HỎI: Tôi được biết trong kháng chiến chống Pháp, có một nhà sư yêu nước, Đại đức Hạnh Tuệ, trước khi bị thực dân Pháp xử tử tại Côn Đảo đã chắp tay niệm “Nam mô Hồ Chí Minh Bồ tát”. Kính hỏi quý Báo, vì sao trước khi chết nhà sư này không niệm Phật mà niệm “
ĐÁP: Bạn N.Thường thân mến!
Khi đất nước đang oằn mình trong đau khổ bởi ách thống trị của ngoại bang thì việc bất khuất đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, không quản ngại gian khổ và hy sinh của bao thế hệ người dân Việt là những nghĩa cử cao cả mà tất cả chúng ta đều phải nghiêng mình, kính phục.
Lịch sử ghi nhận trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đã có không ít nhà sư đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Và rất nhiều người sau khi từ giã chốn thiền môn đã ra đi mãi mãi, hoặc may mắn trở về thì mang trên mình nhiều thương tích và nhuốm khói bụi sa trường nên nguyện xưa đành khép lại chờ duyên lành ở những kiếp sau. Ngoài ra, có một số nhà sư khác tuy không trực tiếp nhập ngũ tham gia kháng chiến nhưng đã tiếp tế, nuôi dưỡng và che giấu cán bộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Và tất nhiên những hành động yêu nước này luôn phải đối diện với hiểm nguy bởi sự bố ráp, bắt bớ và tàn sát dã man của kẻ thù.
Nhà sư Hạnh Tuệ tham gia cách mạng, bị bắt và đày ra Côn Đảo, sau đó bị thực dân xử tử, là chuyện đau thương nhưng rất bình thường vì giai đoạn lịch sử ấy có hàng ngàn hàng vạn chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi tham gia cách mạng, chắc chắn nhà sư Hạnh Tuệ ý thức rất rõ là “Dấn thân vô là phải chịu tù đày/Là gươm kề tận cổ, súng kề tai” (Tố Hữu) nhưng không hề nao núng hay sợ sệt.
Nhiệt huyết tuổi trẻ, tinh thần Bi-Trí-Dũng và lý tưởng Bồ tát của Phật giáo cùng với lòng yêu nước là động lực thúc đẩy sư Hạnh Tuệ tham gia cách mạng. Tiếc rằng Bi Dũng, nhiệt huyết thì có thừa nhưng có thể vì thiếu mưu trí và kém may mắn nên nhà sư trẻ đã sa vào tay quân thù và hy sinh vì tổ quốc. Trước họng súng quân thù tại pháp trường, nghe các đồng chí, những chiến sĩ tử tù đều bất khuất hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm” trước khi ngã xuống thì nhà sư Hạnh Tuệ, theo lời kể lại, ứng khẩu niệm “Nam mô Hồ Chí Minh Bồ tát” là điều mà chúng ta có thể đồng cảm được. Đây là một sự “sáng tạo” rất riêng, mang tính cá biệt của nhà sư-liệt sĩ này.
Theo giáo lý cận tử nghiệp thì những biểu hiện của nghiệp xảy ra trong giai đoạn cận tử ảnh hưởng sâu sắc và chi phối mạnh mẽ đến xu hướng tái sanh. Cho nên, trước lúc lâm chung Tăng tín đồ Phật giáo thường giữ tâm chánh niệm hoặc niệm danh hiệu Phật, Bồ tát để được chư Phật và Thánh chúng tiếp dẫn, vãng sanh Tây phương Cực lạc. Kinh điển Phật giáo xác định những trường hợp trước lúc lâm chung không chánh niệm như mê loạn, hốt hoảng, tham ái, phiền não… thì rất khó thành tựu vãng sanh hoặc sanh về cõi lành. Thiết nghĩ, những Đại lễ cầu siêu tại Côn Đảo trong thời gian gần đây như “Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cùng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức” sẽ trợ duyên tích cực cho các anh linh, hương hồn chiến sĩ sớm được vãng sanh.
Nhà sư Hạnh Tuệ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nên được tổ quốc ghi công, là một liệt sĩ chứ không phải là Thánh tử đạo. Theo Phật giáo, Thánh tử đạo là những Tăng Ni, Phật tử xả thân, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Phật pháp. Trong Pháp nạn (giai đoạn 1963), để bảo vệ đạo pháp trước chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, chư Tăng Ni tiêu biểu như: HT.Thích Quảng Đức, TT.Thích Tiêu Diêu, ĐĐ.Thích Nguyên Hương, SC.Thích Nữ Diệu Quang v.v… đã tự thiêu, quý ngài chính là những Thánh tử đạo Phật giáo.
Chúc bạn tinh tấn!