Với mong muốn giúp cho đồng bào có thể hiểu hơn về ý nghĩa nội dung của đại lễ lần này, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ.
Nhân duyên của việc tổ chức Đại lễ
Chia sẻ về những nhân duyên đưa đến việc Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM quyết định tổ chức Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong, lực lượng tuyến đầu chống dịch hy sinh trong đại dịch Covid-19, Hòa thượng cho biết:
- Vào tháng 3 âm lịch năm nay, Hòa thượng Quyền Pháp chủ có gọi tôi sang nói chuyện và bày tỏ tôn ý về sự cần thiết tổ chức một lễ kỳ siêu cho đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng y tế hy sinh trong đại dịch Covid-19. Hòa thượng cũng có nhắc lại rằng trước đây, Phật giáo đã tổ chức lễ kỳ siêu, thành phố cũng tổ chức lễ tưởng niệm, tuy nhiên, trong thời gian diễn ra các chương trình đó, dịch bệnh chưa kiểm soát một cách hoàn toàn nên mọi việc vẫn chưa thể hiện hết được ý nguyện của mọi người.
Năm nay, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh, với sự đồng tâm của chư Tăng Ni thành phố, chính quyền cũng như tâm nguyện của đồng bào, Ban Trị sự Phật giáo thành phố đã họp và thống nhất nên tổ chức một Đại lễ mang tính chất thuần túy nghi lễ Phật giáo, trong đó thời gian diễn ra rộng rãi hơn để Tăng Ni, Phật tử, bà con các nơi cùng về tu tập, cầu nguyện.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM |
* Tại sao Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM lựa chọn tổ chức Đại lễ kỳ siêu trong thời điểm này và điều đó có ý nghĩa như thế nào về mặt tinh thần, thưa Hòa thượng?
- Như tôi đã đề cập, ý định tổ chức lễ đã được Hòa thượng Quyền Pháp chủ chỉ dạy từ tháng 3 năm nay, tuy nhiên, thời điểm đó đúng vào lúc Ban Trị sự đang chuẩn bị cho lễ Phật đản và tiếp đến là Đại hội đại biểu Phật giáo thành phố lần thứ X, rồi an cư kiết hạ, cho nên việc tổ chức mới tạm dời đến tháng 7 âm lịch. Đó chính là nhân duyên để đưa đến việc tổ chức Đại lễ kỳ siêu diễn ra từ ngày 21 đến 23-7 âm lịch. Đồng thời, nếu nói về nhân và duyên đưa đến đại lễ còn nằm ở việc ủng hộ của các cấp chính quyền, sự đồng tình của Phật giáo TP.Thủ Đức và 21 quận huyện để cùng thực hiện pháp sự.
Đại lễ kỳ siêu lần này diễn ra trong không khí của mùa Vu lan, cũng đúng với tinh thần Thông bạch của Trung ương Giáo hội hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động tùy theo tình hình thực tế để thể hiện tình người, tinh thần tri ân và báo ân.
Thực sự mà nói, hiện tại thành phố nói riêng cũng như trên toàn quốc đã kiểm soát được dịch bệnh, người dân cũng đã có tiêm ngừa đầy đủ, nên tất cả phần nào rất yên tâm. Tính từ thời điểm khi đại dịch bùng phát đợt thứ 4 mà TP.HCM là nơi chịu ảnh hưởng và mất mát lớn nhất đến nay đã tròn 1 năm, nói theo ngôn ngữ dân gian là “giỗ đầu” hay “tiểu tường”. Việc tổ chức Đại lễ kỳ siêu ở thời điểm này thể hiện mong muốn xoa dịu phần nào nỗi buồn thương vẫn còn âm ỉ nơi những người có thân nhân qua đời trong đại dịch.
Việc tổ chức trai đàn nhằm mượn sự hiển lý, đây là cơ hội để mọi người ngồi lại với nhau cùng quán chiếu, tu tập trong mùa Vu lan. Và tôi tin rằng, chỉ có sự tu tập mới có thể hóa giải được những buồn đau còn day dứt trong các gia đình, trong cuộc đời của nhiều người.
Nội dung của sự kiện đặc biệt này
* Đại lễ kỳ siêu đồng bào tử vong, lực lượng tuyến đầu hy sinh trong đại dịch Covid-19 có những nội dung nào đáng chú ý, thưa Hòa thượng?
- Điều đặc biệt nhất mà chúng tôi muốn nói đến là sự hưởng ứng đồng bộ của các giới, từ lãnh đạo chính quyền, Tăng Ni, Phật tử cho đến đồng bào. Nhà Phật có câu “dị khẩu đồng âm”, tức tuy khác miệng nhưng chung lời, khác thân nhưng cùng ý. Trong Đại lễ kỳ siêu, chúng ta có phần cung thỉnh hương linh từ các quận huyện và TP.Thủ Đức, các khóa lễ theo truyền thống riêng của từng hệ phái.
Đồng thời, việc tổ chức lễ kỳ siêu không chỉ do Ban Nghi lễ phụ trách mà còn có sự tham gia của tất cả các ban chuyên môn; chư tôn đức Ban Trị sự các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng phụ trách các thời tụng kinh cầu nguyện trong đại lễ. Trước các thời kinh có pháp thoại của quý tôn đức từ các Ban Hoằng pháp, Văn hóa, Giáo dục Phật giáo,…
Việc tất cả cùng ngồi lại để tổ chức theo khả năng chuyên môn của mình nhưng cùng nhất quán trong tinh thần tri ân, đó có thể coi là điểm đặc biệt nhất của Đại lễ kỳ siêu sắp tới.
* Bên cạnh các khóa lễ tâm linh, được biết trong khuôn khổ Đại lễ kỳ siêu còn có phần dựng và an vị bia tại Việt Nam Quốc Tự tưởng niệm các hương linh đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19, xin Hòa thượng nói rõ hơn về ý hướng của công trình này.
- Việc tạo lập công trình bia tưởng niệm là một nhân duyên đặc biệt, có thể nói là sự cảm ứng. Khi tôi và quý thầy trong Ban Trị sự ngồi lại với nhau cùng trao đổi về công tác tổ chức, nghĩ rằng trong đại trai đàn lần này, chúng ta có sự cung thỉnh hương linh từ tất cả các bệnh viện dã chiến về phó hội tại Việt Nam Quốc Tự cũng cần có một chỗ để họ nương vào.
Từ ý hướng đó, tôi có thỉnh ý Hòa thượng Quyền Pháp chủ, cũng là vị Chứng minh Đạo sư của Phật giáo thành phố. Khi nghe qua, Hòa thượng rất hoan hỷ. Vì vậy, Ban Trị sự đi đến quyết định dựng một bia đá trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự để ghi dấu nỗi đau thương của những người nằm xuống, nhắc nhở người còn sống, đặc biệt là thế hệ trẻ phải nhớ ơn những người đã hy sinh vì sự nghiệp chung.
Ý nghĩa của tên gọi Đại lễ
* Xin Hòa thượng giải thích rõ hơn về tên gọi “Hộ quốc nhân vương thủy lục phổ độ đại trai thắng hội đạo tràng” của Đại lễ kỳ siêu?
- Cụm từ “Hộ quốc nhân vương” lấy từ tên của bản kinh Hộ quốc nhân vương Bát-nhã Ba-la-mật. Nội dung kinh này do Đức Phật thuyết pháp cho vua Ba-tư-nặc về việc dùng trí tuệ Bát-nhã để giúp cho nhà vua, các quan nhân thấy rõ thực tướng của các pháp. Phần nhiều, chúng ta chỉ dừng lại ở việc thấy qua âm thanh, sắc tướng, vì vậy chúng ta hay bị các ảo tưởng lôi kéo, không thấy được thực tướng của các pháp vốn dĩ không có sanh nên cũng không có diệt. Sanh diệt là đứng về hiện tượng chứ về thể tính không có sanh diệt.
Dưới cái nhìn của thiền, chúng ta thấy được con người không bắt đầu ở trong hình hài này, và chấm hết dưới lòng đất mà vẫn triền miên, bàng bạc theo thời gian, không bị thác loạn của cảm giác nên không tàn tạ vì thời gian. Đó là cái nhìn từ tuệ giác của Phật, của đệ nhất nghĩa đế, đứng về bản thể vắng lặng của thể tính mà thấy ở thế giới hiện tượng của sự thật tương đối, rằng nếu mình còn tạo tác, còn gây nghiệp thì vẫn còn phải luân chuyển. Cho nên con người không nguyên vị ở nơi con người, con người vẫn tồn tại nơi tâm biến và tùy theo nghiệp luân chuyển mà thăng trầm. Sự tụ tập là nhân duyên, ly tán cũng là nhân duyên, thấy được như vậy, mình thoát khỏi những khổ đau khi nhìn thấy sự vật ly tán.
Nếu nhìn theo lý trùng trùng duyên khởi của Phật giáo thì mọi thứ không mất đi đâu, mà chỉ theo nghiệp chuyển biến. Thấy như vậy để khởi lên lý tưởng tu tập, từ đó giúp lòng người được yên. Dù vì kiếp nạn, nghiệp quả như thế nào mà gặp những hiện tượng, khổ đau như đại dịch vừa qua, nhưng nếu có tuệ giác, chúng ta sẽ không phải quá ảo não, buồn khổ. Khi mình có bình yên mới có thể giúp cho mọi người bình yên. Vua chúa, quan nhân nếu dùng tuệ giác của Phật quán chiếu để thấy được sinh diệt biến đổi chẳng qua tùy nghiệp mà luân chuyển, tự nhiên họ sẽ có bình yên. Và nếu mọi người cùng biết tu tập sẽ hiến tặng sự bình yên cho đất nước. Đó là tinh thần “Hộ quốc nhân vương”.
“Thủy lục phổ độ” tức nội dung trai đàn không dừng lại ở một vùng, miền nào mà từ “thủy lục phi không”, tất cả các chúng hữu tình nếu còn bị nghiệp lực luân chuyển trong thế giới khổ đau đều được nương về pháp hội này, để hiểu lời Phật dạy và từ đó hóa giải khổ đau. Ở đây, mặc dù nói là kỳ siêu các hương linh khổ đau do sự hoành hành của dịch khí năm vừa rồi, nhưng song song với những đối tượng đó, thì sự cầu nguyện còn dành chung cho tất cả. Thật ra chữ đồng bào đã bao gồm tất cả, trong đó có thể kể cả tu sĩ, tín đồ Phật giáo và cả những tôn giáo khác, những chiến sĩ, cán bộ,… hoặc ngay những người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chịu nạn tai do dịch bệnh. Tình thương của Phật rải đều đến tất cả chúng sinh, sự cầu nguyện cũng không có giới hạn riêng một chúng sinh nào.
Tham gia cầu nguyện như thế nào?
* Thưa Hòa thượng, đồng bào nói chung, thân nhân của các hương linh tử vong trong đại dịch nói riêng có thể tham gia cầu nguyện, ghi danh theo những phương cách nào?
- Như đã nói, pháp hội là bình đẳng, không phân chia dị biệt, bởi lòng từ bi của Phật là bình đẳng. Song song với việc kỳ siêu cho các hương linh do đại dịch thì sự cầu nguyện còn bình đẳng hướng đến tất cả các hương linh. Trong nội dung đại trai đàn tuy nhấn mạnh đến thân nhân của những người qua đời trong đại dịch Covid-19 nhưng cũng siêu độ chung nhân tiết tháng Bảy để nhắc nhở con người nhớ đến đạo lý “Ân nghĩa xin nguyện đền, phiền não xin nguyện đoạn”.
Ban Tổ chức cũng có tiếp nhận theo nhu cầu của những người muốn gởi danh sách kỳ siêu. Ngay từ ngày rằm tháng Bảy, tại khu vực tiếp lễ của Việt Nam Quốc Tự có thực hiện việc ghi danh kỳ siêu, đến nay danh sách cũng đã được rất nhiều. Đồng thời, chúng tôi cũng đã liên lạc với các cơ quan chức năng để xin tất cả danh sách đồng bào tử vong trong đại dịch vừa qua để cung thỉnh an vị nơi chánh đàn của pháp hội.
* Về phần khoa nghi của Đại lễ kỳ siêu lần này có những điểm đặc biệt nào, thưa Hòa thượng?
- Trong đại trai đàn lần này, chúng ta có tụng kinh Nhân vương Hộ quốc.
Về đàn chẩn tế, đa phần trước nay chỉ sử dụng Trung khoa. Nếu các vị nào có nghiên cứu về khoa nghi sẽ biết khoa chẩn tế ban đầu rất đơn giản, xuất phát từ bản kinh Cứu bạt Diệm khẩu ngạ quỷ Đà-la-ni do Tam tạng Pháp sư Kim Cang Trí Bất Không dịch từ thời Đường. Nội dung kinh nói về việc Đức Phật dạy ngài A-nan phương pháp để phổ tế, duyên khởi từ việc Bồ-tát Quán Thế Âm hóa hiện Diện Nhiên Đại sĩ.
Từ bản kinh này, ngài Kim Cang Trí soạn nên một khoa nghi thí thực chỉ bao gồm các ấn chú thuần Mật giáo. Về sau, đến đời Tống, văn hiển giáo được đưa vào, từ đó hình thành khoa Diệm khẩu, người Việt còn gọi là Đại khoa Du-già. Khoa nghi này có hai nội dung: ấn chú thuộc về mật, kệ và pháp ngữ thuộc về hiển. Hiển mật viên thông. Để sử dụng khoa này cần đến thời gian khá lâu, khoảng 5 tiếng trở đi. Các pháp hội không có thời gian nhiều, các Tổ mới phương tiện từ Đại khoa lược thành Du-già Trung khoa.
* Hòa thượng có thể giải thích rõ hơn về ý nghĩa của việc sử dụng các khoa nghi này…
- Nói thêm về nội dung của Đại khoa Du-già này. Trong vũ trụ quan cổ xưa của Phật giáo, trung điểm là núi Tu-di, chung quanh là 4 đại châu lớn gồm Nam Thiệm-bộ châu - tức cõi mà chúng ta đang sống, Bắc Câu-lô châu, Tây Ngưu hóa châu và Đông Thắng thần châu và các tiểu châu. Việc phổ thí cô hồn trong Đại khoa Du-già không chỉ giới hạn trong phạm vi của quốc độ này thôi mà còn phổ thí cô hồn, ngạ quỷ ở khắp các quốc độ khác.
Khi đăng đàn chẩn tế, vị gia trì sư thực hiện việc kiến lập các châu lục bằng quang minh chủng, tức những hạt gạo, rồi cung nghinh chư Phật, Thánh chúng quang lâm, triệu thỉnh pháp giới lục đạo có mặt. Nói cách khác, vị gia trì sư làm công việc thâu gọn cả vũ trụ quan vào trong hai đại bộ Mạn-đà-la là Thai tạng giới mạn-đà-la và Kim cang giới mạn-đà-la, được biểu hiện bằng hai bàn tay, một bên biểu hiện cho phúc, một bên biểu hiện cho trí. Mỗi sự vận chuyển của từng ngón tay được biểu hiện cho một độ như: bố thí độ, trì giới độ, nhẫn nhục độ, tinh tấn độ, thiền định độ,… Hai bàn tay tượng trưng cho mạn-đà-la tiêu biểu phước và trí, chuyển trên một mạn-đà-la đặt phía trước, như sự thu gọn thế giới lại, tượng trưng cho việc tất cả vũ trụ, vạn hữu nó từ tâm thức con người biểu hiện ra.
Địa ngục được hình thành từ nghiệp thức của chúng sanh. Muốn phá địa ngục giam hãm chúng sanh khổ đau tạo nên từ ba ác nghiệp thân, khẩu, ý, cũng phải dùng chính thiện nghiệp thân, khẩu, ý của chúng ta để phá bỏ. Khi làm như vậy, trên gọi là “Đại Phật tuyên dương”, tức nương vào nguyện lực của Phật, nhưng dưới để tác động cho mọi người trong pháp hội ấy cũng phải tu tập theo mình. Mỗi động tác, mỗi ý nghĩ, mỗi lời kinh của vị thầy gia trì đều có sự tác động đến hội chúng để khuyến tấn sự tu tập ba nghiệp nhằm phá bỏ địa ngục bằng chính ba nghiệp đó.
Có một kỷ niệm tôi cũng muốn nhắc lại, năm 2007, khi được giao phó trách nhiệm kiến lập Đại trai đàn Bình đẳng Chẩn tế do Thiền sư Thích Nhất Hạnh tổ chức, chúng tôi cũng có những băn khoăn nhất định. Thiền sư vốn giản dị nên hình thức tổ chức không biết sẽ đơn giản hay theo truyền thống xưa. Khi đến thỉnh ý Thiền sư, ngài dạy chúng tôi “anh em học sao thì cứ làm theo như vậy”, bởi theo ý ngài, một đất nước phong phú giàu có về văn hóa, tất cả thể hiện ở ngay chính những hình thức như thế.
Đồng thời, việc cúng kính phần nào xuất phát từ lòng biết ơn của con người, bày biện lễ nghi chu toàn là thể hiện nét văn hóa, sự phong phú của việc biết ơn mà tổ tiên đã trân trọng từ ngàn xưa.
* Trân trọng cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian chia sẻ.