"Nhu cầu tâm linh là nguồn sống thiết yếu"

Thượng tọa Thích Tâm Thiện trong một lần đến bệnh viện trợ niệm cho người cận tử lúc dịch Covid-19 đang hoành hành ở nước Mỹ
Thượng tọa Thích Tâm Thiện trong một lần đến bệnh viện trợ niệm cho người cận tử lúc dịch Covid-19 đang hoành hành ở nước Mỹ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong những ngày nước Mỹ trở thành tâm điểm truyền thông của thế giới với hàng trăm ngàn ca nhiễm Covid-19, và hàng ngàn người bệnh tử vong, chúng tôi đã liên lạc với một số chư Tăng, Phật tử để thăm hỏi và chia sẻ thông tin trong đạo tình.

Lúc đó, việc liên lạc với Thượng tọa Thích Tâm Thiện, Tiến sĩ Triết học, tu viện trưởng sáng lập tu viện Thượng Hạnh ở Texas rất khó khăn, vì được biết thầy đang đi vào các bệnh viện để trợ duyên, hoặc hộ niệm người vừa qua đời với bộ đồ bảo hộ đặc thù bên ngoài chiếc hậu vàng của người tu. Thuyết phục mãi, thầy mới dành thời gian cho câu chuyện sau đây đăng trên Báo Giác Ngộ số Vu lan.

* Thầy có thể cho biết vài thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hoa Kỳ, nơi địa phương Thầy đang hành đạo?

- So với mấy tháng trước đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Hoa Kỳ đã có phần thuyên giảm nhiều, dù có những biến chủng mới. Tại trụ xứ của chúng tôi ở Texas, cũng như hầu hết các tiểu bang khác, người dân đã trở lại sinh hoạt bình thường. Bây giờ, các sân bay đông đúc hơn cả ngày trước. Bên trong sân bay mọi người đều đeo khẩu trang. Còn ở các nơi khác, mọi người sinh hoạt rất bình thường. Tuy vậy, dường như có sự thay đổi trong cách sống và cách suy nghĩ sau đại dịch. Với một số người, cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, đi du lịch nhiều hơn; nhưng với một số khác, thì cuộc sống có vẻ vội vã hơn.

Thiết kế bài viết trên giai phẩm Báo Giác Ngộ Vu lan 2021

Thiết kế bài viết trên giai phẩm Báo Giác Ngộ Vu lan 2021

* Dịch bệnh Covid-19 được xem là một biến cố thế kỷ của nhân loại, ảnh hưởng toàn cầu. Với Thầy, Thầy có suy nghĩ gì về nó?

- Tôi nghĩ ở mỗi thời điểm khác nhau đều có những hoạ phúc khác nhau, theo chu kỳ sinh diệt. Tất cả đều là biểu hiện của nghiệp cá thể (biệt nghiệp) và cộng đồng (cộng nghiệp). Trong những biến cố như đại dịch này, thì mọi thứ đều thay đổi.

Người Phật tử nhờ hiểu rõ đạo lý nhân duyên tan hợp, vạn vật luôn trôi theo dòng chảy vô thường-biến dịch, nên dù trải qua hoạn nạn nhưng ít nhiều giữ được sự an bình trong nội tâm. Đó quả thật là nguồn động lực quý giá giúp chúng ta giữ vững sáng suốt, phát triển từ tâm, cùng nhau vượt qua đau khổ của đại dịch.

Ngược lại, thật là tội nghiệp cho những người không đủ sức chấp nhận sự thật vô thường này; họ cố ôm giữ cái đã mất, cố bám víu vào cái ảo tưởng thường còn, không biết phải đi về đâu giữa dòng nghiệp báo khổ hải ly tan này. Với những người kém may mắn như thế, từ chối sự thật cũng đau đớn như chấp nhận sự thật, nhưng nó sẽ kéo dài thêm khổ đau!

Tâm linh là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người

Tâm linh là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người

* Được biết, trước nhu cầu tâm linh của con người, đặc biệt là đồng bào Việt Nam sinh sống tại Mỹ, cần tới sự hướng dẫn của chư Tăng trong những thời khắc rất đặc biệt là cận tử. Được biết, Thầy là một trong những người đã dấn thân rất sớm trong trách nhiệm tinh thần này. Nhiều người trong số đó là bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 mà Thầy đã trợ duyên, an ủi, hộ niệm; đối diện với họ, Thầy nghĩ gì?

- Trong cao điểm của dịch bệnh tại Hoa Kỳ, chúng tôi cũng trở thành nhân viên tuyến đầu. Có những bệnh viện quá tải không thể cho ai vào ngoài bệnh nhân. Tuy nhiên, nhìn chung việc khai thị và hộ niệm cho người sắp mất được xem là thiết yếu. Vì vậy, hàng tu sĩ được phép thực hiện các nghi lễ cầu nguyện và hộ niệm cho các bệnh nhân trước hoặc sau khi họ qua đời. Trong mùa dịch chúng tôi vẫn đi bệnh viện hộ niệm khi có yêu cầu từ thân nhân, không kể ban ngày hay giữa đêm.

Có những Phật tử qua đời vì dịch bệnh. Khi vào hộ niệm, nhân viên y tế trước hết nói cho chúng tôi biết bệnh nhân là người bị nhiễm Covid-19, sau đó họ giúp chúng tôi mặc đồ bảo hộ, đeo tấm che mặt… rồi hướng dẫn vào phòng bệnh. Hầu hết các trường hợp chỉ có một tu sĩ và một thân nhân được vào hộ niệm. Không thể vào nhiều người cùng lúc.

Trực diện với người bệnh càng thấy rõ sự mong manh của đời người.

Những bệnh nhân may mắn còn nhận thức được thì chúng tôi thuyết về pháp Vô thường, hướng dẫn sám hối ba nghiệp, và quy y Tam bảo. Với tâm ý hướng về chư Phật, không bao lâu sau, họ ra đi trong sự an lành.

Có những bệnh nhân đã lâm vào nguy kịch, không còn nhận thức được, chúng tôi chỉ tụng kinh niệm Phật, rồi an ủi thân nhân, hướng dẫn họ tu tập để hồi hướng công đức cho người thân.

Trong những trường hợp cấp bách quá, chúng tôi phải khai thị và hộ niệm trực tuyến. Lúc bấy giờ không có phương tiện nào tối thắng hơn là sáu chữ: NAM-MÔ A DI ĐÀ PHẬT, rồi bốn chữ A DI ĐÀ PHẬT, rồi chỉ còn có hai chữ “MÔ PHẬT”. Vì người thọ bệnh không còn đủ sức lực để niệm hết Phật hiệu, chỉ cố nghĩ đến một chữ Phật.

Có khi tôi đã hộ niệm theo cách này trong vài giờ đồng hồ trước khi bệnh nhân qua đời.

Ảnh tác giả

Có thể nói, trong giai đoạn cận tử, nhu cầu tâm linh trở thành nguồn sống thiết yếu, là điểm tựa tinh thần mang ý nghĩa sống còn; mọi thứ khác, kể cả thân mạng của chính mình, đối với người sắp chết, đều trở thành mong manh sương khói, không phải là vật sở hữu của mình nữa. Vật ngoài thân không thể chữa lành nỗi khổ trong tâm hồn…

Thượng tọa Thích Tâm Thiện (Hoa Kỳ)

* Thầy nghĩ như thế nào về nhu cầu tâm linh và trách nhiệm của người Tăng sĩ Phật giáo trong thế giới hiện đại, như ở Hoa Kỳ chẳng hạn?

- Đối diện với cái chết, càng thấy rõ cái yếu đuối và bất lực của con người.

Tiếp xúc với những người sắp chết chúng tôi thấy rõ một điều: Những vị có hiểu Phật pháp, có tu tập công đức, vun trồng thiện nghiệp, thì họ sống với tinh thần vững chãi và họ ra đi trong thanh thản nhẹ nhàng. Niềm tin kiên cố đối với Tam bảo là sức mạnh tâm linh phi thường, giúp họ vượt qua nỗi đau của cái chết. Còn lại đa phần thì chết trong sự sợ hãi, đau đớn, mê man… Thấy tội nghiệp lắm!

Có những bệnh nhân trong bất giác với lấy chúng tôi khi chúng tôi khi đang đứng bên cạnh giường trợ niệm. Có thể nói, trong giai đoạn cận tử, nhu cầu tâm linh trở thành nguồn sống thiết yếu, là điểm tựa tinh thần mang ý nghĩa sống còn; mọi thứ khác, kể cả thân mạng của chính mình, đối với người sắp chết, đều trở thành mong manh sương khói, không phải là vật sở hữu của mình nữa. Vật ngoài thân không thể chữa lành nỗi khổ trong tâm hồn…

Mỗi lần hộ niệm cho người sắp chết, dù trẻ hay già, chúng tôi đều thầm mong ước rằng, họ được gặp Phật pháp sớm hơn, được nghe giáo pháp sớm hơn, để có thể đạt đến một trạng thái tâm buông xả nhẹ nhàng, bất kỳ lúc nào và ở đâu. Đừng chờ đợi đến khi lâm thời hoảng hốt phách tán hồn xiêu mới nghĩ đến hai chữ tâm linh.

Có lẽ đấy cũng là trách nhiệm thiêng liêng trong việc hoằng hóa độ sinh của người tu sĩ. Thật vậy, sự cứu độ lớn lao nhất đối với chúng sinh trong biển cả luân hồi chính là con đường đi đến giác ngộ, thấy rõ bản chất duyên sinh của cuộc sống vô thường, vô ngã. Có giác ngộ mới có thể giải thoát khổ đau dù sinh hay tử. Làm cho chúng sinh giác ngộ bằng tất cả phương tiện của bốn nhiếp-sáu độ luôn là Phật sự tha thiết của người con Phật. Nguyện cầu dịch bệnh tiêu trừ, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.