ngủi này mà tạo ác nghiệp. Nếu một phen đánh mất thân người thì muôn kiếp trầm luân nơi ba đường ác, thật rất không đáng.

Tôi học được rằng ham muốn ít thì khổ ít, ham muốn nhiều thì khổ nhiều, không ham thì tu mới có kết quả. Khi ta muốn có tiền thì ta phải tìm cách kiếm tiền, ham nhà thì phải tìm cách có nhà, ham đất thì tìm cách có đất, ham xe thì tìm cách có xe, ham địa vị, danh tiếng thì tìm cách có địa vị, danh tiếng. Để có được những thứ đó người ta rất cực khổ, cả về thể chất lẫn tinh thần, có khi phải chà đạp lên tình nghĩa, tình người, có khi phải luồn cúi, quỵ lụy, và có khi phải dùng những cách bất chính, tội lỗi.

Đối với người tu thì ham muốn là một trở ngại lớn trên đường đi đến giác ngộ. Nếu ta muốn có tiền thì ta phải liên hệ với thí chủ, phải kết thân với họ, phải xã giao để họ có cảm tình với mình thì họ mới cúng nhiều. Có khi ta còn phải buôn bán nữa để tăng thêm thu nhập. Biết rằng có tiền thì cũng là để xây dựng chùa, lo việc chùa thôi, nhưng quanh năm suốt tháng cứ chạy theo công việc như vậy thì còn thời giờ đâu mà tu. Đó là chưa kể những cảm xúc mừng giận buồn vui lo lắng khi làm những “Phật sự” đó. Đối với người tu, Phật sự quan trọng nhất chính là tu tập để đạt đến giác ngộ. Nếu không thì uổng công ở chùa lắm.

Dù là người tu hay người đời, hễ vay nợ thì phải trả. Người tu không chỉ cần sống sao cho không bị mắc nợ mà còn phải có lý tưởng. Có người nói người tu thời nay chỉ mong giữ được đạo hạnh là quý rồi chứ mong gì giác ngộ. Nói như vậy không phải không đúng nhưng nghe thật buồn. Biết làm sao được khi ngày nay người tu có quá nhiều việc phải làm. Dù sao cũng phải thời thời khắc khắc cảnh tỉnh mình, đừng chạy theo vật chất mà đánh mất bản chất của người tu. Đối với người đời thì “không công danh nát với cỏ cây”. Người tu phải khác, khi nào cũng sẵn sàng để mình nát với cỏ cây thì mới tu được.

Thích Trung Hữu/ Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.