Bài trên Báo Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật |
Diện kiến Thiền sư Pomnyun Sunim
Đó là một buổi chiều đầu tháng 4-2023. Duyên lành đưa tôi gặp và có cuộc trò chuyện với Hòa thượng Pomnyun Sunim - một vị thiền sư Hàn Quốc - khi ngài có chuyến thăm Việt Nam. Buổi chiều hôm ấy, 5-4, trong lịch trình khá dày của mình, thiền sư ưu ái dành buổi gặp gỡ một vài nhóm Phật tử trẻ.
Ban Tổ chức chuyến đi trước đó liên hệ với tôi. Chị Phương, một Phật tử được giao nhiệm vụ kết nối cho cuộc gặp bảo: “Được biết em làm báo, đặc biệt có thời gian dài làm ở báo Giác Ngộ nên chị muốn em có cuộc gặp, đối thoại với Thiền sư Pomnyun Sunim”. Tôi khá bất ngờ vì không nghĩ mình có duyên lành như vậy.
Người liên lạc hỏi tiếp: “Em biết Thiền sư Pomnyun Sunim chứ?”. Tôi trả lời, “Dạ có”.
“Thiền sư Pomnyun Sunim là người sáng lập và điều hành nhiều tổ chức từ thiện xã hội tại Hàn Quốc và thế giới như JTS - Join Together Society với sứ mệnh loại bỏ nghèo đói thông qua các viện trợ nhân đạo và phương thức phát triển bền vững; Good Friends - trung tâm hòa bình, nhân quyền dành cho người tị nạn; chương trình bảo vệ môi trường và phát triển bền vững EcoBuddha - phải không ạ?”, tôi nói.
Chị Phương tiếp: “Trong nhiều năm qua, thiền sư cũng làm việc gần gũi với Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB, trụ sở tại Thái Lan). Ngài quan tâm tới hoạt động từ thiện, nhất là bảo vệ môi trường. Chị nghe nói em cũng thích làm từ thiện và quan tâm tới môi trường, lại là Phật tử thuần thành”.
Sau một hồi từ chối - vì tôi thấy vai trò đại diện cho Phật tử trẻ chia sẻ về sinh hoạt người trẻ trong tinh thần ứng dụng Phật pháp vào đời sống hơi lớn với mình - cuối cùng tôi đã được chị Phương thuyết phục. Cuộc gặp diễn ra trong một tiếng đồng hồ, từ 2-3 giờ chiều. Tôi có mặt sớm hơn và nhìn nụ cười nhẹ nhàng, gần gũi của Thiền sư Pomnyun Sunim khi trò chuyện với các bạn trẻ. Thầy nói, thế giới hiện đại với đủ tiện nghi nhưng người trẻ bị áp lực vì lối sống thiếu chánh niệm, bị công nghệ làm chủ, mất tự do bởi mạng xã hội, game online và nhiều nhu cầu vật chất ngày càng cao của mình.
Thiền sư Pomnyun Sunim khuyên các bạn “ít muốn biết đủ”, dừng các nhu cầu hưởng thụ để chăm sóc tinh thần bằng thiền định. “Hãy dành thời gian ngồi yên, tận hưởng sự tĩnh lặng, chế tác năng lượng bình an bằng phương pháp mà Đức Phật đã dạy hơn 25 thế kỷ trước”, ngài nói.
Trong cuộc trò chuyện riêng với tôi, Hòa thượng chăm chú lắng nghe chia sẻ về sự tu học của Phật tử trẻ Việt Nam hiện nay, những chương trình hướng về giới trẻ của Phật giáo cũng như làn sóng “sống đạo trong công việc, trong gia đình, tình yêu” mà trí thức, người trẻ đã ứng dụng và có hạnh phúc, bình an.
Thiền sư Pomnyun Sunim nghe thật kỹ, mỉm cười, rồi tán thán sự tu học của Phật tử trẻ. Ngài cho biết, qua buổi chia sẻ này phần nào hiểu hơn về sinh hoạt của Phật tử Việt Nam.
Qua đó, Hòa thượng khuyến tấn người trẻ, Phật tử có duyên biết đạo, tinh tấn tu học, hành thiền, “sự bền bỉ và kiên định sẽ mang lại kết quả tốt”. Chứng minh cho điều này, thiền sư kể, hồi mới mở đạo tràng giảng pháp ở Hàn Quốc, có lúc chỉ có 2 người đến nghe, rồi sau đó “rơi rụng” một người. “Nhưng không sao, dẫu vậy tôi vẫn làm với niềm vui”, ngài nói. Theo Thiền sư Pomnyun Sunim, làm một việc cho miên mật thì mình sẽ gặt hái thành công, từ công việc đến mọi vấn đề khác của cuộc sống, kể cả việc tu. Nhà thiền gọi đó là tinh tấn.
Bài trên Báo Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật |
Thăm Làng Mai Thái Lan
Chuyến đi bất ngờ giữa tháng 6-2023. Tôi được một người bạn đang du học tại Thái Lan và người chị học chung với bạn đưa đến tu viện Vườn Ươm - Làng Mai Thái Lan, một trong những trung tâm do Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân khai mở. Hơn 10 năm hình thành, phát triển, nơi đây trở thành trung tâm tu học thu hút người trẻ.
Hôm tôi đến, tu viện không có khóa tu. Không khí ở Làng thật trong lành, mát mẻ. Nằm ở vùng núi và nhiều cây cối, có cả phượng và tre, khiến tu viện trở nên gần gũi như bất kỳ ngôi chùa nào ở Việt Nam. May mắn của tôi và những người bạn là khi vừa tới Làng, cũng đúng lúc kẻng ngọ trai của quý thầy cô, Phật tử.
Tôi và mọi người được một Sư cô hướng dẫn hòa vào dòng người thực hành “ăn cơm trong chánh niệm”. Bạn tôi và chị bạn người Thái lần đầu trải nghiệm, hơi lọng cọng nhưng cả hai đều cảm thấy thích thú. “Cả hội trường hàng chục người ăn cơm mà im lặng được, thật là một điều kỳ diệu, khó tả”, Pangie, nghiên cứu sinh Đại học Kỹ thuật Suranaree (Thái Lan) - bạn của bạn tôi nhận xét. Rất vui, vì sau bữa ăn, một Sư cô người Thái nói được cả ba ngôn ngữ (Thái, Việt, Anh) dành thời gian trò chuyện với chúng tôi.
Cô cho biết, lúc đầu đến với Làng, cô cũng đến với tâm thế tò mò. Khóa tu đầu tiên cách đây năm năm đã cho cô tìm thấy chính mình, chạm tay vào hạnh phúc “tuyệt vời” mà trước đây chưa bao giờ cảm nhận được. “Ở đây, toàn quý thầy, quý sư cô trẻ có trình độ thế học đi tu. Chúng tôi chế tác hạnh phúc và cùng nhau giúp những người trẻ khác tìm thấy niềm vui”, vị Sư cô nói.
Pangie nghe xong đã “wow” lên và cho biết, sẽ tìm hiểu thêm về “Thich Nhat Hanh” cùng “Lang Mai”, nhất là khi chị cảm nhận được sự bình an, nhẹ nhàng từ nụ cười của Sư cô người Thái.
Tôi lắng nghe cô thuyết minh, nhìn nụ cười của hai người bạn đi cùng cũng đã thấy lời đề nghị “đưa mình đi Làng Mai” thật không uổng phí. Ở Làng dẫu chỉ một ngày, tôi cũng kịp quán niệm và thấy từng bước chân của Thầy - Thiền sư Nhất Hạnh cùng Tăng thân đã bước đi và để lại những đóa sen thơm, gieo mầm tỉnh thức cho cuộc đời. Những dấu chân của bậc tỉnh giác ở đâu cũng đều khiến nơi ấy bình an. Mình thật may mắn khi biết được, có duyên gặp, có dịp đến với những nơi mà ở đó, năng lượng an vui đã, đang kiến tạo mỗi ngày, tiếp nối xuyên suốt.
*
Gặp những người, những nơi an lành, tỉnh thức cũng là một dịp sách tấn mình, giúp mình lắng lại, vững chãi đi trên con đường sáng mà mình đã chọn...