GN - Là “cha đẻ” của loại hình nghệ thuật Boarc - với sự kết hợp giữa vật liệu truyền thống từ cây tăm giang (chất liệu của dây gói bánh chưng) và công nghệ laser trên các tấm acrylic để tạo ra những mô hình, cái tên kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long không còn mấy xa lạ trong giới nghệ thuật.
Tác phẩm của anh không chỉ gây ấn tượng bởi sự độc, lạ, mà ẩn sâu trong đó là thông điệp mạnh mẽ về tình yêu thương, sự tiếp sức, âm hưởng rõ nét của nghệ thuật vị nhân sinh. Trước đó là mô hình “Hồi sinh” bằng tăm giang, vừa mới đây là dự án nghệ thuật “Vũ trụ Mandala”.
Giác Ngộ có cuộc trò chuyện cùng anh Hoàng Tuấn Long quanh những dự án nghệ thuật Phật giáo thiện nguyện của mình.
* Chào Hoàng Tuấn Long, anh có thể chia sẻ nhân duyên nào đã đưa anh đến với loại hình nghệ thuật Boarc và gắn liền các mô hình với Phật giáo?
- Gia đình tôi là Phật tử. Mẹ tôi là Phật tử thuần thành nên những tin tức thời sự liên quan đến chùa chiền, mẹ rất quan tâm. Khi tivi chiếu phóng sự chùa Một Cột ở Hà Nội xuống cấp, mẹ đã kể điều đó trong bữa cơm gia đình. Tôi phát tâm thực hiện mô hình về chùa Một Cột, muốn triển lãm nhiều nơi, để mọi người cùng chiêm ngưỡng ngôi chùa có kiến trúc đặc sắc của Việt Nam.
Bản thân là kiến trúc sư, tôi tìm tòi, nghiên cứu mô hình mới, chất liệu mới. Trong nhiều nhân duyên thì phát hiện cây tăm giang, chúng gần gũi với đời sống người Việt. Khi đưa cây tăm giang vào mô hình chùa Một Cột, tác phẩm đầu tay này của tôi được nhiều người yêu thích. Tác phẩm hiện đang được luân phiên trưng bày tại Mỹ. Tôi hoan hỷ vì nó đúng như ý nguyện của tôi.
Mô hình chùa Một Cột |
* Với dự án nghệ thuật “Vũ trụ Mandala” lần này, được biết anh dành tất cả tiền triển lãm được cho thiện nguyện. Vì đâu anh có ý tưởng này?
- Tác phẩm “Vũ trụ Mandala”, tôi thực hiện với hai lý do. Một là, tác phẩm có ý nghĩa gắn kết mọi người với nhau, 379 chữ trong bài chú Đại bi, mỗi người góp một chữ. Một chữ đó là tất cả tấm lòng, trong lúc thực hiện giúp chúng ta quán chiếu mình đã vượt qua năm 2021 nhiều mất mát, và gửi năng lượng tích cực lan tỏa, xoa dịu những đau thương, cầu nguyện điều tốt lành cho nhau trong năm 2022.
Thứ hai, qua triển lãm, tôi mong muốn có được một khoản tiền từ việc đấu giá tác phẩm, để giúp đỡ trẻ em mồ côi đang sống ở các ngôi chùa, các bé đang điều trị tại bệnh viện, sưởi ấm lòng nhau trong cuộc sống nhiều vô thường này.
Thật ra, dự án này tôi và mẹ tôi đã có kế hoạch thực hiện từ năm 2021. Trong đó, mẹ và ba sẽ là người làm chữ đầu tiên. Nhưng, những biến cố trong đại dịch ập đến, mẹ đã không qua khỏi. Bây giờ tôi thay mặt mẹ làm nốt dự án, và chia sẻ với các mảnh đời cần được nâng đỡ, đó cũng là tình thương mẹ dành cho mọi người.
Những mô hình vô cùng tinh xảo theo loại hình nghệ thuật Boarc |
* Anh tâm đắc nhất điều gì ở tác phẩm “Vũ trụ Mandala” lần này?
- Tôi thông báo về con số 379 chữ trong bài chú Đại bi và cần 379 bạn thực hiện. Chỉ trong vài ngày, mọi người đăng ký đủ. Khi xỏ những cây tăm giang vào khuôn chữ, ai cũng nhiếp tâm gửi niệm lành, điều đó khiến tôi xúc động.
Điều tôi tâm đắc nhất, có lẽ là ở tính bình đẳng. Với “Vũ trụ Mandala”, mỗi cá nhân đều có sự đóng góp giống nhau, không ai quan trọng hơn ai, người nào cũng làm phần quan trọng, giá trị như nhau.
Những mô hình được tạo nên sự kết nối bởi cộng đồng |
* Quá trình thực hiện tác phẩm đặc biệt này có gì khó khăn, thưa anh?
- Bản thân mình thấy không khó nhưng cần độ kiên trì. Tuy nhiên, khi đặt hết tâm mình vào thì mọi chuyện dễ dàng. Với các khâu càng cần độ tỉ mỉ, như: vẽ lại chữ trong bài chú Đại bi trên giấy, cắt và đục lỗ, định vị chữ lên khung; làm các họa tiết trung tâm và khuôn viền hình hoa sen, thì khi thực hiện càng giúp tôi kiên định, hạnh phúc hơn.
Điều tôi nhớ nhất khi thực hiện tác phẩm này, lúc thiết kế, không biết việc sắp xếp các mẫu tự bài chú Đại bi nên làm từ trong ra ngoài hay từ ngoài vô trong. Tôi chia sẻ điều này với thầy tôi. Thầy hỏi mục đích làm là gì, tôi trình bày về ý niệm muốn lan tỏa năng lượng tích cực của bài chú Đại bi, sự từ bi kết nối cộng đồng.
Thầy nói, nếu muốn đưa năng lượng đến cá nhân từng người thì làm từ ngoài vô trong; nếu làm từ trong ra ngoài thì ý nghĩa năng lượng lan tỏa nhiều người, mỗi người một niệm, tác phẩm sẽ lan tỏa nhiều năng lượng. Đó là lý do tác phẩm này, 379 chữ trong bài chú Đại bi được xếp từ trong ra ngoài.
Cùng chung tay cho tác phẩm "Vũ trụ Mandala" bằng tăm giang |
* Với anh, Phật giáo có ý nghĩa thế nào?
- Với tôi, mẹ tôi là hình ảnh gần gũi nhất của Phật giáo. Tính hiền từ của người Phật tử trong mẹ tôi, tình thương của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách trong tôi. Hơn hết là ý chí mạnh mẽ, mẹ dạy cho tôi những bài học quý giá trong cuộc đời, về thông điệp khi mình có ý nghĩ tích cực sẽ tìm được ý nghĩa tích cực trong mọi hoàn cảnh.
Mẹ mất trong đại dịch, là nỗi đau rất lớn với tôi. Thời điểm mẹ không qua khỏi, cũng là lúc bản thân tôi đối diện với sanh tử, đấu tranh chống lại Covid-19. Tôi đối thoại với chính mình: “Không được suy sụp. Suy sụp luôn không phải là ý mẹ muốn đâu, mẹ đang nhìn thấy, mẹ cổ vũ mình vượt qua”. Sau đó, tôi dùng hết thời gian để sáng tác, để không buồn và truyền động lực sống đến nhiều người hơn. Tác phẩm “Hồi sinh” bằng tăm giang của tôi ra đời cũng chính vì ý niệm đó.
Phật giáo hiện diện trong tôi rất nhẹ nhàng. Không gian làm việc của tôi là các tác phẩm Phật giáo và các bài nhạc thiền. Trong không gian đó, tôi cảm thấy mình vui vẻ với công việc, thư giãn và bình an. Không nghĩ tạp niệm, thân và tâm thanh lọc hơn, bình an hiện diện nhiều hơn.
* Anh có kế hoạch gì cho tương lai?
- Nếu hữu duyên, tôi mong thực hiện thêm những tác phẩm kết nối cộng đồng, kết nối tình thương, để mọi người cùng tham gia, để gieo cho nhau nhiều hơn những điều thiện lành.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!