GN - Trong cuộc sống, đố kỵ là chuyện thường tình ai cũng hiểu. Ganh ghét, hơn thua, cái bệnh ái thủ như một đặc tính cố hữu, có chủng tử sắp sẵn trong tâm con người. Khi cái hạnh phúc người khác có được mà mình không có, thì đó cũng là một nguyên nhân của đố kỵ dù biết rằng thật là vô cớ. Ta có thể hình dung như đứa bé tức tối giành sữa mẹ hay sự âu yếm của mẹ dành cho đứa khác.
Lòng đố kỵ khiến mình ăn không ngon ngủ không yên. Tâm đố kỵ khiến mình cảm thấy lẻ loi cô độc lấy lòng tiểu nhân đo bụng quân tử, mỗi ngày cứ phác họa một thủ đoạn nào đó để hòng dìm kẻ may mắn kia xuống.
Buông xả để lòng nhẹ nhàng, thảnh thơi - Ảnh minh họa
Đố kỵ là sản phẩm của lòng ghen tỵ, là đứa con của so bì tham chấp. Tâm đố kỵ xuất hiện khi có sự so sánh phân biệt tốt xấu hơn thua cao thấp giữa đối tượng này với đối tượng khác khi tiếp xúc với nhau cùng trên một lãnh vực, một môi trường sống. Nếu không có đố kỵ, có lẽ con người sẽ có cuộc sống yên bình hơn. Không có đố kỵ sẽ không có cảnh bè phái, tranh chấp, chia rẽ, vu khống và không có cảnh vua ghét bầy tôi giữa loạn quyền công thần - hãm hại công thần. Và, cũng vì đố kỵ mà sanh lòng hãm hại kẻ khác.
Nhà văn Honoré de Balzac (Pháp) từng nói: “Người có tính ganh tỵ, khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào”, và nhẹ nhàng hơn, “Càng phán xét nhiều thì càng yêu ít”. Cái cảm giác đố kỵ làm mình không bằng lòng với chính mình, hay phán xét soi mói về một đối tượng nào đó. Thay vì phải làm tốt hơn cái bị so sánh kia, ngược lại, làm cái bị so sánh kia biến mất khỏi trái đất, làm cho nó lỗi thời tụt hậu thua kém mình. Nguyên nhân dẫn đến sự đố kỵ là phân biệt. Phân biệt giai cấp, tài năng, tiền của, hạnh phúc, sắc đẹp, danh tiếng… thậm chí sức bền cho đến tài ăn nói giao tiếp, trình độ học vấn. Nói chung, tâm đố kỵ xuất hiện ở cả phạm trù vật chất đến tinh thần! Thật khó “vui cái vui của người” nên đành phải dối lòng “trong héo ngoài tươi”!
Tại sao Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao y bát cho Lục tổ Huệ Năng phải vào lúc nửa đêm? Phải chăng Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nhận biết sự đố kỵ sẽ xuất hiện trong lòng các đệ tử. Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Những hạt giống khổ đau trong ta có thể còn rất lớn, nhưng đừng đợi cho đến khi không còn khổ đau mới cho phép mình hạnh phúc”. Vì vậy nên “con người luôn gặp khó khăn trong việc buông bỏ đau khổ”.
Mang lòng đố kỵ là tự mang gông xích cho chính mình, và cũng chính mình phải tìm cách tháo gỡ. Rõ là khổ, cái khổ do tâm sinh ra, nó hết sức mâu thuẫn, giống như chuyện biết đời là khổ mà cứ muốn sống lâu trên cõi đời!
Thật ra mà nói, đố kỵ chẳng đem lợi ích lâu dài gì cho mình mà chỉ đem lại cái tâm bệnh, sự đau khổ đến mức căng thẳng trong sinh hoạt, thường xa lánh nghi kỵ kẻ khác và… tự cô lập “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua” (Nhớ rừng, Thế Lữ). Thế thôi!
Một góc nhìn nào đó, đố kỵ chỉ là sự phỉ báng, xem thường chính mình, trong khi đường đời đang dang tay rộng mở. Lòng khiêm tốn và bao dung cũng là Phật tánh trong mình mà mình không nhận ra. Lắm lúc tự nghĩ tiêu cực, dù có thấy cảnh “chướng tai gai mắt” thì sao không “lơ” đi để mà yên thân nếu mình là người chỉ biết mình, nói ra mang nặng cái “khẩu nghiệp”! Cứ nghĩ là chuyện không phải của mình, trời kêu ai nấy dạ hay phước đức mình chỉ ngần ấy thôi. Đổ thừa cho là số phận đi, quần áo dép giày còn có số kia mà! Cực chẳng đã hãy an ủi mình, tự tìm cách phấn đấu đi lên, kiên nhẫn…; nhẫn theo cách chiết tự chữ Hán (chữ Đao nằm trên chữ Tâm) mà cắt đứt đi phiền muộn.
Lắm lúc đem so sánh hình tướng, nó cũng mặt mũi chân tay số lượng như mình sao mình không giàu có sang trọng như nó kể cũng lạ! Đừng chê bai những người lam lũ một nắng hai sương, xe đạp mua ve chai lông vịt… vì họ phất nhà lầu hai ba tầng không biết lúc nào (như mấy ông bà người Tàu xưa vậy). Vậy đó, đáp án của đố kỵ là kết thúc bằng các từ ngữ: kiên nhẫn, can đảm, thực tế, tự trọng, thức thời, hiểu mình.
Vậy có thể, đố kỵ chia làm hai thái độ: tiêu cực và tích cực. Tiêu cực làm cho mình đánh mất mình, làm rạn nứt tình đoàn kết của tập thể, có tính tranh chấp đối đầu hơn thua… như ai đó đã nói: “Người chỉ biết sử dụng búa thì ắt có ngày nhận thấy sự việc toàn là những cái đinh”. Ngược lại, với thái độ tích cực, đố kỵ kia chỉ là một động cơ thúc đẩy bản thân trên con đường tự sửa lại mình, soi rọi lại mình để tiến bộ hơn và dư sức để hiểu “hoa hồng nào không gai, sự thành công nào cũng trả giá bởi bầm dập” mà ngay thẳng đàng hoàng phấn đấu vươn lên!
Trong một tập thể Phật tử hay đoàn thể thế tục cũng vậy. Sự đố kỵ tiêu cực là hàng rào kẽm gai ngăn cản sự đoàn kết gắn bó, giết dần sự bền vững tiến bộ của tổ chức. Nó giết chết sự tôn trọng lẫn nhau, phá vỡ tinh thần Lục hòa. Làm lãnh đạo chẳng ai vị nể (khẩu phục mà tâm không phục), làm nhân viên chẳng ai nhiệt tình (làm cho có). Cái khó ở đây là, thay vì mừng không hết, có lãnh đạo lại đem lòng đố kỵ với hàng nhân viên của mình vì chút sở trường kỹ năng nào đó. Thế thì, hồn ai nấy giữ, làm lành tránh dữ thôi! “Việc tôi, tôi làm - Lộc ông, ông lãnh”, chẳng qua vì “nồi cơm” thôi, thiết chi nghĩ đến chuyện ngồi chung ly trà bàn chuyện tương lai thế sự.
Và, trong một đơn vị Gia đình Phật tử thì thế nào? Có cần tranh “ghế” hay không? Biết bao nhiêu anh - chị được xếp cấp là huynh trưởng vẫn ngồi chơi xơi nước vì không được phân công nhiệm vụ. Tại sao? Anh - chị ấy không tin vào khả năng của mình hay là nạn nhân của sự đố kỵ? Có thể cho là vì nhiều lý do khách quan - chủ quan nào đó, ai biết được! Chưa kể có người muốn chứng tỏ mình cũng như ai, coi như xong “tâm nguyện” của mình rồi hững hờ với đơn vị… cũng phát xuất từ lòng đố kỵ “hắn được thì tui cũng được”.
Không nói đâu xa, có trường hợp trong gia đình anh em cố tình xa lánh, giàu nghèo, được thua phân biệt. Miệng không nói ra nhưng ánh mắt cũng nói lên hầu như tất cả, vì đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn mà!
Đừng sống với so sánh vì hiểu rõ cuộc sống không bao giờ công bằng, bản chất cuộc sống là đấu tranh sinh tồn. Công bằng chỉ là mục tiêu để mọi người luôn phấn đấu vươn tới. Lại, cuộc đua nào cũng phải có kết quả được thua thắng bại… không có kiểu huề vốn! Ông bà nói an ủi động viên “sông có khúc, người có lúc”, “ai giàu ba họ, ai khó ba đời!” là vậy đó. Và, chả lẽ ghét người láng giềng rồi lánh mặt miết, trong khi chỉ có một lối đi vào?
Chẳng gì phải sợ, chẳng gì phải mất. Can đảm nhìn ra chính mình mà phấn đấu vươn lên, từng bước từng bước đi đến thành công. Có chánh kiến, chánh lực, thành công là sự thật không ai chối cãi được. Lúc đó, chẳng ai hơn ai, lòng đố kỵ bay mất, (và cũng có thể thay thế vào đó là lòng kiêu căng, tự phụ vốn chẳng nên có nếu mình không biết mình là ai trong thế giới này).
Trịnh Công Sơn có câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” chỉ vì ông ấy nhận ra chữ “Đủ” (tri túc - tiện túc) và thầm nghĩ cảnh Ta-bà quá đổi vô thường nên “để gió cuốn đi…”. Vậy thì, hãy sống hỷ xả đi, thong dong đi, dẹp tan lòng đố kỵ căm ghét hơn thua, cười thật tươi vì mừng cho ai ai cũng may mắn để tránh khỏi cảnh huynh đệ tương tàn, tình thân mất mát, đồng tâm hiệp lực xây dựng mái nhà chung.