Những cành nhỏ bắt đầu oằn mình giữ đóa hoa, đung đưa theo gió. Hoa cánh dày, nhụy vàng. Người ta xếp hải đường vào loại hữu sắc vô hương bởi tinh tế lắm mới cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ. Hoa không rơi theo từng cánh mà rụng nguyên đóa.
Trời Huế vào đông, mưa rả rích khiến đóa hoa như nặng hơn. Sáng sớm mùa đông, núi phả một màu sương đậm, ánh đèn điện ở gác chuông lọt qua ô hoa văn rọi vào cây hải đường. Một màu bàng bạc phủ lên những đóa hoa. Một màn sương chờn vờn. Cành lá như run rẩy, uốn cong. Cánh hoa ngưng đọng giọt hương. Hoa nặng trĩu. Một âm vang chuông khuya dao động, ngân dòng theo lớp lớp sương trắng. Một đóa hải đường rơi.
Trong bài thơ Lạc hoa, Thiền sư Viên Thành, người khai sơn chốn tổ Tra Am ở đất Thiền kinh Phú Xuân đã đặt mình vào tri giác phút giây hoa rụng:
“Kỷ độ tao nhân đới túy khan
Đông phong tạc dạ bất câm hàn
Thiên thanh lãn thính oanh đề thụ
Bán kính không lao điệp nhiễu hoàn
Giải ngữ giảo tương vô ngữ ổn
Ly chi dung dị luyến chi nan
Tàn hồng mạc nhạ xuân dung đạm
Tằng tác thiên hương sái bảo đàn”.
(Lược ước tùng sao)
Đẹp mắt người thơ bao độ say
Đêm qua gió lạnh kiếp lưu đày
Oanh ngao ngán chẳng quanh vườn hót
Bướm ngậm ngùi không mở lối bay
Biết nói, sao bằng im tiếng nhỉ
Dễ lìa, nhưng khó đậu cành thay
Hồng phai xuân lợt thôi đừng tiếc
Còn mãi hương trời cúng Phật đây!
(Vũ Hoàng Chương dịch) 1
Hoa rụng giữa mùa đông, trong lớp sương giăng. Cành cây uốn cong níu giữ mà hoa vẫn cứ rơi. Chim không tiếng hót, bướm không cánh bay. Hoa rụng buồn không ư? Khách trần bao độ buồn vui với cuộc đời nhưng với thiền sư, câu hỏi buồn vui không phải để tự vấn mà để tự ngộ. Hỏi với khách trần, khách trần chắc chắn sẽ thấy nỗi buồn của sự chia lìa, của sự thay đổi. Nhưng đã biết rồi thì câu hỏi không cần phải hỏi. Hỏi buồn vui trước sự đổi thay chi bằng thinh lặng. Bản chất của sự thay đổi là dễ dàng và sự níu giữ, chống lại sự thay đổi là một điều khó thực hiện. Nếu bám cảnh để buồn để vui thì khách trần sẽ một đời khổ đau.
Hoa rơi có buồn không? Khách trần bảo, buồn chứ! Nhưng ở đây chẳng có một câu hỏi nào cho khách trần, cũng chẳng có một khách trần nào trả lời câu hỏi. Ý niệm hoa rụng nâng lên một bậc. Thiền sư Mãn Giác đã từng thấy “xuân khứ bách hoa lạc” - xuân đi trăm hoa rụng. Hoa rụng là một điều tất yếu, là quy luật và khách trần buồn bã là một mô hình của mỹ cảm.
Tuy nhiên, với Thiền sư Viên Thành, dụng ý không phải để miêu tả tâm trạng buồn vui mà để khẳng định buồn vui không còn quan trọng. Thiền sư thinh lặng trước đổi thay cảnh trần: nở - rụng, rời bỏ - níu giữ, đông - xuân… Sự lặp lại của đất trời, sự tụ tán của vũ trụ cỏ cây là quy luật nên nỗi buồn không còn là điều mà thiền sư đề cập đến. Cảm xúc của thi nhân ở đây dường như là một sự hờ hững với tạo hóa, và hơn thế, đó là sự tri nhận đổi thay của đất trời đã đẩy sự hờ hững trở nên gần gũi và da diết. Khách trần tiếc nuối với dòng thời gian, còn thiền sư lại cảm nhận một mùi hương tự tại đã từng dâng hiến ở cõi Phật, ở chốn già-lam.
Trước biến chuyển của dòng thời gian, trước sự đổi thay của cuộc đời, trước sự đến đi của xuân, trước sự nở tàn của hoa, hầu như ai cũng ngậm ngùi, luyến tiếc. Một đóa hoa rơi trước cơn gió đông, khách trần buồn tiếc, con chim chẳng còn tha thiết hót, đến cánh bướm cũng thôi lượn lờ, chập chờn bên đóa hoa. Dường như sự ngưng đọng tang thương bao phủ. Muốn một lời tiếc thương nhưng nói không thỏa nên thà im lặng để không mất đi ý nghĩa trong tâm hồn.
Bản thân đóa hoa theo quy luật nở tàn mà không một lời nuối tiếc bởi hoa đã để giá trị cho đời. Hoa đã từng tồn tại với nhân thế, đã từng ngát hương cho đời thì phút giây ấy là phút giây vĩnh cửu. Cả bài thơ mang một ý vị tự tại, giải thoát. Bằng hồn thơ, bằng mỹ cảm của một thi nhân, ngôn từ xuyên suốt bài thơ là một dòng tâm thức, nâng tầm mỹ cảm thiền ngưng đọng thành những thanh âm của tự tại, vô thủy vô chung.
Vũ trụ vần xoay, tiết trời đông qua xuân đến, khách trần vẫn đắm chìm trong được mất, đến đi, nở tàn. Lòng trần mấy ai tắm gội được thanh âm của tự mình, biểu lộ một tâm thái tồn tại với sự đổi thay không vướng mắc. Riêng hồn thơ của thiền sư được chưng cất để đọng lại mỹ cảm của thời gian và không gian tuyệt diệu.
---
1 Nguyễn Văn Thoa (1972), Tra Am và sư Viên Thành, tr. 233.