Khi con nói dối
Chị vẫn chưa quên được ngày đầu tiên khi phát hiện con nói dối. Đó là khi con đi chơi với bạn trai nhưng bảo là đi học ở trường, giờ ngoại khóa. Chị bất ngờ khi bạn thân của con tới tìm và vô tình nói ra sự thật, hôm nay chẳng có học hành hay ngoại khóa gì cả. Chị nghe xong, choáng váng và trong đầu đặt ra nhiều câu hỏi: Con mình đã đi đâu? Tại sao con lại hư đốn như vậy, dám nói dối mẹ? Đây là điều chưa bao giờ xảy ra với con…
Càng nghĩ, chị càng tức điên lên, nhưng rồi sau nửa tiếng, rồi một tiếng trôi qua, chị dần lắng xuống, để mình dịu lại và chị quyết định sẽ nói chuyện nghiêm túc với con… như hai người bạn. Kịch bản được đặt ra, chị sẽ chờ con về và hỏi con hôm nay đi ngoại khóa có vui không, rồi sau đó sẽ nói cho con biết là mình đã biết con nói dối. “Nhưng không sao, con hãy giải thích cho mẹ xem việc con nói dối lần này là vì sao, có hợp lý không?”, chị chọn một câu thoại trong tâm thái nhẹ nhàng.
Quả là không gì qua mắt được người lớn, cô bé đã “diễn” đúng như những gì chị dự đoán. Do đã có chuẩn bị trước nên chị cũng đã rất “nhập vai” khi nói với con câu thoại đã chuẩn bị. Cô bé con chị lúc đó 17 tuổi đã tái mặt khi biết mẹ đã “nắm thóp”, cứ nghĩ sẽ bị mẹ la mắng, thậm chí đánh cho một trận. Nhưng không, chính câu nói của mẹ đã khiến cô bé chùng xuống và nói thật trước khi xin lỗi mẹ mình.
“Con không dám nói thật việc đi chơi với người yêu là vì con sợ mẹ không cho phép con yêu khi còn đi học”, chị nhớ lại lời thố lộ của con. Và vẫn là theo kịch bản, chị nhỏ nhẹ: “Ngốc quá, lúc bằng tuổi con mẹ cũng đã… quen ba con. Con đã đến tuổi dậy thì, có cảm xúc yêu thương với ai đó là điều bình thường. Quan trọng là mình yêu như thế nào. Ngày đó, mẹ và ba yêu nhau nhưng vẫn học tốt, không để chuyện yêu chi phối, làm hỏng chuyện học. Và ba mẹ cũng giữ gìn cho nhau để không đi quá giới hạn khi bản thân chưa thể tự lo cho mình và tương lai còn dài phía trước”.
Lúc đó, cô bé nghe mẹ kể và đã vui vẻ mở lòng kể về mối tình học trò của mình cũng là mối tình đầu vừa chớm. Từ đó, hễ có nhất cử nhất động gì con cũng kể cho chị nghe về những gì đang diễn ra với người yêu - là bạn học cùng khối. “Bạn ấy cũng học giỏi lắm mẹ. Bọn con vẫn xác định bây giờ chuyện học là quan trọng nhất đó mẹ…”, con gái nói.
Khi mọi chuyện đã êm và ổn, việc quản con bằng tình thương và kỷ luật mềm đã giúp tình cảm của hai mẹ con càng khắng khít, mẹ hiểu con, con hiểu mẹ nên có thể nói với nhau mọi thứ một cách cởi mở. “Nếu ngày ấy tôi làm ầm lên có khi lại hỏng hết. Con sẽ cảm thấy bị tổn thương và sốc, rồi sẽ giấu mọi chuyện, khi đó mình càng xa con hơn, không thể giúp đỡ con mình trong những tình huống khó khăn, những va vấp tất yếu của tuổi mới lớn”, chị nói như rút ruột.
Xây dựng lối sống lành mạnh cho con
“Một trong những cách giúp trẻ có hướng đi sáng đẹp trong đời chính là xây dựng cho con nếp sống đẹp ngay từ nhỏ. Nếu bố mẹ là Phật tử, có thể hướng con tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, đi chùa, nghe giảng pháp… để con tiếp xúc với những hoạt động định hướng sống thiện lành. Những hạt mầm đầu tiên này sẽ làm nẩy nở trong trẻ những suy nghĩ, lời nói, lối sống có chất liệu tốt đẹp trong suốt quá trình trưởng thành.
Một điều khác là cha mẹ cũng cần sống nêu gương, cùng con làm những điều tích cực để con cảm thấy hạnh phúc. Thường xuyên trò chuyện cùng con, giúp con không “cô lập” trong ốc đảo của bản thân, từ đó sẻ chia với bố mẹ nhiều hơn thay vì tự tìm cách giải quyết vấn đề, đôi khi cách ấy là sai lầm nghiêm trọng”.
Thạc sĩ Tâm lý Võ Hồng Tâm
Phản ứng của phụ huynh
Tất nhiên, cũng có những phụ huynh quá nóng lòng khi phát hiện những lỗi nhỏ của con nên đã phản ứng gay gắt hoặc dùng hình phạt để răn đe. Thậm chí có phụ huynh còn… làm ầm trên mạng khi phát hiện con mình tiếp xúc với phim ảnh chưa đúng với lứa tuổi của mình như câu chuyện đang “nóng” trên diễn đàn bố mẹ - con cái những ngày tháng 3 này.
Dù đó là sự nóng lòng có thể lý giải được nhưng có thể từ đây, khoảng cách giữa con cái và bố mẹ sẽ xa cách thêm. Lắng nghe con, bố mẹ sẽ hiểu, tại sao con mình làm như vậy. Đâu đó có sự tò mò và hơn hết vì các con chưa có một kênh hay một người nào đáng tin cậy nói cho mình hiểu những thắc mắc về tình yêu, giới tính. Nhiều người vẫn còn giữ quan điểm nếu nói chuyện giới tính, tình yêu cho con là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thực ra, câu chuyện này đã nhận được nhiều lời khuyên của chuyên gia: đừng để hươu chạy quàng xiên, có khi còn hại hơn.
Rõ ràng, việc phụ huynh tá hỏa khi thấy con truy cập web “đen” là có thật, không phải đơn lẻ, xuất phát từ việc trẻ mù mờ trong những kiến thức thiết thân, liên quan đến chính lứa tuổi của mình. Câu chuyện của vị phụ huynh gây ồn ào mạng xã hội vừa rồi có lẽ cũng là lời nhắc lại (một lần nữa) việc nói với con những điều cần - phải - nên nói một cách thẳng thắn vẫn hay hơn để con mò mẫm trong hoang mang. Và sau đó, phụ huynh lại hoang mang vì không biết con mình đã… tìm tới đâu rồi trong thế giới thông tin, hình ảnh mênh mang, ngập tràn trên mạng ấy, những tác động nếu có của nó đến đâu.
Không né tránh
Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM, người thường xuyên lắng nghe câu chuyện tương tự của các bậc làm cha mẹ cho biết việc tò mò các vấn đề về giới tính, mối quan hệ nam nữ là nhu cầu tự nhiên, bản năng. Do vậy, theo Tiến sĩ Thúy, mỗi phụ huynh phải hiểu tâm lý của con và định hướng nhu cầu, giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy nói, cần phải chia sẻ những kiến thức giới tính một cách khoa học đến con, giúp con nhận diện được những vấn đề thuộc về mình để có ứng xử phù hợp, đúng đắn. Trong trường hợp, con cái “lỡ dại” tìm tới những trang web chưa lành mạnh thì không nên la mắng, đánh đập và càng không nên làm cho con cảm thấy xấu hổ. Đã có những đứa trẻ nghĩ quẩn vì những ứng xử không phù hợp của bố mẹ hoặc sẽ phản kháng lại, nghĩ rằng mình đã xấu rồi thì không có gì phải… giữ gìn nữa. Tác dụng ngược của sự trừng phạt khi trẻ sai là như vậy.